50 năm ký ức Khâm Thiên
Hồi sinh trên vùng đất cháy
50 năm trôi qua, mặc dù vết sẹo Khâm Thiên vẫn còn nhức nhối lòng người, nhưng cuộc sống mới đã thực sự hồi sinh trên vùng đất cũ.
Ngoi lên từ lòng đất…
Ngày 20/12/1972, trước thông tin Mỹ cho không quân trở lại bắn phá Hà Nội, Hải Phòng và 1 số địa phương miền bắc, lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành. Những con phố ngày thường vốn đông đúc trong một lúc đã trở nên thưa vắng lạ thường. Những ụ pháo dã chiến, công sự hầm hào nhanh chóng mọc lên, biến cả Thủ đô thành một mâm pháo lớn trong hơn chục ngày đêm sắp tới.
Giáp lễ Noel năm ấy, nghe thông tin người Mỹ sẽ ngừng ném bom để tổ chức kỷ niệm nên bà con lục tục kéo nhau về nhà, phần vì chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, phần khác vì lưu luyến người thân nên hầu hết đều nấn ná ở lại. Không ai trong số họ nghĩ thảm họa sẽ xảy ra chỉ vài chục giờ sau đó…
Nhớ lại thời khắc ấy, ông Lê Đình Giật, một trong những nhân chứng hiếm hoi còn lưu lại Khâm Thiên từ 50 năm trước kể lại: “Khi đó, nhạc hiệu chương trình Đọc truyện đêm khuya vừa dứt thì chúng tôi nghe thấy tiếng còi báo động rúc lên liên hồi. Tiếng máy bay B-52 ù ù rền rĩ. Từ phía chợ Khâm Thiên, mẹ tôi sấp ngửa chạy về, giục cả nhà xuống hầm trú ẩn”.
Khu lao động nghèo vốn tối đen bỗng dưng sáng lòa khi phía trên đầu pháo phòng không bắn như sao sa.. Cả nhà ông Giật cuống cuồng chui vào căn hầm ngay phía trước nhà. Chỉ kịp nhắc mọi người giữ hai vai vuông góc với thành hầm, hai tay úp lên đầu gối để nhỡ có gì xảy ra còn bảo vệ được những bộ phận quan trọng, mắt ông Giật đã hoa đi, chao đảo…
Cũng trong khoảng khắc này, từ phía Hàng Bột, ông Chu Chí Thành khi ấy đang làm phóng viên ảnh cho Thông tấn xã Việt Nam cũng bị những hồi còi rúc làm náo động. Chạy vội xuống hầm, ông đã nghe thấy tiếng mặt đất rung lắc dữ dội. Dù đã trải qua dạn dày bom đạn, cả người ông Thành vẫn run lên, mồ hôi lấm tấm đổ ra giữa đêm đông Hà Nội. Ông đã nghĩ tới tình huống xấu nhất có thể sẽ xảy ra với mình…
Những người trực chiến từ các nơi cách xa Khâm Thiên, ngay sau đó không lâu đã thấy cả 6 khối phố gần ga Hàng Cỏ bùng lên lửa đỏ.
“Khi bom dội xuống, căn hầm trú ẩn tối om rung lắc dữ dội. Tôi hết bị lật ngửa rồi lại bị hất úp trở lại. Lúc ấy không nghĩ được gì nhiều, tôi chỉ biết úp chặt tay vào hai đầu gối. Một lát sau, không gian im lặng trở lại. Nhưng, khi tôi cố ngẩng lên để hít thở thì đã thấy ngàn ngạt, mũi và miệng đầy đất cát”, ông Giật kể lại.
Trước sức công phá của bom, căn hầm bị vùi kín. Ông Giật phải chống tay, nhích dần người “như… con chuột chũi”, đẩy từng lớp đất đá để ngoi lên. Thoát ra được, trước mắt ông Giật đã là một thế giới khác. Ngay sát cạnh là một hố bom sâu hoắm, gạch đá ngổn ngang. Những ngôi nhà bị hơi bom phạt bay mấy nóc, há miệng sâu hoăm hoắm và đen ngòn. Mùi khói xăng, mùi gỗ cháy dở, và cả mùi máu xộc thẳng lên mũi người.
Ông chỉ biết dùng đôi tay trần đào móc xuống hầm, bới tìm từng người thân còn bị mắc kẹt phía trong. Đêm đó, ông Giật đã mất cha, mẹ, người chị gái kế bên. Cả gia đình chỉ sót lại ông và cô em gái nhỏ đang đi học.
Những tấm áo quan bằng...ni-lông
Bà Chu Thị Hòa, ngụ tại ngõ Hồ Dài cũng chưa thể quên những ký ức kinh hoàng đêm 26/12/1972. Vừa khóc, bà vừa kể: “Đêm đó, nghe tiếng báo động, tôi cùng bà mẹ chồng chạy xuống hầm trú ẩn bên xóm, còn chồng và hai cô em gái trốn tại hầm gần nhà. Khi bom trút xuống, đất đá đổ vùi kín, tôi nghe thấy tiếng kêu: “Con ơi cứu mẹ mấy” nhưng không thể làm gì được.”
Chừng vài phút sau, bà Hòa được người phía trên gạt bê tông… moi lên. Nhưng người mẹ chồng thì mãi mãi nằm lại. Lúc này, nhớ tới chồng và các em ở nhà, bà Hòa sấp ngửa chạy về Hồ Dài, chân rớm máu vì gạch đá lổn nhổn khắp nơi. Tới nơi, bà khựng lại khi thấy thi thể chồng nằm vắt ngang cửa hầm, bom phạt ngang người. Trận bom đên 26/12 đã giật khỏi tay bà 5 người thân thiết.
Lẩm nhẩm đếm, bà Hòa bần thần kể: Nhà ông Giật mất đi cha, mẹ và người chị gái. Nhà anh Lễ ở gần đó vừa lấy vợ thì bom rơi thẳng vào nóc hầm có cô dâu mới đang nương náu. Bom rót xuống ngõ Sân Quần, bốc cả con ngõ đi nơi khác, khoét xuống đất một vũng sâu tới chục mét. Nhà ông Cầu (nay đã mất), vợ và con trai đều không còn toàn thây. Nhà cụ Thành, 8 người thuộc 4 thế hệ chết cùng lúc…
Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại, sáng hôm sau, khi ông đến Khâm Thiên tác nghiệp, quan tài tập kết khắp nơi trên những bãi đất còn lành lặn. Người quấn khăn tang, người thắp hương. Tiếng khóc, tiếng kêu gào tuyệt vọng vang khắp khu phố. Riêng bà Hòa thì “không còn nước mắt mà khóc”. Mẹ chồng của bà sau khi được đưa lên từ hầm sập thì… mất xác do bị chuyển đi đâu không rõ. Hết áo quan, bà lầm lũi ra đầu phố, xin được vài mảnh ni-lông về bọc thi thể chồng và các em. Một dòng chữ nguệch ngoạc viết bên ngoài ghi tên, tuổi, quê quán là như “chỉ dấu” duy nhất phân biệt những người đã nằm xuống trong trận bom thảm khốc vừa đi qua…
Khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị máy bay B.52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: TTXVN)
Khu phố Khâm Thiên (Hà Nội) bị máy bay B.52 của Mỹ ném bom tàn phá (26/12/1972). (Ảnh: TTXVN)
Vào thời điểm ấy, hàng nghìn người dân như ông Giật, bà Hòa chẳng thể hiểu tường tận trận bom đêm cuối năm đó là một phần của chiến dịch Linebacker II - chiến dịch quân sự cuối cùng của không quân Mỹ tại miền Bắc Việt Nam.
Theo thống kê, liên tục suốt 12 ngày đêm, không quân và Hải quân Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại. B52 rải hơn 20.000 tấn bom nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc, đưa nơi này "về thời kỳ đồ đá", gỡ thế bế tắc trên bàn đàm phán Paris. Riêng đêm 26/12, đã có tổng cộng 9.932 quả bom "được ném trúng đích".
Bom đêm khiến cả dải phố chạy dọc từ Khâm Thiên đến Ô Chợ Dừa hóa thành bình địa. Gần 2.000 ngôi nhà đã bị đánh sập, trong đó 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Khâm Thiên tan tành, vỡ vụn và ly tán chỉ sau ít phút đồng hồ.
Bom B52 còn giết chết 283 sinh mạng, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 đứa trẻ, làm cho 178 trẻ mồ côi. Trong phút chốc, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh chia lìa, con mất cha, vợ mất chồng. Có nhiều gia đình thậm chí không còn ai sống sốt.
Bên lẻ đường Khâm Thiên có 303 số nhà, thiếu mất ba số 47,49 và 51. Người dân đã lập Bia căm thù ở vị trí ba ngôi nhà ấy, có bức tượng xi măng hình ảnh một người phụ nữ bồng trên tay đứa trẻ.
Sự sống nảy mầm trên vùng đất lửa
Tết đầu tiên sau trận bom thảm khốc, người Khâm Thiên ăn bánh chưng trong nước mắt. Mâm cơm cúng hết năm của ông Giật và em gái cũng như hàng trăm bà con khác đìu hiu trong những căn nhà dựng tạm, ngổn ngang gạch đá và hố bom. Những nén nhang lập lòe như chứng tích vết thương chưa kịp lành.
Cách đó không xa, bà Hòa thậm chí do không chịu được ám ảnh đã ôm 3 người con trai chuyển về khu tập thể cơ quan để ở. 30 Tết, bà đưa các con trở lại Hồ Dài, thắp hương cho chồng và các em giữa trời chiều hun hút gió. Tết ấy, thành phố cho mỗi nhà hai cái bánh chưng, một gói mứt với mấy cái bát ăn cơm. Đêm giao thừa, tất cả quây quanh ngọn đèn leo lét, đầu vẫn chít trắng vành khăn tang…
Rút từ trong túi áo một tấm ảnh đen trắng đã nhạt nhòa màu thời gian, bà bảo: Bức ảnh ấy chụp đúng chiều bà đưa con về đón Tết 50 năm trước. Trong ảnh, người mẹ 30 tuổi cố gắng cười bên cạnh lũ trẻ mắt trong veo như chưa hình dung và ý thức hết nỗi mất mát…
Nhiều người cũng có chung lựa chọn như bà Hòa, túa ra theo các cửa ô, rời bỏ mảnh đất đau thương này…
“Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”, ông Giật trầm ngâm, châm một điếu thuốc tiếp lời.
Năm đó, từ một chàng trai chuẩn bị vào Đại học, ông Giật bỏ giấc mơ giảng đường, ngày ngày đi phụ hồ để nuôi em đến lớp. Ai thuê gì ông làm nấy. Chiếc hố bom sâu hoắm trước cửa nhà được ông thả bèo, lấy làm thức ăn nuôi lợn.
Bố chồng bà Hòa từ nơi sơ tán trở về nhặt nhạnh từng hòn gạch, tấm ván ép dựng lại nơi trú ẩn xiêu vẹo trên nền ngôi nhà năm gian cũ. Từ đây, một mình ông lão đã nuôi 4 đứa cháu cùng một người con gái đã bị bom bẻ gập xương sống. Những dấu tích đau thương của chiến tranh lại trở thành nguồn sống để những hy vọng nảy chồi trên đất lửa.
Vài năm sau, bà Hòa cũng trở về “phố bom B-52”, xây nhà rồi ở lại, loay hoay mưu sinh bằng đủ thứ nghề để nuôi các con khôn lớn. Ngay bên cạnh, bà Thành, em dâu bà Hòa cũng cất thêm một mái ấm nho nhỏ.
Trong bộ phim kinh điển Em bé Hà Nội, đạo diễn Hải Ninh đã dựng lại một lát cắt về một Hà Nội nghĩa tình sau nỗi đau B-52 bằng một phân cảnh nhức nhối. Cô bé Ngọc Hà sau khi tìm được sổ gạo từ đống đổ nát đã xếp hàng để xin cấp phát. Thấy cô bé đầu chít khăn tang, lưng lủng lẳng đeo mũ rơm, mọi người hỏi:
- Em ở phố nào?
- Dạ, ngõ chợ Khâm Thiên.
- Ở Khâm Thiên à? Lên đi cháu. Lên trước ông này…
Nghe tới đây, không ai bảo ai, tất cả đều kéo Ngọc Hà lên đong gạo trước. Nhà ở Khâm Thiên – như một danh từ riêng nhức nhối, nhưng cũng là chỉ dấu để người Hà Nội, giữa nỗi đau chung giúp nhau vượt qua khó khăn. Ai có tấm áo lành chia lại cho người hàng xóm cơ nhỡ. Kẻ có bát gạo san bớt nhau những khi tắt lửa tối đèn.
50 năm qua đi, ông Giật, bà Hòa đã trở lại nhịp sống bình yên bên gia đình.
Rồi, những thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lửa ấy. Ngày ngày, họ vẫn được nghe cha, ông mình kể lại những mảnh ký ức không thể nguôi quên về khu phố bom năm nào…
Hoa đào, rồi đã nở trên chiến trường xưa….
Những dấu tích đau thương của chiến tranh lại trở thành nguồn sống để những hy vọng nảy chồi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Những dấu tích đau thương của chiến tranh lại trở thành nguồn sống để những hy vọng nảy chồi. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ngày xuất bản: 22/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH
Trình bày: ĐĂNG PHI, HẢI BÌNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN