
PHI ĐỘI QUYẾT THẮNG
Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975 là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” chỉ sau 6 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay khẩn trương, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tập kích đã phá hủy 24 máy bay, làm cho tinh thần của Mỹ-ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn. Các phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.
Sau trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất, tạo tiếng vang lớn để 2 ngày sau quân và dân ta giành chiến thắng tại chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tá – phi công Từ Đễ mừng tủi gặp lại cha mình là Giáo sư Từ Giấy ở sân bay Biên Hòa. Giáo sư Từ Giấy vỗ vai con mình thay cho một lời khen ngợi vì chiến công xuất thần của con trai và đã trở về an toàn, cùng chứng kiến phút giây đất nước được hòa bình, thống nhất.
60 năm trong ngành không quân, Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ (nguyên Phó Cục Trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng) tự hào vì đã dành trọn cả đời mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cùng đồng đội cứu được tính mạng hàng trăm người dân trong trận ném bom lịch sử. Nhưng có món nợ mà đến tuổi nghỉ hưu, ông cùng đồng đội mới trả được cho người phi công từng chiến đấu vào sinh ra tử với mình.
MŨI TIẾN CÔNG THỨ 6 VÀO SÀI GÒN THẮNG LỢI GIÒN GIÃ
“Từ năm 16 tuổi, nghe được đi bay là tôi thích lắm. Năm nay, tôi đã có tròn 60 năm làm lính không quân”, Đại tá Từ Đễ - một trong 6 phi công Phi đội Quyết thắng (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng) hào hứng mở đầu câu chuyện về con đường trở thành phi công với những trận đánh lừng lẫy.
Suốt những năm tháng chiến đấu để bảo vệ bầu trời Tổ quốc, người mà ông Từ Đễ thần tượng chính là người chỉ huy trực tiếp – Thiếu tướng Trần Mạnh (Thiếu tướng Không quân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không Không quân).
Đầu năm 1975, ông Trần Mạnh vào Đà Nẵng xem máy bay A37, lựa chọn phi công bay và nghiên cứu kế hoạch ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đây không chỉ là trung tâm quân sự quan trọng mà còn là căn cứ hậu cần lớn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vì vậy nó trở thành mục tiêu trọng điểm trong các chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Giai đoạn gấp rút này, cách mạng cần một lực lượng phi công tinh nhuệ để điều khiển A37, đồng thời thạo đường tấn công vào Tân Sơn Nhất. Ông Từ Đễ khi đó đang công tác ở Đại đội 4, Trung đoàn 923, được điều cùng một số phi công về từ sân bay Đà Nẵng, nhanh chóng bắt tay tìm hiểu kỹ thuật của máy bay hiện đại A37. Việc làm quen với máy bay mới trong thời gian gấp rút đặt nhiều áp lực lên các chiến sĩ trẻ. Chưa kể, những chiếc A37 mà lực lượng Việt Nam thu được gặp một số vấn đề về kỹ thuật, gây khó khăn cho công tác huấn luyện và chiến đấu, cần phải có sự hỗ trợ của những phi công, kỹ thuật phi công Sài Gòn mà ta thu phục được.
Là người hóm hỉnh, vui tính, ông Từ Đễ cùng đồng đội dành nhiều thời gian trò chuyện, làm tâm lý với các phi công của không quân Việt Nam cộng hòa để họ toàn tâm, toàn ý tham gia cuộc không chiến vào Sài Gòn. Ngoài nói chuyện về trình độ phi công cách mạng, về chuyện không chiến, ông Từ Đễ còn kể chuyện tiếu lâm, thi vật tay… để tạo không khí cởi mở với họ.
Đại tá Từ Đễ sinh năm 1949, dân "quân khu" Lý Nam Đế, là Trung đoàn trưởng thứ 9 Trung đoàn Không quân 923 anh hùng. Ông là phi công giáo viên cấp 1.
Ông là một trong 6 phi công Phi đội Quyết thắng lái máy bay A37 oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, góp phần quan trọng trong thắng lợi của cuộc tổng tiến công Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Máy bay ít, thời gian tập luyện gấp rút, để bảo đảm kịp thời cho trận đánh lịch sử, những phi công tinh nhuệ nhất được lựa chọn. Phi công Hán Văn Quảng chuyên môn ném bom ở biển, phi công Nguyễn Văn Lục chuyên môn không chiến, còn ông Từ Đễ đầy kinh nghiệm bay đêm được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để chinh phục máy bay chiến đấu hiện đại này, các phi công trẻ phải trải qua nhiều thách thức chưa từng có. Họ phải học cấp tốc để lái chiếc A37 với hệ thống điều khiển phức tạp toàn bằng tiếng Anh. Ông Từ Đễ bảo, trung bình để học chuyển loại máy bay, phi công cần khoảng 6 tháng, nhưng trong cuộc chiến thần tốc này, họ cũng phải "thần tốc" học chuyển loại từ máy bay Liên Xô sản xuất sang máy bay Mỹ trong vòng 6 ngày.
Ngày 24/4/1974, chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tại mặt trận quyết định giao phi công Từ Đễ bay thử máy bay A37. Với kinh nghiệm từng bay và hạ cánh bằng bụng với máy bay MiG-17 trong tình huống càng máy bay hư hỏng khi còn là học viên bay tại Liên Xô... nên phi công Từ Đễ tự tin nhận nhiệm vụ. Sau khi bay thử 15 phút, ông Từ Đễ hạ cánh, mở nắp khoang lái, giơ ngón tay cái báo thành công với anh em, rồi báo cáo ông Trần Mạnh: “Báo cáo thủ trưởng, bay ngon ạ!”.
Hồi tôi tròn 18 tuổi đang là binh nhất - học viên bay MiG-17 tại sân bay quân sự Kusov (vùng Rostov trên sông Đông) thì gặp một sự cố. Ngày 2/8/1967 khi được thả bay đơn bài không vực giản đơn về hạ cánh thì càng không thể thả được, Trung đoàn trưởng - Đại tá phi công anh hùng Liên Xô Serov quyết cho hạ cánh bằng bụng. Khi đến độ cao 3m, tôi từ từ kéo cần cho máy bay chuyển sang chế độ ngóc mũi, thu ga. Và huỵch! Chạm đất! Máy bay được đưa vào xưởng hồi phục chút xíu và sau đó một tuần lại bay tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Tôi được Tư lệnh Không quân Liên Xô thưởng cho một chiếc đồng hồ Poljot. Không hiểu sao mình lại có thể tỉnh khô hạ cánh bụng ngon lành khi còn quá "non và xanh", và lúc đó tôi chợt nhớ, chắc mẹ đã đỡ cho tôi.
Trung đoàn vẫn cần một phi công thạo đường vào Sài Gòn, nên ngày 25/4, phi công Nguyễn Thành Trung được đưa ra Đà Nẵng. Vốn trước nay chỉ quen lái máy bay chiến đấu F-5E, nên ông Trung được huấn luyện 3 chuyến bay thử A37.
Sau đó 2 ngày, Từ Đễ cùng đồng đội bay từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát (Bình Định) để tìm kiếm thêm máy bay A37, rồi bay thẳng vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận), khẩn trương làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu đánh mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Chỉ huy chiến dịch yêu cầu phi công nêu cao tinh thần “Thần tốc-Táo bạo-Quyết thắng”. Thực hiện nhiệm vụ này, ta lập Phi đội Quyết thắng, sử dụng 5 máy bay A37, gồm: 1 máy bay chọn tại sân bay Đà Nẵng và 4 máy bay tốt nhất được chọn tại sân bay Phù Cát. Đây được coi là mũi tiến công thứ 6 tấn công vào Sài Gòn.
Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Trong khuôn viên ngôi nhà thoáng đãng ở đường Cửu Long, Phường 2, quận Tân Bình, ông Từ Đễ treo rất nhiều bức ảnh lịch sử trong đời làm phi công của mình. Chỉ lên tường, nơi trang trọng treo bức ảnh Phi đội Quyết thắng, ông lần lượt kể tên đội hình chiến đấu: "Nguyễn Thành Trung bay số 1; tôi bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng và phi công ngụy Trần Văn On bay số 4; Hán Văn Quảng bay số 5".
Trước khi lên đường, Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân dặn dò Phi đội Quyết thắng 3 nội dung: “Các đồng chí chỉ được đánh vào mục tiêu là bãi đỗ máy bay quân sự, không ném bom vào đường băng sân bay Tân Sơn Nhất để cho địch rút quân, di tản. Hai là, không được đánh vào nhà ga vì đó là khối dân sự. Thứ ba, không được để rơi bom vào trại Davis cách đó 300m, nơi có lực lượng ta đang ở đây”.
Nghe dặn dò kỹ lưỡng, trong lòng ai nấy cũng có chút lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Từ Đễ tâm sự, cái lo đầu tiên là máy bay “5 cha, 3 mẹ” (tức là máy bay có nhiều bộ phận được ghép từ các máy bay khác nhau), có thể hỏng khi vừa cất cánh. Hai là, lo quân ta bắn quân mình. Mặc dù lính phòng không được quân khu điện không bắn vào chiều 28/4/1975 nhưng để bảo đảm bí mật nên chỉ gọi điện được cho một số đơn vị. Bên cạnh đó, tháng 4 là mùa mưa ở Sài Gòn, thời tiết xấu, rất khó để nhắm trúng mục tiêu.
"Chúng tôi đều coi đây là cuộc đối đầu khốc liệt giữa sinh tử bởi vì lực lượng không quân Sài Gòn rất hùng hậu. Chúng tôi có nguy cơ bị bắn hạ bất kỳ lúc nào. Không có thông tin chính xác về mục tiêu, không có hỗ trợ radar dẫn đường, chúng tôi phải chiến đấu thần tốc, hoàn toàn bằng trực giác và kinh nghiệm", ông Từ Đễ nói.
Chúng tôi đều coi đây là cuộc đối đầu khốc liệt giữa sinh tử bởi vì lực lượng không quân Sài Gòn rất hùng hậu. Chúng tôi có nguy cơ bị bắn hạ bất kỳ lúc nào. Không có thông tin chính xác về mục tiêu, không có hỗ trợ radar dẫn đường, chúng tôi phải chiến đấu thần tốc, hoàn toàn bằng trực giác và kinh nghiệm.
3 giờ 30 phút chiều 28/4/1975, cả phi đội ăn bát chè xanh của anh nuôi, rồi khí thế cầm mũ tiến về phía máy bay đã được chuẩn bị sẵn sàng. Họ cùng chụp chung bức ảnh kỷ niệm, cười rạng rỡ, thể hiện chí khí anh hùng, không màng tính mạng.
Khoảng 16 giờ ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng xuất kích, bay vút qua bầu trời Bình Thuận. Những phút bay đầu tiên tưởng chừng không thuận lợi vì khi đó lực lượng của ta tại Bình Thuận tưởng máy bay địch nên đã tập trung bắn pháo cao xạ, nhưng may mắn không có máy bay nào trúng đạn.
Phi đội Quyết Thắng. Ảnh tư liệu
Phi đội Quyết Thắng. Ảnh tư liệu
Phi công Nguyễn Thành Trung bay trước, thông thạo địa hình ra tín hiệu chỉ điểm mục tiêu để cả đội ném bom. Lần lượt từng chiếc A37 bổ nhào xuống, cắt bom trúng mục tiêu. Tiếng nổ liên tiếp gây rung chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn chìm trong khói đen mù mịt.
Cuộc dội bom chớp nhoáng vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 máy bay của địch và các kho xăng, kho vũ khí. Đặc biệt, cả 5 máy bay A37 đều trở về căn cứ ở Phan Rang an toàn. Sự kiên cường, quyết tâm, mưu trí, niềm tin vào chiến thắng là nguồn sức mạnh để 6 phi công thực hiện thành công nhiệm vụ thần tốc. Trận tập kích của Phi đội Quyết thắng được ví như “Mũi tiến công thứ 6” đã khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của Bộ đội Không quân, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, tiến tới giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại trận chiến, ông Từ Đễ tâm sự, khi chuẩn bị oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất, Phi đội Quyết thắng đã bị lộ đội hình trước đó vài phút, nhưng nhờ đó mà bao nhiêu người vô tội thoát nạn. “Chúng tôi đã vô tình cứu mạng các gia đình sĩ quan chuẩn bị đi đi tản. Tôi là người cắt bom thứ 2 sau Trung, bom rơi vào khu vực 4 chiếc C47 nhưng không thấy xe và người. Trong đời tôi luôn nhớ chuyện này”, ông Từ Đễ xúc động hồi tưởng.
Cuộc dội bom chớp nhoáng vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 máy bay của địch và các kho xăng, kho vũ khí. Đặc biệt, cả 5 máy bay A37 đều trở về căn cứ ở Phan Rang an toàn.

TRẢ MÓN NỢ VỚI ĐỒNG ĐỘI
“Áy náy nhất trong đời lính không quân của tôi là mang một món nợ với ông Trần Văn On”, ông Từ Đễ chùng giọng nói. Trong Phi đội Quyết thắng tham gia trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phi công Trần Văn On là người bay cùng phi công Hoàng Mai Vượng ở vị trí số 4.
Sau trận ném bom gây chấn động đất nước Mỹ, thúc đẩy nhanh quá trình giải phóng miền nam, cả Phi đội Quyết thắng được phong tặng Huân Chương chiến công Giải phóng hạng Nhất. Khi đó, ông Trần Văn On là lính ngụy mới được thu phục không lâu. Vì thế, Thủ trưởng đơn vị quyết định chưa trao ngay cho ông Trần Văn On mà vẫn giữ Huân chương ở Quân chủng Phòng không-Không quân. Sau đó, ông cùng đồng đội tham gia nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên quên bẵng đi việc này.
Trước khi chuẩn bị nghỉ hưu, ngồi nghĩ lại những việc gì mình chưa làm xong thì ông Từ Đễ chợt nhớ ra việc quên Huân chương trao cho ông Trần Văn On. Ông Từ Đễ báo cáo thủ trưởng, tìm lại tấm Huân chương và Bằng khen đã úa màu, đề xuất phải làm lễ trao trang trọng ở chính quê hương của ông On ở Tiền Giang để giải oan cho ông. “Chúng tôi mời Chính quyền Đảng ủy xã Gò Công, Tiền Giang tới. Tại buổi hôm đó, tôi có lời nhận khuyết điểm với anh On vì trao Huân chương muộn”, ông Từ Đễ nói.
Đáp từ, ông On xúc động: “Cảm ơn anh, tôi đã được trả danh dự rồi, cho phép tôi tháo Huân chương cất mang về”. Ông Từ Đễ không đồng ý: “Anh phải đeo Huân chương lên ngực, cầm bằng, chúng tôi sẽ đi cùng anh từ xã về nhà để dân chúng biết phi công Trần Văn On là người có công với cách mạng”. Khi trao trả được tấm huân chương để giải oan cho ông On, ông Từ Đễ như trút được gánh nặng.
Ông Trần Văn On.
Ông Trần Văn On.
Ông Trần Văn On sau khi giải ngũ năm 1977, về quê sống rất nghèo, khổ và chịu sự ghẻ lạnh của bà con lối xóm. Sau 33 năm sống chịu đủ sự tủi hờn, ông mới được minh oan.
Ông Trần Văn On sau có kể lại cuộc minh oan lịch sử trong đời mình thế này: "Anh Từ Đễ (phi công cùng Phi đội Quyết thắng) đã tìm mọi cách lấy lại tấm huân chương cao quý này. Anh tìm ở kho lưu trữ của Quân chủng Phòng không Không quân, xin phép ông Bảy Dũng trả lại cho tôi. Tháng 8/2008, anh Từ Đễ cùng cơ quan Sư đoàn về tận trụ sở Ủy ban xã làm lễ trao tấm huân chương cao quý cho tôi rồi còn bắt tôi đeo huân chương và ôm bằng quyết định đi suốt con đường từ xã về đến tận nhà để cho mọi người chứng kiến tấm huân chương hai màu xanh đỏ. Cơ quan đề xuất mời truyền hình đến để ghi hình tuyên truyền cho sự hòa hợp thì anh Từ Đễ lại cản: "Bạn bè anh ấy lại xì xào trên mạng không hay. Chờ đó!".
Sau đó mấy năm anh Từ Đễ công bố trên mạng xã hội: "Trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ làm một người lính bị thương". Lúc đó anh Từ Đễ mới cho phóng viên gặp tôi và đăng câu chuyện ly kỳ về tấm huân chương thất lạc và nhận đó do lỗi của mình".
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)
CUỘC HỘI NGỘ VỚI NGƯỜI CHA ANH HÙNG
Chuyện 2 cha con cùng gặp nhau tại sân bay ngay sau ngày giải phóng miền nam của phi công Từ Đễ và cha mình là Giáo sư Từ Giấy rất đặc biệt.
Trước giải phóng miền nam, giữa tháng 4, khi ông Từ Đễ đang trực ở Đồng Hới (Quảng Bình) bảo vệ đoàn quân tiến vào Sài Gòn, cha ông là Giáo sư Từ Giấy khi đó là Phó cục trưởng Cục Quân nhu tranh thủ tạt qua, ăn với con trai bữa cơm rồi nhanh chóng vào nam. Trong cuộc gặp gỡ vội vã đó, ông Từ Đễ cũng không biết cha mình sẽ thực hiện nhiệm vụ gì ở phía nam.
Sau khi ném bom Tân Sơn Nhất thành công, khoảng 19 giờ ngày 28/4/1975, tại Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ở mặt trận, cha ông được thông tin con trai ông là phi công Từ Đễ vừa cùng đồng đội Phi đội Quyết thắng dùng máy bay A37 của địch ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Vài ngày sau, ông cũng mới biết tin cha ông cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng phải đợi đến khi chiến dịch toàn thắng, ông mới gặp được cha tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Ngày 4/5/1975, hai cha con hội ngộ, vỡ òa cảm xúc niềm vui chiến thắng, niềm tự hào, hạnh phúc trào dâng.
Giáo sư Từ Giấy được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Huân chương Độc lập hạng Nhì...
Ông Từ Đễ rất tự hào về người cha của mình, một chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng. Cha ông cũng là người đầu tiên làm chủ bút tờ báo “Vui sống”, nổi tiếng nhất trong thời kỳ kháng chiến. Trong suốt những năm tháng nghiên cứu, Giáo sư Từ Giấy cũng cho ra đời nhiều sản phẩm để đời, từ những phong lương khô N70, N71 đến các mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng) đã “cứu đói, làm giàu” cho bao gia đình người Việt. Giáo sư Từ Giấy là người đầu tiên nhận giải thưởng "nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á" và được Ủy ban Dinh dưỡng Liên hợp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”.
Dưới bóng của người cha quá xuất sắc, là trưởng nam trong gia đình, ông thấy mình cần phải làm được những gì đó xứng đáng trong cuộc đời làm lính không quân của mình. Bởi vậy, suốt những năm tháng học tập, cống hiến hết mình cho Phòng không-không quân Việt Nam, ông tự hào mình đã được đóng góp công sức lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trận oanh kích Sân bay Tân Sơn Nhất là một thành tích đặc biệt như vậy. Ông Từ Đễ bảo, chuyện cha con cùng nam tiến, cùng chiến đấu thì không thiếu, nhưng hai cha con cùng chiến đấu suốt nhiều năm trời và cùng gặp nhau ở chiến dịch cuối cùng là một dấu ấn đặc biệt.
Trong cuộc trò chuyện miên man về gia đình, về nghiệp bay lượn bảo vệ bầu trời Tổ quốc, ông Từ Đễ bảo, có những lúc mình cũng thấy mình hơi lãng tử.
Tôi hỏi chuyện bên lề: “Ông từng "tự hào" là người khách du lịch đầu tiên của Sài Gòn giải phóng khi đã liều mình tự bay một vòng trên bầu trời sau khi ném bom Tân Sơn Nhất? Đấy có phải là nét lãng tử nhất của ông lúc đó”, ông Từ Đễ nheo mắt cười: “Hoàn thành nhiệm vụ, tôi phấn khởi lắm, vòng một vòng xem toàn bộ Sài Gòn. Trời hôm đó lúc mưa, lúc tạnh, nhìn ở dưới thì địch bắn pháo đỏ rực trời, nhưng không bắn máy bay được. Tôi bay ở độ cao vừa đủ để nhìn Sài Gòn rất tráng lệ. Khi tôi chui lên mây thì thấy một chiếc máy bay Mỹ đang chở người di tản. Lúc đó, tôi bắn được ngay chứ, bắn là máy bay bị hạ. Nhưng tôi nghĩ, mình là người chiến thắng rồi, thắng thì ai cũng là bạn. Vì thế, tôi bay ép sát, giơ tay chào tên phi công, lắc cánh ba cái rồi úp lưng bay về sân bay hạ cánh. Khi hạ cánh, đưa máy bay vào đường lăn thì nhiên liệu cũng vừa hết”. Vì phi vụ này, sau ông phải làm tường trình.
Sau 30/4/1975, Sư đoàn của ông tham gia giải phóng đảo Thổ Chu, Bắc Phú Quốc, chính thức giải phóng hoàn toàn đất nước. Giai đoạn này cũng ghi nhiều dấu ấn trong đời làm phi công của ông Từ Đễ. "Khi đánh nhau ở Tây Nam, chúng tôi cũng tránh được chuyện đánh nhầm, cứu được 300 dân nghèo. Đây thực sự là câu chuyện nhân văn tiếp nối với việc bảo vệ tính mạng người dân của Không quân nhân dân Việt Nam khi đánh ở sân bay Tân Sơn Nhất", ông Từ Đễ khẳng khái nói.
Sau đó, ông được phân công nhiệm vụ trực chiến ở Phan Rang, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa. Ông dành trọn cả những năm tháng công tác ở mảnh đất này.
Bốn mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Từ Đễ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nghỉ hưu, ông về TP Hồ Chí Minh sinh sống, vui vầy với con trai và con gái trong căn nhà rộng rãi ở quận Tân Bình. Những ngày này, ông Từ Đễ bận rộn cùng một số đơn vị xây dựng phim về phi công Hồ Duy Hùng – người tình báo nổi tiếng với vụ đánh cắp máy bay của Mỹ ở Đà Lạt. Ông thấy mình vẫn còn rất nhiều việc phải làm, để những đồng đội còn sống đến hôm nay, được biết tới, vinh danh là những người anh hùng, đã không tiếc tính mạng của mình hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc trò chuyện quá trưa, khi mặt trời lên đỉnh. Nhắc lại đôi lần chuyện cứu những người dân thoát khỏi bom đạn chiến tranh, ông khí thế nói: “Cả trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi làm bị thương một người lính gác. Không quân nhân dân Việt Nam của ta rất nhân văn. Tới đây, khi nhà ga mới của Sân bay Tân Sơn Nhất khai trương, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến cần phải làm khu tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh năm 1968 như những gì mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã ghi lại về những vị anh hùng này trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.
Ngày xuất bản: 15/4/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: BẢO MINH
Ảnh: TTXVN, BÁO NHÂN DÂN
