Trong 70 năm phát triển ngành y tế, hệ thống y tế dự phòng, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh, ngành sản xuất và cung ứng dược phẩm, cũng như bảo hiểm y tế không ngừng được củng cố và mở rộng. Năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ đã có những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mạng lưới y tế cơ sở tại Việt Nam đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ, giúp chúng ta trở thành một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, phủ rộng tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người dân.

100% xã có trạm y tế, trong đó 99,6% có cơ sở nhà trạm, còn lại gắn với phòng khám đa khoa khu vực. Mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh phát triển nhanh với nhiều mô hình công, tư, kết hợp công - tư phong phú, đa dạng. Cả nước đã có gần 1,5 nghìn bệnh viện, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 34 giường bệnh năm 2024, ngang mức trung bình thế giới (33). Y tế tư nhân được phép hoạt động từ năm 1989, đã phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, đến nay đã có 384 bệnh viện và trên 53 nghìn phòng khám tư nhân.

Mạng lưới y tế cơ sở tại Việt Nam đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ.

Đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1955 cả nước chỉ có khoảng 300 y, bác sĩ, thì nay đội ngũ cán bộ y tế đã lên tới gần 500 nghìn người. Số bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 4,1 bác sĩ năm 1993 lên 14 bác sĩ năm 2024.

Theo dõi, điều trị và chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, Nghệ An. (Ảnh: nhandan.vn)

Theo dõi, điều trị và chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, Nghệ An. (Ảnh: nhandan.vn)

Hơn 80% trạm y tế tuyến xã có khả năng dự phòng, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Mức độ hài lòng của bệnh nhân trong 5 năm qua luôn duy trì ở mức cao, trên 90%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng mạnh từ 5,4% năm 1993 lên 94,2% năm 2024. Việt Nam đã thanh toán bệnh phong, loại trừ bại liệt và uốn ván sơ sinh, tạo dấu ấn quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được kiểm soát dưới 0,3% trong suốt 10 năm qua, với số ca nhiễm mới giảm bền vững. Thành công này đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ, khẳng định vị thế của ngành y tế Việt Nam trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã đổi mới phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện, áp dụng bộ tiêu chí phù hợp với quốc tế và chỉ số hài lòng của người dân để phân loại, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Việt Nam làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người.

Về khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế, Việt Nam làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người, dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh. Đã nghiên cứu sản xuất được 10 vaccine trong số 11 vaccine sử dụng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, phát triển, bào chế dược liệu tạo ra một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế đã được thực hiện trong mọi hoạt động của ngành y tế, cả hoạt động quản lý và chuyên môn y tế.

Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao, thu hút không chỉ người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương chữa bệnh, mà còn cả bệnh nhân quốc tế đến Việt Nam điều trị những ca bệnh phức tạp. Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận, bao gồm phẫu thuật nội soi tuyến giáp, can thiệp tim mạch, phẫu thuật robot, ghép tạng, xạ trị kỹ thuật cao trong điều trị ung thư.

Ngành y tế đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hỗ trợ điều trị từ xa (telemedicine) trong khám chữa bệnh, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hệ thống thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi, chuẩn bị triển khai liên thông kết quả xét nghiệm, từng bước tiến tới mô hình bệnh viện không giấy, tối ưu hóa quy trình quản lý và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu và tiến bộ y khoa quan trọng của ngành y tế Việt Nam, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống y tế nước nhà. Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến, đặc biệt trong ghép tạng, khẳng định bước tiến vượt bậc của nền y học nước nhà. Chúng ta cũng chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của phẫu thuật nội soi 3D, 4K, robot, can thiệp bào thai…

Những tiến bộ của ngành y tế trong 70 năm qua thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống y tế Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập.

Những tiến bộ của ngành y tế trong 70 năm qua không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ thống y tế Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập, tạo nền tảng để đất nước phát triển không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.