Nhìn lại hành trình 30 năm bảo tồn và phát huy di sản Vịnh Hạ Long

Trong ba thập kỷ qua, kể từ lần đầu tiên Vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy Giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất-địa mạo của di sản vẫn luôn là thách thức với những người làm công tác quản lý. Với ông Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long: “sự thay đổi một trời, một vực của Vịnh Hạ Long 30 năm qua như một giấc mơ”. Hành trình hiện thực hóa giấc mơ đưa di sản Vịnh Hạ Long trở thành điểm đến quốc tế chứng kiến nhiều thăng trầm, nhưng chất chứa bao tự hào của những người con đất mỏ với tinh thần “luôn đặt bảo tồn di sản lên hàng đầu, sau đó mới phát huy các giá trị di sản mang lại chứ không đặt mục tiêu dùng di sản để phát triển kinh tế với bất cứ giá nào”.

Những bước đi đầu tiên đầy khó khăn

“Được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, không nhẽ chỉ để ngắm nhìn tự hào. Để bảo tồn di sản, chúng ta cần phải có nguồn lực cả về tài chính và nhân lực. Thời điểm ban đầu đầy khó khăn, chúng tôi cũng rất loay hoay”, ông Nguyễn Công Thái kể về hành trình 20 năm “sống cùng di sản” của mình với vai trò là Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long từ năm 1996.

Bến cá ven bờ Vịnh Hạ Long. (Ảnh do C.Berruyer - Pháp chụp năm 1938).

Bến cá ven bờ Vịnh Hạ Long. (Ảnh do C.Berruyer - Pháp chụp năm 1938).

Ngay sau khi Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo tồn Di sản theo Công ước về bảo vệ văn hóa và tự nhiên 1972 của UNESCO, các cơ chế, chính sách đầu tiên về quản lý Di sản nhanh chóng được xây dựng: UBND tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và ban hành Quy chế tạm thời quản lý Vịnh Hạ Long năm 1995, Quy chế tạm thời quản lý Vịnh Hạ Long là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên nhằm điều chỉnh những vấn đề cụ thể có liên quan đến vịnh, đồng thời cụ thể hóa một bước Pháp lệnh (nay là Luật Di sản Văn hóa) của Nhà nước và Công ước quốc tế bảo vệ Di sản, sau này được nhiều lần điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu quản lý di sản trong tình hình mới.

Ông Thái cùng khoảng hơn 10 đồng nghiệp lúc bấy giờ, nhận nhiệm vụ mới trong tâm thế rất băn khoăn. Đoàn khảo sát nghiên cứu một số hang động để xây dựng hạ tầng đón khách tham quan, phải lội qua rừng ngập mặt, leo lên những vách đá và đốt đuốc tìm đường. Anh em chưa biết làm thế nào để vừa xây dựng hạ tầng vừa bảo tồn.

Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long.

Nguyễn Công Thái, nguyên Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long.

Nếu làm quá trong xây dựng cảnh quan hoặc bảo tồn không đúng quy cách, chúng ta có thể vi phạm các nội dung về bảo tồn di sản. Chúng tôi lặn lội sang Trung Quốc, đến khu Quế Lâm để học cách tôn tạo, bảo tồn cảnh quan về áp dụng tôn tạo cho các hang: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời các chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ tư vấn các phương án như bố trí không gian thế nào cho phù hợp với cảnh sắc thiên nhiên, xây dựng hệ thống ánh sáng cho làm bật lên giá trị vẻ đẹp tự nhiên của hang động.
Ông Thái chia sẻ.  

Nguồn lực tài chính, kỹ thuật chuyên môn rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, nguồn nhân sự để triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản còn rất mỏng và chưa có kinh nghiệm, nhưng họ phải thực hiện khối công việc khổng lồ, không chỉ bảo tồn nguyên trạng di sản, mà còn có nhiệm vụ phát huy di sản trở thành điểm đến, mang lại giá trị kinh tế du lịch.

Vừa học, vừa làm, vừa khắc phục những điểm chưa được, các danh thắng tại Hạ Long dần thay da, đổi thịt, tuyến tour du lịch thuận tiện hơn, cơ sở hạ tầng đáp ứng được lượng du khách trong và ngoài nước đến ngày một đông hơn.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020. Kể từ thời điểm đó đến nay, cơ chế chính sách quản lý, bảo tồn Di sản nói chung và Vịnh Hạ Long ngày càng được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản, như: Luật Di sản văn hóa, Nghị định về Bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam...Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long; UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, quy chế, kế hoạch quản lý tổng thể di sản và đối với một số lĩnh vực trọng tâm về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch... đã góp phần nâng cao được hiệu quả công tác quản lý di sản.

Mô hình, cơ chế quản lý di sản thường xuyên được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm quản lý, bảo tồn di sản hiệu quả nhất, phát huy tối đa chức năng nhiệm vụ của các đơn vị: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long; UBND thành phố Hạ Long quản lý Nhà nước toàn diện đối với các hoạt động kinh tế-xã hội trên Vịnh Hạ Long; các sở, ngành, địa phương khác phối hợp quản lý Vịnh Hạ Long theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định tại Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long và thông qua cơ chế phối hợp liên ngành với hình thức đa dạng, linh hoạt như ký kết Quy chế, chương trình phối hợp liên ngành.

Người dân mưu sinh trên làng chài Cửa Vạn.

Người dân mưu sinh trên làng chài Cửa Vạn.

Bảo vệ vùng lõi di sản, đối mặt với nhiều thách thức phát triển kinh tế địa phương. Ông Thái cho hay, suốt quãng thời gian công tác, Hạ Long phải đối mặt với hai câu chuyện rất nóng trong bảo tồn, có nguy cơ bị UNESCO gạt bỏ ra khỏi di sản quốc tế.

Năm 1996, Hạ Long nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn của Nhật Bản làm cây cầu Bãi Cháy. Cây cầu là mơ ước bấy lâu nay, tạo đường giao thông huyết mạch cho toàn tỉnh. Tuy nhiên, người Nhật Bản rất tôn trọng di sản và cầu Bãi Cháy được xây dựng nằm ở vùng đệm di sản. Phía đối tác Nhật Bản đặt ra yêu cầu đặt ra với Việt Nam là phải có thỏa thuận với Hội đồng di sản thế giới, có được sự đồng thuận cao làm cầu Bãi Cháy. Tỉnh Quảng Ninh giao Ban Quản lý Vịnh Hạ Long làm báo cáo giải trình hơn 10 trang đánh giá tác động kinh tế-xã hội tới di sản. “Bấy giờ chúng tôi cũng chưa hiểu hết về thiết kế cầu, xây dựng sẽ ảnh hưởng thế nào, tác động kinh tế ra sao. Chúng tôi chỉ xây dựng bản giải trình theo hướng, nếu có cây cầu, ngoài việc kết nối giao thông thuận tiện cho toàn tỉnh trên bờ, mà còn thuận tiện cho lưu thông đường thủy, không bị xung đột giữa các tuyến. Đây là vùng đệm, không ảnh hưởng trực tiếp tới gốc di sản. Cuối cùng, cây cầu được triển khai và từ đó tới nay chúng ta chứng kiến sự phát triển vượt bậc của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt trong phát triển du lịch”.

Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long.

Năm 2016, một lần nữa, Vịnh Hạ Long lại đối mặt với nguy cơ bị xóa tên danh hiệu di sản thế giới khi tỉnh xây dựng một số khu công nghiệp, trong đó có nhà máy xi măng. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục nhận trách nhiệm nặng nề, làm báo cáo giải trình với các chuyên gia của Hội đồng di sản. “Rất nhiều phóng viên chờ chúng tôi về từ phiên giải trình. Tuy nhiên, do chúng ta làm rất cẩn thận mời các chuyên gia sang Việt Nam từ sớm để xem nguy cơ tác động tới di sản. Chúng ta cũng khéo léo giải trình theo 2 hướng, một đây là thiên nhiên ưu đãi tỉnh có nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế công nghiệp, hai là khu vực nhà máy đặt sâu trong nội địa, xa vùng đệm di sản nên sản xuất khu công nghiệp cũng như bến cảng không ảnh hưởng lớn đến di sản Vịnh Hạ Long”, ông Thái nói.

Đại dịch Covid-19 cũng là một thách thức đặt ra với Vịnh Hạ Long trong việc kéo du khách trở lại tham quan. Cơn bão Yagi phá vỡ 60% thảm thực vật rừng nguyên sinh cũng làm ảnh hưởng phần nào tới vẻ đẹp cảnh quan nơi đây. Hạ Long vẫn đang nỗ lực từng ngày để phủ lại màu xanh cho rừng nguyên sinh, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, phù hợp với từng phân khúc khách du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách để mỗi lần quay trở lại, du khách thấy sự tươi mới của Hạ Long.

Nhìn lại 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận di sản, ông Thái bảo giống như một giấc mơ vì ông chứng kiến được sự thay đổi một trời, một vực của Vịnh Hạ Long về mặt cơ sở hạ tầng, trong khi đó vẫn bảo đảm nguyên tắc bảo tồn di sản. Những năm qua Vịnh Hạ Long luôn được xác định là chủ thể quan trọng, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới được triển khai đầy đủ, đúng với luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; với sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam, của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân ở trong nước, quốc tế, nhất là Trung tâm di sản thế giới UNESCO và Tổ chức IUCN, di sản Vịnh Hạ Long đã được quản lý, bảo vệ tốt theo các yêu cầu đề ra.

Giải pháp bảo tồn đồng bộ và khai thác phát triển bền vững

Trong suốt 30 năm qua, từ năm 1994 đến hết tháng 9/2024, Vịnh Hạ Long đã đón tiếp trên 56,3 triệu lượt khách (trong đó có 25,8 triệu lượt khách (trong nước) Việt Nam, 30,5 triệu khách nước ngoài), thu phí tham quan đạt trên 8,472 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn để cho thấy, ngoài việc bảo tồn nguyên trạng di sản theo quy định của UNESCO, công tác phát huy di sản để mang lại những giá trị kinh tế-xã hội của Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung rất hiệu quả. Nguồn thu này, trở thành động lực lớn cho các cán bộ trong công tác bảo tồn. Từ nguồn thu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã nộp ngân sách cho thành phố để đầu tư trở lại cho hệ thống danh lam thắng cảnh, thậm chí còn đầu tư cho hệ thống hạ tầng ven bờ du lịch tỉnh.

Để làm tốt việc bảo vệ và phát huy di sản, TP Hạ Long đã có những bước triển khai bài bản với những chiến lược dài hơi trong công tác phát triển du lịch địa phương cũng như bảo tồn những giá trị về danh thắng, khảo cổ, văn hóa bản địa.

Bè nuôi cá tại làng chài Cửa Vạn.

Bè nuôi cá tại làng chài Cửa Vạn.

Để làm sáng tỏ những giá trị của Vịnh Hạ Long, làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo tồn hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát huy, khai thác các giá trị của di sản, trong những năm qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã độc lập nghiên cứu và chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai thực hiện trên 20 đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị tiêu biểu Vịnh Hạ Long, trong đó nghiên cứu, đánh giá về địa hình Karst, giám sát giá trị đa dạng sinh học, khoanh vùng bảo vệ khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của Vịnh Hạ Long (văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ...).

Bên cạnh đó, các giá trị di sản còn thường xuyên được giám sát, đánh giá trước tác động, biến đổi của môi trường, khí hậu và ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế xã hội. Mỗi năm, Ban triển khai hàng chục đợt giám sát định kỳ các giá trị di sản, ngoài ra, tại các điểm đón khách tham quan, các giá trị được kiểm tra, giám sát thường xuyên, cử cán bộ theo dõi hàng ngày và ghi lại số liệu, những nguy cơ, dấu hiệu bất thường (nếu có).

Các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn khác cũng được triển khai như thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long; khoanh vùng bảo tồn một số khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; bảo tồn các loài thực vật quý; lập hồ sơ một số điểm di sản địa chất-địa mạo; bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài; nghiên cứu, khảo sát, khai quật một số điểm khảo cổ trên Vịnh Hạ Long...

“Nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá thể hiện sự quyết tâm ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản, bảo vệ đa dạng sinh học được triển khai thực hiện, đó là di dời các hộ dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối khu di sản từ năm 2018, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định; triển khai lập các điểm quy hoạch nuôi trồng thủy sản nằm ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinker, xi măng dăm gỗ trên vịnh Hạ Long...”

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vịnh Vũ Kiên Cường.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Vịnh Vũ Kiên Cường.

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường di sản luôn được ưu tiên hàng đầu với nhiều nỗ lực nhằm cải thiện, bảo đảm môi trường Vịnh Hạ Long và tạo ra những đột phá mới; thu hút được nhiều dự án về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như Dự án Tăng trưởng xanh, dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long do tổ chức JICA tài trợ....

Để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn, nhất là nguồn thải từ ven bờ, khu vực giáp ranh và các hoạt động khai thác, vận chuyển than, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết di chuyển các hoạt động vận chuyển, bốc rót than trên Vịnh Hạ Long; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực vùng đệm (sàng tuyển than, các cảng than) và tiến hành các giải pháp cải thiện môi trường. Tỉnh xác định không phát sinh cơ sở công nghiệp mới; không cấp phép hoạt động các Nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời Clinke, xi măng và dăm gỗ, hàng hóa là đá vôi...

Để bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm, các phao xốp bằng được thay thế bằng các vật liệu nổi bền vững tại các công trình nổi trên vịnh; thực hiện quan trắc, giám sát định kỳ hàng quý hiện trạng môi trường nước tại 41 điểm quan trắc trên vịnh; đầu tư lắp đặt và vận hành 2 trạm quan trắc môi trường nước thải ven bờ tự động.

Ngoài ra, TP Hạ Long cũng đã thực hiện các dự án: Thành phố thông minh; Xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh Quảng Ninh, đưa vào một số chỉ tiêu môi trường riêng, phù hợp với hệ sinh thái, hoạt động đặc thù tại tỉnh Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long. Tăng cường vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành trong việc kiểm soát nguồn thải. Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt TP Hạ Long, đầu tư nâng cấp các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương ven bờ Vịnh Hạ Long từng bước nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung ven bờ (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) hiện tại đạt 48%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 65%, toàn bộ các đô thị trong khu vực vùng đệm di sản đều có hệ thống xử lý nước thải xả ra môi trường.

100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, các tàu du lịch đóng mới trên Vịnh Hạ Long đều có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn. Triển khai dự án xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước thải tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long sử dụng công nghệ Jokaso, Uniship.

Thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại khu di sản, triển khai hiệu quả Chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” từ ngày 1/9/2019 với nội dung không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh, đã giảm được 90% lượng rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh, thay thế được 94% phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh.

Khu nuôi bè cá tại làng chài Cửa Vạn.

Khu nuôi bè cá tại làng chài Cửa Vạn.

Toàn thành phố đã hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến Di sản Vịnh Hạ Long, đem đến những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách khi đến đây.

Vịnh Hạ Long hiện có 502 tàu du lịch đăng ký hoạt động, trong đó có 323 tàu tham quan, 177 tàu lưu trú, 4 tàu nhà hàng và 7 du thuyền khám phá. Ngoài ra, trên Vịnh Hạ Long hiện có 590 kayak, 100 đò chèo tay, 31 xuồng cao tốc và 134 tender chuyển tải khách tham quan. Hoạt động của tàu du lịch và các dịch vụ du lịch được quản lý chặt chẽ. Năm 2018, Hạ Long áp dụng Bộ tiêu chí Nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch trên vịnh để khuyến khích các tàu du lịch tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vịnh, từ chỗ phân tán, nhỏ lẻ, thiếu thủ tục pháp lý theo quy định, chất lượng dịch vụ chưa cao, đến năm 2016, các loại hình dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc được tổng rà soát, kiểm tra. Chất lượng dịch vụ của tàu du lịch và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh được nâng lên.

Bãi tắm Ti tốp.

Bãi tắm Ti tốp.

Không ngừng mở rộng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hiện Vịnh Hạ Long có 8 tuyến tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh gồm: tham quan hang động, ngắm cảnh; lưu trú nghỉ đêm; vui chơi giải trí, tắm biển; chèo kayak, chèo đò... Các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long ngày càng được đa dạng hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống như: tham quan hang động, tắm biển, chèo kayak, nghỉ đêm trên du thuyền…

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, hiện trên vịnh đã và đang phát triển thêm tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, thí dụ như đưa vào hoạt động thử nghiệm của du thuyền khám với 3 tuyến tham quan riêng; sản phẩm Phố đêm du thuyền; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học.

“Hiện một số di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới như Italia, Tây Ban Nha phải đóng cửa do nguy cơ phá vỡ di sản. Chúng tôi cũng nhìn nhận điều đó với Vịnh Hạ Long. Vì thế, chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm các nước không chạy theo số lượng khách du lịch một cách đông đúc để khai thác quá mức với di sản mà phải có đánh giá sức chịu đựng, sức tải của di sản xem chịu đựng đến mức độ nào, để từ đó phân tuyến du lịch hiệu quả, không tạo áp lực lên di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hay những di chỉ khảo cổ”, ông Cường giãi bày.

Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, vùng Vịnh Hạ Long còn chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của cộng đồng ngư dân thủy cư từng sinh sống trên vịnh. Với cuộc sống đời nối đời gắn bó với biển, những người dân chài chất phác đã tự thích nghi và tìm ra cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên bằng vốn tri thức dân gian phong phú của mình. Ngày nay, mặc dù đã di dời lên đất liền sinh sống nhưng những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, phương thức kiếm sống... vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phục dựng và phát huy, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần làm nên đặc trưng riêng có của di sản thiên nhiên thế giới này.

Phát huy vai trò của cộng đồng người dân bản địa

Công tác bảo tồn, sẽ thật sự là gánh nặng với cơ quan quản lý khi phải vừa bảo tồn, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương mà không tạo áp lực lên di sản. Sự biến chuyển về mặt ý thức của người dân, sự tham gia của cộng đồng người bản địa trong hành trình bảo vệ di sản có nhiều tích cực với dòng thời gian.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá Vịnh Hạ Long được đa dạng hóa về hình thức, phong phú về nội dung và nâng cao về hiệu quả tuyên truyền: mở chuyên mục về di sản trên báo, đài địa phương từ năm 1999, lắp dựng các biển quảng bá tấm lớn tại các nút giao thông quan trọng. Khai thác và tận dụng tối đa vai trò tuyên truyền hiệu quả của mạng xã hội, Hạ Long đã thiết lập trang web riêng về vịnh với 6 thứ tiếng, lập facebook và fanpage về Vịnh Hạ Long; mở rộng các ấn phẩm tuyên truyền với hàng chục ấn phẩm.

Ngày 13/11, siêu du thuyền Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đem theo gần 2.700 du khách châu Âu, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Ngày 13/11, siêu du thuyền Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đem theo gần 2.700 du khách châu Âu, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Thông qua chương trình xúc tiến du lịch, thương mại, triển lãm, hội nghị trong và ngoài nước; truyền thông trên báo chí, TP Hạ Long mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Vịnh Hạ Long tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thành phố đã hợp tác với các cơ quan truyền thông, các nhà làm phim trong nước và quốc tế để quảng bá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Vịnh Hạ Long ra thế giới; thường xuyên biên soạn, biên tập và xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá về vịnh bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc...); tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam để kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản vịnh.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ di sản được phổ cập cho nhiều đối tượng: học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế, dân cư khu vực ven bờ, khách du lịch, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế-xã hội trên Vịnh... gắn với các hoạt động giáo dục, ngoại khóa, thực tế về bảo vệ cảnh quan, môi trường, giá trị Di sản.

Từ năm học 2000-2001, tỉnh đã đưa chương trình giáo dục bảo vệ di sản vào trường học, được đánh giá tốt và mở rộng triển khai mở rộng ra tất cả các trường học tại các địa phương; tổ chức thành công mô hình giáo dục con thuyền sinh thái Ecoboat - một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long với phương châm chơi mà học, học mà chơi từ năm 2005; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh; phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ di sản; xây dựng và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", "Nụ cười Hạ Long"; tổ chức ngày chủ nhật xanh, ra quân dọn vệ sinh môi trường, giáo dục môi trường thực tế trên vịnh... Nhận thức và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn di sản đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thiết lập và tăng cường duy trì, mở rộng mối quan hệ trực tiếp với các tổ chức thế giới, qua đó, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế-văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản đã được triển khai, nhiều chương trình dự án được tài trợ thực hiện, từng bước đưa Vịnh Hạ Long hội nhập với các hoạt động quốc tế về bảo vệ di sản thế giới, trong đó đã thu hút được nhiều dự án triển khai ở Vịnh Hạ Long liên quan đến các lĩnh vực: nghiên cứu, bảo tồn di sản; bảo vệ môi trường và giáo dục cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý di sản.

Ngoài ra, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia IUCN, UNESCO trong quản lý di sản, đặc biệt là về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đánh giá sức tải, quản lý du lịch bền vững. Tại một số nhiệm kỳ của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long được bầu là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Vịnh Hạ Long trên thế giới.

Cảng cá Vịnh Hạ Long

Cảng cá Vịnh Hạ Long

Cảng cá Vịnh Hạ Long

Cảng cá Vịnh Hạ Long

Ông Vũ Kiên Cường tự hào bày tỏ, mỗi người dân Quảng Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung nhận thức rõ ràng trách nhiệm giữ gìn tôn tạo bảo vệ phát huy di sản thiên nhiên thế giới. Ban Quản lý Vịnh luôn có chiến lược riêng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực có đủ tâm huyết, đủ năng lực, chuyên môn trình độ phục vụ triển khai nhiệm vụ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ban Quản lý Vịnh đề cao việc sử dụng kiến thức các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong ngoài nước liên quan lĩnh vực bảo vệ phát huy di sản để nhìn nhận đúng về giá trị và cái gì cần thiết phải thực hiện bảo tồn giữ gìn tôn tạo phát huy giá trị di sản.

Hiện tài nguyên du lịch ở Vịnh Hạ Long mới khai thác 20%. 80% còn lại, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long vẫn đang nghiên cứu, đưa vào khai thác và biến thành sản phẩm du lịch mới đặc sắc để lập đề án báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh triển khai. Phát triển sản phẩm du lịch mới, nhưng vẫn bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ thiên nhiên ban tặng cho Vịnh Hạ Long, bảo tồn những nét văn hóa người bản địa gốc, các di chỉ khảo cổ... sẽ giải quyết câu chuyện tránh lãng phí tài nguyên du lịch, để Hạ Long mãi xanh và là điểm đến thân thiện với du khách.

Ngày xuất bản 26/11/2024
Nội dung: THẢO LÊ - QUANG THỌ - THIÊN LAM
Trình bày: ĐĂNG PHI
Ảnh: THÀNH ĐẠT