Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ này được nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Năm 2022 đánh dấu 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2022) và cũng được chọn là Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Chặng đường hơn nửa thế kỷ qua là minh chứng sống động cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, đều có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng, luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào thời điểm lịch sử, ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk bức điện, trong đó nhấn mạnh về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước. Bức điện nêu rõ: Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia là sự biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu; là một sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước.
Ngay từ cuối năm 1945 khi đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập, nhiều đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp những người yêu nước, cách mạng Campuchia xây dựng đội ngũ tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia và phối hợp với quân, dân Campuchia kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc.
Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân Việt Nam đã góp phần tạo thời cơ, tăng cường thế và lực để Quân giải phóng Campuchia tiến lên, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 17/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân và chính quyền tay sai.
Tập đoàn phản động Pol Pot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, mà 4 thập kỷ sau đó, ngày 16/11/2018, Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia đã ra phán quyết lên án và nghiêm khắc trừng trị. Pol Pot đã chà đạp lên những giá trị truyền thống tốt đẹp và nguyện vọng hữu nghị, hòa bình của hai dân tộc, gây nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân hai nước.
Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai nước cùng ôn lại những hành trình gian khó đi tới thắng lợi cuối cùng, đưa dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, cùng bước vào giai đoạn phát triển đất nước.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam-Campuchia ngày càng khăng khít, bền chặt hơn. Quan hệ hai nước hiện đang phát triển theo phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đều nhấn mạnh quyết tâm cùng nhau vun đắp quan hệ đoàn kết, hữu nghị trên nền tảng lịch sử giữa hai nước, đồng thời khẳng định, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài.
Thời điểm kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đánh dấu cột mốc trọng đại của tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước láng giềng. Nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống giữa hai nước, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12/2021 đã khởi động Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022. Trong Năm Hữu nghị, hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phối hợp tổ chức tốt nhiều hoạt động thiết thực, giúp các tầng lớp, thế hệ nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ đoàn kết và hợp tác Việt Nam-Campuchia.
Là hoạt động trọng tâm trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia diễn ra tại thủ đô Hà Nội đúng ngày 24/6. Đây là dịp để hai bên cùng ôn lại lịch sử và truyền thống đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; đồng thời góp phần tăng cường tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân hai nước về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Thể hiện rõ nét nhất trong quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống giữa hai nước là các hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia của các địa phương, tổ chức nhân dân.
Tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri của Campuchia có gần 73km đường biên giới tiếp giáp, có mối quan hệ truyền thống lâu đời, giao lưu gắn bó mật thiết. Vừa qua, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia nhằm vun đắp quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia nói chung, hai tỉnh Đắk Lắk và Mondulkiri nói riêng.
Có 141km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, tỉnh Đắk Nông hợp tác với các cơ quan, đơn vị của Campuchia tổ chức nhiều hoạt động như trao tặng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng bảo vệ biên giới; hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo… nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ mới đây phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Họp mặt kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. Sự kiện nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước thông qua quảng bá, giới thiệu đến người dân Cần Thơ những nét đặc sắc của nền văn hóa, đất nước, con người Campuchia; đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đến nhân dân Campuchia. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia thành phố Cần Thơ cũng phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia” và thu hút được hơn 14.000 người tham gia.
Các bộ, ngành hai nước cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm để tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Các hoạt động kỷ niệm thiết thực này góp phần tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và gắn kết giữa nhân dân hai nước, đóng góp cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong những năm qua, dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, song với nỗ lực của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia được tăng cường, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện. Hai bên thường xuyên tiến hành các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp thông qua các hình thức linh hoạt, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19. Các cơ chế hợp tác song phương, nhất là các cơ chế quan trọng như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia… tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam-Campuchia những năm gần đây được đẩy mạnh. Hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên phối hợp triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển…
Việt Nam và Campuchia đã đạt được những thành quả quan trọng về vấn đề phân giới, cắm mốc biên giới, trong đó sự kiện nổi bật là lễ khánh thành cột mốc 314, cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia năm 2012. Tháng 10/2019, hai bên ký Hiệp ước bổ sung và Nghị định thư ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên bộ và tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới. Việc ký kết hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng để hai nước duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới chung. Hai bên nỗ lực sớm hoàn thành 16% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc còn lại.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực, với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD và năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD. Kim ngạch hai chiều 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ năm 2021. Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Campuchia được xúc tiến bằng nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, các diễn đàn doanh nghiệp, hội trợ triển lãm...
Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và nằm trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông..., đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Campuchia. Hiện nay, Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác, như nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo… được hai bên quan tâm và tích cực thúc đẩy. Hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, đoàn thể và các tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, tiếp tục được mở rộng, nhất là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 tại mỗi nước, Việt Nam và Campuchia hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, đồng thời nối lại đường bay thương mại trực tiếp, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch song phương...
Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam và Campuchia tích cực phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong…, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Qua quá trình lịch sử lâu dài, trải qua nhiều thử thách, quan hệ Việt Nam-Campuchia vẫn không ngừng được xây dựng, vun đắp, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị tại khu vực. Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để giữ gìn và phát huy những thành quả của quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam-Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc giữ gìn, củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên cả kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu giữa các đoàn thể nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí tăng cường kết nối hai nền kinh tế về kết nối cứng về hạ tầng và kết nối mềm về thể chế, chính sách, dịch vụ; sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam và Campuchia nhất trí sớm ký Hiệp định Thương mại biên giới; sử dụng hiệu quả hệ thống cửa khẩu giữa hai nước để tạo điều kiện cho giao thương và giao lưu nhân dân; tăng tần suất các chuyến bay thẳng và thúc đẩy hơn nữa hợp tác du lịch. Hai bên khẳng định tiếp tục thúc đẩy đàm phán giải quyết các đoạn biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; đàm phán ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Về hợp tác đa phương, hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là trong năm Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.
Trên chặng đường 55 năm vừa qua, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển. Với phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, với những định hướng và khuôn khổ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Campuchia sẽ tiếp tục phát triển, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no của nhân dân mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ngày xuất bản: 23/06/2022
Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH - CHU HỒNG THẮNG
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Nội dung: SƠN NINH - MINH ANH
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: TTXVN, BÁO NHÂN DÂN