

Nữ Tiểu đoàn trưởng
“Vai trăm cân, chân nghìn dặm”

Trong 4 năm, từ 1969 đến 1972, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, gần 600 chiến binh đội quân tóc dài của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 (Cục Hậu cần - Quân khu 5) đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa các loại, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Đường Trường Sơn huyền thoại những năm 1960, dưới những tán cây rừng, cũng là nơi những người con gái mới ở tuổi đôi mươi, mang trên mình những thùng đạn dược, vũ khí, hàng hóa nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể, băng rừng, vượt suối để chi viện cho chiến trường miền nam.
Ở đó có cô gái Phạm Thị Thao - một thiếu nữ có vóc người nhỏ bé nhưng ẩn bên trong là một tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ và một tình yêu mãnh liệt với quê hương.
Vào những ngày cuối tháng 3 lịch sử, chúng tôi ghé thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng, được nghe bà kể chuyện về thời kỳ hoạt động cách mạng chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ mà rất đỗi vẻ vang.
“Quyết tâm chiến thắng quân thù, sống thì về, chết thì thôi”


Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, trong bối cảnh đó, phong trào 'Năm xung phong' ở miền nam đã ra đời thu hút đông đảo thanh niên toàn miền nam tham gia, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam.
Phong trào kêu gọi thanh niên: xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, xung phong tòng quân và tham gia du kích, xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến, xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính, xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.
Tinh thần nhiệt huyết 'Năm xung phong' đã thôi thúc thiếu nữ Phạm Thị Thao ở phường Hòa Hải, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng viết đơn xin nhập ngũ khi mới đang ở độ tuổi 14. Tuy nhiên, do chưa đủ tuổi cùng hoàn cảnh gia đình mẹ mất sớm, bố sức khỏe yếu, các anh chị đều tham gia cách mạng, đơn đăng ký của Phạm Thị Thao không được chấp thuận. Đến lần thứ 6, thứ 7 làm đơn, cô phải khai thêm 3 tuổi thì mới được duyệt vào quân ngũ.
“Lúc đó, quân Mỹ tràn vào Đà Nẵng, đánh trên Liên Chiểu rồi vào Hòa Hải quê hương tôi. Khi ấy tôi cũng chưa hiểu chi về cách mạng, nhưng phong trào Năm xung phong của miền nam thúc giục lắm, phải đi đánh Mỹ” - Anh hùng Phạm Thị Thao nhớ lại.
Cô gái 14 tuổi mang trong tim nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tình yêu đất nước đã hăng hái xung phong vào Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Đà, với tâm niệm “Quyết tâm chiến thắng quân thù, sống thì về, chết thì thôi”.
Năm 1968, quân khu 5 đứng trước những khó khăn thách thức mới. Vùng căn cứ bị máy bay B52 thả bom liên tục khiến cho lương thực, vũ khí, đạn dược tất cả đều trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng. Trước tình hình đó, ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn vận tải nữ 232 được thành lập với 4 đại đội, gần 600 thành viên, và cô gái trẻ Phạm Thị Thao được giao trọng trách làm Tiểu đoàn trưởng.
“Lãnh đạo quân khu muốn tập hợp lại để có sự lãnh đạo chung đối với nữ, chẳng hạn những ngày mưa nắng, những ngày có việc riêng của nữ sẽ có chị em cùng hỗ trợ, chứ ở chung nam giới thì rất bất tiện” - Anh hùng Phạm Thị Thao chia sẻ.
Lãnh đạo quân khu muốn tập hợp lại để có sự lãnh đạo chung đối với nữ, chẳng hạn những ngày mưa nắng, những ngày có việc riêng của nữ sẽ có chị em cùng hỗ trợ, chứ ở chung nam giới thì rất bất tiện
--- Anh hùng Phạm Thị Thao ---
Sau khi có quyết định thành lập tiểu đoàn, Phạm Thị Thao cùng đồng đội được giao 4 nhiệm vụ trọng tâm, đó là vận chuyển vũ khí, mang gạo phục vụ cho thương binh, mở đường cho xe qua và sản xuất để có lương thực. “Buổi tối chúng tôi phải xuống tít dưới đồng bằng lấy thuốc, gạo đưa lên trên đơn vị phục vụ điều trị thương binh và các trận chiến đấu. Quá trình đi phải ngụy trang để tránh gián điệp phát hiện. Khi nào không đi lấy gạo thì ra Đường 9 - Nam Lào vận chuyển vũ khí, chuyển những thùng 10kg một, có thời điểm chiến trường gọi, mỗi chị em phải gùi 8-10 thùng trên vai”.
“Việc vận chuyển vũ khí cực gấp 10 lần so với mang gạo, khi di chuyển trên đường núi toàn dốc, phải cúi lưng xuống mới đi được” - Anh hùng Phạm Thị Thao nhớ lại. Bên cạnh nhiệm vụ tải súng đạn và gạo, Tiểu đoàn 232 còn được giao nhiệm vụ cõng thương binh từ đồng bằng lên doanh trại trên núi để giao cho trạm thương binh đưa về miền bắc điều trị. Cũng có lúc đội quân tóc dài phải đi mở đường để thông tuyến cho xe chạy.
Các nữ thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến. Ảnh tư liệu
Các nữ thanh niên xung phong vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến. Ảnh tư liệu
Và trong 4 năm, từ 1969-1972, gần 600 cô gái tuổi 18 đôi mươi đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa các loại, chi viện cho chiến trường miền nam. Cái tên “Tiểu đoàn bà Thao” cũng vang danh từ đó - một đội quân luôn chấp hành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với tinh thần kỷ luật quân đội rất cao. “Trong toàn quân khu 5 ai cũng đều biết đến tiểu đoàn của bà Thao - vận tải khu 5 anh hùng, vai trăm cân, chân nghìn dặm”.
Thậm chí, quân địch đã treo thưởng lớn cho ai tìm được ra thủ lĩnh Phạm Thị Thao của đội quân tóc dài ấy. “Thời kỳ đó, địch đưa khẩu hiệu bắt được bà Thao thưởng 5.000 USD. Nhưng tôi hôm nay phiên hiệu này, mai xuống lấy gạo tôi đổi phiên hiệu khác nên tụi gián điệp không phát hiện ra được” - Anh hùng Phạm Thị Thao kể lại, trong ánh mắt toát lên nét cười lạc quan khi nhớ lại những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi.
“Đặt 50 cân xuống đất, hất 70 cân lên vai, vì chiến trường miền nam mang đến 1 tạ”


Trao đổi thêm với chúng tôi về những khó khăn bấy giờ, Anh hùng Phạm Thị Thao chia sẻ, là thủ lĩnh của một tiểu đoàn toàn nữ, trọng trách đặt lên vai bà khi đó rất nặng nề, đặc biệt là trong công tác tư tưởng. “Quản lý một đơn vị gồm gần 600 quân không phải chuyện dễ, nhất là nữ, không tránh khỏi những lúc nhớ nhà, thương cha mẹ… Nhưng nhờ tình yêu thương của chị em đồng đội, sự động viên của cán bộ tiểu đoàn, tất cả đều tự nhủ phải nén chặt tâm tư, cùng nhau đoàn kết làm tốt công tác được cấp trên giao phó, chờ ngày giải phóng để trở về quê hương”.
Khó khăn thứ hai của tiểu đoàn là việc riêng của chị em mỗi tháng một chu kỳ, sức khỏe bị ảnh hưởng, đặt đơn vị trước nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu vận chuyển vũ khí, đạn dược phục vụ chiến đấu. “Những lúc ấy, tôi phải đi vận động, thí dụ những ngày có việc riêng, chị em nào yếu thì cho đi làm những việc nhẹ nhàng hơn như sản xuất hoặc canh gác doanh trại, còn chị em khỏe mạnh thì phải gánh thêm phần nhiệm vụ của chị em yếu, bảo đảm chỉ tiêu giao không bị sụt” - Anh hùng Phạm Thị Thao nói.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thị Thao.
Trong suốt hơn 4 năm ròng, những cô gái của Tiểu đoàn vận tải 232 ngày qua ngày vẫn thầm lặng vác trên vai những hòm đạn dược, vũ khí, thuốc men vận chuyển ra chiến trường, sáng 6 giờ đi, trưa 12 giờ phải tới, rồi mất thêm khoảng 3 giờ đồng hồ quay trở lại đơn vị. Quá trình làm nhiệm vụ cũng có khi bị địch phục kích khiến một số thành viên hy sinh, có những lúc cõng hàng đi lên dốc bị trượt chân ngã xuống…
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy lại sáng ngời lên tinh thần quả cảm, lạc quan cách mạng, ý chí quật cường của người phụ nữ Việt Nam. “Chúng tôi có những khẩu hiệu để tự động viên, đôn đốc tinh thần, thí dụ ngày 19/5, chị em nhớ Bác tăng thêm những cân hàng có trọng lượng với khẩu hiệu “Đặt 50 cân xuống đất, hất 70 cân lên vai, vì chiến trường miền nam mang đến 1 tạ”.
“Hay trong quá trình vận chuyển hàng lên dốc, gùi hàng cao hơn trọng lượng con người khiến nhiều chị bị té miết, ngã xuống thì kêu 'Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm', có chị té sau thì hô 'Bác Tôn cũng rứa, cũng rứa'. Cứ như vậy động viên chính mình, khi đỡ hàng lên người rồi thì chị em lại cùng một lòng làm tốt nhiệm vụ của mình trong ngày hôm đó” - Anh hùng Phạm Thị Thao bồi hồi nhớ lại.
Theo dòng cảm xúc, những ký ức khó quên về một thời hoa lửa tiếp tục tràn về trong tâm trí vị nữ Tiểu đoàn trưởng năm xưa. Bà kể chúng tôi nghe kỷ niệm năm 1969 với người đồng đội Hoàng Thị Lựu trong một lần cùng nhau đi lấy gạo ở vùng bên Đại Lộc (Quảng Nam) để mang về đơn vị. Khi cả hai đang cõng bao gạo qua con sông mùa khô, nước không quá lớn, chợt một quả đạn pháo 105mm từ trên cao bắn xuống khiến chị Lựu bị thương ở chân, máu chảy nhiều, đau không thể tiếp tục mang gạo đi được.
“Lúc ấy tôi suy nghĩ hai việc: nếu mình bỏ bao gạo xuống sông để dìu chị Lựu thì gạo sẽ ướt hết, không có gạo cho đồng đội ăn, nhất là thương binh. Nhưng cũng không thể bỏ chị ấy ở lại. Tôi nói với chị Lựu cứ đứng yên đó, ráng chịu đựng đau, tôi mang bao gạo qua sông rồi quay lại dìu chị qua” - Anh hùng Phạm Thị Thao nói.
Lúc ấy tôi suy nghĩ hai việc: nếu mình bỏ bao gạo xuống sông để dìu chị Lựu thì gạo sẽ ướt hết, không có gạo cho đồng đội ăn, nhất là thương binh. Nhưng cũng không thể bỏ chị ấy ở lại. Tôi nói với chị Lựu cứ đứng yên đó, ráng chịu đựng đau, tôi mang bao gạo qua sông rồi quay lại dìu chị qua.
--- Anh hùng Phạm Thị Thao ---
Thế là người con gái nhỏ bé ấy lại bì bõm từng bước, từng bước cõng hết bao gạo sang bên kia sông, sau đó quay trở lại xé áo bà ba cột vết thương cho đồng đội rồi hất bao gạo còn lại lên đôi vai gầy của mình, một tay giữ gạo, một tay dìu chị Lựu qua sông. Tới bờ bên kia, Phạm Thị Thao mang bao gạo của mình được một đoạn lại đặt xuống, quay trở lại cõng đồng đội bị thương đến vị trí bao gạo đầu tiên, rồi lại quay lại vác bao gạo thứ hai…, cứ thế lặp đi lặp lại trên hành trình trở về đơn vị. “Tôi cũng không hiểu hồi đó sức mạnh đâu mà phi thường thế” - Anh hùng Phạm Thị Thao cười khi nhắc lại kỷ niệm năm xưa.
Dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Phạm Thị Thao, trong 4 năm, từ 1969 đến 1972, gần 600 chiến binh tóc dài của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa các loại chi viện cho chiến trường miền nam. (Ảnh tư liệu minh họa)
Dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Phạm Thị Thao, trong 4 năm, từ 1969 đến 1972, gần 600 chiến binh tóc dài của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng hóa các loại chi viện cho chiến trường miền nam. (Ảnh tư liệu minh họa)
Dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Phạm Thị Thao, trong 4 năm, từ 1969 đến 1972, gần 600 chiến binh tóc dài của Tiểu đoàn vận tải nữ 232 đã vận chuyển trên 5.000 tấn hàng hóa các loại chi viện cho chiến trường miền nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đến ngày 5/10/1973, “Tiểu đoàn bà Thao” chính thức giải thể sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình; gần 600 chị em được cấp trên điều động về các tỉnh, thành tham gia vào công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận cho đến ngày giải phóng.
“Còn sức khỏe, còn hoạt động nghĩa tình đồng đội”


Hòa bình lập lại, như bao người lính khác, bà Phạm Thị Thao trở về quê hương và tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ở địa phương. Người thủ lĩnh của đội quân tóc dài năm nào giờ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công tác xã hội và đồng đội của mình.
Xác định còn sức khỏe thì còn hoạt động nghĩa tình đồng đội, năm 2004 (2 năm sau khi về hưu), bà xung phong làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng và duy trì công việc này từ đó đến giờ, bất chấp căn bệnh viêm dây thanh quản mãn tính do ảnh hưởng từ mang vác nặng trong thời kỳ kháng chiến.
“Cũng có lúc gần như tắt tiếng” - Anh hùng Phạm Thị Thao nói - “Nhưng lòng quyết tâm, còn sức còn chiến đấu, tôi muốn giúp cho những đồng đội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý vì những thành tích xuất sắc trong công tác "đền ơn đáp nghĩa" và "nghĩa tình đồng đội".
Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý vì những thành tích xuất sắc trong công tác "đền ơn đáp nghĩa" và "nghĩa tình đồng đội".
Hơn 20 năm qua, trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Đà Nẵng, bà đã vận động kinh phí xây dựng được 30 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ sửa chữa 35 nhà và vận động hàng nghìn suất quà, quần áo, vật dụng sinh hoạt gia đình, giúp đỡ những đồng đội cũ nghèo khó và các cựu thanh niên xung phong toàn thành phố.
Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “chung tay vì người nghèo” cũng được Hội thường xuyên tổ chức với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, với tấm lòng luôn nghĩ về đồng đội, từ năm 2010 đến 2015, bà Phạm Thị Thao đã cùng chị em trong tiểu đoàn năm xưa nhiều lần tìm về các chiến trường để tìm kiếm hài cốt đồng đội và đã tìm được 27 bộ hài cốt đưa về an táng tại các nghĩa trang trên địa bàn thành phố.
Giờ đây, sức khỏe không còn cho phép bản thân trực tiếp đi tìm hài cốt đồng đội nữa, nhưng người nữ Tiểu đoàn trưởng năm nào vẫn luôn theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời báo cho đội tìm kiếm của Bộ Quốc phòng khi phát hiện thông tin về đồng đội đã hy sinh.
Với Anh hùng Phạm Thị Thao, nhiệt huyết cống hiến và nghĩa tình đồng đội vẫn luôn luôn thường trực, như bà vẫn thường tâm niệm: “còn sức thì còn làm”…
Với Anh hùng Phạm Thị Thao, nhiệt huyết cống hiến và nghĩa tình đồng đội vẫn luôn luôn thường trực, như bà vẫn thường tâm niệm: “còn sức thì còn làm”…
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - THẢO LÊ
Nội dung: VĂN TOẢN - SƠN BÁCH
Trình bày: HOÀI THU
Ảnh: TÙNG LÂM, QĐND, tư liệu