BAY QUA BIỂN ĐÔNG

35 NĂM NỞ HOA GIỮA THỀM LỤC ĐỊA
Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam bộ nước ta, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam; trong giới hạn từ vĩ độ 07o010' N đến 08o030'N và từ kinh độ 109o000'E đến 112o030'E, với diện tích vùng biển khoảng 80.000 km2. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa; phía Nam giáp ranh vùng biển của Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam của nước ta. Vùng biển này nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông.
Đây là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loại thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Chỉ thị số 180/CT: Về việc xây dựng cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nội dung chỉ thị nêu rõ: Xây dựng tại khu đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo một số nhà nổi (gọi tắt là DKI), để bước đầu hình thành cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ, thuộc sự quản lý về hành chính của Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo nhằm các mục đích như: Đặt giàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển (như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao), nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực v.v….
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về việc xây dựng cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ. Đồng thời Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1) quản lý, chốt giữ, bảo vệ trên ba nhà giàn đầu tiên là: Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) xây dựng xong ngày 10/6/1989; Nhà giàn Ba kè A (DK1/4) xây dựng xong ngày 16/6/1989; Nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) xây dựng xong 5/7/1989. Đây là lực lượng đầu tiên ra chốt giữ các nhà giàn DK1.
(Nguồn: Tư liệu Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân)
35 năm, cùng nhìn lại một trang sử đầy sôi động trong hành trình bảo vệ, phát triển thềm lục địa.
Trong những chuyến đi biển, nhất là dịp cuối năm chúc Tết, khu vực nhà giàn luôn là thử thách lớn nhất, đối với những người chở tết ra với bộ đội, và cả những người khách có may mắn có mặt trên mỗi chuyến tàu.
Hành trình lên các nhà giàn luôn là một câu chuyện truyền kỳ. Mọi cách an toàn nhất đều có thể thử, chỉ làm sao, có được chút hơi ấm đất liền lên tới những ngôi nhà “trong mây canh một hướng Tây Nam”.
Chế ngự cơn sóng
Cách dễ nhất để lên nhà giàn, là cho xuồng cập chân thang để người trèo lên. Nhưng đó là cách đơn giản nhất, và hầu như chỉ có thể áp dụng khi biển lặng. Tháng 6/2023, trong chuyến đi cuối cùng với cương vị Phó tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng không nói lên lời, chỉ ôm thật chặt cánh lính, khi đặt chân lên nhà giàn.
Ông Lượng từng là Tư lệnh vùng 2 Hải quân, cũng đã gần 20 năm gắn bó với vùng biển thềm lục địa, ông Lượng không lạ gì các con sóng ở đây, cũng không ít lần đặt chân lên những ngôi nhà “trời với nước chia đôi, nhà ở giữa” theo nhiều cách. Sáng sớm hôm đó, một vài con sóng lớn đã cho thấy biển không hề yên ả như người ta thường nghĩ về mùa giữa năm. Bằng kinh nghiệm lâu năm, vị Chuẩn đô đốc vẫn leo lên giàn bằng thang, đó là phương án truyền thống nhất để tiếp cận nhà giàn.

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng trong lần lên giàn tháng 6/2023.
Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng trong lần lên giàn tháng 6/2023.
Ngay cả khi có thể lên giàn bằng cách nhìn qua đơn giản, nhưng ông Lượng cũng không khỏi xúc động. Leo lên những bậc thang đứng của DK1, đòi hỏi người leo phải có một chút nhanh nhẹn, sự quyết đoán, và cần cả thời tiết đồng lòng. Chuyến đi năm 2023 gần như là chuyến đi cuối cùng ở cương vị công tác của ông trước khi về nghỉ hưu.
Và thực tế, ngay sau chuyến xuồng của Chuẩn đô đốc, đoàn công tác phải thay đổi phương án lên giàn do sóng biển có biến động bất ngờ. Những chuyến xuồng sau, khách được đưa lên giàn theo phương án dùng ròng rọc hoặc đưa người vào rọ.
Kéo dây, sau này vẫn là một biện pháp an toàn hơn cả cho khách muốn thăm nhà giàn mỗi lần biển động. Mặc dù để móc được sợi dây vào mỗi người khách, cũng lại là một cuộc vật lộn với sóng.

Đu dây lên nhà giàn.
Đu dây lên nhà giàn.
Cuối năm 2023, trong một chuyến đi thăm và chúc Tết nhà giàn DK1 và Côn Đảo, chiếc xuồng của Hàng hải số 1 tàu TS 04 (Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), Thiếu tá chuyên nghiệp Hoàng Thảo Trường đã quần đảo nửa tiếng giữa sóng ở bãi cạn Phúc Nguyên. Có lúc tưởng như đã nắm được dây nhà giàn thả, họ vẫn không thể cho người di chuyển lên giàn. Những con sóng nhồi liên tục khiến xuồng dao động, việc đưa người lên dây gần như bất khả thi. Đó là một tình cảnh thường thấy trong những chuyến chúc Tết. Và dù thử đủ cách, có lúc vẫn phải chấp nhận “chào thua” sóng gió, để gửi lời chúc Tết tới cán bộ chiến sĩ DK1 qua bộ đàm trên tàu.
Đại tá Nguyễn Quý kể lại, năm 1989, Đô đốc Giáp Văn Cương đi thăm DK1. Chuyến đi đấy gặp sóng lớn, cách thông thường không thể đưa người lên giàn. Để bảo đảm an toàn, bộ đội đề nghị tướng Cương chỉ liên lạc qua bộ đàm, nhưng vị tướng cương quyết lên giàn để “sờ đầu lính”. Phương án cuối cùng được đưa ra là phía nhà giàn thả một thang dây, móc vào thắt lưng vị đô đốc, sau đó kéo ông lên nhà giàn. Tướng Cương có thể coi như là một trong những vị thủ trưởng “khai trương” cho màn zipline trên biển nhiều năm sau này.
Đi bằng ròng rọc như thế “khỏe” cho người lên, nhưng lại đòi hỏi phải có sự phối hợp ăn ý giữa người kéo ở trên giàn và những người từ tàu hoặc xuồng. Khoảng thời gian "bay" trên biển chỉ tầm vài chục giây, nhưng không ai dám lơ là. Thiếu tá Võ Duy Hoàng, năm 2019 là Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/21 nói một khi đã bám vào ròng rọc, phải tin tưởng đồng đội. Thượng úy Đoàn Thanh Liêm, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 Tư Chính nói, lên giàn không sợ cho người, mà sợ cho đồ đạc.
Năm 2023, gặp Liêm đúng lúc chuẩn bị lên giàn, hành trang ngoài mớ giấy tờ lỉnh kỉnh, còn thêm cả 2 con gà sống. Liêm đặc biệt dặn dò đồng đội, là đây là gà… cúng. Liêm được đưa xuống xuồng chuyển tải, và sau đó được dây cẩu kéo thẳng lên nhà giàn cùng 2 con gà. Từ trên giàn, Liêm nói qua bộ đàm với chúng tôi: “Gà còn sống nguyên”, ấy là một thành công.



Những con kình ngư
Một cách lên giàn khác, mà những người lính biển kỳ cựu vẫn bảo khỏe nhất, ấy là bơi. Trung tá Nguyễn Lâm, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20 Ba Kè năm 2019 nói, bơi là phương án anh tự chủ nhất. 20 năm kinh qua đủ sóng gió từ Trường Sa tới DK1, anh Lâm nói chỉ cần nhúng nước biển là anh khỏe. Năm 2019, nhìn bóng của anh lao vút xuống biển từ trên tàu, theo dõi màu da cam của áo phao bơi trên biển, tới khi anh bám tay vào cầu thang nhà giàn và lên giàn dưới sự hỗ trợ của đồng đội, chúng tôi đều bất giác vỗ tay vang dội.

Đại úy chuyên nghiệp Phạm Tiến Dũng đã có 18 năm ở các nhà giàn.
Đại úy chuyên nghiệp Phạm Tiến Dũng đã có 18 năm ở các nhà giàn.
Cuối năm 2023, tôi lại gặp một kình ngư khác, Đại úy chuyên nghiệp Phạm Tiến Dũng. Anh lên tàu TS04 từ nhà giàn DK1/12 Tư Chính. Ngụp lặn giữa con sóng, lên đến tàu, ôm đồng đội, anh Dũng vẫn cười tươi rói. 18 năm đi biển, chưa từng có nhà giàn nào anh chưa đi qua, nhưng cũng từng ấy năm, vợ anh nói anh chưa từng đón Tết ở nhà. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Bích Hải nói, mùa xuân Giáp Thìn này là năm đầu tiên, cả gia đình có một cái Tết bên nhau đúng nghĩa.
Dù lên giàn bằng cách này hay cách khác, đều cần phải có sự phối hợp ăn ý, và hơn cả là niềm tin giữa những người đồng đội ở nhiều vị trí. Thiếu tá Trần Văn Hải, thuyền trưởng tàu Trường Sa 04 (Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) đã có mười bốn năm với con tàu vận tải trên vùng 2 Hải quân. Anh không nhớ mình đã chở bao nhiêu chuyến hàng, bao nhiêu người khách ra đảo. Nhưng anh vẫn nói, chở những đoàn khách ra thăm, chúc Tết các nhà giàn cuối năm, đều là những cuộc cân não. “Gần như thức trắng, vì an toàn của mỗi người, và vì cả những cơn sóng bất thường”, Hải tâm sự.
Tiểu đoàn DK1 là một bộ phận nằm trong đội hình chiến đấu của Lữ Đoàn 171 Hải quân (giai đoạn 1989-2009) sau là Vùng 2 Hải quân. Tiểu đoàn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chốt giữ các nhà giàn, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Đông và Tây Nam của Tổ quốc, khu vực hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên đưa tàu xuống thăm dò, nghiên cứu, khảo sát xuống quấy rối, vi phạm chủ quyền vùng biển của ta. Điều kiện thời tiết, khí hậu thủy văn vô cùng khắc nghiệt, là trung tâm hình thành những cơn áp thấp nhiệt đới và bão.
Trong suốt 35 năm qua, toàn đơn vị đã phát hiện được hơn 60 nghìn lượt tàu thuyền nước ngoài các loại qua lại khu vực, kịp thời phối hợp cứu vớt 9 tàu đánh cá Việt Nam bị nạn, cấp cứu điều trị bệnh cho hàng trăm ngư dân Việt Nam; giúp đỡ nước ngọt, nhiên liệu, lương thực, cấp phát thuốc cho hơn 400 lượt tàu đánh cá Việt Nam; đón hơn 500 lượt đoàn dân chính đảng đến thăm, được nhân dân tin yêu và được trên biểu dương khen thưởng.
(Nguồn: Tư liệu Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân)

Ngày xuất bản: 11/7/2024
Nội dung: MAI VÂN DUNG
Ảnh: HOÀNG CÔNG MINH, NGA TRẦN, PHƯƠNG MAI
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Bài viết có sử dụng tư liệu do Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cung cấp; ghi chép của Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công Binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996); hồi ký của kỹ sư Đặng Hữu Quý, Chủ nhiệm thiết kế công trình nhà giàn DK1/1.
Bản dịch Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trang Biên giới Lãnh thổ - Bộ Ngoại giao