
Tổng quân ủy đã quyết định Trung đoàn 88 thay Trung đoàn 165 tiêu diệt vị trí 105, Trung đoàn 36 phụ trách dương công 206, chặn viện phía Tây, Đại đoàn 312 chặn viện phía Đông. Tôi có những ý kiến sau đây gửi các đồng chí để cùng nghiên cứu thêm và chỉ thị cho cán bộ, bộ đội.


I. SỰ QUAN TRỌNG VÀ TÍNH CHẤT TRẬN ĐÁNH SẮP TỚI
- Nếu ta tiêu diệt được cứ điểm 105, thì không những ta tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, mà còn chiếm được một cứ điểm bảo vệ sân bay, kiểm soát hoàn toàn phía bắc sân bay, tạo điều kiện để khống chế không phận địch và thắt chặt thêm vòng vây chung quanh địch.

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
- Cứ điểm 105 là một cứ điểm quan trọng của địch bảo vệ sân bay, lại ở gần Mường Thanh; mất 105, tung thâm địch cũng bị trực tiếp uy hiếp. Cho nên địch sẽ tích cực và liên tiếp cho viện binh, có cả cơ giới yểm hộ phản kích (hiện địch có gần 2 tiểu đoàn cơ động có thể phản kích). Vì vậy, trận đánh 105 là một trận đánh điểm chặn viện, tranh thủ diệt một phần viện binh của địch. Hai nhiệm vụ đánh điểm, diệt viện đều quan trọng như nhau. Nếu không chặn được viện thì không giải quyết được điểm, cũng như nếu không giải quyết được điểm thì nhiệm vụ không hoàn thành. Trái lại nếu chúng ta diệt được điểm, sát thương hoặc tiêu diệt một số lớn viện binh địch thì lực lượng địch sẽ suy yếu nhiều, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi.
Chúng ta nhất định phải đánh thắng trận này không những vì vị trí quan trọng của nó; không những để tiêu diệt thêm sinh lực, gây cho địch nhiều khó khăn mới, chuẩn bị điều kiện cho việc tiêu diệt toàn bộ địch, mà chúng ta còn phải đánh thắng để đẩy mạnh thêm lòng tin tưởng của bộ đội, làm suy yếu tinh thần của địch. Nhất là từ sau đợt 2 đến nay thời gian tương đối dài, bộ đội ta chưa đánh trận nào tiêu diệt gọn quân địch.
- Vị trí này quan trọng như vậy nên Tổng Quân ủy quyết định phải bảo đảm đánh nhất định thắng, càng thắng gọn càng tốt. Trung đoàn 165 cũng có thể tiêu diệt được 105, nhưng vì Trung đoàn 165 chưa được chỉnh đốn, có một số tân binh chưa được học tập, điều kiện bảo đảm đánh chắc thắng và gọn chưa thật đẩy đủ. Vì vậy, Tổng Quân ủy quyết định giao cho Trung đoàn 88 nhiệm vụ đánh 105 thay 165. Đó là một quyết định hết sức đúng, cả hai đơn vị 88 và 165 đều phải nhận rõ tầm quan trọng của trận đánh và nhiệm vụ của mình để thực hiện cho được quyết định của Tổng Quân ủy.

II. CÁCH ĐÁNH ĐIỂM
Hiện nay địch đã dựa vào quy luật tác chiến của ta, có 3 giai đoạn: giai đoạn phá hoại, giai đoạn chế áp và giai đoạn dùng xung lực lớn để giải quyết tung thâm. Chúng đã chuẩn bị đối phó với hỏa pháo của ta, củng cố thêm phòng ngự tung thâm; tích cực lợi dụng giao thông hào để cho viện binh phản kích. Vì vậy, cách đánh của ta phải thay đổi. Có thể trong trận đánh 105, cách đánh của ta sẽ:
1. 3 hoặc 4 ngày trước lúc công kích toàn bộ cứ điểm, chúng ta sẽ dùng pháo 105 ly, mỗi ngày bắn một khu vực và một số đạn nhất định (nên chia cứ điểm địch làm 3 hoặc 4 khu vực). Cách bắn phải thật chính xác, pháo phải rời đài quan sát đến vị trí gần cứ điểm, kết hợp với quan sát của bộ binh chỉ dẫn cho pháo bắn từng phát một, phá hoại những lô cốt của địch. Ban ngày thì pháo bắn phá hoại và sát thương địch, ban đêm dùng một đơn vị nhỏ của bộ binh, có Badôka, ĐKZ, bộc phá, lựu đạn, tiểu liên, tiến sát địch, phá hủy các lô cốt và hỏa điểm trong khu vực đó, tiêu diệt một số địch, tiếp tục đào công sự vào và cải tạo ụ súng của địch thành ụ súng của ta. Nếu địch trong vị trí dùng lực lượng nhỏ để phản kích thì tranh thủ tiêu diệt. Nếu địch dùng lực lượng lớn phản kích lại thì dùng hỏa lực tiêu hao rồi rút về trận địa của ta.

Đại bác của ta đang yểm trợ cho xung kích tiến sâu vào sân bay Mường Thanh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại bác của ta đang yểm trợ cho xung kích tiến sâu vào sân bay Mường Thanh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Liên tiếp đánh địch như thế 3, 4 ngày, một mặt sát thương địch, làm chúng mỏi mệt, căng thẳng, một mặt địch không củng cố được công sự, giao thông hào của ta càng lấn sát vào tung thâm địch, đến lúc chuẩn bị đầy đủ, đột nhiên mở cuộc tấn công cuối cùng, địch sẽ đối phó không kịp. Như vậy là chúng ta kết hợp việc chuẩn bị tác chiến với việc đánh nhỏ lấn dần, tạm thời phá bỏ quy luật tác chiến cũ làm cho địch bị bất ngờ. Kinh nghiệm trận đánh 106 và kinh nghiệm của bộ đội ta trong mấy ngày gần đây đã vừa xây dựng công sự tiếp cận vừa bộc phá hàng rào và đánh sập các lô cốt của địch ở 105, 206 chứng tỏ ta có thể đánh bằng cách ấy được.
2. Vì Trung đoàn 88 đến không kịp cho nên trong những ngày đầu, 165 phải làm nhiệm vụ đánh lấn đó, trong lúc đó cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 88 tranh thủ nghiên cứu địch tình, thu thập kinh nghiệm của 165 trong các trận vừa qua, chuẩn bị bộ đội để kịp thay thế 165.
3. Đối với 206 và 311 mấy ngày tới phải tích cực đào công sự, bộc phá hàng rào, đánh lô cốt địch, khi tác chiến đặc biệt 206 phải đánh vào trong chiếm được một số lô cốt, như vậy dương công mới thật có tác dụng.

III. ĐÁNH VIỆN
Vì 105 ở cách Mường Thanh không xa, địch nhất định phản kích mỗi khi ta đánh, vì vậy phải bảo đảm chặn cho được viện và tiêu diệt một bộ phận viện binh của địch. Có chặn được viện thì mới giải quyết được điểm. Muốn bảo đảm chặn viện cần phải:
a) Công sự kiên cố, dễ dàng vận động.
b) Tổ chức hỏa lực chu đáo và nghiêm mật, không có công sự kiên cố, bộ đội ta sẽ dễ bị thương vong và rối loạn vì pháo của địch trước lúc bộ binh chúng đến. Không có hỏa lực chu mật thì cũng không chặn được bộ binh của địch (nhất là ban đêm).
Cách bố trí chặn viện trong trận này phải như sau:
1. Tổ chức 2 tuyến chặn viện
a) Tuyến 1
Có chiến hào ở nam 105, từ phía đông nối liền sang tây thành 1 vòng vây phía nam 105. Ở tuyến này nhất định chúng ta phải chặn cho được, không để 1 tên địch lọt qua, chiến hào này phải có hố phòng pháo kiên cố, mỗi hố phòng pháo phải có nắp dầy chống được đạn pháo 105 ly của địch. Có chỗ để bộ binh có thể đứng bắn và có bậc lên xuống để bộ binh có thể xuất kích đánh giáp lá cà khi cần thiết.

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Khi bộ binh địch chưa đến, ta vẫn ở trong hố phòng pháo (trừ cảnh giới), khi pháo địch ngừng bắn và bộ binh tiến sát, thì ta nhanh chóng ra chiến hào dùng lựu đạn, tiểu liên, thủ pháo sát thương địch, nếu địch lùi ra xa lập tức dùng pháo, cối bắn vào trận địa của chúng, đồng thời ta lại nhanh chóng vào hầm ẩn nấp đề phòng pháo binh địch bắn (chú ý tăng cường quan sát hành động địch để kịp thời tiến vào trận địa đánh địch tiến lên xung phong).
b) Tuyến 2:
Có 1 chiến hào từ tây sang đông đi qua đường cái đến sát sân bay ở giữa cứ điểm 206 và 308 và 1 chiến hào từ sông Nậm Rốm đến giữa sân bay (2 chiến hào này không cách nhau quá 200m). Sâu, rộng và hình thế phải đúng yêu cầu, có hố phòng pháo, có ụ súng Badôka, đại liên bắn chéo sườn, tổ chức thành một lưới lửa quét địch từ phía nam lên, đồng thời cũng có ụ súng trường về phía bắc để tiêu diệt địch một khi mà chúng lọt qua phòng tuyến của ta. Ở quãng giữa sân bay mà 2 chiến hào chưa nối liền được thì tổ chức 1 bãi mìn.
Ở tuyến này, nếu bộ binh địch ít thì sát thương và chặn chúng, nếu viện binh địch lên nhiều, không giữ được mà địch đã lọt qua phòng tuyến thì ta dùng hỏa lực cầu vồng kết hợp với tuyến 1 mà tiêu diệt. Phải tùy theo điều kiện cụ thể mà bố trí binh hỏa lực cho thích hợp, có thể bố trí ít binh hỏa lực mà tăng cường hỏa lực.
2. Tổ chức 3 trận địa hỏa lực cầu vồng và quy định khu vực xạ kích
Tổ chức các trận địa hỏa lực cầu vồng ởphía tây, phía đông và phía bắc cứ điểm 105. Quy định khu vực giữa 3 tuyến chặn viện do hỏa lực cầu vồng đảm nhiệm, cách bắn phải tập trung chính xác, có địch mới bắn.
3. Gài mìn, lắp giao thông hào của địch
Hiện địch có 3 đường giao thông hào từ nam lên bắc mà chúng thường lợi dụng (giao thông hào từ 203 lên và 2 giao thông hào 2 bên sân bay); ngay từ bây giờ phải gài mìn và dùng dây thép gai hoặc dùng đất lấp những giao thông hào đó không cho chúng lợi dụng, phải tổ chức cảnh giới đề phòng địch theo giao thông hào tiến lên.
4. Phản công
Đại đoàn 308 (cụ thể là Trung đoàn 36) phụ trách đánh viện từ phía tây đường cái đến mép sân bay (kể cả đường cái và giao thông hào của địch, dọc theo phía tây sân bay đồng thời phụ trách dương công một cách tích cực vào 206 và 311A).
Đại đoàn 312 phụ trách đánh viện phía đông (kể cả sân bay). Các đồng chí cần tổ chức bàn bạc giữa cán bộ bộ binh và pháo binh để quy định khu vực cho chu đáo.

IV. MẤY ĐIỂM CẦN CHÚ Ý
1. Cán bộ Trung đoàn 88 phải đến gặp trực tiếp cán bộ Trung đoàn 165 để nắm tình hình địch, địa thế và kinh nghiệm những trận vừa qua cho thật cụ thể, cán bộ Trung đoàn 165 phải hết sức giúp đỡ cán bộ Trung đoàn 88 và xem đó là một nhiệm vụ.
2. Phải chuẩn bị cho bộ đội nhận rõ tầm quan trọng của trận đánh, khắc phục mọi khó khăn, giáo dục tinh thần hợp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn.
3. Chuẩn bị đầy đủ vũ khí, nhất là ĐKZ, Badôka, thủ pháo, bộc phá, nghiên cứu cách tổ chức bộ đội và đội hình chiến đấu trong tung thâm cho thích hợp.
4. Cán bộ phải đi kiểm tra trận địa chặn viện, trận địa xuất phát xung phong (công điểm), kiểm tra kế hoạch hỏa lực cho chu đáo. Nếu trận địa chưa kiên cố thì chưa thể đánh được (nhưng cũng phải động viên bộ đội tranh thủ thời gian để hoàn thành).
5. Kế hoạch bộ pháo hợp đồng phải thật tỉ mỉ (quy định cụ thể khu vực và tín hiệu bắn).
6. Triệu tập hội nghị cán bộ các đơn vị tham chiến để bàn định kế hoạch hợp đồng, phân định khu vực và trách nhiệm, động viên và giải quyết mọi thắc mắc làm cho cán bộ thật tin tưởng và quyết tâm.
Trên đây là một vài ý kiến góp với các đồng chí mong các đồng chí thảo luận để ấn định kế hoạch tác chiến. Chúc nỗ lực thành công.
Ngày 17 tháng 4 năm 1954
HOÀNG VĂN THÁI

Nguồn: Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng ,
Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, Hà Nội, 1963, tr. 225- 231.
Ảnh: TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI