
Trước đây nói đến làm nông nghiệp người ta thường nghĩ tới sự nhọc nhằn và vất vả. Ông cha ta xưa thường có câu: “Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Ngày nay, nông nghiệp đã có một vị thế hoàn toàn khác với sự đóng góp của rất nhiều nhân tố giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.
Với sự phát triển xanh và bền vững, sự thay đổi về tư duy làm nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững đã giúp PAN- tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu nông sản. Những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch tập đoàn Vinaseed sẽ cho thấy hành trình đưa thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra với thế giới luôn gắn liền với sự phát triển xanh và bền vững-một triết lý kinh doanh mà doanh nghiệp này bền bỉ theo đuổi.
Thu Hà: Xin chào bà Nguyễn Thị Trà My, Thành công của mỗi doanh nghiệp luôn phải được tính bằng những con số. Trong vòng khoảng 15 năm, từ một doanh nghiệp với số vốn khoảng 200 tỷ đồng, đến nay số vốn hóa là hơn 5,000 tỷ đồng. Đây là một con số biết nói, theo bà nó nói lên điều gì?
Đối với nhiều người có thể con số này rất đẹp nhưng đối với chúng tôi đây là một con số khá khiêm tốn. Thứ nhất, chúng tôi có mục tiêu rất rõ ràng, một chiến lược cụ thể và kiên định đi theo mục tiêu đó. Kể từ khi thành lập, chúng tôi đã nghĩ rằng: Với một đất nước nông nghiệp không thể nào chỉ xuất khẩu những sản phẩm mang tính số lượng còn giá trị thì chưa được coi trọng. Cho nên, mơ ước của chúng tôi là làm ra những sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất, định vị những sản phẩm chất lượng nhất.
Chúng tôi không định cạnh tranh về số lượng mà sẽ cạnh tranh về chất lượng. Bởi đây không phải là một nền nông nghiệp “cơ bắp” không thể xuất khẩu thô mà phải có giá trị gia tăng cao, những sản phẩm “Made in Việt Nam” đặt trên giá tất cả các siêu thị của những quốc gia phát triển như Nhật, Châu Âu và Mỹ. Đó là mục tiêu của chúng tôi trong suốt 15 năm qua, chưa bao giờ thay đổi.
Mục tiêu đó có thể được coi là một tham vọng hay không bởi vì Việt Nam vốn có sản lượng xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên phần lớn vẫn là xuất khẩu thô, xuất khẩu sản phẩm chế biến tinh vẫn còn là một con số khiêm tốn?
Tôi nghĩ điều này không hề tham vọng mà chúng tôi phải làm được và chúng tôi đã làm được. Với vị thế là một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu, chúng tôi đang xuất khẩu tới hơn 50% doanh số sang các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Mỹ. Chúng tôi hiểu rằng Nhật Bản là một thị trường khó tính, có những tiêu chuẩn rất khắt khe. Vì vậy, chinh phục được thị trường Nhật có nghĩa là chúng tôi có thể xuất khẩu tới tất cả các nước trên thế giới.
Để làm được việc đó, việc đầu tiên chúng tôi tập trung các công ty về một mái nhà là những công ty thuộc nhóm đầu ngành, có những người lãnh đạo có tầm có tâm để cùng nhau xây dựng một giấc mơ chung. Các công ty này trước đây đa phần đều tăng trưởng khá khiêm tốn nhưng từ khi tham gia vào “đại gia đình” PAN thì đều như “hổ mọc thêm cánh”, tất cả đều có mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.
Đơn cử như Vinaseed, hơn 10 năm trước, doanh số chỉ hơn 500 tỷ đồng, còn bây giờ doanh số đã là 2,500 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng tôi riêng trong năm 2025 là 2.750 tỷ đồng. Ngoài ra các mảng về thủy sản hay thực phẩm đóng gói đều có mức tăng trưởng rất lớn.
Vinaseed khi được tiếp quản đã là một doanh nghiệp lâu đời, lâu năm và chắc hẳn hoạt động của họ khá truyền thống. Vậy làm sao chúng ta có thể quản trị và phát triển mà vẫn hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để có được những thành công như hôm nay?
Có câu “hornor the past, respect present, prepare for future” (tạm dịch: tri ân quá khứ, trân trọng hiện tại, kiến tạo tương lai). Tôi rất thích sự kỷ cương của Vinaseed nhưng cũng cho rằng nếu chúng ta quá khắt khe thì sẽ mất đi tính sáng tạo và tư duy đổi mới. Điều đầu tiên tôi làm khi thực hiện tái cấu trúc tại Vinaseed là đi từ con người, sau đó là hệ thống, và cuối cùng là thổi dần những luồng văn hóa mới vào.
Trân trọng quá khứ nhưng chúng tôi cũng cần đổi mới tư duy, tôn trọng thế hệ trẻ, đưa cho họ những cơ hội phát triển. Tinh thần đổi mới sáng tạo phải được đặt lên hàng đầu để những người có năng lực sẽ có cơ hội được cống hiến trong môi trường đó. Nghiên cứu Phát triển (R&D) phải là xương sống của cả tập đoàn, không có nó chúng ta sẽ không thể có một nền nông nghiệp vững mạnh. Đó là lý do vì sao PAN phải quy tụ những nhà khoa học tốt nhất Việt Nam, để cùng chúng tôi thực hiện mục tiêu nâng tầm nông nghiệp.
Ngay sau khi tổ chức thành công Hội nghị khoa học quốc tế, thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành chọn tạo giống ở cả trong và ngoài nước hồi tháng 5 vừa rồi, chiều cùng ngày, chúng tôi đã ra mắt một hội đồng khoa học cấp cao của Vinaseed với hy vọng sẽ tiếp tục mang lại những giá trị, tạo ra thành tựu là các giống cây trồng chịu được sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu. Đồng thời, cũng phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất cho 5 năm, 10 năm tới, không thể chậm trễ.
Mơ ước của chúng tôi là làm cho người nông dân Việt Nam trở nên thật giàu có

Nói đến ngành nông nghiệp người ta thường nói đến sương gió, nắng mưa vất vả. Là một CEO của ngành nông nghiệp, bà Trà My mang đến hình ảnh sang trọng, thanh lịch và trí thức. Vậy chúng ta có cần thay đổi cách nhìn hay là cách nghĩ về việc làm nông nghiệp hay không?
Thực ra không phải bây giờ tôi mới làm nông nghiệp mà đã có một chặng đường tròn 30 năm, bắt đầu từ tháng 1 năm 1995. Có cơ duyên và may mắn khi làm trong một tập đoàn đa quốc gia của châu Âu từ năm 25 tuổi, tôi đã thấy tư duy làm nông nghiệp của họ khác nhiều so với làm nông nghiệp ở Việt Nam. Họ coi trọng phát triển bền vững, phát triển xanh từ rất lâu rồi. Chính môi trường làm việc bài bản, tư duy của người lãnh đạo, cùng sự tử tế trong kinh doanh của họ đã ảnh hưởng đáng kể đến tư duy và hành động của tôi sau này.
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt thì không có đường nào khác đó là tiếp tục đầu tư bài bản và phát triển công nghệ, đầu tư cho sáng kiến khoa học kĩ thuật đổi mới sáng tạo.
Tinh thần đó phải được thổi hồn vào trong từng cá nhân để mọi người luôn cảm thấy không thỏa mãn với những gì mình đang có luôn luôn khát khao với những cái mới. Và tôi nghĩ rằng khi mỗi cá nhân được thổi hồn vào tinh thần sáng tạo từ chính những người lãnh đạo, những thuyền trưởng, những người tiên phong chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Đi một vòng thế giới, học hỏi và tích lũy, sau đó trở về Việt Nam làm nông nghiệp. Quan điểm của bà về nông nghiệp có gì khác biệt so với cách làm truyền thống?
Với tôi nông nghiệp không phải là “chân lấm tay bùn” mà là một nền nông nghiệp hiện đại, một nền nông nghiệp luôn coi trọng R&D, coi trọng những giá trị bền vững. Tư duy của tôi nhiều năm trước là nông nghiệp phải “xịn sò”, phải ở “level” (tầm) cao.
Những sản phẩm mà chúng tôi làm ra phải được ở trên TOP, phải được chấp nhận ở những đất nước khó tính nhất. Người Việt Nam chúng ta có hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn, ước mơ Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc nông nghiệp thì phải đi từ những bước đầu tiên là chúng ta dám nghĩ lớn.
PAN đã chinh phục được rất nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ hay EU. Thành công của mỗi doanh nghiệp chắc chắn sẽ có yếu tố quan trọng trong việc tìm kiếm đối tác. Quan điểm của cá nhân bà cũng như của PAN thế nào về vấn đề này để hướng tới sự phát triển bền vững?
Chúng tôi luôn muốn đi vừa nhanh vừa xa nên phải tìm kiếm những đối tác tốt. Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: “Chọn đối tác đúng còn quan trọng hơn tốc độ tăng trưởng”. Khi nhiều doanh nghiệp chú trọng tới sự tăng trưởng thì PAN coi việc chọn đối tác là quan trọng hàng đầu.
Các đối tác của PAN hiện nay đều là những nhà đầu tư hàng đầu, có uy tín, có cùng định hướng phát triển với Tập đoàn, cùng chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi bắt tay với những đối tác lớn nhất như Syngenta (hợp tác với VFC), C.P. Vietnam (hợp tác với FMC), IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới).
Điều đó minh chứng cho định hướng của chúng tôi rất rõ ràng, 15 năm nay PAN luôn kiên định với mục tiêu đặt ra từ ngày đầu. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những yếu tố để PAN thành công như ngày hôm nay
Là lãnh đạo của tập đoàn, bà có cảm thấy nóng ruột không khi mà nhiều tập đoàn kinh tế kinh doanh ở những lĩnh vực khác, họ tăng trưởng rất nhanh, rất nóng và thậm chí có những thành tựu nổi bật. Với nông nghiệp thì chúng tôi không nhìn thấy sự tăng trưởng nóng? tại sao PAN vẫn kiên trì theo đuổi triết lý kinh doanh phát triển bền vững?
Đã có nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp nói vui với tôi rằng: Phải phong cho PAN là anh hùng vì quá dũng cảm đầu tư vào một lĩnh vực nhiều rủi ro như nông nghiệp. Nếu đầu tư vào lĩnh vực khác có thể X3, X4, X5 tăng trưởng, thậm chí nhiều hơn.
Nhưng chúng tôi chọn nông nghiệp bởi tình yêu, niềm đam mê và lòng trắc ẩn. Chúng tôi luôn mong muốn làm sao thay đổi cuộc sống của người nông dân, làm sao để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn. Điều đó là động lực khiến chúng tôi bền bỉ kiên định theo đuổi để mang lại giá trị tốt đẹp và bền vững cho cộng đồng.



Niềm tin là thứ đắt giá nhất và mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là chiếm trọn niềm tin của khách hàng

Trong nhiều hội thảo khoa học mà PAN tổ chức, chúng tôi nhận thấy vai trò rất đặc biệt của người nông dân và những cái bắt tay giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Bà hướng tới điều gì khi tổ chức những sự kiện kết nối như vậy?
Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu”
Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu”
Chúng tôi đã rất mất công để mời những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới, nhưng thành quả mà PAN có được lớn hơn rất nhiều. Đó là sự kết nối, hợp tác ngay tại hội thảo. Nếu vừa muốn đi nhanh, vừa muốn đi xa thì không thể đi một mình được, bắt buộc phải hợp tác, từ những nhà khoa học đến những người có nhiều kinh nghiệm trên đồng ruộng.
Đơn cử, tại một trung tâm nghiên cứu của Vinaseed chúng tôi có kỹ thuật viên mới học hết lớp chín nhưng có thể làm tốt các công việc từ chọn giống, gieo trồng, lai tạo hay ghi nhận đặc tính, hỗ trợ đáng kể các chuyên gia trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống.
Từ đó để thấy, những kinh nghiệm và sức sáng tạo của những người ngày đêm bám trụ trên đồng ruộng là những điều rất quý giá, họ là minh chứng rằng: bằng cấp không nói lên tất cả. Tôi gọi họ là những “Nhà khoa học không bằng cấp” và họ luôn cần được trân trọng, đó là cách dùng người của chúng tôi.
Chúng tôi thấy xuất hiện trên trên nhiều diễn đàn của quốc tế về ngành nông nghiệp là hình ảnh của một CEO Nguyễn Thị Trà My mang trong mình vẻ đẹp tri thức, đầy tự tin. Hôm nay khi gặp bà chúng tôi rất ấn tượng với màu sắc xanh trên bộ trang phục, màu xanh có phải là màu ưa thích của bà hay không hay là sự tình cờ?
Tập đoàn đầu tiên tôi làm việc là một tập đoàn về nông nghiệp thì logo biểu tượng của họ cũng mang một màu xanh. Khi tôi làm việc ở PAN thì câu chuyện về khoa khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển xanh và bền vững luôn được đặt lên hàng đầu. Triết lý kinh doanh của chúng tôi là hướng tới màu xanh.
Màu xanh cũng là màu tôi yêu thích từ khi còn bé. Tôi thích màu xanh lá cây bởi đó là biểu tượng cho sự phát triển bền vững. Tôi hay nói rằng là “go green” - Hãy làm cho mọi thứ xanh hơn, đẹp hơn trong mắt tất cả mọi người và trong cuộc sống của bạn.



Chúng tôi không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu uy tín và thương hiệu quốc gia

Nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của tập đoàn PAN
Nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của tập đoàn PAN
Đã có sáu nhóm sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia nhưng chúng tôi nghĩ rằng PAN sẽ không dừng lại ở thành tựu đó đúng không ạ? Và những mục tiêu tiếp theo của PAN là gì thưa bà?
Không chỉ là câu chuyện sản phẩm - bán hàng - thu tiền mà phải xuất khẩu thương hiệu, xuất khẩu uy tín, sản phẩm của ngành nông nghiệp ra thế giới và khẳng định mình đóng vai trò rất quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Tôi đã gặp nhiều tỷ phú trong các hội nghị tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Khi nói với họ về nông nghiệp Việt Nam, tôi không hề cảm thấy mình thua kém bất kỳ ai mà ngược lại rất tự tin, có thể tự hào nói rằng Chúng tôi sinh ra để nuôi dưỡng thế giới.
Ngày xuất bản: 6/2025
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH - KHÁNH SƠN
Nội dung: THU HÀ
Trình bày: NHƯ TRANG
Kỹ thuật dựng video: XUÂN THẮNG
Quay phim: TIẾN ANH- HẢI LINH
Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trao biên bản ghi nhớ tại COP28 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam trao biên bản ghi nhớ tại COP28 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.