Màu xanh trên “vành đai trắng”

Gio Linh

NHANDAN.VN... E-MAGAZINE

Huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) nằm ở bờ nam sông Bến Hải - vĩ tuyến 17, nơi từng được mệnh danh là vùng đất “vành đai trắng trên hàng rào điện tử McNamara”, đã được phủ màu xanh bạt ngàn của những vườn hồ tiêu, cao su và những đồng ruộng phì nhiêu. Từ một vùng “đất chết”, sau hơn nửa thế kỷ khai phá và dựng xây, huyện Gio Linh đang bừng lên sức sống mới nhờ những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và nhà nước, cùng sự cần cù, sáng tạo và chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây.

Bí thư Tỉnh ủy cùng ra đồng cuốc đất vỡ hoang

Căn cứ Cồn Tiên xưa đầy rẫy đồn bốt của quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Căn cứ Cồn Tiên xưa đầy rẫy đồn bốt của quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

Căn cứ Dốc Miếu xưa - nơi từng được xem là “con mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara. (Ảnh tư liệu)

Căn cứ Dốc Miếu xưa - nơi từng được xem là “con mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara. (Ảnh tư liệu)

Rà phá bom mìn, vật nổ, từng bước làm sạch lòng đất. (Ảnh: SƠN BÁCH-THÀNH ĐẠT)

Rà phá bom mìn, vật nổ, từng bước làm sạch lòng đất. (Ảnh: SƠN BÁCH-THÀNH ĐẠT)

Nhằm ngăn chặn nguồn chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam, tháng 7/1966, quân đội Mỹ bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử McNamara kéo dọc theo địa bàn huyện Gio Linh đến vùng biên giới Lao Bảo. Đây là tuyến phòng ngự, ngăn chặn tổng hợp, sử dụng mọi sức mạnh quân sự, vũ khí, kỹ thuật hiện đại, kết hợp với hỏa lực và quân cơ động của quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Để xây dựng hàng rào, chỉ tính trong khoảng 25km chiều dài từ bờ biển xã Gio Hải đến các xã Gio An, Hải Thái với chiều rộng 500m, quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa đã tập trung xe cày ủi trên 1.000 nóc nhà, khoảng 2 vạn ngôi mộ. Cày ủi đến đâu, chúng rải quân đóng chốt và lập hàng rào đến đó với những cứ điểm phòng ngự nổi tiếng như Dốc Miếu, Cồn Tiên.

Chỉ tồn tại được 6 năm, đến ngày 1/4/1972, căn cứ Dốc Miếu, nơi được mệnh danh "con mắt thần" của hàng rào điện tử bị quân giải phóng chiếm lĩnh. Đó cũng là giờ cáo chung của số phận hàng rào điện tử McNamara.

Ngày 2/4/1972, huyện Gio Linh anh hùng được giải phóng, cả huyện vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, nhưng quê hương chỉ còn lại vùng đất trắng bị bom đạn của chiến tranh cày xới với mức độ thiệt hại vô cùng nặng nề; cây cối, màu xanh không còn; không một tấc đất nào không mang vết tích bom đạn.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, năm 1973, nhà thơ Tố Hữu có chuyến đi qua Quảng Trị trở về và viết bài thơ "Nước non ngàn dặm", trong đó có sáu câu thơ mô tả về Dốc Miếu:

"Anh về Quảng Trị... Gio Linh
Trèo lên Dốc Miếu, lặng nhìn Quán Ngang
Bời bời cỏ lút đồng hoang
Chim kêu cành cụt, chang chang nắng cồn
Tả tơi mấy ấp khu khu dồn
Mái tôn, rào kẽm, tháp đồn chơ vơ!"

Đến năm 1975, mặc dù huyện đã tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh được 3 năm nhưng nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang tàn, đổ nát, ruộng đồng hoang hóa. Hố bom, hố pháo, bom mìn, chất nổ la liệt khắp nơi đe dọa đến tính mạng con người.

Trước tình hình này, ngày 7/5/1975, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh ra Nghị quyết số 12 chỉ đạo toàn diện, trong đó nhấn mạnh sắp xếp lại dân cư, di dân lên vùng trung du, đẩy mạnh rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích đất sản xuất.

Ở miền tây, vùng trung du của huyện Gio Linh, ngoài các xã chiến khu cách mạng như Gio An, Gio Sơn, huyện Gio Linh tiếp nhận gần 15 nghìn người dân từ huyện Hải Lăng ra và ở các xã đồng bằng của huyện lên thành lập các xã kinh tế mới: Hải Trung, Hải Thái, Hải Bình, Gio Bình, Gio Hòa. Họ cùng nhau tạo nên một cộng đồng đoàn kết, từng bước khai hoang mở rộng diện tích đất để sản xuất, vượt qua khó khăn và cả những cái chết luôn rình rập vì bom đạn của chiến tranh còn sót lại, để tạo dựng cuộc sống.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh lần thứ V và các nghị quyết của Huyện ủy, các phong trào thi đua lao động sản xuất “biến đồng hoang thành ruộng lúa, biến đất đỏ thành nương tiêu, biến biển khơi thành cá, muối” được phát động mạnh mẽ. Nổi bật là phong trào khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích, rà phá bom mìn để làm sạch ruộng vườn. Toàn huyện bước vào trận chiến mới vô cùng gay go, ác liệt, không chỉ đổ mồ hôi, sức lực, mà còn nhiều xương máu để làm sống lại mảnh đất “trắng” từng bị cày xới với la liệt đạn bom.

Chiếc xe tăng của quân đội Mỹ bị bắn cháy trên hàng rào điện tử McNamara đang được lưu giữ tại Di tích hàng rào điện tử McNamara huyện Gio Linh.

Chiếc xe tăng của quân đội Mỹ bị bắn cháy trên hàng rào điện tử McNamara đang được lưu giữ tại Di tích hàng rào điện tử McNamara huyện Gio Linh.

Với phong trào khai hoang phục hóa, chỉ 6 tháng đầu năm 1976, đã có 24 người bị chết, 53 người bị thương do vướng phải bom mìn của chiến tranh còn sót lại trong lúc sản xuất.

Anh Trần Văn Hữu ở thôn Gia Bình, xã Gio An, năm nay 58 tuổi, nhớ lại, buổi sáng năm 1975 thấy cha vác cuốc đi làm đồng, đến trưa bà con đưa cha về trên chiếc võng đầy máu, thân hình không còn nguyên vẹn. Cha của anh qua đời do cuốc trúng quả mìn, phát nổ trong lúc vỡ đất.

Cũng tại làng Gia Bình, ông Nguyễn Văn Cứ cùng nhân dân đào đất, mở rộng đường giao thông, cuốc trúng quả đạn M79 phát nổ, qua đời sau cha anh Hữu không bao lâu.

Máu đổ nhưng lòng người không nản. Trong thời gian 1 năm, từ tháng 6/1975 đến 6/1976, nhân dân Gio Linh đóng góp 12 vạn ngày công, rà phá 15 vạn quả bom, mìn các loại, đưa tổng diện tích khai hoang phục hóa toàn huyện đến hơn 8.300ha đất.

Máu đổ nhưng lòng người không nản. Trong thời gian 1 năm, từ tháng 6/1975 đến tháng 6/1976, nhân dân Gio Linh đóng góp 12 vạn ngày công, rà phá 15 vạn quả bom, mìn các loại, đưa tổng diện tích khai hoang phục hóa toàn huyện đến hơn 8.300ha đất.

Để mở rộng diện tích, cũng như tạo thuận lợi cho việc thâm canh, tháng 1/1976, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh ra nghị quyết kiến thiết ruộng đồng được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Tại xã Trung Hải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản và lãnh đạo huyện Gio Linh ra đồng động viên nhân dân. Đồng chí Hồ Sỹ Thản đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở màn cho việc hiện thực hóa nghị quyết của địa phương. Các xã thi đua sản xuất mở rộng diện tích đất nông nghiệp, tạo ra những cánh đồng lúa rộng lớn Trung Hải, Trung Sơn; những cánh đồng cây màu bạt ngàn Gio An, Gio Sơn; những đồng tôm cá lần lượt xuất hiện các xã Gio Mai, Trung Giang…

Nhiều giống lúa mới từ miền bắc được đưa vào cấy thay dần giống lúa chiêm cũ, đưa năng suất lúa bình quân đầu người đạt hơn 14 tạ/ha. Riêng các xã Gio An, Gio Sơn, nhờ có hệ thống dẫn thủy cổ tưới tiêu nên năng suất lên đến 37 tạ/ha. Bình quân lương thực trên đầu người toàn huyện Gio Linh đạt 121kg/năm vào năm 1976, trong đó lúa chiếm 76kg.  

Nhiều giống lúa mới từ miền bắc được đưa vào cấy thay dần giống lúa chiêm cũ, đưa năng suất lúa bình quân đầu người đạt hơn 14 tạ/ha. Riêng các xã Gio An, Gio Sơn, nhờ có hệ thống dẫn thủy cổ tưới tiêu nên năng suất lên đến 37, 37 tạ/ha. Bình quân lương thực trên đầu người toàn huyện Gio Linh đạt 121kg/năm vào năm 1976, trong đó lúa chiếm 76kg.  

Cũng như các xã khác của huyện Gio Linh, tại xã kinh tế mới Hải Thái, người dân phải gồng mình trước mảnh đất đầy bom, mìn, đạn, pháo để cuốc đất, trồng khoai, chăn nuôi đắp đổi cuộc sống.

Anh Nguyễn Dư Anh, Chủ tịch Hội nông dân xã Hải Thái cho biết, thời gian đầu vận động người dân khai hoang rất vất vả vì họ sợ gặp phải bom mìn. Cán bộ xã không quản nguy hiểm rình rập, phải ngồi cùng máy cày, để người dân yên tâm sản xuất. Mọi người hưởng ứng mạnh mẽ chiến dịch của huyện Gio Linh đề ra: “Giải phóng Cồn Tiên, quét sạch Dốc Miếu”.

Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, phong trào trồng rừng được đẩy mạnh. Ủy ban nhân dân xã đã thành lập Ban Lâm nghiệp, phát động nhân dân trồng cây lâm nghiệp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Nhờ những chính sách kịp thời, nhân văn của tỉnh Quảng Trị và huyện, màu xanh dần dần trở lại trên đất Gio Linh. Cuộc sống của người dân từng bước sung túc hơn, xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi.

Việc trồng cây công nghiệp, trồng rừng đã tạo độ che phủ trên “vành đai trắng” Gio Linh hơn 50%.

Việc trồng cây công nghiệp, trồng rừng đã tạo độ che phủ trên “vành đai trắng” Gio Linh hơn 50%.

Thành công của mô hình kinh tế trang trại 

Các căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên xưa bây giờ trở thành di tích, thuộc địa phận xã Phong Bình và hai xã Gio An, Hải Thái. Khi chúng tôi có mặt ở di tích Dốc Miếu, Cồn Tiên, một màu xanh bạt ngàn phủ kín vùng đất một thời được mệnh danh là “vành đai trắng trên hàng rào điện tử McNamara”.

Ở thôn Tân Lịch, xã Phong Bình, 8ha hồ tiêu, cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Thành phủ xanh kín cả mảnh đất. Trang trại của anh nằm trên mảnh đất ngày xưa có hàng rào điện tử đi qua. Ngày khai hoang mảnh đất này, anh Thành cùng gia đình hơi rợn vì thấy 35 hố bom sâu hoắm, đầy vết tích chiến tranh, dù đất đã được các tổ chức rà phá bom mìn. Anh thuê máy ủi, san lấp mặt bằng, mang theo nỗi lo vô hình, biết đâu còn bom, mìn lẩn khuất đâu đó. “Nhưng không liều, thì làm gì đổi đời được trên đất này”, anh Thành cười, kể lại.

Để đa dạng hóa vùng trồng, năm 2004, anh Thành vay vốn, đầu tư trồng cao su, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Rồi sau vài cơn bão, cao su bị đổ gục, anh quyết định chuyển một phần diện tích trồng cây hồ tiêu.

Năm 2016, anh lại loay hoay một năm nghiên cứu thí điểm trồng hồ tiêu hữu cơ, xây dựng hệ thống điện, nước tưới trên các trụ bê-tông để cây hồ tiêu luôn được dưỡng ẩm.

Giờ đây, trên 8ha đất của mình, anh Thành có một nửa diện tích trồng hồ tiêu, cho thu hoạch ổn định, bán giá cao. Phía ngoài cổng vườn, anh Thành đang ươm vườn cây choái (trụ đỡ cho hồ tiêu leo). Một thời gian nữa khi choái lớn, anh sẽ trồng thêm tiêu để phủ xanh toàn bộ vùng đất 8ha.

“Phải đam mê mới khởi nghiệp được. Đất ở đây rất màu mỡ, quan trọng là mình tìm phương pháp làm, loại cây trồng hiệu quả nhất. Sau nhiều năm, tôi thấy trồng hồ tiêu phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng này. Cây hồ tiêu mang lại giá trị cao so với trồng các cây khác trên cùng diện tích đất. Năm nay giá tiêu lên tới 160-170 nghìn đồng/kg, ai trồng hồ tiêu cũng thắng lớn. Doanh thu từ gần 2ha hồ tiêu của tôi đã được 500 triệu”, anh Thành khoe.

Anh Nguyễn Văn Thành chăm sóc cho vườn tiêu của mình.

Anh Nguyễn Văn Thành chăm sóc cho vườn tiêu của mình.

Anh Nguyễn Văn Thành chăm sóc tỉ mẩn từng trụ tiêu.

Anh Nguyễn Văn Thành chăm sóc tỉ mẩn từng trụ tiêu.

Anh Nguyễn Văn Thành niềm nở chia sẻ thành quả lao động với khách tại vườn tiêu của nhà.

Anh Nguyễn Văn Thành niềm nở chia sẻ thành quả lao động với khách tại vườn tiêu của nhà.

“Phải đam mê mới khởi nghiệp được. Đất ở đây rất màu mỡ, quan trọng là mình tìm phương pháp làm, loại cây trồng hiệu quả nhất. Sau nhiều năm, tôi thấy trồng hồ tiêu phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng này. Cây hồ tiêu mang lại giá trị cao so với trồng các cây khác trên cùng diện tích đất. Năm nay giá tiêu lên tới 160-170 nghìn đồng/kg, ai trồng hồ tiêu cũng thắng lớn. Doanh thu từ gần 2ha hồ tiêu của tôi đã được 500 triệu”

(Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Tân Lịch, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, Quảng Trị)

Anh Nguyễn Văn Thành tỉ mẩn chăm sóc từng trụ tiêu.

Anh Nguyễn Văn Thành tỉ mẩn chăm sóc từng trụ tiêu.

Anh Phùng Ngọc Linh, thôn Tân Văn, xã Gio An thu hoạch mủ cao su.

Anh Phùng Ngọc Linh, thôn Tân Văn, xã Gio An thu hoạch mủ cao su.

Anh Phùng Ngọc Linh tại vườn cao su của gia đình.

Anh Phùng Ngọc Linh tại vườn cao su của gia đình.

Phía tây bắc của căn cứ Cồn Tiên xưa nay thuộc xã Gio An. Trên trang trại rộng 5ha, nằm ven hồ thủy lợi Hà Thượng, anh Phùng Ngọc Linh, thôn Tân Văn, xã Gio An bắt đầu lập nghiệp với trồng cao su từ 18 năm trước. Khi ấy, Linh mới 17 tuổi. Nhìn mảnh đất ông cha để lại, nhưng hoang tàn, cỏ mọc um tùm, anh nghĩ mình phải quyết tâm tìm cách làm giàu trên đất quê hương. Trước đó, bố mẹ Linh từng thất bại với trồng cao su do chưa được trang bị khoa học kỹ thuật trồng loại cây công nghiệp này.

“18 năm trước, mảnh đất này khô cằn, cỏ mọc um tùm cao đến 5m. Cả nhà 3 người lớn, mất thời gian một năm mới phát quang được bụi cây, san mặt bằng để trồng cao su”, Linh kể. Rồi anh vào tỉnh Bình Phước, mua giống cao su về. 2.500 cây đâm chồi, mỗi năm lớn lên được một khúc, để 7 năm sau, Linh thu hoạch được mẻ cao su đầu tiên. “Từ năm 2013, giá mủ cao su đang cao, tôi thu được mỗi ngày 2,5 tạ mủ, mỗi tạ lời 1,5 triệu đồng. Trung bình một ngày thu nhập 3-4 triệu đồng. Vất vả là vậy, cuối cùng cũng có thành quả, thấy công sức mình xứng đáng bỏ ra”, Linh cười.

Thu xếp lại những chiếc bát vừa hứng mủ được cạo đêm qua, Linh bảo bây giờ giá mủ cao su có thấp hơn, nhưng thu nhập của anh vẫn ổn định mỗi tháng 45 triệu đồng. Lứa cây này, còn có thể khai thác mủ trong 8 năm nữa. Sau đó, anh thanh lý, trồng lại lứa mới.

Cùng với hồ tiêu, cao su là cây công nghiệp chủ lực ở huyện Gio Linh.

Cùng với hồ tiêu, cao su là cây công nghiệp chủ lực ở huyện Gio Linh.

Ông Lê Biên Hòa ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn không chỉ là người tiên phong trồng rừng trên vùng gò đồi miền tây Gio Linh, mà còn là người trồng rừng FSC đầu tiên của Việt Nam. Năm 1997, huyện Gio Linh triển khai dự án trồng rừng Việt-Đức, gia đình ông Hòa được nhận 4ha rừng. Ông Hòa đặc biệt tuân thủ kỹ thuật trồng rừng nên cây trồng xuống liền bén rễ, đâm chồi, nảy lộc. Mấy tháng sau cả quả đồi có diện tích 4ha đất ấy đã lấp ló màu xanh của rừng non.

Mấy năm sau, ông Hòa lại xin xã Trung Sơn cấp thêm 10ha đất đồi, đầu tư vốn mua cây giống, phân bón, thuê nhân công trồng rừng cây keo. Ông Hòa khai thác rừng trồng bán thu về một khoản tiền gấp nhiều lần làm lúa. Công thức xóa đói giảm nghèo được ông Hòa định hình, xác lập đó là trồng rừng sản xuất.

Được sự giúp đỡ của tỉnh Quảng Trị, ông Hòa chuyển sang trồng rừng sản xuất theo tiêu chuẩn FSC. Ông Hòa phân tích, nếu trồng rừng bình thường, mỗi ha rừng từ 6 đến 7 năm tuổi chỉ bán được từ dưới 100 triệu đồng. Rừng trồng theo chứng chỉ FSC, mỗi ha bán với giá trên 200 triệu đồng, lời gấp đôi trồng rừng theo cách truyền thống.

Hiện xã Trung Sơn có gần 1.000ha rừng trồng, trong đó rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC có diện tích khá lớn. Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn Lê Thị Thu Hoài cho biết, để có được những đột phá phát triển trong kinh tế-xã hội, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Trung Sơn đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng bộ máy của hệ thống chính trị để có những quyết sách phù hợp, khơi dậy sự năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân.

Thành công của mô hình kinh tế trang trại ở Gio Linh không chỉ tạo ra nhiều triệu phú chân đất, mà còn khơi dậy phong trào lập nghiệp làm giàu ngay trên quê hương. 

Trồng cây cao su tiểu điền giúp nhiều gia đình ở Gio Linh làm giàu.

Trồng cây cao su tiểu điền giúp nhiều gia đình ở Gio Linh làm giàu.

Đứng trên đỉnh đồi Cồn Tiên, nhìn bao quát toàn huyện Gio Linh trong màu xanh no ấm, nhiều người cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất lịch sử trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, dù còn không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh luôn lạc quan vượt qua, để làm nên một cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả, tạo ra bước nhảy vọt về chất trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Đặc biệt với hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Gio Linh đã có những bước đi khá vững chắc, với nền kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa-dịch vụ, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều hơn, đời sống nhân dân ổn định, văn hóa-xã hội phát triển vượt bậc.

Năm 2023, năng suất lúa của huyện Gio Linh đạt 57,2 tạ/ha; bình quân lương thực trên đầu người của huyện đạt 642kg kg/năm, trong đó lúa hơn gần 500kg.  

Năm 2023, năng suất lúa của huyện Gio Linh đạt 57,2 tạ/ha; bình quân lương thực trên đầu người của huyện đạt 642kg kg/năm, trong đó lúa hơn gần 500kg.  

Đói nghèo, lạc hậu đã được đẩy lùi, nhường chỗ cho ấm no, hạnh phúc. Trên miệng hố bom ngày ấy, lúa đã xanh mướt, quả ngọt đã trĩu cành; trên hàng rào điện tử và đồn bốt của địch giờ bạt ngàn cao su, hồ tiêu tỏa bóng; những nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên...

- Ông Nguyễn Viết Nên, nguyên Bí thư Huyện ủy Gio Linh, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Trị -

Ông Nguyễn Viết Nên, nguyên Bí thư Huyện ủy Gio Linh, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Trị chia sẻ: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chiến tranh càng khốc liệt càng nung nấu ý chí, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và thắp sáng niềm tin, khát vọng vào cuộc sống mới sau ngày thống nhất nước nhà của nhân dân huyện Gio Linh. Trên bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát, với dày đặc hố bom, hố pháo, vật liệu chiến tranh, với “bời bời cỏ lút đồng hoang”, Đảng bộ và Nhân dân Gio Linh lại siết chặt tay nhau, xây dựng và tái thiết quê hương. Máu và mồ hôi của đồng bào, chiến sĩ lại tiếp tục thấm vào lòng đất để cho “vành đai trắng” trở lại màu xanh. Chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng đói nghèo, lạc hậu đã được đẩy lùi, nhường chỗ cho ấm no, hạnh phúc. Trên miệng hố bom ngày ấy lúa đã xanh mướt, quả ngọt đã trĩu cành; trên hàng rào điện tử và đồn bốt của địch giờ bạt ngàn cao su, hồ tiêu tỏa bóng; những nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên... “Vành đai trắng” ngày nào giờ đã nở hoa, kết trái. Thành tựu này là sự kết tinh trí tuệ, công sức của bao thế hệ người Gio Linh, là kết quả của sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh”.

Màu xanh đang phủ kính căn cứ Cồn Tiên xưa, nay là Di tích Cồn Tiên.

Màu xanh đang phủ kính căn cứ Cồn Tiên xưa, nay là Di tích Cồn Tiên.

Ngày xuất bản: 26/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT - LÂM QUANG HUY - NGỌC KHÁNH - THIÊN LAM
Trình bày: BIỆN DIỆU