Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn là một trong những tỉnh thuộc An toàn khu, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bắc Kạn là địa bàn diễn ra trận đánh công kiên đầu tiên của quân đội ta. Bắc Kạn cũng góp nhiều sức người và của cải cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Bài: TUẤN SƠN

Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ thì tại Bắc Kạn, quân đội ta đã đánh trận công kiên đầu tiên vào Đồn Phủ Thông.

Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; cách thị xã Bắc Kạn 18km về phía bắc-đông bắc, nằm cạnh Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Toàn bộ khu vực này là núi đất với độ cao trung bình hơn 350m. Đồn được xây dựng trên một mỏm nhỏ nhô ra của núi Nà Cọt, độ cao gần 200m, cách ngã ba Phủ Thông 300m.

Ngày 7/10/1947, binh đoàn đổ bộ đường không của quân viễn chinh Pháp với gần 1.200 tên đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, ngày 15/10 chúng tiến quân lên chiếm đóng Đồn Phủ Thông. Lực lượng địch đóng ở Đồn Phủ Thông có 1 Đại đội bộ binh, 1 Trung đội trợ chiến với quân số khoảng 150 tên, được trang bị nhiều loại vũ khí.

Đồn Phủ Thông ngày nay. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Đồn Phủ Thông ngày nay. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Đồn dài 100m, rộng 50m; tường đắp bằng đất dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, bốn phía có nhiều lỗ châu mai, bốn góc đồn có bốn lô cốt mẹ, có đài quan sát. Nhà chỉ huy ở chính giữa đồn, địch đào hầm từ nhà chỉ huy, nhà lính thông đến các lô cốt. Ngoài bờ tường có ba lớp hàng rào tre nứa. Từ vị trí này, Đồn Phủ Thông như một mũi dùi cắm vào lòng Việt Bắc. 

Ngày 8/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Trong những năm 1947-1948, khi địch mới chiếm đóng Đồn Phủ Thông, liên tiếp gặp phải các trận công đồn của quân ta, khiến cho chúng tinh thần hoang mang.

Trong đó, trận tập kích lần thứ nhất đêm 30/11/1947 đã tiêu diệt và hạ thương 50 tên địch, thu 2 súng máy, 1 súng trường. Đây là lần đầu tiên quân địch bị tiêu diệt ngay tại sào huyệt có công sự kiên cố. Ta thực hiện một phần nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, làm tiền đề cho trận đánh tiếp theo.

Đây là lần đầu tiên quân địch bị tiêu diệt ngay tại sào huyệt có công sự kiên cố.

Đêm 12/3/1948, quân ta mở trận tập kích thứ hai vào Đồn Phủ Thông. Trận này, quân ta phá sập phần lớn công sự và doanh trại trong cứ điểm, làm thương vong gần 70 tên địch. Sau trận này, quân ta liên tiếp nắm thế chủ động trên mặt trận đường số 3.

Ngày 25/7/1948, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở trận công đồn lần thứ 3 vào Đồn Phủ Thông. Lực lượng tham gia đánh Đồn Phủ Thông lần này gồm Tiểu đoàn bộ binh 11 thuộc Trung đoàn 308, được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và Đại đội Ba Bể, có hỏa lực pháo của Tiểu đoàn 410 tăng cường đánh Đồn Phủ Thông để thực hiện mục đích chiến dịch và thực hiện chiến thuật diệt cứ điểm bằng phương pháp cường tập có hỏa lực.

Khoảng 18 giờ ngày 25/7/1948, pháo binh của Tiểu đoàn 410 nổ súng, phá sập một phần khu thông tin, phá hủy đường rào giao thông hào bao quanh điểm. Tiểu đoàn 11 chia làm hai mũi tiến công vào Đồn. Quân ta cắt hàng rào dây thép gai, phá hàng rào tre nứa, bắc thang phên trèo qua tường tiến công vào Đồn. Địch hoảng sợ, rút xuống hầm ngầm, quân ta làm chủ chiến trường, thu vũ khí, chiến lợi phẩm. Sau ít phút đầu hoang mang, địch phục hồi lại thế phòng ngự, chống trả quyết liệt, tập trung hoả lực súng máy, súng cối ngăn chặn các đơn vị vào sau, quân ta có một số chiến sỹ hy sinh, bị thương. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ đêm. Ta rút khỏi Đồn, tuy không chiếm được cứ điểm nhưng đã tiêu diệt, làm bị thương 3/4 quân số trong đồn, phá hủy nặng nề hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn; thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, một số đạn, lựu đạn.

(Nguồn: Cổng thông tin huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)

(Nguồn: Cổng thông tin huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)

Trận cường tập Phủ Thông là một trận đánh công kiên bằng hỏa lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên. Tuy không giành thắng lợi hoàn toàn, song trận đánh Đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 có ý nghĩa to lớn. Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên của bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm cho bộ đội ta tiến công lên con đường đánh công kiên, đặc biệt là chiến dịch Giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bắc Kạn cũng đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bắc Kạn cũng đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Đầu năm 1954, thực hiện Chỉ thị ngày 22/8/1953 của Liên Khu ủy Việt Bắc về việc “Tích cực bảo vệ đường giao thông quốc phòng”, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã kịp thời chỉ đạo, động viên quân và dân các địa phương ra sức bảo đảm giao thông, bảo đảm hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch vận chuyển chi viện cho tiền tuyến. Năm 1953, toàn tỉnh đã huy động được 621.952 ngày công cho công trường Việt Bắc, hàng vạn ngày công sửa chữa cầu, đường trên đường số 3. 

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến dịch Điện Biên Phủ, những tháng đầu năm 1954, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Bắc Kạn đã góp sức cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. 

Cụm tượng tại Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. (Nơi Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong bốn câu thơ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên). (Ảnh: Tuấn Sơn)

Cụm tượng tại Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. (Nơi Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong bốn câu thơ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên). (Ảnh: Tuấn Sơn)

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Bắc Kạn đã huy động 4.789kg thực phẩm, trị giá 6.495.000 đồng, hoàn thành chỉ tiêu trên giao. Tháng 1/1954, Liên khu 1 giao cho tỉnh Bắc Kạn huy động 1.000 người tham gia, tỉnh đã huy động được 992 người, đạt 99% kế hoạch. 

Nguồn tư liệu: 
- Bắc Kạn: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) do Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn thực hiện; Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in, phát hành năm 2001; 
- Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Bắc Kạn (1947-2017) do Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn thực hiện; Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in, phát hành năm 2017.