Những năm 1964-1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt mang quân viễn chinh Mỹ và Đồng minh vào miền nam gây nên cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc lần thứ nhất.

Trong hoàn cảnh, tình hình khó khăn, khắc nghiệt như vậy, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn coi việc đào tạo nhân tài cho đất nước, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai là nhiệm vụ vô cùng cần thiết.

14/9/1965

Ngày 14/9/1965, Chính phủ đã ra Quyết định số 198/CP yêu cầu ngành giáo dục mở những lớp bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu ở cấp 3. Giáo sư Tạ Quang Bửu là người đầu tiên đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở lớp chuyên Toán đầu tiên ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội), sau đó là các lớp chuyên Toán ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Vinh và một số tỉnh, thành phố khác.

Trong giai đoạn này, Nghệ An là địa phương nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của không quân, hải quân Mỹ như Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm, Truông Bồn, Cảng Bến Thủy… Tuy hoàn cảnh lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, thiếu thốn, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, nhưng bắt đầu từ năm học 1965-1966, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ thị cho Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An) triển khai Quyết định 198/CP của Chính phủ là mở các lớp chuyên Toán “đặc biệt” ở một số trường cấp 3. Học sinh các lớp năng khiếu chuyên Toán này được cấp chế độ như một công nhân, viên chức nhà nước. Các lớp chuyên sẽ học ở một trường cấp 3 nào đó, có thầy giáo dạy môn chuyên riêng. Các môn học còn lại do giáo viên trường sở tại đảm nhiệm và mọi hoạt động đều do trường sở tại quản lý.

Năm học 1965-1966

Năm học 1965-1966, 2 lớp chuyên Toán “đặc biệt” đầu tiên được ra đời. Đây là những học sinh được tuyển chọn từ kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán cấp huyện. Các lớp này được gửi vào học Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (lúc này đang sơ tán về xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên), do thầy Phạm San làm chủ nhiệm và Trường cấp 3 Đô Lương 1 do thầy Trần Lê Thận, thầy Nguyễn Tiến Lệ dạy Toán và chủ nhiệm.

Những khóa học tiếp theo, các lớp chuyên Toán “đặc biệt” do các thầy Nguyễn Duy Tịnh, thầy Nguyễn Hữu Chất, thầy Nguyễn Khắc Tuệ, Nguyễn Trọng Mão, thầy Lê Anh Tề, thầy Chu Phú… giảng dạy và chủ nhiệm.

Năm học 1968-1969

Đến năm học 1968-1969, Ty Giáo dục Nghệ An tiếp tục tuyển sinh lớp học sinh giỏi đặc biệt và đây là năm học đầu tiên có dấu ấn lịch sử của hệ chuyên, năm đầu tiên Ty Giáo dục tập trung cả 3 khóa lớp 8, 9, 10 về học ở Trường cấp 3 Đô Lương 2.

Bắt đầu từ năm học 1969-1970

Bắt đầu từ năm học 1969-1970, ngoài 8 lớp chuyên Toán “đặc biệt”, lớp chuyên Văn “đặc biệt” đầu tiên cũng được hình thành ở Trường cấp 3 Đô Lương 1 do thầy Phan Huy Huyền giảng dạy và chủ nhiệm.

Lần lượt những khóa sau đó, các thầy giáo Nguyễn Huy Tý, thầy Nguyễn Tấn Dương, thầy Hoàng Quỳ… đảm nhiệm.

Ra đời trong bom đạn chiến tranh, để bảo đảm an toàn cho thầy và trò, các lớp học chuyên Toán, chuyên Văn “đặc biệt” ấy phải dịch chuyển qua rất nhiều không gian, địa điểm từ Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương đến Nghi Lộc… Ở đâu, học sinh cũng đều nhờ cậy trong dân, được nhân dân cưu mang, đùm bọc, chở che. Các gia đình có học sinh ở trọ đều rất nghèo khó, không đủ gạo, phải thường xuyên ăn khoai sắn thay bữa. Một ngày chỉ có hai bữa trưa và tối với món mì luộc là chính, thức ăn chủ yếu là rau luộc chấm với nước muối loãng. Thi thoảng mới được chút thịt theo tiêu chuẩn tem phiếu. Đói triền miên.

Ngoài các giờ học, thầy trò phải cùng nhau tự tay tu sửa, chỉnh trang lại lớp học theo kiểu dã chiến với tranh tre nứa mét. Rất đơn sơ và tạm bợ. Những phòng học, lớp học như vậy là nơi đã lưu giữ bao kỷ niệm của thầy trò, nơi đã nuôi dưỡng bao ước mơ hoài bão, khát vọng lớn lao vượt khó, vượt khổ, để rèn luyện, tôi luyện, khổ luyện vì tương lai. Khó khăn là vậy, nghèo đói là vậy nhưng thầy và trò của những lớp “đặc biệt” ấy đã vượt lên tất cả để thầy dạy giỏi, trò học giỏi.

Khó khăn là vậy, nghèo đói là vậy nhưng thầy và trò của những lớp “đặc biệt” ấy đã vượt lên tất cả để thầy dạy giỏi, trò học giỏi.

Rất nhiều tấm gương vượt khó, vượt khổ để học, học giỏi và sau này đều giữ những cương vị quan trọng trên nhiều lĩnh vực mà tôi không thể thống kể đầy đủ, như anh Hà Văn Lê, Thái Minh Tần, Nguyễn Phương Sơn, Lê Văn Sáng, Thái Bá Cần, Vũ Quốc Phóng, Nguyễn Quốc Thất, Tô Hồng Hải, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyễn Văn Cao, Nguyễn Xuân Thắng…

Trước khi có trường chuyên, đã có các lớp chuyên. Các lớp chuyên “đặc biệt” ấy là nền tảng, cơ sở vững chắc để trường chuyên chính thức ra đời. Nhìn lại chặng đường 10 năm hệ chuyên, chúng ta không thể không tự hào và khâm phục về ý chí và khát vọng của các thế hệ thầy trò thuở ấy đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đã khổ học, khổ dạy trong mưa bom, bão đạn, trong thiên tai khắc nghiệt của xứ Nghệ. Để có sự nỗ lực ấy của thầy và trò là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, của Ty Giáo dục Nghệ An cùng sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các địa phương có các lớp chuyên ấy.

Nếu như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu hôm nay đã là một ngôi nhà vững chãi, một ngôi trường khang trang, bề thế giữa thành Vinh xứ Nghệ đang chuyển mình cùng đất nước thì các lớp chuyên Toán, chuyên Văn “đặc biệt” ngày ấy là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng vững chắc. Thầy trò thuở ấy đã biết đối mặt và từng bước vượt qua mọi thử thách, sơ tán qua nhiều địa điểm để yêu thương, đùm bọc nhau, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy tốt, học tốt để không ngừng phấn đấu vươn lên.

Ngày 20/8/1974, ông Hoàng Duy - Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An (nay là Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An) đã ký Quyết định 1207 với nội dung “Các lớp cấp 3 phổ thông chuyên Toán, chuyên Văn nguyên học tập trung tại hai trường cấp 3 Đô Lương 2 và cấp 3 Thanh Chương 1, nay chuyển về Diễn Châu để hình thành “Trường cấp 3 nội trú bồi dưỡng học sinh có năng khiếu” kể từ năm học 1974-1975”. Với quyết định này, Trường cấp 3 năng khiếu Nghệ An (sau đó là Trường năng khiếu Phan Bội Châu-Nghệ An), Trường năng khiếu Nghệ Tĩnh (nay là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) chính thức ra đời.

Để thực hiện quyết định của tỉnh, lãnh đạo Ty Giáo dục Nghệ An đã cử thầy Trần Đức Mai - Phó Giám đốc Ty Giáo dục là người phụ trách trường, đã điều động một số giáo viên giỏi từ các trường cấp 3 trong tỉnh về, bổ nhiệm thầy Đinh Văn Thông từ Trường cấp 3 Diễn Châu 1 là Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của trường. Đến đầu năm 1975 thầy Đinh Văn Thông chính thức giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.

Đây là trường năng khiếu (sau này gọi là trường chuyên) đầu tiên của miền bắc và cũng là trường chuyên đầu tiên của cả nước.

Sau hơn 50 ngày đêm xây dựng, đến ngày 14/10/1974, khuôn viên của trường về cơ bản được xây dựng xong dù chỉ mới dừng lại ở mức rất giản đơn là tranh tre nứa lá, nhưng lớp đã thành trường.

Sáng 15/10/1974, tại xã Diễn Thành, trong buổi lễ công bố quyết định thành lập trường, thầy trò nhà trường vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Sỹ Quế - Bí thư Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo huyện Diễn Châu, xã Diễn Thành tới dự. Sự có mặt của nhiều lãnh đạo địa phương trong bối cảnh lúc bấy giờ đã gửi đi một thông điệp: lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà đã chung tay, chung sức, chung lòng, chung trí tuệ để quyết tâm dựng xây Trường năng khiếu Phan Bội Châu thành cái nôi ươm mầm những tài năng xứ Nghệ, nơi đất học nở hoa, nơi ươm những mầm hoa.

Đây là trường năng khiếu (sau này gọi là trường chuyên) đầu tiên của miền bắc và cũng là trường chuyên đầu tiên của cả nước.

Các điểm trường đã đóng.

Các điểm trường đã đóng.

Tròn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Phan đã trải qua nhiều lần di chuyển. Tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (1974-1977) với 2 lần, năm 1981 về xã Hưng Lộc - ngoại thành Vinh (1977-1981) và từ năm 1981 đến nay là ở tại 119 Lê Hồng Phong, thành phố Vinh.

Ngay từ những ngày tháng đầu tiên qua 2 lần di chuyển tại xã Diễn Thành của huyện Diễn Châu, thầy Đinh Văn Thông đã quyết định cho cô Trần Thị Thục Oanh, giáo viên môn Địa Lý (quê Hà Nam) về quê mua giống hoa để trồng ở những bồn hoa trong sân trường đầy cát trắng và nắng với nhiều loài hoa như thược dược, lay ơn, đồng tiền… Sau này, khi trường chuyển về thành phố Vinh, thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Thông vẫn giữ thói quen ươm hoa, trồng hoa, chăm hoa. Có lẽ đó là một trong những lý do để nhạc sĩ Lê Hàm được truyền cảm hứng, và gửi gắm tình cảm của mình với Trường Phan qua sáng tác nổi tiếng về Trường Phan là “Nơi ươm những mầm hoa”.

Trải qua 60 năm thành hình (1965-1974), hình thành và phát triển (1974-2024), các thế hệ học sinh hệ chuyên, trường chuyên đã gặt hái nhiều thành tích xuất sắc, làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu trên quê hương xứ Nghệ.

Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1994), Huân chương Lao động hạng Nhì (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2014), Huân chương Độc lập hạng Ba (2009) và năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm trường chuyên, nhà trường được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1994), Huân chương Lao động hạng Nhì (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2014), Huân chương Độc lập hạng Ba (2009) và năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm trường chuyên, nhà trường được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

10 năm sau Lễ kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm trường chuyên (2014-2024) cũng là khoảng thời gian thầy trò trường Phan xứ Nghệ tiếp tục khẳng định và lan tỏa một thương hiệu lớn của ngành giáo dục Việt Nam, xứng danh với tên gọi thân thương “Nơi ươm những tài năng” cho quê hương xứ Nghệ.

Đây là 10 năm mà thầy trò Trường Phan đã lập nhiều kỷ lục trên nhiều lĩnh vực, trong nhiều sân chơi từ quốc gia đến quốc tế, từ giáo dục đại trà đến giáo dục mũi nhọn. Từ năm học 2014-2015 đến năm học 2023-2024, đã có 42 lượt học sinh dự thi Olympic học sinh giỏi khu vực và quốc tế, trong đó đoạt 10 Huy chương Vàng, 14 Huy Chương Bạc, 9 Huy Chương Đồng và gần 900 học sinh đạt Danh hiệu Học sinh giỏi quốc gia.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An luôn là trường chuyên trực thuộc tỉnh có số lượng Học sinh giỏi Quốc gia nhiều, chất lượng cao, được xếp tốp đầu trên cả nước. Số học sinh dự thi và đoạt giải quốc tế đã phủ sóng ở tất cả các môn tự nhiên Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh.

Học sinh của trường giành giải Nhất Cuộc thi Đường lên đỉnh Olynpia.

Học sinh của trường giành giải Nhất Cuộc thi Đường lên đỉnh Olynpia.

Trường có hàng ngàn học sinh đạt Học sinh giỏi cấp tỉnh, hàng trăm học sinh đạt điểm Thủ khoa, Á khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Liên tục trong nhiều lần tại Lễ vinh danh Học sinh giỏi, học sinh đạt điểm cao của kỳ thi tuyển sinh vào đại học do UBND tỉnh tổ chức, học sinh Trường Phan luôn áp đảo về số lượng và chất lượng.

Ở các sân chơi trí tuệ khác, học sinh Trường Phan luôn khẳng định được truyền thống và đẳng cấp của mình, như đoạt giải Nhất năm 2019, giải Ba năm 2021 Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Trong Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, học sinh trường Phan đã giành 2 giải Nhất năm 2019, 2021, giải Nhì năm 2022, giải Ba năm 2023.

Ghi nhận và đánh giá cao thành quả của những nỗ lực dạy học từ truyền thống của một ngôi trường là nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về thăm, động viên và chúc mừng, trong đó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã về thăm trường 2 lần trong 3 năm liền (năm 2011 và 2014), điều mà không có một ngôi trường phổ thông nào đến thời điểm này có được vinh dự đó. Thành quả của việc tập thể nhà trường giành nhiều thành tích xuất sắc trong giai đoạn này là thầy trò nhà trường đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, ghi nhận nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc của thầy trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong quá trình công tác, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm hệ chuyên, 50 năm thành lập trường chuyên, nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Ngành giáo dục đào tạo đang đổi mới căn bản và toàn diện, đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với tinh thần “Phát huy truyền thống - Bản lĩnh tiên phong - Chinh phục đỉnh cao”, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu luôn nỗ lực đi đầu trong xây dựng môi trường giáo dục mở, kết hợp giữa đào tạo mũi nhọn và giáo dục toàn diện, chủ động và linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cha ông ta luôn răn dạy, không thầy đố mày làm nên và uống nước luôn phải nhớ nguồn. Một ngôi trường không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc phục vụ việc giảng dạy, không chỉ là một không gian để thu lượm kiến thức. Mái trường luôn là nơi ươm mầm tri thức, đạo đức, hình thành nên phẩm giá, hoài bão, che chở và vun tưới những tâm hồn trong sáng, cao thượng từ những người thầy cô.

Với các thế hệ học trò Trường Phan, thầy cô không chỉ là những ký ức đặc biệt thuở đến trường mà nhiều thầy cô giáo đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận sau này trong suốt cuộc đời. Trò Trường Phan trong cuộc sống hay mỗi dịp họp lớp, hội khóa đều nhắc nhớ đến các thầy cô với tất cả sự kính trọng, yêu thương. Một niềm tự hào luôn được ghim vào miền ký ức.

Trò Trường Phan trong cuộc sống hay mỗi dịp họp lớp, hội khóa đều nhắc nhớ đến các thầy cô với tất cả sự kính trọng, yêu thương. Một niềm tự hào luôn được ghim vào miền ký ức.

Chỉ cần vào trang facebook của nhiều cựu học sinh Trường Phan mỗi khi đến dịp 20/11, khi Tết đến Xuân về, mỗi dịp hội trường thì hình ảnh của những người thầy tận tụy, tận tâm, tận hiến với học trò luôn được xuất hiện rõ nét, rõ hình, rõ tiếng, từ những người thầy ở các lớp chuyên Toán, chuyên Văn “đặc biệt” trước năm 1974 như thầy Phan Huy Huyền, thầy Trần Văn Bỉnh, Nguyễn Khắc Tuệ… đến các thầy cô giáo công tác Trường Phan sau năm 1974 như thầy Đinh Văn Thông, thầy Chu Phú, thầy Hồ Sỹ Minh Đô, cô Trần Thị Bích Diệp, thầy Lê Đức Kiêm, cô Trần Thị Thục Oanh, thầy Trần Hữu Dinh, thầy Nguyễn Hữu Đắc, thầy Nguyễn Cảnh Củng, thầy Nguyễn Tư Hoành, thầy Phan Huy Tuấn, thầy Phan Huy Tĩnh, thầy Lê Hồ, thầy Lê Thái Phong, thầy Nguyễn Hoàng Thảo... và còn nhiều thầy cô giáo khác mà tôi không biết và không thể kể hết.

Nhiều thế hệ học trò Trường Phan vẫn hay gọi, hay nói, hay viết về các thầy cô đặc biệt của mình bằng những cụm từ như “Những người thầy tinh hoa”, “Những người thầy đặc biệt”,...

Cá nhân tôi không có may mắn được là học trò của Trường Phan thuở ấy và chỉ là thế hệ giáo viên về sau, cách xa các thầy cô về tuổi tác và thế hệ, nên những gì mà tôi biết về các thế hệ thầy cô giáo là không đủ. Điều mà tôi học được ở các thầy cô Trường Phan thuở ấy là đạo làm thầy và sống nhân hậu. Tôi chỉ mong và cố gắng là người học trò nhỏ của những người thầy lớn Trường Phan.

Mỗi người thầy có một phong cách, phong thái, cá tính riêng trong cuộc sống. Mỗi thầy có những kỹ năng, phương pháp giảng dạy và giáo dục cũng khác nhau. Độ tài năng và tài hoa của mỗi người thầy cũng không giống nhau. Nhưng tất cả có một mẫu số chung là thương yêu học trò vô điều kiện và khơi đam mê, truyền cảm hứng, tạo động lực trong học tập và cuộc sống cho nhiều thế hệ học trò.

Nét nổi bật của Trường Phan từ xưa đến nay, từ các lớp hệ chuyên đến khi thành lập trường chuyên, từ Diễn Châu về Hưng Lộc đến địa điểm hôm nay là đa số đều có nhà nội trú cho nhiều học sinh từ quê đến học. Học sinh Trường Phan đều xa nhà, xa cha mẹ. Khi đó, đời sống kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, trò cũng nghèo và thầy cũng khổ. Xa gia đình, quê hương để xuống Trường Phan học, chính các thầy cô Trường Phan vừa là người thầy trên bục giảng, vừa như cha mẹ trong cuộc sống, luôn coi học trò của mình như con, dạy bảo, đùm bọc, sẻ chia.

Ở Trường Phan nhiều thập kỷ qua, thầy trò đã quá quen thuộc với câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên treo ngoài cổng: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở; khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Trí tuệ, tài năng, nhân cách, nhân hậu của các thầy cô Trường Phan bao năm qua đã trở thành những hệ giá trị cốt lõi tạo nên một thương hiệu “thầy Trường Phan” và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ học trò trong cả học tập và cuộc sống.

Các thế hệ thầy cô Trường Phan như là những người lao công không mệt mỏi, tảo tần, tận hiến tâm lực và sức lực để “ươm những mầm hoa”, trồng “hoa”, chăm “hoa” để biến “mầm hoa” thành “ngàn bông hoa”, đã biến nơi đất học nở hoa.

Thầy giỏi chưa chắc đã làm nên trò giỏi. Nhưng trò giỏi đều đến từ những người thầy có trí tuệ, phong cách và nhân cách. Một điều rất đặc biệt là trong số 130 giáo viên của Trường Phan hiện nay, có 48 cán bộ, giáo viên đã từng là học sinh Trường Phan. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm loại xuất sắc và hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học đã trở về Trường để cống hiến. Đặc biệt, trong Ban Giám hiệu Trường Phan hiện tại có 2 cựu học sinh là cô giáo Cao Thị Lan Thanh (học sinh chuyên Lý K17) - Hiệu trưởng và cô giáo Nguyễn Thị Giang Chi (học sinh chuyên Văn K14) - Phó Hiệu trưởng.

Các thế hệ thầy cô Trường Phan như là những người lao công không mệt mỏi, tảo tần, tận hiến tâm lực và sức lực để “ươm những mầm hoa”, trồng “hoa”, chăm “hoa” để biến “mầm hoa” thành “ngàn bông hoa”, đã biến nơi đất học nở hoa.

Nhiều thế hệ học sinh ra đi từ mái trường trung học này cũng trở thành những sinh viên giỏi của các trường đại học danh tiếng, và sau đó đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các bộ, ngành, đơn vị, địa phương..

Lễ đón học sinh của trường đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế.

Lễ đón học sinh của trường đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế.

Trong lịch sử 50 năm của trường và 60 năm hệ chuyên, rất nhiều học sinh đã tham gia các cuộc thi quốc tế, trong đó có những học sinh đạt giải cao như: Phan Huy Tú (Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế 1991), Trương Bá Tú (Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế 1993), Nguyễn Cảnh Hào (Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế 1997), Nguyễn Tất Nghĩa (02 Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2007 và 2008, Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á 2008), Cao Ngọc Thái (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2014, Huy chương Vàng và Bằng khen Olympic Vật lý châu Á năm 2013 và 2014), Trương Thị Khánh Huyền (giải Nhất Olympic Quốc tế tiếng Nga 2016), Nguyễn Cảnh Hoàng (Huy chương Vàng Olympic Toán học 2017), Trần Hữu Bình Minh (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2017, Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Á năm 2017), Vũ Đức Vinh (Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế 2019), Hoàng Phan Hữu Đức (Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á 2019), Dương Tùng Lâm (Huy chương Đồng Olympic Sinh học quốc tế 2019), Phạm Trung Quốc Anh (Huy chương Vàng Olympic Hoá học quốc tế 2020), Trương Văn Quốc Bảo (02 Huy chương Vàng Olympic Tin học châu Á năm 2021 và 2022, Huy chương Bạc Olympic Tin học Quốc tế 2022), Mai Văn Đức (Huy chương bạc Olympic Hoá học quốc tế 2023)…

Item 1 of 4

Học sinh khoá K15 về thăm trường.

Học sinh khoá K15 về thăm trường.

Mái trường thân thương qua các góc nhìn của cựu học sinh.

Mái trường thân thương qua các góc nhìn của cựu học sinh.

Lễ khai giảng thời Covid-19.

Lễ khai giảng thời Covid-19.

Tập thể thầy cô Nhà trường.

Tập thể thầy cô Nhà trường.

Nghệ An là vùng đất nghèo khó nhưng cũng là đất học, có truyền thống hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao trong lịch sử giáo dục, khoa cử nước ta. Đó là điều mà nhiều sử sách đã ghi lại và thực tế đã minh chứng.

Khi đất nước còn chiến tranh, kinh tế-xã hội còn rất khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã sớm có tầm nhìn chiến lược để quyết định mở các lớp chuyên Toán, chuyên Văn “đặc biệt” trong một số trường cấp 3. Khi đã trải nghiệm có hiệu quả về chất lượng dạy học ở các lớp hệ chuyên trong trường thường, tỉnh Nghệ An quyết định thành lập trường năng khiếu (ngày nay gọi là trường chuyên). Thực tiễn sinh động và những mốc son vẻ vang 60 năm qua là minh chứng sống cho mô hình lớp chọn, trường chuyên đã bồi dưỡng nên nhiều nhân tài trên nhiều lĩnh vực cho quê hương, đất nước.

Lớp học nhìn xuyên qua tán bàng.

Lớp học nhìn xuyên qua tán bàng.

Mười năm gần đây (2014-2024), là giai đoạn Trường Phan có sự phát triển nhanh nhất, mạnh nhất cả về số lượng và chất lượng đội ngũ trong lịch sử nhà trường nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà. Đó là các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, ưu đã về học bổng cho học sinh, tiền thưởng cho học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…

Rất nhiều giáo viên giỏi đã từng là học sinh Trường Phan trước đây, nhờ chính sách thu hút, trọng dụng đó đã có cơ hội quay trở lại đứng trên bục giảng Trường, tiếp nối sự nghiệp của các thầy cô đã dạy mình. Cùng với sự bổ sung các chủ trương, chính sách đó, Trường Phan đã thực hiện có hiệu quả các đề án của tỉnh Nghệ An như “Xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao giai đoạn 2010-2020”; “Xây dựng thí điểm trường trung học trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2019-2023”.

Các đề án, chính sách thiết thực đó không chỉ có ý nghĩa động viên, chia sẻ với Trường Phan mà là tiền đề quan trọng, đóng vai trò định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho thầy trò nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng với yêu cầu của ngành giáo dục và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Để không lãng phí nguồn lực, nhân lực, trí lực cống hiến cho quê hương, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An trong mấy năm gần đây đã hết sức quan tâm, chú ý đến vấn đề làm thế nào để phát huy có hiệu quả việc xây dựng thương hiệu trường học hiệu quả từ thực tiễn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Trong bối cảnh thị trường giáo dục tạo ra nhiều cơ hội cho cạnh tranh mang tính quyết định đến sự tồn tại, việc xây dựng thương hiệu cho trường học không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Một thương hiệu mạnh không chỉ giúp trường học thu hút được nhiều học sinh hơn, mà còn tạo dựng được lòng tin của học sinh và sự trung thành của phụ huynh trong lựa chọn của mình.

Thương hiệu một nhà trường không phải là một logo hào nhoáng, một cái tên mỹ miều, hấp dẫn. Đó là một công cụ mạnh mẽ xoay quanh mọi thứ giúp ngôi trường đó trở nên khác biệt và độc đáo so với những ngôi trường còn lại. Sứ mệnh, tầm nhìn, đặc tính, trải nghiệm độc đáo mà nhà trường mang lại đều là những nhân tố chính tạo nên thương hiệu của nhà trường.

Ngôi trường nhìn từ trên cao.

Ngôi trường nhìn từ trên cao.

Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, cũng như trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thời kỳ hội nhập, Trường Phan đã và đang đi theo hướng giáo dục toàn diện, vừa truyền thụ kiến thức, vừa cung cấp nhận thức và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu trên nền tảng giáo dục toàn diện đại trà, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho các em trở thành công dân toàn cầu.

Điều quan trọng nhất là đổi mới cách dạy học như thế nào để bảo đảm chất lượng đầu ra của trường đáp ứng chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước.

Phấn khởi, tự hào với những thành tích xuất sắc mà Trường Phan đã đạt được, nhưng trách nhiệm đặt ra trong thời gian tới cũng vô cùng lớn lao, nhiệm vụ đặt ra là nặng nề. Để tiếp tục phát triển, thầy trò Trường Phan càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để kế thừa và phát huy truyền thống của một ngôi trường anh hùng trên quê hương xứ Nghệ.

Có được một thương hiệu lớn trong ngành giáo dục là không hề dễ, nhưng thầy trò Trường Phan đã làm được!

Có được một thương hiệu lớn trong ngành giáo dục là không hề dễ, nhưng thầy trò Trường Phan đã làm được. Để xây dựng thương hiệu trường học hiệu quả, đưa nhà trường phát triển vững chắc lên một tầm cao mới, khẳng định tầm vóc, vị thế phù hợp với yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay là một thách thức không hề nhỏ.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã và đang vận hành mọi hoạt động dạy học theo tư tưởng, tinh thần “Phát huy truyền thống - Bản lĩnh tiên phong - Chinh phục đỉnh cao”, để tiếp tục phát triển và lan tỏa thương hiệu, trở thành nơi phát hiện và nuôi dưỡng tiềm năng của học sinh, kết nối tri thức, hướng tới tương lai và làm rạng danh đất học xứ Nghệ.

Ngày xuất bản: 20/9/2024
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Trần Trung Hiếu
Trình bày: Ngọc Diệp