Xung đột nổ ra tại Ukraine, làn sóng tăng lãi suất lan rộng, thế giới đón công dân thứ 8 tỷ… là những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2022.

1. Việt Nam và Liên hợp quốc kỷ niệm 45 năm hợp tác. Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm vào công việc chung, được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

2. Xung đột nổ ra tại Ukraine tác động sâu sắc tới cục diện an ninh châu Âu, đẩy quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào trạng thái đối đầu, Phần Lan và Thụy Điển đảo chiều chính sách trung lập. Xung đột cũng kéo theo khủng hoảng năng lượng, di cư...

3. Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu “100 năm thứ hai”. Đồng chí Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và là hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

4. ASEAN kỷ niệm 55 năm thành lập với tiến triển tích cực trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và đóng vai trò trung tâm trong bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và phục hồi kinh tế khu vực.

5. Lực lượng cánh tả trở lại mạnh mẽ tại khu vực Mỹ Latin, với các nhà lãnh đạo đảng cánh tả thắng cử tại Chile, Brazil, Honduras, Colombia..., thể hiện mong muốn đổi thay mạnh mẽ của người dân Mỹ Latin hướng tới các mục tiêu xã hội công bằng và phát triển bền vững, đoàn kết và hội nhập khu vực.

6. Làn sóng tăng lãi suất lan rộng trên thế giới, khởi nguồn từ động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Quyết định nâng lãi suất được kỳ vọng giúp hạ nhiệt tình trạng lạm phát tăng cao, song cũng đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

7. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ định hình lại cán cân quyền lực trên chính trường, đảng Dân chủ duy trì kiểm soát Thượng viện, tiếp tục triển khai các chính sách của Tổng thống Joe Biden kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế, trong khi đảng Cộng hòa giành đa số tại Hạ viện, có thêm động lực hướng tới cuộc bầu cử năm 2024.

8. Thế giới đón công dân thứ 8 tỷ, được xem là dấu mốc tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Tuy nhiên, dân số tăng tạo áp lực đối với môi trường, hệ sinh thái, cũng như thách thức với tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

9. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện khắp nơi, từ nắng nóng bất thường tại châu Âu, hạn hán tại châu Phi, tới lũ lụt lịch sử tại Pakistan... Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.

10.    Vua Charles III lên ngôi sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, mở ra triều đại mới tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Trong khi đó, Anh và một số nước châu Âu rơi vào tình trạng thay đổi chính phủ liên tục, đối mặt nhiệm vụ ổn định nội bộ, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

BAN QUỐC TẾ BÁO NHÂN DÂN (Bình chọn)
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN, Tân Hoa xã, Reuters, Tribune