Gia nhập ASEAN là tiền đề quan trọng cho tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đồng thời gắn liền với quá trình đổi mới tư duy đối ngoại, cũng như lịch sử phát triển quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực. Trên hành trình 30 năm qua, tham gia tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN theo phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Hiệp hội.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào ngày 28/7/1995. Song, tiến trình hội nhập khu vực của Việt Nam đã được khởi động từ nhiều năm trước đó, đánh dấu bằng việc Việt Nam tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN vào năm 1992. Tháng 7/1994, Việt Nam tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với tư cách thành viên sáng lập của cơ chế đối thoại và hợp tác an ninh này.

Phù hợp với chủ trương đổi mới, mở cửa từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, trong xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển sau chiến tranh lạnh, việc gia nhập ASEAN là bước đi đầu tiên và quan trọng để Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Tham gia hợp tác ASEAN mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng và thiết thực, mà bao trùm là môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Môi trường hòa bình và ổn định tạo thuận lợi để Việt Nam tập trung phát triển đất nước và đạt được những thành tựu ngoạn mục, nhất là lĩnh vực kinh tế. GDP bình quân đầu người tăng từ 289 USD năm 1995 lên 4.346 USD năm 2023; quy mô nền kinh tế tăng gần 20 lần, từ 20,8 tỷ USD lên 430 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng từ 10 tỷ USD năm 1995 lên gần 40 tỷ USD năm 2024. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN tăng 18 lần trong giai đoạn 1995-2024. Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác lớn, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Những lợi ích từ hợp tác ASEAN góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của Việt Nam trong 30 năm qua. Trên hành trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng với điểm khởi đầu là ASEAN, từ một nước trải qua chiến tranh, bị cô lập, cấm vận kinh tế, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên của hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế. Trong số 34 quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với Việt Nam có tất cả các thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của Hiệp hội. Mạng lưới FTA mà Việt Nam triển khai với hơn 60 đối tác góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thu hút FDI và quy mô thương mại.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 10/3/2025. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 10/3/2025. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn chặng đường 30 năm đồng hành

Những thành tựu đổi mới của Việt Nam trong gần 40 năm và đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong 30 năm đồng hành cùng ASEAN đã góp phần cho sự phát triển và lớn mạnh của Hiệp hội, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược hội nhập của Việt Nam.

Dấu ấn đóng góp của Việt Nam nổi bật trong tiến trình mở rộng thành viên Hiệp hội, khi Việt Nam tích cực thúc đẩy để ASEAN kết nạp Lào, Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Qua đó, Hiệp hội hiện thực hóa giấc mơ “đại gia đình ASEAN” gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đảm nhận thành công vai trò lãnh đạo, khi đăng cai các hoạt động và hội nghị quan trọng của ASEAN. Chỉ 3 năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12/1998. Việt Nam cũng hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong các năm 2010 và 2020, với những kết quả thực chất, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN.

Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, diễn ra tại Hà Nội từ 15 - 16/12/1998. Ảnh: Thế Thuần - TTXVN

Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Phiên bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, diễn ra tại Hà Nội từ 15 - 16/12/1998. Ảnh: Thế Thuần - TTXVN

Trong các quyết sách lớn của ASEAN, Việt Nam đã tham gia xây dựng nhiều văn kiện quan trọng, như Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tầm nhìn ASEAN năm 2020, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN… Việt Nam cũng đi đầu, tích cực triển khai các quyết sách đã đề ra, đặc biệt là trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đến nay, Việt Nam là một trong hai nước thành viên có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong nỗ lực chung ứng phó thách thức an ninh khu vực, Việt Nam đã đóng góp có trách nhiệm vào việc xây dựng các nguyên tắc, “luật chơi” trong ASEAN, đồng thời thúc đẩy đối thoại và hợp tác trước những nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Đóng góp của Việt Nam tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN được các nước thành viên và đối tác của ASEAN đánh giá cao, trong đó có nỗ lực thúc đẩy mở rộng cơ chế Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia từ năm 2010. Việt Nam đảm nhận vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với nhiều đối tác lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)…

Hội nghị ASEAN - EU, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan, ngày 22/7/2010, tại Hà Nội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Hội nghị ASEAN - EU, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan, ngày 22/7/2010, tại Hà Nội. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ASEAN có lập trường chung về vấn đề Biển Đông, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả. Những đóng góp mang đậm dấu ấn Việt Nam thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, góp phần xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, giữ vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác khu vực và nâng cao vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế.

Viết tiếp câu chuyện thành công của hợp tác khu vực

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ASEAN, đánh dấu tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN bước vào giai đoạn then chốt, trong đó đoàn kết nội khối và năng lực tự cường là hai yếu tố mang tính quyết định đối với vai trò trung tâm của Hiệp hội và kết quả xây dựng Cộng đồng. Đây chính là những giá trị cốt lõi làm nên thành công và bản sắc của ASEAN trong gần 60 năm hình thành và phát triển. Bước vào giai đoạn mới, trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy biến động, đoàn kết, tự cường, tự chủ chiến lược, hợp tác và thống nhất trong đa dạng tiếp tục là chìa khóa bảo đảm thành công của hợp tác ASEAN.

Trong phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, được tổ chức tại Indonesia tháng 3/2025, nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới Ban Thư ký ASEAN, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Để phát huy thành tựu đã đạt được một cách hiệu quả và bền vững, khẳng định tầm vóc và vị thế tâm điểm, ASEAN không những cần sự đoàn kết, đồng lòng, mà còn cần có tư duy đột phá phát huy các giá trị chiến lược của ASEAN, nâng cao uy tín và vai trò của Hiệp hội. Trong đó, ưu tiên quan trọng là tự chủ chiến lược và linh hoạt nhằm tăng khả năng thích ứng và ứng phó thách thức; tự cường về kinh tế, tận dụng và phát huy lợi thế của ASEAN; phát huy bản sắc và giá trị của ASEAN…

Ngay từ khi bắt đầu mở cửa và hội nhập, Việt Nam luôn xác định ASEAN là cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Trong 3 thập niên đồng hành, Việt Nam luôn dành ưu tiên cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và tự cường, góp phần cho hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh của khu vực.

Trước khởi điểm lịch sử mới với ASEAN và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam tiếp tục coi ASEAN là một trong những trọng tâm chiến lược của ngoại giao đa phương, cùng ASEAN hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng, tham gia chủ động và đóng góp có trách nhiệm, hiện thực hóa tiềm năng, hóa giải thách thức, bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Việt Nam sẽ cùng ASEAN lan tỏa và viết tiếp câu chuyện thành công của hợp tác khu vực, tăng cường đoàn kết, tự lực, tự cường, tự chủ chiến lược, triển khai thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045 vì lợi ích của người dân khu vực, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển chung của thế giới.

Lễ Thượng cờ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội, 8/2022). Ảnh: VGP

Lễ Thượng cờ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao (Hà Nội, 8/2022). Ảnh: VGP

Nội dung: SƠN NINH
Trình bày: DUY LONG

Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, VGP