
Năm 2025 đánh dấu tròn 100 năm kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp đào tạo cán bộ - trong đó có nội dung báo chí - tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đó không chỉ là mốc khởi đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn là sự khởi sinh của tư tưởng đào tạo người làm báo gắn liền với lý tưởng cách mạng, phụng sự dân tộc và phụng sự sự thật. Trải qua một thế kỷ, hệ thống đào tạo báo chí nước ta đã trưởng thành, phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng những chuyển biến sâu sắc của đất nước - từ chiến tranh đến hòa bình, từ cơ chế bao cấp đến đổi mới và từ báo chí thủ công sang thời đại số, trí tuệ nhân tạo.

Một thế kỷ trước, vào năm 1925, tại một căn nhà nhỏ trong khu phố Hoa Nam, Quảng Châu (Trung Quốc), một lớp học đặc biệt được mở ra dưới sự chỉ đạo và trực tiếp giảng dạy của Nguyễn Ái Quốc - người sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không phải là một lớp học bình thường, mà là nơi gieo mầm cho một thế hệ cách mạng, những người vừa là chiến sĩ, vừa là những nhà báo tiên phong trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người từng viết hàng trăm bài báo bằng nhiều thứ tiếng, đăng trên các tờ báo quốc tế uy tín. Người coi báo chí là “vũ khí sắc bén của cách mạng”, là phương tiện quan trọng để thức tỉnh nhân dân, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, chống lại áp bức thực dân - phong kiến.
Chính từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện đầu tiên cho cán bộ Việt Nam tại Quảng Châu, với nội dung bao gồm: lý luận cách mạng, tổ chức đấu tranh và đặc biệt là kỹ năng viết báo, phát hành báo, sử dụng báo chí như một công cụ vận động quần chúng.
Trong lớp học đặc biệt đó, có những cái tên đã trở thành huyền thoại: Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập - những nhà lãnh đạo xuất sắc; Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp - những người sau này trở thành trụ cột của cách mạng Việt Nam.
Lớp học ở Quảng Châu không tồn tại lâu về mặt thời gian, nhưng giá trị lịch sử và tinh thần mà nó để lại là vĩnh cửu. Đó là tinh thần học để hành, viết để đấu tranh, làm báo để cách mạng. Tinh thần ấy tiếp tục được kế thừa qua các thế hệ nhà báo cách mạng - những người mang ngọn lửa từ lớp học đầu tiên, soi sáng hành trình phát triển báo chí Việt Nam suốt một thế kỷ.
Họ không chỉ học cách tổ chức phong trào cách mạng, mà còn học cách viết tin, viết bài, làm báo. Lớp học nhỏ ở Quảng Châu chính là cái nôi của tờ báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 21/6/1925. Đây cũng là ngày sau này được chọn làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Báo Thanh Niên được coi là “Trường học cách mạng trên giấy”. Không có phòng in hiện đại, không có nhà phát hành chuyên nghiệp, nhưng Báo Thanh Niên vẫn được in ấn, phát hành đều đặn, len lỏi qua biên giới để đến tay người đọc trong nước. Qua từng trang báo, tư tưởng cách mạng được lan tỏa, hun đúc lòng yêu nước và truyền cảm hứng hành động cho hàng vạn thanh niên Việt Nam. Đặc biệt, nhiều học trò của lớp Quảng Châu sau này khi trở về nước đã trở thành những người làm báo - chiến sĩ, vừa tuyên truyền chủ trương của Đảng, vừa trực tiếp lãnh đạo các phong trào cách mạng địa phương.

Nếu lớp học ở Quảng Châu năm 1925 đặt viên gạch đầu tiên cho đào tạo báo chí cách mạng, thì suốt ba thập kỷ tiếp theo - từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến ngày thống nhất đất nước 1975 - là giai đoạn báo chí Việt Nam song hành cùng chiến trường, trong những “trường học” không bảng đen, không phấn trắng, mà toàn khói súng, mồ hôi và cả máu. Tòa soạn là chiến khu, giảng đường là rừng sâu.
Danh sách học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Báo chí Việt Nam).
Danh sách học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Báo chí Việt Nam).
Ngay sau ngày độc lập, trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, báo chí cách mạng lập tức trở thành lực lượng xung kích về mặt tư tưởng. Không có điều kiện mở trường chính quy, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được tổ chức lưu động trong rừng, trong hang đá, ngay bên cạnh các chiến hào.
Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên của Việt Nam, được thành lập vào ngày 4/4/1949 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trường ra đời theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan báo chí trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trường được thành lập trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Đây là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ này, do nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc và nhà báo Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Ban giám hiệu còn có các nhà báo Như Phong, Đỗ Phồn, Tú Mỡ. Giảng viên của trường là những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao. Trong thời gian ba tháng (từ 4/4 đến 6/7/1949), trường đã đào tạo 42 học viên trở thành những nhà báo xuất sắc, đảm nhận nhiệm vụ tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền.
Ban Giám hiệu Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ban Giám hiệu Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là nơi đào tạo đội ngũ nhà báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước, kiên cường và sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Di tích này hiện nay là điểm đến quan trọng cho các thế hệ nhà báo, sinh viên và công chúng, giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và những đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước.
Trong chiến tranh, không ai là “nhà báo chuyên nghiệp” theo nghĩa hiện đại. Họ vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu. Mỗi cán bộ cầm bút vừa phải học cách viết nhanh, gọn, đúng quan điểm cách mạng; vừa phải trực tiếp in ấn, phát hành; thậm chí nhiều người còn trực tiếp ra trận để chụp ảnh, ghi hình, lấy tin nóng nhất từ mặt trận.
Ở miền bắc, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng - vẫn đều đặn xuất bản, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ phóng viên. Ở miền nam, báo chí cách mạng hoạt động trong điều kiện bí mật, gian khổ, nhưng vẫn đào tạo được lực lượng làm báo trong vùng giải phóng.
Tại chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ… nhiều tờ báo địa phương như Giải Phóng, Cờ Giải Phóng, Quân Giải phóng Miền Nam… trở thành “giảng đường thực chiến”, nơi rèn luyện nhà báo từ thực tiễn đấu tranh.
Không thể không nhắc đến hàng loạt phóng viên chiến trường đã hy sinh trong khi tác nghiệp, trở thành biểu tượng cho tinh thần nhà báo cách mạng. Họ là minh chứng sống động cho một thế hệ được “đào tạo giữa lửa”, không qua ghế giảng đường, nhưng đủ bản lĩnh, kỹ năng, phẩm chất và tư duy để trở thành nhà báo đúng nghĩa.
Báo chí thời chiến là trường học lớn của nghề báo cách mạng. Những gì mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được trong giai đoạn 1945-1975 không chỉ là sản phẩm của lòng dũng cảm, mà còn là kết quả của một hệ thống đào tạo linh hoạt, sáng tạo và đầy tính chiến đấu. Trong gian khó, báo chí vẫn được đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm tính định hướng, tính thời sự và tính hiệu quả tuyên truyền.
Đó là một thời kỳ mà mỗi bài báo là một viên đạn, mỗi tờ báo là một chiến sĩ, và mỗi lớp học dã chiến là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi xướng công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước. Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, xã hội, báo chí Việt Nam cũng bước vào một thời kỳ phát triển mới - chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, và hội nhập sâu hơn với thế giới. Đây cũng là giai đoạn đào tạo báo chí được tổ chức bài bản, chính quy và có tầm nhìn dài hạn.
Trước Đổi mới, đào tạo báo chí gắn liền với nhiệm vụ cách mạng: tuyên truyền, cổ động, phản ánh chiến đấu. Tuy nhiên, bước vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu đặt ra cho người làm báo đã thay đổi - phải biết phản biện, phân tích, thuyết phục; phải nhanh nhạy với thời sự, nhưng đồng thời tôn trọng sự thật, pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Điều này kéo theo một sự thay đổi lớn trong tư duy đào tạo: từ đào tạo cán bộ tuyên truyền sang đào tạo nhà báo chuyên nghiệp. Chương trình đào tạo không chỉ dạy viết báo, phỏng vấn, làm truyền hình, mà còn có luật báo chí, kỹ năng truyền thông, quản trị truyền thông, đạo đức nghề nghiệp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Lớp dạy làm báo đầu tiên được tái hiện tại Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Lớp dạy làm báo đầu tiên được tái hiện tại Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh THẾ ĐẠI)
Trong giai đoạn này, nhiều trường đại học bắt đầu mở khoa, ngành báo chí chính quy. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thành lập năm 1962) trở thành trung tâm đào tạo báo chí lớn nhất cả nước, với chương trình đào tạo từ cử nhân (theo các loại hình báo chí) đến tiến sĩ, liên kết đào tạo quốc tế, và bồi dưỡng ngắn hạn cho nhà báo đang hành nghề. Học viện xuất bản hệ thống giáo trình, sách tham khảo bài bản, chuyên nghiệp.
Các trường đại học như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Khoa học (thuộc Đại học Huế), Đại học Vinh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên)… mở các chuyên ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện.
Các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân… đóng vai trò tích cực trong đào tạo tại chỗ và nâng cao trình độ cho đội ngũ phóng viên.
Đây là giai đoạn lần đầu tiên Việt Nam có các giáo trình báo chí hiện đại, do các chuyên gia trong và ngoài nước biên soạn. Cũng từ đây, sinh viên báo chí bắt đầu tiếp cận các kỹ thuật làm báo đa phương tiện, sản xuất chương trình phát thanh-truyền hình, kỹ năng điều tra, phân tích dữ liệu…
Giai đoạn Đổi mới là bước ngoặt chuyển mình từ đào tạo 'nhà báo cách mạng' sang 'nhà báo chuyên nghiệp', đặt nền móng cho sự hiện đại hóa đào tạo báo chí trong thời đại số hiện nay.
Thập niên 1990-2000, khi Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập ASEAN, WTO, nhiều chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo báo chí được thiết lập. Giảng viên báo chí và các nhà báo có cơ hội đi học, tu nghiệp tại Pháp, Đức, Nhật, Mỹ… Nhiều tổ chức quốc tế như SIDA, DW Akademie (Đức), AFP, BBC Media Action, UNESCO, UNDP… hỗ trợ tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức báo chí, phòng chống tin giả, báo chí vì sự phát triển…
Nhờ đó, một thế hệ nhà báo trẻ, được đào tạo bài bản, tư duy hiện đại, bắt đầu khẳng định vai trò trong các tòa soạn lớn - vừa kế thừa truyền thống cách mạng, vừa làm chủ kỹ năng và công nghệ mới.
Đào tạo báo chí giai đoạn này chứng kiến sự linh hoạt trong chương trình, chuyển từ tiếp cận hàn lâm sang thực tiễn. Việc kết nối giữa nhà trường và tòa soạn ngày càng chặt chẽ, cho phép sinh viên được thực hành ngay từ sớm, tham gia viết bài, làm truyền hình, thực hiện đồ án báo chí đa nền tảng.
Nhiều giảng viên báo chí là những nhà báo tên tuổi, vừa giảng dạy vừa hướng dẫn thực tế, giúp rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và thực tiễn làm báo.
Bước sang thế kỷ XXI, báo chí toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước một cuộc cách mạng chưa từng có: chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, đào tạo báo chí không chỉ là “dạy nghề”, mà trở thành một quá trình kiến tạo năng lực mới - để nhà báo có thể “tác nghiệp số - tư duy số - làm chủ công nghệ”.
Từ những năm 2010, khái niệm “báo chí số”, “đa nền tảng”, “truyền thông hội tụ” bắt đầu trở nên phổ biến. Các tòa soạn không còn chỉ xuất bản báo in hay phát thanh, truyền hình truyền thống, mà đồng thời vận hành website, fanpage, podcast, YouTube, TikTok...
Những yêu cầu mới như tối ưu hóa nội dung theo hành vi người dùng, SEO, làm video vertical ngắn, xử lý dữ liệu lớn (big data)… trở thành kỹ năng cần thiết cho nhà báo hiện đại. Do đó, các chương trình đào tạo báo chí buộc phải cập nhật liên tục để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ và xu hướng tiêu dùng nội dung.
Giai đoạn 2020-2025 đánh dấu sự bùng nổ của AI trong báo chí. AI có thể viết bản tin, chỉnh sửa video, tổng hợp dữ liệu, thậm chí phân tích cảm xúc và xu hướng độc giả. Với sự xuất hiện của các công cụ như ChatGPT, DALL-E, Bard, Copilot, sinh viên báo chí không thể chỉ học cách viết, mà phải học cách làm việc với công nghệ và tạo ra nội dung không thể bị AI thay thế.
Tại một số học viện, đại học hàng đầu như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), các môn học mới như “Báo chí dữ liệu”, “Sản xuất nội dung đa nền tảng”, “Truyền thông số và AI”, “Đạo đức số”… đã được đưa vào giảng dạy. Bên cạnh đó, các mô hình học tập mới như edTech, e-learning, studio sáng tạo trong trường học, các chương trình vườn ươm ý tưởng báo chí số được triển khai, khuyến khích sinh viên phát triển dự án thực tiễn thay vì chỉ học lý thuyết.
Thế hệ nhà báo trẻ không chỉ là người kể chuyện, mà còn là người tạo dựng trải nghiệm nội dung như: viết bài có thể tích hợp ảnh, video, đồ họa tương tác, dẫn dữ liệu; biết sử dụng phần mềm dựng phim, chỉnh sửa ảnh, tạo podcast; có tư duy sản phẩm truyền thông (content product thinking).
Những khóa đào tạo mới không chỉ trang bị kỹ năng, mà còn dạy cách học suốt đời, cách phát triển thương hiệu cá nhân số, biết bảo vệ bản thân và tổ chức trong môi trường thông tin rủi ro cao.
Dù đã có nhiều đổi mới, đào tạo báo chí vẫn đứng trước nhiều thách thức như: Sự chênh lệch giữa chương trình giảng dạy và thực tiễn tòa soạn; thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn về báo chí số, truyền thông dữ liệu; thiếu cơ sở vật chất công nghệ cao trong một số cơ sở đào tạo; áp lực thay đổi liên tục của công nghệ khiến nhiều mô hình đào tạo nhanh chóng lỗi thời.
Tuy nhiên, sự vào cuộc đồng bộ giữa các trường đào tạo, cơ quan báo chí và tổ chức quốc tế đang mở ra một thời kỳ mới: đào tạo báo chí không chỉ để có việc làm, mà để dẫn dắt xã hội trong kỷ nguyên kỹ thuật số.



Một thế kỷ trôi qua kể từ lớp học báo chí đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu năm 1925. Từ vài cây bút non trẻ, hành trang là lý tưởng cách mạng và khát vọng giải phóng dân tộc, đến hôm nay - đội ngũ nhà báo Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc: vững vàng trên mặt trận thông tin, chủ động trong kỷ nguyên số, bản lĩnh giữa làn sóng trí tuệ nhân tạo.
100 năm đào tạo báo chí cách mạng để lại một di sản quý giá, đó là tinh thần dấn thân, lòng trung thành với sự thật, niềm tin vào vai trò xã hội của người làm báo. Đó cũng là mạng lưới hàng chục trường đại học, hàng nghìn giảng viên và hàng vạn sinh viên báo chí, đang ngày ngày gìn giữ và làm mới tinh thần ấy.
Tuy nhiên, phía trước là thách thức chưa từng có như: thông tin giả mạo, đạo đức nghề báo trong thế giới ảo, nhà báo “một mình một thiết bị” giữa cơn bão dữ liệu… Đào tạo báo chí không thể đứng ngoài guồng quay đó.
Muốn giữ vững vai trò dẫn dắt, người làm báo tương lai phải được đào tạo với một tinh thần mới: vừa bản lĩnh như những chiến sĩ đầu tiên năm 1925, vừa sáng tạo như một nhà chiến lược nội dung số.
Từ Quảng Châu đến Hà Nội, từ chiến khu rừng núi đến studio hiện đại, từ máy đánh chữ thủ công đến trí tuệ nhân tạo - hành trình 100 năm đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam là một phần không thể tách rời của lịch sử báo chí nước nhà. 100 năm là một dấu mốc, nhưng đó cũng là lời nhắc: Đào tạo báo chí hôm nay phải nhìn về tương lai. Tương lai ấy, đang bắt đầu… ngay từ bài học đầu tiên trên giảng đường hôm nay.
Ngày xuất bản: 26/5/2025
Nội dung: PGS,TS HÀ HUY PHƯỢNG
Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tổ chức sản xuất: NAM ĐÔNG
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, TƯ LIỆU
Trình bày: PHI NGUYÊN