20 NĂM SỰ KIỆN 11/9

Những thay đổi với nước Mỹ và mối nguy khủng bố

Ngày 11/9 của 20 năm trước, gần 3.000 người đã thiệt mạng khi hai chiếc máy bay bị cướp đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York; một chiếc khác lao vào Lầu năm góc; chiếc thứ tư sau cuộc giằng co, chiến đấu của hành khách chống lại những tên không tặc, đã rơi xuống cánh đồng ở Pennsylvania. Đây là cuộc tấn công khủng bố chưa từng có trong lịch sử, gây chấn động cả thế giới, dẫn đến những thay đổi lớn với nước Mỹ, từ chính sách đến đời sống. Mối đe dọa khủng bố toàn cầu nay cũng đã khác xưa.

Diễn biến loạt vụ tấn công và phản ứng của Mỹ

7 giờ 59 phút

Máy bay Boeing 767 mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines cất cánh từ TP Boston (bang Massachusetts) tới TP Los Angeles (bang California).

Trên máy bay có 11 thành viên phi hành đoàn và 76 hành khách; 5 tên không tặc. Máy bay đã được nạp 76.400 pound nhiên liệu.

8 giờ 15 phút

Máy bay Boeing 767-200 mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines cất cánh từ TP Boston (bang Massachusetts) tới TP Los Angeles (bang California).

Trên máy bay có 9 thành viên phi hành đoàn và 51 hành khách; 5 tên không tặc. Máy bay đã được nạp 76.400 pound nhiên liệu.

8 giờ 19 phút

Một số thành viên phi hành đoàn trên Chuyến bay 11 của American Airlines liên lạc với nhân viên mặt đất.

Tiếp viên Betty Ann Ong sử dụng điện thoại trên máy bay để báo với nhân viên mặt đất của American Airlines rằng máy bay đã bị không tặc tấn công và cô không thể vào buồng lái.

Trước khi cô Betty Ong gọi điện, một tên không tặc (có thể là Satam al-Suqami) đã đâm trực diện một hành khách ngồi ở ghế hạng nhất ngay trước hắn. Hai tên không tặc Mohamed Atta và Abdul Aziz al-Omari cũng ngồi gần đó. Hành khách này được phi hành đoàn xác định là Daniel M. Lewin, người đã có 4 năm phục vụ trong quân đội Israel. Theo báo cáo chính thức của Ủy ban quốc gia về các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ, có thể Daniel M. Lewin đã tìm cách ngăn cản những tên không tặc và trở thành nạn nhân đầu tiên thiệt mạng trong sự kiện 11/9.

8 giờ 21 phút

Không tặc tắt thiết bị cho phép trạm kiểm soát không lưu xác định và giám sát đường bay của máy bay. Trong khi đó, American Airlines chuyển thông tin do cô Betty Ong cung cấp tới trung tâm vận hành của hãng này tại Texas. Năm phút sau, cô Betty Ong thông báo số ghế của những tên không tặc trên Chuyến bay 11 cho American Airlines.

8 giờ 32 phút

Sau một vài lần không thể kết nối, tiếp viên Madeline Amy Sweeney trên Chuyến bay 11 đã thông báo về vụ cướp máy bay cho một người bạn của cô trên mặt đất và cũng là quản lý tại sân bay quốc tế Boston Logan. Cô Amy Sweeney cung cấp thông tin quan trọng về vụ việc, trong đó có mô tả về thủ phạm.

8 giờ 20 phút

Máy bay Boeing 757 mang số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Washington Dulles (bang Virginia) tới TP Los Angeles (bang California).

Trên máy bay có 6 thành viên phi hành đoàn và 53 hành khách; 5 tên không tặc. Máy bay đã được nạp 49.900 pound nhiên liệu.

8 giờ 42 phút

Máy bay Boeing 757 mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Newark (bang New Jersey) tới TP San Francisco (bang California). Trên máy bay có 7 thành viên phi hành đoàn và 33 hành khách; 4 tên không tặc. Máy bay đã được nạp 48.700 pound nhiên liệu.

8 giờ 46 phút

Chuyến bay 11 của American Airlines lao vào tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới tại TP New York (từ tầng 93 đến 99).

8 giờ 50 phút

Tổng thống Mỹ George Bush được báo tin về vụ máy bay mang số hiệu 11 đâm vào tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới trong lúc ông đang thăm một trường tiểu học tại Sarasota, bang Florida.

8 giờ 52 phút

Chuyến bay 175 của United Airlines đã liên lạc với tổng đài của hãng này tại TP San Francisco (bang California) và báo tin máy bay bị tấn công.

9 giờ 00 phút

Ba hành khách trên Chuyến bay 175 của United Airlines liên lạc với gia đình.

9 giờ 03 phút

Máy bay Boeing 767-200 mang số hiệu 175 của hàng không United Airlines lao vào tòa tháp Nam của Trung tâm Thương mại thế giới tại TP New York (từ tầng 77 đến 85).

9 giờ 05 phút

Chánh Văn phòng Nhà trắng Andrew Card thông báo với Tổng thống Bush về vụ máy bay thứ hai mang số hiệu 175 đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới. 9 giờ 35 phút, ông Bush rời trường tiểu học tại Sarasota, bang Florida, tới sân bay quốc tế Sarasota Bradenton.

9 giờ 12 phút

Tiếp viên Renee A.May trên Chuyến bay 77 của American Airlines đã gọi cho mẹ báo tin máy bay bị không tặc kiểm soát và các hành khách cùng phi hành đoàn phải lùi ra phía sau máy bay.

Ít phút sau, hành khách Barbara K.Olson gọi cho chồng đang làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ thông báo không tặc đã chiếm được máy bay và chúng mang theo dao. Ông Olson lập tức báo với nhà chức trách liên bang.

9 giờ 37 phút

Chuyến bay 77 của American Airlines lao vào Lầu năm góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ), tại Washington. Vụ tấn công và đám cháy bùng lên sau đó khiến 125 nhân viên quân sự và dân sự trên mặt đất thiệt mạng.

9 giờ 58 phút

37 cuộc gọi đã được thực hiện trên Chuyến bay 93 của United Airlines, trong đó phần lớn là từ khu vực phía sau máy bay. Một trong những cuộc gọi cuối cùng do hành khách Edward P. Felt thực hiện. Sau khi vào phòng vệ sinh để tránh bị phát hiện, Felt đã dùng điện thoại di động để gọi tới 911. Khi máy bay ở rất gần mặt đất, anh đã kết nối được với tổng đài khẩn cấp gần Westmoreland, bang Pennsylvania.

9 giờ 59 phút

Tòa tháp Nam của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ trong khoảng 10 giây. Hơn 800 dân thường và nhân viên khẩn cấp có mặt bên trong và chung quanh tòa tháp này thiệt mạng.

10 giờ 03 phút

Máy bay Boeing 757 mang số hiệu 93 của United Airlines rơi xuống cánh đồng gần Shanksville, bang Pennsylvania.

10 giờ 28 phút

Tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ sau khi bốc cháy trong 102 phút. Hơn 1.600 người thiệt mạng trong vụ tấn công tòa tháp này.

20 giờ 30 phút

Từ Nhà trắng, trong bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, Tổng thống Bush tuyên bố: “Các cuộc tấn công khủng bố có thể làm rung chuyển nền móng của các tòa nhà lớn nhất của chúng ta, nhưng chúng không thể chạm vào nền tảng của nước Mỹ. Những hành động này bẻ gãy thép, nhưng chúng không thể làm hao mòn chất thép trong quyết tâm của người Mỹ”.

Hậu quả

2.753 người thiệt mạng sau khi hai máy bay lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới. Nạn nhân trong độ tuổi từ 2 đến 85.

184 người thiệt mạng khi máy bay lao vào Lầu năm góc.

40 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay của United Airlines thiệt mạng khi máy bay rơi xuống gần TP Shanksville, bang Pennsylvania.

Nỗi đau dai dẳng

Những lời tri ân gửi tới website của Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9

Khi ngồi trên xe buýt, nhìn lên bầu trời đẹp đẽ và nghĩ rằng nó êm đềm và đẹp đẽ biết bao, tôi không hề biết rằng cả thế giới này sẽ thay đổi mãi mãi vào ngày hôm đó. Tôi là một người sống sót sau thảm kịch ở Trung tâm Thương mại thế giới. Tôi đã ở tầng 89 của tòa tháp thứ hai. Tôi đã mất 67 đồng nghiệp cùng công ty. Tôi sẽ luôn nhớ đến họ và tất cả những người khác đã thiệt mạng vào ngày kinh hoàng đó. Tôi nghĩ về họ mỗi ngày và sẽ tiếp tục nhớ đến họ trong suốt quãng đời còn lại... Tôi cũng sẽ không bao giờ quên tất cả những người đã lao vào nguy hiểm để cứu nhiều mạng sống nhất có thể. Cầu mong tất cả họ yên nghỉ và không bao giờ bị lãng quên!

Joann (New York)

Thế giới đã thay đổi rất nhiều sau 20 năm kể từ khi bầu trời trong xanh như pha lê ấy vỡ vụn bởi cái chết, sự hủy diệt và mất mát kinh hoàng. Tôi đã mất hàng chục người bạn và đồng nghiệp. Và trong suốt 7 giờ liên tục, tôi luôn lo sợ rằng em gái tôi đã không thể sống sót, con bé làm việc trong tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới. Rất may, khi sóng di động hoạt động trở lại, tôi mới biết rằng con bé đã chạy xuống tầng 60 khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp. Nỗi đau của ngày hôm đó cũng như những ký ức về sự tử tế, tình đoàn kết và lòng trắc ẩn như đã thấy ở New York và khắp nơi trên nước Mỹ tồn tại mãi trong tôi.

Alice (New York)

Vào ngày thứ 4 làm việc và ngày thứ 5 đến sống ở New York, tôi bước ra khỏi ga tàu điện ngầm Chambers dưới ánh nắng rực rỡ. Chưa đầy một giờ sau, tòa tháp đôi bên kia đường bị tấn công khủng bố. Nỗi sợ hãi, kinh hoàng và buồn đau sẽ luôn tồn tại. Thay vì đó, tôi chọn hướng về sự dũng cảm và điều tử tế của những người đã giúp đỡ chúng tôi và thành phố này. Xin cảm ơn.

Robin (New York)

Tôi đã ở tầng 96 của tòa tháp Nam khi tòa tháp Bắc bị chiếc máy bay đầu tiên tấn công và tôi cũng chứng kiến vụ nổ sau đó. Tôi may mắn sống sót trong khi nhiều đồng nghiệp của tôi đã không thể có may mắn ấy. Ngày đó đã trở thành một phần của con người tôi bây giờ. Tôi mãi mãi biết ơn tất cả những người đã hy sinh mạng sống của họ để giúp đỡ mọi người trong ngày kinh hoàng đó, cũng như tất cả những người đã tận tâm cống hiến cho đất nước.

Kate (New York)

Cuộc sống của chúng ta đã thay đổi tức thì sau ngày đó. New York, nơi mà tôi lớn lên, đã thay đổi. Sự kiện đó cũng đã thay đổi hoàn toàn đất nước của chúng ta. Nó làm trái tim tôi tan nát. Thế giới không bao giờ được quên hành động tàn bạo này!

Mare (Georgia)

Ngày hôm đó, trái tim tôi như vỡ vụn. Tôi cầu nguyện cho hòa bình, cho hy vọng, cho tất cả những người đã mất, và cho cả những người dân và quân nhân đang chiến đấu với cái ác. Tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện, lan tỏa tình yêu và điều tử tế. Thế giới của chúng ta cần nhiều hơn thế!

Lenore (Oregon)

Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy cha tôi trở về nhà với những giọt nước mắt chảy dài. Tôi nhớ mình đã ôm lấy cha và không bao giờ muốn buông tay. Tôi nhận ra rằng thế giới của chúng ta sẽ không bao giờ như cũ được nữa. Tôi nhớ ngày 11/9/2001, và kể cả những ngày sau đó, như mới hôm qua. Tôi sẽ không bao giờ quên những người đã thiệt mạng, người anh hùng và những người đã sống sót sau ngày đó. Tôi sẽ giữ mãi trong tim. Bố tôi là người sống sót từ tầng 63 của tòa tháp Bắc. Con yêu bố.

Kerry (Minnesota)

Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên những gì đã xảy ra vào ngày 11/9/2001. Tôi vẫn không tin rằng nó đã thật sự xảy ra. Tôi không phải chứng kiến người thân ra đi ở thời điểm đó, nhưng trái tim tôi vẫn đau đớn vì những gì đã xảy ra. Nó mãi nhói đau trong ký ức của tôi.

Nancy (Iowa)

Những thay đổi trên nhiều phương diện ở Mỹ

Ngày 7/10/2001: Tổng thống George Walker Bush thông báo bắt đầu chiến dịch quân sự tại Afghanistan.

Ngày 13/12/2001: Chính phủ Mỹ công bố một đoạn băng, trong đó Osama Bin Laden nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công nêu trên.

Ngày 18/12/2001: Quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống chọn ngày 11/9 hằng năm là Ngày Yêu nước.

Tháng 12/2001 đến ngày 15/6/2004: Quỹ Bồi thường cho các nạn nhân giải quyết yêu cầu từ phía gia đình và người thân của các nạn nhân trong sự kiện 11/9. Quỹ này được nối lại vào năm 2011.

Ngày 30/5/2002: Chính thức hoàn tất công tác dọn dẹp tại Khu vực số 0 ở New York, nơi từng là vị trí tọa lạc của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Để dọn 1,8 triệu tấn mảnh vỡ, cần đến 3,1 triệu giờ lao động, với chi phí lên tới 750 triệu USD.

Ngày 25/11/2002: Bộ An ninh nội địa Mỹ được thành lập nhằm bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa.

Ngày 19/3/2003: Tổng thống Bush tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh tại Iraq.

Ngày 19/7/2007: Còn 1.133 nạn nhân chưa rõ danh tính.

Tháng 1/2009: Văn phòng Giám định y khoa New York xác nhận, ông Leon Heyward, người qua đời một năm trước đó do ung thư hạch và bệnh phổi, là nạn nhân của hành vi giết người. Ông Leon Heyward đã bị cuốn vào lớp khói bụi độc hại sau khi hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ.

Ngày 2/1/2011: Tổng thống Mỹ Barack Obama ký đạo luật cho phép nối lại và mở rộng quy mô của Quỹ Bồi thường cho các nạn nhân.

Ngày 2/5/2011: Trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt.

Ngày 15/12/2011: Tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt chiến tranh Iraq.

Ngày 10/5/2014: Hài cốt của các nạn nhân không rõ danh tính được đưa về khu vực Trung tâm Thương mại thế giới.

Tháng 10/2019: Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Syria.

Ngày 29/2/2020: Tại thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình, mở đường cho tiến trình rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.

Ngày 30/8/2021: Lầu năm góc thông báo quân đội Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm tại quốc gia Tây Nam Á này.

Ngày 4/9/2021: Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Bộ Tư pháp và một số cơ quan khác xem xét, công bố một phần tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của Cục Điều tra liên bang (FBI) đối với cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Nỗi kinh hoàng của sự kiện ngày 11/9/2001 không chỉ ám ảnh trong vài tháng hay vài năm, mà phủ bóng dài, đeo đẳng cuộc sống của người Mỹ.

Theo Brian Michael Jenkins, cố vấn cấp cao của Tập đoàn RAND Corporation (Mỹ) và là tác giả nhiều báo cáo về chủ nghĩa khủng bố, những kẻ khủng bố thực hiện hành động bạo lực là để khuếch đại sức mạnh và mục tiêu của chúng, cũng như gieo rắc nỗi sợ hãi. Nhận định này đã được chứng minh trong vụ khủng bố lớn nhất bên trong lãnh thổ Mỹ 20 năm trước. Khi điều được xem là viển vông xảy ra, người Mỹ thấp thỏm với mối lo những kẻ khủng bố có thể tiếp tục tấn công.

Để trấn an người dân, chính quyền và giới lập pháp Mỹ lập tức đưa ra những quyết định chưa từng có, mở rộng quyền lực quân sự, thực phi pháp luật và tình báo, nhằm tiêu diệt và ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố. Biện pháp này cho thấy sự thay đổi tức thì của nước Mỹ sau ngày 11/9/2001. Thực tế, vụ khủng bố kinh hoàng 20 năm trước làm thay đổi nước Mỹ trên nhiều phương diện.

Cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu

Trong diễn văn quốc gia, đọc trước Quốc hội ngày 20/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush tuyên bố: Cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu với Al Qaeda, song sẽ không dừng lại ở đó. Cuộc chiến này sẽ không kết thúc cho tới khi mọi nhóm khủng bố trên toàn cầu bị phát hiện, ngăn chặn và đánh bại.

Tuyên chiến với Al Qaeda, ông Bush đồng thời đưa ra kiểu phản ứng quân sự mới của Mỹ, không chỉ là hoạt động không kích có chủ đích, nhằm vào cơ sở huấn luyện hay hầm chứa vũ khí đơn lẻ của kẻ thù, mà là cuộc chiến toàn diện, chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Chưa đầy một tháng sau “ngày kinh hoàng”, quân đội Mỹ được triển khai tới Afghanistan, khởi động cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử Mỹ.

Tổng thống George W.Bush phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 20/9/2001. (Ảnh: Whitehouse.gov)

Tổng thống George W.Bush phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 20/9/2001. (Ảnh: Whitehouse.gov)

Với mục đích tiêu diệt Al Qaeda, đè bẹp Taliban, nhất là loại bỏ trùm khủng bố Osama Bin Laden mà Mỹ cho là “kẻ chủ mưu giết người” trong vụ tấn công 11/9, cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan nhận được sự ủng hộ của đa số người Mỹ và sự hậu thuẫn của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Song, cuộc can dự của Mỹ đã kéo dài tại Afghanistan và nỗ lực chống khủng bố được mở rộng, nhắm tới các nhóm khủng bố và cực đoan trên khắp thế giới. Hàng nghìn binh sĩ Mỹ thiệt mạng, nhiều người trở về với những vết thương cả về thể chất và tâm lý. Dù vậy, “bóng đen vụ 11/9” vẫn hiện hữu, giữ chân lực lượng Mỹ ở Afghanistan mãi tới gần đây và ở nhiều nơi khác trong gần 20 năm qua.

Giám sát an ninh nghiêm ngặt hơn

Nỗi lo sợ khủng bố tiếp diễn trong lòng nước Mỹ, kết hợp cùng sự thừa nhận thất bại của giới tình báo sau vụ 11/9, đã dẫn đến một loạt thay đổi trong chính sách an ninh của Mỹ, như hạn chế nhập cư, mở rộng “danh sách cấm bay” và tái cơ cấu bộ máy an ninh với sự ra đời của Bộ An ninh nội địa.

Đạo luật Yêu nước nhanh chóng được thông qua, chỉ vài tuần sau ngày 11/9/2001, với lập luận của các nghị sĩ là nhằm sửa chữa những lỗ hổng dẫn đến thất bại của bộ máy tình báo và hệ thống an ninh hàng không trong việc nhận dạng, ngăn chặn những kẻ khủng bố nhập cảnh lãnh thổ Mỹ và thực hiện âm mưu khủng bố khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Tổng thống George W.Bush ký Đạo luật Yêu nước tại Nhà trắng, ngày 26/10/2001. (Ảnh: Thư viện George W. Bush/NARA)

Tổng thống George W.Bush ký Đạo luật Yêu nước tại Nhà trắng, ngày 26/10/2001. (Ảnh: Thư viện George W. Bush/NARA)

Đạo luật gây tranh cãi bởi những thay đổi sâu rộng trong cách thức các cơ quan tình báo trong nước được mở rộng quyền lực giám sát. Những quy tắc lâu đời nhằm bảo vệ cá nhân, tránh việc bị khám xét và thu giữ bất hợp pháp, đã được nới lỏng do viện dẫn mối đe dọa an ninh quốc gia. Quốc hội trao cho Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) các quyền mới để thu thập và chia sẻ dữ liệu.

Chỉ vài năm sau, thêm một luật nữa gây tranh cãi được thông qua năm 2008, đó là luật sửa đổi Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA). Luật sửa đổi FISA cho phép NSA gần như không bị kiểm soát trong hoạt động “nghe lén”, với mục tiêu nhắm tới người nước ngoài bị nghi là khủng bố.

An toàn hơn nhưng cuộc sống có nhiều thay đổi

Một trong những khía cạnh gây lo ngại nhất trong vụ tấn công 11/9 là làm thế nào mà hàng chục kẻ không tặc của Al Qaeda không chỉ có thể lên máy bay thương mại với vũ khí thô sơ, mà còn xâm nhập cả buồng lái. Thực tế này làm lộ rõ lỗ hổng an ninh và đưa đến sự thay đổi chưa từng có.

“Chiếc cột cuối cùng” sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới được trưng bày trong Bảo tàng 11/9. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)

“Chiếc cột cuối cùng” sau vụ tấn công Trung tâm Thương mại thế giới được trưng bày trong Bảo tàng 11/9. (Ảnh: Jin S. Lee/911memorial.org)

Theo giáo sư Jeffrey Price, chuyên gia về khoa học hàng không vũ trụ thuộc Metropolitan State University, dường như chống khủng bố không phải ưu tiên hàng đầu trước ngày 11/9/2001, kể cả sau vụ không tặc và đánh bom máy bay thương mại thảm khốc năm 1988 trên chuyến bay của Pan American trên bầu trời Lockerbie (Scotland). Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi với sự ra đời của Cơ quan Quản lý an ninh vận tải, thiết chế liên bang được Quốc hội ủy quyền thành lập vào tháng 11/2001.

Kể từ sau vụ tấn công 11/9, không có vụ khủng bố quy mô lớn tương tự nào nhằm vào nước Mỹ, song những vụ tấn công và bạo lực bên trong nước Mỹ gia tăng, nghiêm trọng nhất vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm Pulse ở Orlando năm 2016. Các chính trị gia tuyên bố giáo lý của đạo Hồi đã bị những kẻ cực đoan và khủng bố xuyên tạc, nhưng nhiều vụ tấn công nhằm vào Hồi giáo vẫn xảy ra, viện lý do trả thù cho vụ khủng bố 11/9.

Mối đe dọa khủng bố cũng khác xưa

Nỗ lực chống khủng bố toàn cầu của Mỹ đã đem lại một số thành công, các biện pháp an ninh chặt chẽ được áp dụng sau vụ khủng bố 11/9 đã làm thất bại, hoặc ngăn chặn các âm mưu khủng bố nhằm vào nước Mỹ và giúp “xứ cờ hoa” an toàn hơn. Song, giới phân tích chỉ rõ, mối đe dọa khủng bố chưa hoàn toàn bị loại bỏ, mà biến đổi với hình dạng mới.

Chuyên gia Bruce Hoffman thuộc tổ chức độc lập Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) cho rằng, trùm khủng bố Osama Bin Laden đã bị Mỹ tiêu diệt, 7 chỉ huy hàng đầu của Al Qaeda đã bị loại bỏ (tính đến năm 2019), song “hệ tư tưởng” và mục tiêu của Al Qaeda tiếp tục được nhiều tổ chức thánh chiến chia sẻ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, số lượng các tổ chức bị Washington liệt vào “danh sách khủng bố” đã tăng bốn lần so con số được ghi nhận 20 năm trước.

Một báo cáo của nhóm giám sát thuộc Liên hợp quốc cũng nêu rõ sự trỗi dậy của Al Qaeda ở châu Phi, cố thủ tại Syria và hiện diện ở Afghanistan. Al Qaeda vẫn có thể thực hiện các hoạt động khủng bố, thông qua các tổ chức nhánh và lực lượng thánh chiến “được ủy quyền”. Vụ tấn công căn cứ của Hải quân Mỹ ở Florida năm 2019 là thí dụ mới nhất, do nhóm Al Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) thực hiện.

Sự kiện 11/9 là lý do trực tiếp để Mỹ đưa quân tới Afghanistan và khởi động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, sau khi Mỹ xác định nhóm Al Qaeda dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Osama bin Laden khi đó đang trú ẩn ở Afghanistan là nhóm chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công khủng bố “kinh hoàng” này. Tuy nhiên, mức độ thành công của cuộc can dự này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bài viết trên trang France24.com dẫn nhận định của giới chuyên gia thuộc Trường đại học Lund (Thụy Điển) cho rằng, cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan đã lật đổ chế độ Taliban cách đây 20 năm và làm suy giảm khả năng của Al Qaeda, nhưng không thể nhổ tận gốc bạo lực cực đoan.

Thực tế, ngày nay chủ nghĩa khủng bố thánh chiến đã biến thành mối đe dọa toàn cầu, do nhiều nhóm và cá nhân trên khắp thế giới tiến hành. Năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington ước tính, số lượng các nhóm khủng bố đang hoạt động lên mức cao nhất kể từ năm 1980.

Chi nguồn lực khổng lồ cho cuộc chiến chống khủng bố, song dường như kết quả Mỹ thu được không tương xứng, thậm chí còn bị cho là “phản tác dụng”. Theo CRF, cuộc can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003 đã làm chệch hướng các nguồn lực quan trọng khỏi mục tiêu tiêu diệt Al Qaeda ở Nam Á, thậm chí vô hình trung tạo ra những “cơ hội” dẫn tới sự xuất hiện của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Lợi dụng sự suy yếu của Al Qaeda, IS đẩy mạnh hoạt động, trở thành một phiên bản bạo lực hơn cả Al Qaeda. Không chỉ ở Iraq và Syria, IS đã thực hiện một loạt cuộc tấn công nhằm các mục tiêu dân sự ở các thành phố của Mỹ và châu Âu. IS còn thay đổi cả cách thức truyền thống, khi tiên phong sử dụng truyền thông xã hội để tuyển dụng, tuyên truyền và kích động tấn công kiểu “sói đơn độc”.

Liên quân của 38 nước do Mỹ đứng đầu phải mất khoảng 5 năm để tuyên bố “đánh bại IS”, song mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này thì chưa được loại bỏ hoàn toàn.

Từng gây tranh cãi, các kế hoạch của Mỹ rút quân khỏi Iraq và mới nhất là rời Afghanistan càng khiến dư luận lo ngại, trong bối cảnh nguy cơ khủng bố thánh chiến trở lại rõ rệt hơn.

Bằng chứng mới nhất là vụ đánh bom liều chết ở Kabul vào thời điểm sát hạn chót lực lượng Mỹ chấm dứt hiện diện tại Afghanistan, mà thủ phạm là tổ chức nhánh của IS ở khu vực Nam Á.

Theo nhận định của tổ chức nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Mỹ, sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani ở Afghanistan càng dấy lên lo ngại về nguy cơ các nhóm thánh chiến có thể tái thiết lập, tìm được nơi trú ẩn và trỗi dậy mạnh mẽ hơn.

Ấy là chưa kể, xu hướng chuyển dịch khủng bố từ Trung Đông sang châu Phi ngày càng rõ nét, khi các khu vực Sahel và Maghreb được cho là “chiến địa” mới của nhiều nhóm thánh chiến. Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sẽ còn tiếp diễn, như chính tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi công bố kết thúc “sứ mệnh” của Mỹ tại Afghanistan.

Tuy nhiên, việc Mỹ quyết rút hết lực lượng khỏi Afghanistan trong bối cảnh tình hình quốc gia Nam Á còn bất ổn, với nhiều mối lo ngại về tương lai, sẽ tác động trực tiếp mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác. Thực tế “Mỹ không giành thắng lợi tại Afghanistan” có thể khiến các nước thận trọng hơn, Mỹ khó khăn hơn khi lập liên minh hoạt động quân sự trong tương lai.

Nhà dân bị phá hủy trong vụ tấn công rocket tại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 29/8/2021. (Ảnh: Reuters)
Tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Raqqa, Syria, ngày 29/6/2014. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu về tình hình Afghanistan tại Nhà trắng, ngày 31/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Ngày xuất bản: 11/09/2021
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN, VIỆT ANH
Nội dung: HOÀNG HÀ, SƠN NINH, TRƯỜNG SƠN, TRUNG HƯNG, PHAN ANH
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: Reuters, 911memorial.org, Whitehouse.gov, Freepik
Nguồn tư liệu: 911memorial.org, Whitehouse.gov, Reuters, CNN, History.com, Brookings.edu, Crf.org.