Việt Nam-Nhật Bản: Nửa thế kỷ kết giao, hợp tác bền chặt

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản duy trì sự tin cậy chính trị cao và là sự kiện điểm nhấn quan trọng trong loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (21/9/1973-21/9/2023).

Chiều 26/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Chiều 26/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

“Xứ sở Hoa anh đào” chân thành và tin cậy

Nằm ở ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, Nhật Bản là quốc đảo, gồm 6.852 hòn đảo, trog đó có 4 hòn đảo lớn: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Với diện tích 377.944km2, chủ yếu là đồi núi và rừng rậm khoảng 73%, Nhật Bản có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, có 4 mùa rõ rệt.

Nhật Bản phân chia địa giới hành chính: gồm 47 tỉnh thành, trong đó 1 Đô (Tokyo), 1 Đạo (Hokkaido), 2 Phủ (Osaka và Kyoto) và 43 Tỉnh. Đồng thời, căn cứ vào địa lý, lịch sử và đặc trưng kinh tế… Nhật Bản thường được chia làm 8 khu vực lớn gồm Hokkaido, vùng Đông Bắc, vùng Kanto, vùng Trung Bộ, vùng Kinki (còn gọi là Kansai), vùng Chugoku, vùng Shikoku và vùng Kyushu-Okinawa.

Nhật Bản là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và rất đặc sắc như nghệ thuật cắm hoa (ikebana), trà đạo (sado), thư pháp (shodo), đấu vật (sumo)... Người dân Nhật Bản giàu lòng mến khách nhưng không quá vồ vập, mà vẫn giữ đúng nghi lễ, luôn coi trọng lễ nghĩa và những cử chỉ lịch sự.

Với quy mô dân số 124,50 triệu người (5/2023), Nhật Bản hiện là cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới, với GDP đạt khoảng 5.000 tỷ USD (năm 2022) và GDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD.

Toàn cảnh thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Toàn cảnh thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Về chính sách kinh tế, Chính quyền Thủ tướng Kishida hiện nay ưu tiên hàng đầu: khôi phục và phát triển kinh tế, thúc đẩy cải cách từ “mô hình kinh tế cắt giảm chi phí” sang “mô hình kinh tế tăng trưởng theo nâng lương bền vững và đầu tư năng động”, trong đó tập trung vào hai “bánh xe tăng trưởng”: (i) tăng cường năng lực cung ứng; (ii) ứng phó với vấn đề vật giá leo thang.

Trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Kishida Fumio trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản (tháng 10/2021), tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của các Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide; tiếp tục coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là trục cơ bản; thúc đẩy 3 trụ cột về ngoại giao, an ninh quốc phòng gồm:

(i) kiên quyết bảo vệ những giá trị phổ quát như tự do, chủ nghĩa dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật, phối hợp với các nước đồng minh, đồng chí hướng thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP);

(ii) bảo đảm hòa bình và ổn định của Nhật Bản, tăng cường năng lực phòng vệ, phòng thủ tên lửa, bảo đảm an ninh trên biển để bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải, không phận, cũng như tính mạng và tài sản người dân;

(iii) giải quyết những vấn đề toàn cầu, dẫn dắt cộng đồng quốc tế, đóng góp cho nhân loại; nỗ lực vì thế giới không có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy các biện pháp ứng phó với trái đất nóng lên, xây dựng những luật lệ mới như lưu thông dữ liệu tự do.

Một khu phố sầm uất tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters

Một khu phố sầm uất tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters

Trong lịch sử, hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã có sự giao lưu từ hơn 1.300 năm trước. Thế kỷ 8: Nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp (nay là miền Trung Việt Nam) đã tới Nara, kinh đô Nhật Bản, giao lưu phật giáo, âm nhạc tại chùa Đại An. Qua đó, Nhà sư Phật Triết đã giới thiệu âm nhạc Lâm Ấp, đến nay vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản, với sự đồng điều về thanh âm với nhã nhạc cung đình Huế.

Thế kỷ 17: Nhiều thương thuyền (Châu Ấn Thuyền) của Nhật Bản đã cập cảng Hội An và tại đây, người Nhật Bản đã tổ chức giao lưu, buôn bán và lập ra khu phố của người Nhật Bản. Trong số đó, có thương nhân Araki Sotaro, người kết hôn và đưa công chúa Ngọc Hoa (con gái của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên) về sống tại Nagasaki, Nhật Bản.

Đầu thế kỷ 20: Tháng 1/1905, nhà cách mạng Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, đưa khoảng 200 thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật Bản học tập, nhận được sự hỗ trợ của một số nhân vật của Nhật Bản, đặc biệt là sự giúp đỡ quý báu của bác sỹ Asaba Sakitaro trong thời điểm khó khăn nhất.

Hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được cho là đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy chính trị cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nổi bật là 12 lần Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam và 21 lần Thủ tướng Chính phủ thăm Nhật Bản; 2 lần Chủ tịch Hạ viện và 2 lần Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản thăm Việt Nam, 4 lần Chủ tịch Quốc hội thăm Nhật Bản.

Trên cơ sở tầm nhìn chiến lược chung về tiềm năng hợp tác và tương lai quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, hai nước liên tục chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và thực chất trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư, du lịch, thứ tư về thương mại.

Quan hệ hai nước hiện nay đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay và đầy đủ cơ sở để nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Hai nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương, như Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ năm 2014); Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng (từ năm 2014); Đối thoại chính sách biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng (từ năm 2019); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ năm 2013); Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng (từ năm 2012)...

Cả Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chú trọng thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Nhật Bản là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 đầu tiên:

  • Đón Tổng Bí thư Việt Nam đến thăm (năm 1995)
  • Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009)
  • Công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011)
  • Mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (năm 2016)

Quan hệ giữa các địa phương hai nước cũng là điểm sáng với hơn 100 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác, tiêu biểu có thành phố Hồ Chí Minh với Osaka (2007), Nagano (2017); Hà Nội với Fukuoka (2008), Tokyo (2013); Đà Nẵng với Sakai (2009), Yokohama (2013), Huế-Kyoto (2014); Phú Thọ-Nara (2014); Hưng Yên-Kanagawa (2015); Hải Phòng-Niigata (2015)...

Nhật Bản hiện có gần 5.200 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 71 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong chín tháng từ đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt gần 33 tỷ USD. Nhật Bản đồng thời là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam những năm gần đây. Nguồn vốn ODA vay bằng đồng Yên góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đồng thời Nhật Bản cũng hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật Trương Thị Mai cùng Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tham quan triển lãm về hợp tác giữa hai nước tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tại Hà Nội, tối 21/9/2023.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật Trương Thị Mai cùng Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tham quan triển lãm về hợp tác giữa hai nước tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, tại Hà Nội, tối 21/9/2023.

Giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tổng số người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản là khoảng 520.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại đất nước Mặt trời mọc, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản và là cầu nối hữu nghị quan trọng trong quan hệ hai nước. Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản.

Sự tương đồng về văn hóa cùng sự gắn kết lịch sử lâu dài, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau đã tạo thành nền tảng hữu nghị vững chắc giữa hai nước và nền tảng đó đang được các thế hệ sau kế thừa, vun đắp và đang phát triển.

Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino

 Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam. Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cấp 04 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao; đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Đến nay, số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đạt hơn 51.000 người.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Quang cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, nhất là trong hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng; hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng...

Tôi hy vọng rằng khi nhìn lại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam này thì các thế hệ tương lai sẽ đánh giá năm kỷ niệm này đã kiến tạo nền tảng cho quan hệ Nhật-Việt ẩn chứa tiềm năng vô hạn phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio

Chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới cũng là lần thứ tư Chủ tịch nước Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, tương xứng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á.

Ngày xuất bản: 26/11/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - HỒNG DUY
Trình bày: NHÃ NAM