Thành phố sáng tạo Hà Nội:
Trái ngọt sau 5 năm gia nhập mạng lưới của UNESCO
Được vinh danh là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế đã mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong hành trình phát triển của Hà Nội. Danh hiệu này không chỉ là sự công nhận mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thúc đẩy thành phố không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi lĩnh vực
Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo năm 2019, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1/4/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
Quyết tâm chính trị cao độ đó đã tạo tiền đề để ngành công nghiệp sáng tạo của Hà Nội gặt hái được những thành tựu đáng kể. Thành phố đã trở thành một trung tâm văn hóa đa dạng với nhiều sự kiện nghệ thuật nổi bật như các Tuần lễ Thiết kế sáng tạo được tổ chức hằng năm, mỗi năm có một màu sắc mới lạ, sự nở rộ của các không gian công cộng và các nghệ thuật đường phố.
Tinh thần sáng tạo đã truyền cảm hứng cho các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là nỗ lực đổi mới các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô, với “Đêm thiêng liêng” ở Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Tour đêm với công nghệ 3D mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, hay Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”...
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa được thực hiện tích cực ở các bảo tàng như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Đặc biệt là sự sinh động, sáng tạo trong việc tổ chức các Tuần lễ Thiết kế sáng tạo, Tuần lễ Du lịch áo dài, Lễ hội Quà tặng du lịch... với hàng loạt các hoạt động, triển lãm đi kèm, đã tạo nên sức sống mới cho văn hóa Thủ đô.
Cùng với đó, Hà Nội đã dần trở thành điểm đến hàng đầu của các sự kiện nghệ thuật quốc tế. Nếu như lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon Gió mùa, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được tiếp tục với quy mô và chất lượng ngày càng tốt hơn, thu hút được sự quan tâm của nghệ sĩ tên tuổi ở trong và ngoài nước, thì các sự kiện của BlackPink, Kenny G hay Bond... thực sự đã giúp Hà Nội đánh dấu tên mình là một trong những điểm đến cho nghệ thuật quốc tế ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết, Hà Nội đã nhận được sự quan tâm và ngưỡng mộ của những người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới khi phối hợp tổ chức thành công các sự kiện lớn này. Đây là một tiền đề quan trọng để Thủ đô có thể tiếp tục là điểm đến của các sự kiện lớn hơn trong những năm sắp tới. Những sự kiện, không gian này không chỉ thúc đẩy sự tương tác văn hóa mà còn làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Bên cạnh các hoạt động, cơ sở hạ tầng sáng tạo cũng được Hà Nội quan tâm đầu tư mạnh mẽ.
Các trung tâm nghệ thuật, không gian sáng tạo, và khu công nghệ được phát triển, tạo điều kiện lý tưởng cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà sáng lập khởi nghiệp. Tiêu biểu là Nhà hát Hồ Gươm, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, Toong Co-working Space, Tổ Chim Xanh, Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Creative City... và rất nhiều địa điểm khác trở thành nơi hội tụ của những ý tưởng đổi mới và sáng tạo.
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo, đưa vào hoạt động Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn gốm sứ Quang Vinh khánh thành Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng. Cùng với đó là nhiều cuộc trưng bày, triển lãm thời gian qua được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Không chỉ dừng lại ở các không gian sáng tạo đang được mở rộng, có thêm nhiều hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn, mà giờ đây tinh thần sáng tạo đã lan tỏa khắp mọi góc phố, con đường của Hà Nội. Chúng ta có thể thấy phong trào làm đẹp các khu dân cư, những con đường, ngõ phố một cách tự nguyện, tích cực của chính các cộng đồng, hay việc lấy ý kiến về xây dựng các cây cầu, tu bổ các tòa nhà... đều nhận được sự quan tâm hưởng ứng của rất nhiều người dân.
“Khi chúng ta đã quan niệm một con đường không chỉ để đi, một cây cột đèn đường không chỉ để chiếu sáng, một tòa nhà không chỉ đơn thuần để ở... tất cả cần phải trở thành một công trình nghệ thuật, một biểu tượng mới của thành phố, để chúng ta kể những câu chuyện đẹp về Hà Nội. Đó cũng là lúc tinh thần sáng tạo đã trở thành nguồn lực cho sự phát triển Thủ đô bền vững và hạnh phúc, xứng đáng với danh xưng ngàn năm văn hiến”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo ông, Hà Nội đang chứng tỏ mình không chỉ là một trung tâm của đổi mới mà còn là một ngọn hải đăng dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thành phố đang hiện thực hóa một tầm nhìn đầy cảm hứng: kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu.
Sự đầu tư mạnh mẽ vào văn hóa, với khoảng 14 nghìn tỷ đồng dành cho giai đoạn 2021-2025, không chỉ là con số ấn tượng mà còn là biểu hiện của một cam kết sâu sắc đối với di sản văn hóa. Hà Nội đang xây dựng một thương hiệu thành phố mà ở đó, văn hóa không chỉ được gìn giữ mà còn được nâng niu và thúc đẩy như một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển toàn diện.
Hà Nội đang viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới, giữa truyền thống và sáng tạo. Đây là hành trình không ngừng nghỉ để thành phố tỏa sáng, dẫn đầu trong việc xây dựng một cộng đồng văn hóa và sáng tạo phong phú, bền vững và đầy sức sống.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ, khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Hà Nội là lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Sự kiện này cũng giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đưa hoạt động sáng tạo vào đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động cộng đồng tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”…
Có thể nói, Hà Nội đã biến danh hiệu Thành phố sáng tạo thành một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy ngành thiết kế, tạo ra những sản phẩm và dự án đầy ấn tượng, đồng thời thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Danh hiệu này đã giúp thành phố khẳng định vai trò của mình trên bản đồ thiết kế toàn cầu, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và sáng tạo.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo - Điểm nhấn định vị thương hiệu
Trong số những hoạt động của thành phố nhằm thực hiện các cam kết với UNESCO, Lễ hội Thiết kế sáng tạo tổ chức hằng năm được xác định là một điểm nhấn quan trọng để Hà Nội định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo của mình.
Bắt đầu bằng Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, sự kiện sau đó phát triển thành Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022 và được ấn định là sự kiện thường niên, góp phần chính yếu trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối đa dạng các nguồn lực đồng hành, thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố.
Năm 2023, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về cả không gian, thời gian tổ chức và số lượng, sự đa dạng các hoạt động, mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ từ những di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng được “đánh thức” qua các không gian nghệ thuật đặc sắc cho người dân.
Thông qua lễ hội, Hà Nội khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế..., từ đó hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Lễ hội có chủ đề “Dòng chảy”, tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, được thể hiện đa dạng qua hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo - tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo.
Tuyến trải nghiệm của lễ hội hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô, đặc biệt nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Không chỉ vậy, lễ hội còn tạo ra những trải nghiệm mới khi biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Lần đầu tiên, người dân được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác với diện mạo hoàn toàn mới. Những công trình như Bốt nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên… đã được các kiến trúc sư, nghệ sĩ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo trong lĩnh vực thiết kế diễn ra trong sự kiện, như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á, Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”, Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng”…, quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo, tạo diễn đàn để cộng đồng sáng tạo giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin và cùng nhau sáng tạo…
Tiếp nối thành công năm 2023, từ ngày 9-17/11 tới đây, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Sự kiện nhằm thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, thể hiện tiềm năng đổi mới của Hà Nội. Từ đó, góp phần cộng hưởng, kết nối, đánh thức tinh thần sáng tạo và thu hút các nguồn lực.
Tuyến trải nghiệm của Lễ hội sẽ là dịp đưa các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Hà Nội đến gần hơn với đời sống người dân. Theo đó, Nhà Khách Chính phủ sẽ lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Các tour tham quan Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp... sẽ được “kích hoạt”.
Nhiều hoạt động sáng tạo được tổ chức tại khu vực sẽ trở thành cuộc đối thoại giữa các công trình lịch sử với những ý tưởng sáng tạo hiện đại. Từ đó, tìm kiếm vai trò của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc xuyên suốt quá trình xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là tiền đề để thúc đẩy Thủ đô phát triển thành trung tâm sáng tạo của cả nước.
Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra, với điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm. Nhiều tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sáng tạo cũng sẽ được tổ chức.
Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội ngày càng mở rộng, trở thành ngày hội của những người yêu thích sự đổi mới khắp cả nước. Việc tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm định vị, củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội trong bối cảnh thành phố đang nỗ lực thực hiện hiệu quả các “cam kết sáng tạo” khi gia nhập Mạng lưới của UNESCO.
Theo bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là thí dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.
Thông qua quan hệ đối tác công - tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến Hà Nội thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.
Show diễn thời trang mang chủ đề “Sáng tạo từ di sản” diễn ra tại cầu Lăn Chìm, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19/11/2023, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Show diễn thời trang mang chủ đề “Sáng tạo từ di sản” diễn ra tại cầu Lăn Chìm, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19/11/2023, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Ngày xuất bản: 10/2024
Tổ chức thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỒNG VÂN - VĂN TOẢN
Ảnh, Video: THÀNH ĐẠT, THẾ ĐẠI, TRUYỀN HÌNH NHÂN DÂN, BÁO HÀ NỘI MỚI
Trình bày: SƠN BÁCH