Song song mở rộng mạng đường bay, Vietnam Airlines cũng không ngừng phát triển đội tàu bay theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Song song mở rộng mạng đường bay, Vietnam Airlines cũng không ngừng phát triển đội tàu bay theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Hơn 30 năm lịch sử với hơn 1,6 triệu chuyến bay, chuyên chở khoảng 300 triệu lượt khách và hơn 4,5 triệu tấn hàng hoá, đạt mốc doanh thu gần 1,2 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 65 nghìn tỷ đồng, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) luôn khẳng định vị thế anh cả của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, không ngừng phát triển vươn tầm khu vực và thế giới.

Từ những chiếc máy bay đầu tiên, thế hệ cũ, đơn sơ thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919 (tiền thân của Đoàn Bay 919, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam), đến nay, Vietnam Airlines đã có đội bay 100 chiếc, khai thác cả hai loại tàu bay hiện đại thế hệ mới của thế giới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900, trở thành một thương hiệu mạnh của đất nước, tiếp nối sứ mệnh chinh phục bầu trời.

Bước ngoặt chuyển đổi…

Đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1959, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Trung đoàn Không quân vận tải 919 (tiền thân của Đoàn Bay 919) được thành lập. Trên sân bay, hàng quân xếp hàng đều thẳng tắp trước 5 chiếc máy bay gồm các kiểu loại IL-14, Li-2 và AN-2. Ngay sau phần nghi lễ, các phi công và nhân viên công tác trên không Việt Nam đã bay biểu diễn chào mừng. Một số đại biểu được mời cùng bay trên bầu trời Thủ đô, tận mắt chứng kiến các phi công của ta điều khiển những chiếc máy bay vút lên làm chủ bầu trời.

Từ đó, ngày 1/5 đã trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn Không quân vận tải 919-Đoàn Bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hiện nay.

Trước đó, từ năm 1956, quân đội đã cử các lớp học viên sang học tập tại Liên Xô và Trung Quốc, gồm các tổ bay vận tải và trực thăng và các đoàn học về dẫn đường, thông tin liên lạc, thợ máy. Ông Phạm Công Kế, thuộc lớp kỹ thuật máy bay đầu tiên tại Trung Quốc từng chia sẻ, đoàn có 44 người, cùng 4 đồng chí phiên dịch, mặc quần áo công nhân, đi tàu hỏa sang Trung Quốc học. Cùng với đoàn đi Liên Xô học lái máy bay tại Trường Không quân Balashov, các học viên khi trở về nước đã tham gia thành lập Trung đoàn 919.

Lễ thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919 (tiền thân của Đoàn Bay 919) tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Lễ thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919 (tiền thân của Đoàn Bay 919) tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Phi đội bay thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919.

Phi đội bay thuộc Trung đoàn Không quân vận tải 919.

Những năm đầu thành lập, Trung đoàn 919 thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự kết hợp phục vụ dân dụng, đồng thời trực tiếp tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội, ghi dấu ấn trong lịch sử của đơn vị và của ngành hàng không Việt Nam. Trung đoàn 919 đã đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong trận Tết Mậu Thân năm 1968; chở phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán và ký Hiệp định Paris lịch sử; cứu trợ đồng bào lũ lụt,… Nhiều gương mặt phi công quả cảm của Trung đoàn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như liệt sĩ Phan Như Cẩn, phi công chiến đấu AN-2, phi công Nguyễn Văn Ba, kỹ sư Nguyễn Tường Long chuyên trách cải tiến, trang bị vũ khí cho máy bay.

Ngày 29/8/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chính thức ra đời ngày 20/4/1993, trên cơ sở nòng cốt là Đoàn bay 919, Đoàn Tiếp viên và các xí nghiệp bảo dưỡng máy bay, dịch vụ mặt đất, suất ăn trên không. Theo cơ chế mới, Đoàn Bay 919 trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam, bước ngoặt chuyển đổi quan trọng của hoạt động kinh doanh vận tải hàng không phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Vietnam Airlines đã định hướng để trở thành đơn vị tiên phong trong quá trình phát triển của ngành Hàng không dân dụng, là mũi nhọn của nền kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài.

Lúc này hàng không Việt Nam đang quản lý và khai thác 30 chiếc máy bay, đều thuộc thế hệ cũ. Từ thời điểm này, các thế hệ phi công đầu tiên đã có những lứa kế thừa xứng đáng, được tạo điều kiện để tiếp thu bài bản kiến thức, chủ động đẩy nhanh đào tạo chuyển loại cho phi công cơ bản và huấn luyện nâng cấp chuyển loại, cân đối lực lượng giữa các đội bay, thuê thêm phi công nước ngoài để đáp ứng nhu cầu khai thác của Tổng công ty.

Chỉ với vỏn vẹn hơn 200 cán bộ, công nhân viên đầu tiên, hoạt động trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhưng Vietnam Airlines đã từng bước vượt qua khó khăn và khẳng định vị thế. Ngay trong năm đầu ra mắt, hãng vận chuyển an toàn hơn 1 triệu lượt hành khách. Thời kỳ 1993-2002, thực hiện sứ mệnh là cầu nối giao thương giữa các vùng miền trong nước và giữa Việt Nam với thế giới, Vietnam Airlines đã liên tục mở mới và mở lại nhiều đường bay trong và ngoài nước.

Chỉ với vỏn vẹn hơn 200 cán bộ, công nhân viên đầu tiên, hoạt động trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhưng Vietnam Airlines đã từng bước vượt qua khó khăn và khẳng định vị thế.

Có thể kể đến trong số này là các đường bay: Hà Nội-Điện Biên (tháng 4/1994), Hà Nội-Vinh-Đà Nẵng (1995), Hà Nội-Seoul, Hà Nội-Singapore (tháng 7/1995), Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Lạt-Đà Nẵng (tháng 3/1997), Thành phố Hồ Chí Minh-Siem Reap (tháng 1/2000), Thành phố Hồ Chí Minh-Tokyo (tháng 11/2000), Hà Nội-Bắc Kinh (tháng 9/2001), Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng-Vinh (tháng 5/2002),…

Với đội ngũ phi công, tiếp viên giàu kinh nghiệm cùng hệ thống sửa chữa bảo dưỡng, phục vụ mặt đất, suất ăn, không quá khi nói rằng, Vietnam Airlines chính là cái nôi của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Bằng nỗ lực tột bậc, đội ngũ phi công và cán bộ nhân viên Đoàn Bay 919 đã từng bước tiếp thu, thay thế chuyên gia, giáo viên, phi công nước ngoài trong hoạt động chuyển giao công nghệ khai thác các loại máy bay mới, hiện đại từ ATR-72, Airbus A320/A321,… đến các loại máy bay mới và hiện đại nhất hiện nay trên thị trường vận tải hàng không quốc tế là Boeing 787 và Airbus A350.

Với đội ngũ phi công, tiếp viên giàu kinh nghiệm cùng hệ thống sửa chữa bảo dưỡng, phục vụ mặt đất, suất ăn, Vietnam Airlines chính là cái nôi của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Với đội ngũ phi công, tiếp viên giàu kinh nghiệm cùng hệ thống sửa chữa bảo dưỡng, phục vụ mặt đất, suất ăn, Vietnam Airlines chính là cái nôi của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Tiếp nối cho cánh bay vươn xa

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Tô Ngọc Giang, cơ trưởng A350, Đoàn trưởng Đoàn Bay 919 cho biết, ban đầu, Đoàn Bay phải cử những phi công dày dạn sang đào tạo tại Tập đoàn sản xuất máy bay, sau đó họ trở thành giáo viên đào tạo các lứa phi công tiếp theo. Hiện nay, đã có những phi công của Vietnam Airlines được đào tạo từ chính người Vietnam Airlines.

Mỗi năm, trung bình có thêm 80-100 phi công Việt Nam được bổ sung, phấn đấu đến năm 2025, Vietnam Airlines sẽ đào tạo đủ 100% phi công Việt Nam thay thế phi công nước ngoài, vừa giảm thiểu chi phí, vừa chứng minh Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam làm chủ bầu trời, làm chủ công nghệ hàng không hiện đại.

Mỗi năm, trung bình Vietnam Airlines có thêm 80-100 phi công Việt Nam hoàn thành chương trình đào tạo, bổ sung vào đội bay của hãng.

Mỗi năm, trung bình Vietnam Airlines có thêm 80-100 phi công Việt Nam hoàn thành chương trình đào tạo, bổ sung vào đội bay của hãng.

Phấn đấu đến năm 2025, Vietnam Airlines sẽ đào tạo đủ 100% phi công Việt Nam thay thế phi công nước ngoài.

Phấn đấu đến năm 2025, Vietnam Airlines sẽ đào tạo đủ 100% phi công Việt Nam thay thế phi công nước ngoài.

Song song mở rộng mạng đường bay, Vietnam Airlines cũng không ngừng phát triển đội tàu bay theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Giai đoạn 1995-1996, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng thuê 10 máy bay A320 do hãng Airbus chế tạo. Cùng với hợp đồng cho thuê máy bay, Airbus đã đào tạo cho Vietnam Airlines 20 phi công A320, đánh dấu bước chuyển mình mới về tổ chức quản lý và đào tạo chuyển giao công nghệ. Trong năm 1995, hãng cũng tiếp nhận máy bay Boeing 767 đầu tiên.

Năm 1996, được sự đồng ý của Chính phủ, Tổng công ty đã đàm phán với Hãng Fokker (Hà Lan) để mua máy bay tầm ngắn Fokker-70 (F-70). Năm 2003, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận máy bay Boeing 777-200ER, trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trong khu vực sở hữu máy bay Boeing thân rộng tầm xa hiện đại nhất thời điểm đó. Với những loại tàu bay ngày càng hiện đại và tiên tiến hơn, Vietnam Airlines đã làm chủ công nghệ mới để khai thác các chặng bay tầm trung, tầm xa và đủ khả năng bay xuyên lục địa.

Năm 2003, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận máy bay Boeing 777-200ER, trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trong khu vực sở hữu máy bay Boeing thân rộng tầm xa hiện đại nhất thời điểm đó.

Với cơ trưởng Phạm Đình Hưng, chinh phục bầu trời vừa là công việc, vừa là đam mê và cơ hội.

Với cơ trưởng Phạm Đình Hưng, chinh phục bầu trời vừa là công việc, vừa là đam mê và cơ hội.

Theo cơ trưởng Phạm Đình Hưng, Phó đội trưởng phụ trách an toàn khai thác Đội bay A350 (Đoàn Bay 919), khi Vietnam Airlines đặt mua những chiếc máy bay Airbus A320 đầu tiên, anh được cử sang Pháp đào tạo lái máy bay Airbus A320 trong 3 tháng rồi tiếp tục huấn luyện 6 tháng trên máy bay thật mới được điều khiển chiếc Airbus A320. Sau 10 năm lái máy bay Airbus A320, anh chuyển sang dòng Airbus A330 và tiếp đó là Airbus A350, mỗi dòng máy bay đều gắn liền với những cột mốc hiện đại hóa của ngành hàng không dân dụng.

Một trong những chuyến bay để lại ấn tượng sâu đậm với cơ trưởng Phạm Đình Hưng là năm 2011, khi cầm lái chiếc Airbus A330 cùng phi hành đoàn tham gia cầu hàng không đưa hàng nghìn người lao động từ Lybia về nước. Chuyến bay thẳng ròng rã 8 giờ đồng hồ từ Việt Nam sang Ai Cập (do chiến sự Lybia, sân bay đóng cửa), khi máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại Ai Cập, những công nhân Việt Nam đang mệt mỏi đợi chờ đã vỡ òa sung sướng. Nhìn thấy máy bay Vietnam Airlines, đối với họ cũng như thấy được hình ảnh đất nước, họ biết mình sẽ được trở về nhà. Đón được công nhân, phi hành đoàn lại tức tốc bay về ngay, nhưng bao nhiêu mệt nhọc suốt hành trình dài của cả đoàn đều tan biến khi chuyến bay suôn sẻ.

Để có thể điều khiển "chim sắt", nữ cơ phó Mai Khanh phải trải qua quá trình đào tạo và luyện tập khắc nghiệt với nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Để có thể điều khiển "chim sắt", nữ cơ phó Mai Khanh phải trải qua quá trình đào tạo và luyện tập khắc nghiệt với nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Kế thừa, tiếp nối các thế hệ phi công đi trước, những thành viên trẻ của Đoàn Bay 919 hôm nay tiếp tục khẳng định được năng lực, vững bước trên hành trình chinh phục bầu trời. Cơ phó A350 (Đoàn bay 919) Vũ Mai Khanh có bố là phi công quân sự, ngay từ nhỏ chị đã ước mơ được điều khiển những con “chim sắt” bay lượn trên bầu trời. Chị được người cha cũng là người thầy đầu tiên của mình, Đại tá Vũ Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vun đắp tình yêu nghề, dù khó khăn đến đâu cũng không chùn bước.

Sau khi hoàn thành khóa học khắt khe, Vũ Mai Khanh tiếp tục đi học chuyên sâu ở nước ngoài trong 18 tháng với khối lượng kiến thức đồ sộ, trong đó có các khóa học cơ bản về hàng không, an toàn bay, an ninh hàng không, tự điều khiển máy bay,… “Nghề phi công không phải chỉ học để hiểu mà còn học để nhớ, không được phép quên và kiến thức được tích lũy qua thời gian chứ không mai một. Phi công phải kiểm tra năng định 6 tháng/lần để bảo đảm có những chuyến bay an toàn. Máy bay mới hiện đại đến đâu cũng chỉ giảm được lượng công việc trong buồng lái chứ không thể thay thế được phi công”, cơ phó A350 Vũ Mai Khanh chia sẻ.

Thương hiệu Bông sen vàng

 Một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Vietnam Airlines là năm 2002, hình ảnh Bông sen vàng 6 cánh cách điệu chính thức trở thành biểu tượng của Hãng Hàng không Quốc gia. Không chỉ mang hồn cốt dân tộc Việt, logo đặc biệt này còn thể hiện cho những thành tố quan trọng trong bộ máy hoạt động của Vietnam Airlines thông qua hình tượng 6 cánh sen. Từ đây, Bông sen vàng không chỉ là biểu tượng của Hãng Hàng không Quốc gia mà còn trở thành hình ảnh đại diện cho đất nước, con người Việt Nam trên hành trình kết nối với thế giới.

Đầu năm 2004, kỷ niệm 10 năm thành lập, Vietnam Airlines vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Có thể thấy, vượt qua mọi khó khăn những ngày đầu thành lập, Vietnam Airlines đã nhanh chóng trưởng thành, khẳng định vị thế tiên phong trong quá trình phát triển của ngành hàng không dân dụng, là mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Tiếp nối những thành công, thực hiện chiến lược phát triển của mình, Vietnam Airlines gia nhập Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) vào năm 2006 và gia nhập Liên minh hàng không toàn cầu (SkyTeam) vào năm 2010.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế của Vietnam Airlines trên trường quốc tế khi tiếp tục là đối tác song phương, đa phương với các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa đánh giá: “Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế của Vietnam Airlines trên trường quốc tế khi tiếp tục là đối tác song phương, đa phương với các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn rất non trẻ, mới chỉ thoát khỏi cấm vận hơn 10 năm”.

Những năm sau đó, với định hướng phát triển đội tàu bay hùng hậu, hiện đại, Vietnam Airlines tiếp tục lựa chọn những máy bay thế hệ mới giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm ảnh hưởng tới môi trường và mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thoải mái.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã làm chủ bầu trời, làm chủ công nghệ hàng không hiện đại.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã làm chủ bầu trời, làm chủ công nghệ hàng không hiện đại.

Năm 2015, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng lúc tiếp nhận và khai thác hai loại tàu bay hiện đại thế hệ mới của thế giới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900. Năm 2019, Vietnam Airlines tiếp nhận tàu bay Boeing 787-10 – loại tàu bay có kích thước lớn nhất trong gia đình máy bay Boeing 787, qua đó nâng tổng số tàu bay của hãng lên 100 chiếc. Những chuyến bay với biểu tượng hoa sen đã sải cánh trên 64 đường bay quốc tế và 44 đường bay nội địa, phủ sóng toàn bộ 22 sân bay trong nước và 33 sân bay tại 18 quốc gia trên thế giới.

Vietnam Airlines cũng được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh SkyTrax trao chứng chỉ công nhận Hãng hàng không 4 sao vào năm 2016, trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được chứng nhận này. Chứng nhận khẳng định dịch vụ của Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế và tương đương các hãng bay lớn trên thế giới như Air France (Pháp), Emirates (UAE), Japan Airlines (Nhật Bản), Korean Air (Hàn Quốc), Lufthansa (Đức),... Liên tiếp nhiều năm sau đó, Vietnam Airlines được công nhận là Hãng hàng không quốc tế 4 sao. Đồng thời, hãng không ngừng nâng cấp dịch vụ, gia tăng trải nghiệm bay cho hành khách, định hướng nâng tầm trở thành Hãng hàng không quốc tế 5 sao.

Cuối tháng 9/2023, tại Triển lãm hàng không APEX/IFSA EXPO diễn ra tại Mỹ, hãng hàng không Vietnam Airlines đã được vinh danh là “Hãng hàng không quốc tế 5 sao” do Tổ chức The Airline Passenger Experience Association (APEX)- một tổ chức phi lợi nhuận, đại diện cho các hãng hàng không, nhà cung cấp hàng đầu thế giới trao tặng. Giải thưởng này được trao cho các hãng hàng không cung cấp trải nghiệm hành khách tốt nhất, xếp hạng cùng các hãng hàng không lớn trên thế giới như ANA, Virgin Atlantic, Lufthansa, Korean Air,…

Đến hết quý II/2024, mạng bay của Vietnam Airlines đã phục hồi gần như hoàn toàn, với gần 100 đường bay tới 22 điểm đến nội địa và 30 điểm đến quốc tế tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Đến hết quý II/2024, mạng bay của Vietnam Airlines đã phục hồi gần như hoàn toàn, với gần 100 đường bay tới 22 điểm đến nội địa và 30 điểm đến quốc tế tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Kết quả này hoàn toàn dựa theo phản hồi của hành khách đối với 1 triệu chuyến bay của gần 600 hãng hàng không trên toàn thế giới, với thang điểm 5 sao, được đối tác của APEX là Triplt thu thập - ứng dụng hỗ trợ quản lý hành trình tốt nhất thế giới. Kết quả cũng được rà soát và kiểm chứng độc lập bởi công ty kiểm toán chuyên nghiệp.

Ông Joe Leader, Giám đốc điều hành của APEX cho biết: “Ở nơi sự truyền thống và hiện đại giao thoa, Vietnam Airlines đã nổi lên như một hình mẫu, bảo đảm vị thế của mình là Hãng hàng không quốc tế 5 sao năm 2024. Có dịp làm việc với Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà tại sự kiện SkyTeam hồi đầu năm 2023, tôi đã có được cái nhìn sâu sắc về chiến lược cũng như tầm nhìn của Hãng.

Những nỗ lực, cam kết của hãng trong việc tôn vinh di sản Việt Nam, đồng thời áp dụng những cải tiến mới nhất để mang tới những trải nghiệm liền mạch, chuyên nghiệp rất đáng khen ngợi. Từ hệ thống giải trí trên chuyến bay đến dịch vụ chu đáo, thể hiện sự hiếu khách của người Việt Nam, Vietnam Airlines đã tạo ra một trải nghiệm hết sức chân thực cho hành khách. Tôi rất tự hào về những tiến bộ vượt bậc của Vietnam Airlines và xin nồng hậu chúc mừng toàn thể đội ngũ của Hãng vì giải thưởng xứng đáng này".

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định: “Hãng hàng không toàn cầu 5 sao là một danh hiệu cao quý, phản ánh những nỗ lực vượt bậc của Vietnam Airlines trong việc nâng tầm dịch vụ để mang lại chuyến bay liền mạch và thoải mái nhất. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên chở hành khách tới điểm đến an toàn, chúng tôi còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy với hành khách trên mọi hành trình đáng nhớ. Chúng tôi rất vui mừng khi đã đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của APEX và cam kết tiếp tục mang tới dịch vụ tận tâm, chu đáo và chuyên nghiệp, góp sức truyền tải hình ảnh về đất nước con người Việt Nam hiếu khách và dễ mến”.

Về dịch vụ mặt đất, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam áp dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến trên toàn bộ mạng lưới sân bay nội địa. Sau khi hoàn thành quá trình làm thủ tục trực tuyến, hành khách sẽ nhận được “Thẻ lên máy bay trực tuyến” qua thiết bị điện tử hoặc có thể tự in thẻ, sau đó đến thẳng cửa kiểm tra an ninh hành khách và cửa ra máy bay mà không cần phải vào quầy làm thủ tục của hãng tại cảng hàng không để xác nhận.

Hãng cung cấp các hình thức làm thủ tục đa dạng khác như: qua điện thoại (telephone check-in) tại Việt Nam, tại kiosk đặt ở sân bay (kiosk check-in) và làm thủ tục qua website. Cùng với đó, dịch vụ “Chào đón và đưa dẫn ưu tiên” (Meet and Greet) đem đến sự trợ giúp thiết thực cho hành khách có nhu cầu được hướng dẫn đặc biệt và ưu tiên sử dụng các dịch vụ mặt đất tại sân bay.

Trải nghiệm trên không của hành khách được cải thiện nhờ mở rộng hệ thống giải trí không dây (wireless-streaming) trên đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới Airbus A321neo và tăng số lượng các chương trình giải trí trên tàu thân rộng Airbus A350, Boeing 787. Trên mỗi vị trí ghế ngồi đều có gắn một màn hình giải trí. Hành khách có thể tùy ý lựa chọn chương trình giải trí như PressReader, FPT Play, LotuStar,… được cài sẵn trong các thiết bị hiện đại và sử dụng với thao tác khá đơn giản.

Song song với việc nâng cấp dịch vụ trên các hạng ghế, hãng cũng tiếp tục nâng cấp đội tàu bay thế hệ mới, mở rộng mạng bay và tăng tần suất, đặc biệt trên các đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn cung cấp bộ tai nghe riêng biệt để hành khách thưởng thức các chương trình giải trí thoải mái. Song song với việc nâng cấp dịch vụ trên các hạng ghế, hãng cũng tiếp tục nâng cấp đội tàu bay thế hệ mới, mở rộng mạng bay và tăng tần suất, đặc biệt trên các đường bay quốc tế.

Gìn giữ và phát huy bản sắc của đất nước, con người luôn là một trong những ưu tiên xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của Vietnam Airlines. Văn hóa Việt Nam được cảm nhận rõ nét ngay từ khi hành khách bước chân lên máy bay và bắt đầu hành trình trải nghiệm những “điểm chạm” văn hóa giữa tầng mây. 

Hãng ghi dấu ấn với thực đơn trên không liên tục được đổi mới, mang đậm hương vị đặc trưng của vùng miền, kèm các loại trái cây, đặc sản địa phương như vải thiều, nhãn lồng. Với vị thế là Hãng Hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines tự hào quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam thông qua các ấn phẩm, video trình chiếu trên chuyến bay hoặc giới thiệu cho hành khách suất ăn trên không mới được nâng cấp, lấy trọng tâm là tinh hoa ẩm thực vùng miền, đậm đà hương vị đặc trưng.

Một dấu mốc quan trọng khác trên hành trình phát triển của Vietnam Airlines là hãng thực hiện cổ phần hoá thành công theo chủ trương của Nhà nước và Chính phủ. Hơn 49 triệu cổ phiếu HVN được rao bán thành công, thu về hơn 1.000 tỷ đồng trong lần đầu chào bán cổ phần ra công chúng. Từ đây, vị thế, uy tín, năng lực cạnh tranh của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Năm 2018, quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Vietnam Airlines được chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là bước đi tạo nên động lực thúc đẩy Hãng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và nâng cao hiệu quả hoạt động.

 Đại dịch toàn cầu Covid-19 ập đến như một nốt trầm đối với ngành Hàng không thế giới nói chung, trong đó có Vietnam Airlines. Những khó khăn đến từ đại dịch là không thể đong đếm. Đối mặt với vô vàn những thử thách ấy, Vietnam Airlines đã từng bước kiên cường vượt qua, khẳng định sức mạnh của một tập thể đoàn kết và tràn đầy sức mạnh.

Giai đoạn 2020-2022, Vietnam Airlines đã phát huy các giải pháp tự thân, kết hợp sự hỗ trợ từ bên ngoài để vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Bất chấp khó khăn của dịch bệnh, ngày 28/11/2021, Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh – San Francisco, đánh dấu lần đầu tiên hàng không Việt Nam có đường bay thẳng thường lệ đến đến Hoa Kỳ. Đến hết quý II/2024, mạng bay của Vietnam Airlines đã phục hồi gần như hoàn toàn, với gần 100 đường bay tới 22 điểm đến nội địa và 30 điểm đến quốc tế tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Năm 2023, Vietnam Airlines Group đã vận chuyển hơn 24,1 triệu lượt hành khách và 230 nghìn tấn hàng hóa, tăng lần lượt 16,4% và 5,8% so sánh cùng kỳ. Tình hình khai thác khởi sắc giúp kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines phục hồi đáng kể. Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà khẳng định: “Không chỉ riêng hoạt động vận tải, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Vietnam Airlines đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ ngoại giao, chính trị và bảo vệ công dân được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Hãng đã thực hiện những chuyến bay an toàn, chu đáo, trọng thị chuyên chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong hàng chục năm qua”.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Vietnam Airines đã tiên phong, tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như vận chuyển công dân ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19 2020-2021; lập “cầu hàng không” sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007,...

Phát huy truyền thống hơn 30 năm của Hãng hàng không Quốc gia Anh hùng, năng động sáng tạo và hiện đại, Vietnam Airlines không ngừng “sải cánh vươn cao” kết nối Việt Nam với thế giới, mang đến những hành trình trọn vẹn cho hành khách và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ngày càng thịnh vượng hơn./. 

Bông sen vàng không chỉ là biểu tượng của Hãng Hàng không Quốc gia mà còn trở thành hình ảnh đại diện cho đất nước, con người Việt Nam trên hành trình kết nối với thế giới.

Bông sen vàng không chỉ là biểu tượng của Hãng Hàng không Quốc gia mà còn trở thành hình ảnh đại diện cho đất nước, con người Việt Nam trên hành trình kết nối với thế giới.

NGÀY XUẤT BẢN: 05/08/2024
CHỈ ĐẠO: KIM PHƯƠNG BÌNH
NỘI DUNG: QUANG HƯNG
TRÌNH BÀY: HOÀI ANH