Bắc Kinh-thành phố chủ nhà 2 kỳ Thế vận hội

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là thành phố duy nhất trên thế giới đến nay đã đăng cai cả Thế vận hội (Olympic) mùa hè và mùa đông. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh đã đem đến cho Bắc Kinh những đổi thay to lớn trên nhiều lĩnh vực. Mười bốn năm sau Thế vận hội mùa hè 2008 thành công rực rỡ, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông 2022 trong điều kiện rất đặc biệt.
Thế vận hội Bắc Kinh 2008: Một thế giới, một ước mơ

Những ngày hè tháng 7/2008, bầu trời Bắc Kinh trong veo, xanh ngát, nắng vàng ruộm như rót mật. Bài hát “Bắc Kinh chào đón bạn” vang lên trên các ngõ phố. Hình ảnh linh vật Fuwa (chú bé may mắn) được treo trên mọi ngả đường. Người dân thủ đô Trung Quốc hồ hởi tham gia các lớp học tiếng Anh cho các tình nguyện viên, hướng dẫn viên, để chuẩn bị cho sự kiện lịch sử của thành phố và Trung Quốc: Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 với chủ đề “Một thế giới, một ước mơ” (One World, One Dream).
Ngày 8/8/2008, Thế vận hội mùa hè lần thứ 29 chính thức khai mạc tại thành phố Bắc Kinh. Sau nhiều nỗ lực, với khẩu hiệu “Bắc Kinh mới, Olympic mới”; “Olympic xanh, nhân văn và công nghệ”, 3 cam kết về chất lượng không khí, quy hoạch thành phố, truyền thông thân thiện, Trung Quốc đã tranh quyền đăng cai thành công 1 kỳ Thế vận hội, điều này đã trở thành lực đẩy để Bắc Kinh tiến hành mạnh mẽ, toàn diện chính sách môi trường, quy hoạch thành phố hiện đại theo hướng công nghệ cao.

Sắc màu của Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.
Sắc màu của Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.
Có thể khẳng định, đăng cai Thế vận hội đã đem lại cho Trung Quốc lợi ích tích cực và to lớn trên nhiều lĩnh vực. Thời điểm năm 2008, nền kinh tế tỷ dân đang đối diện với thách thức không nhỏ đến từ khủng hoảng tài chính khu vực. Số liệu cho thấy, đăng cai Thế vận hội đã giúp thúc đẩy GDP 7 năm tiếp theo của Trung Quốc tăng từ 0,3-0,4% mỗi năm. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc nâng cấp hạ tầng giao thông và viễn thông.
Với 22 sân vận động tiêu chuẩn quốc tế, Bắc Kinh kỳ vọng trở thành điểm thu hút du lịch, phát triển bất động sản và công nghệ thông tin. Tổ hợp sân vận động “Tổ chim” và nhà thi đấu “Thủy lập phương” đã trở thành biểu tượng Olympic quốc tế. Hai buổi trình diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc và bế mạc, với sự kết hợp của công nghệ và ánh sáng dưới bàn tay nghệ thuật tài ba của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đã trở thành ký ức không phai của 1 thế hệ khán giả.

Màn trình diễn pháo hoa tại quần thể sân vận động Tổ chim-Thủy lập phương.
Màn trình diễn pháo hoa tại quần thể sân vận động Tổ chim-Thủy lập phương.
Quá trình vận động đăng cai Thế vận hội khởi đầu từ năm 1993 đã giúp Trung Quốc hòa nhập sâu hơn với thế giới, thúc đẩy cải cách trong nước cũng như quá trình giao lưu hợp tác quốc tế. Giới chức Trung Quốc cũng tin rằng, tinh thần thể thao Olympic sẽ lan tỏa tới từng người dân Trung Quốc, qua đó mở rộng phong trào sức khỏe toàn dân.

Mùa hè năm 2008 đã để lại ấn tượng sâu đậm cho những khán giả có mặt tại khán đài của 22 sân vận động với 28 bộ môn và 302 hạng mục thi đấu, với sự tham gia của 11.438 vận động viên đến từ 204 quốc gia và khu vực.
Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 chứng kiến sự bứt phá của vận động viên nước chủ nhà trên bảng tổng sắp huy chương. Kết quả, Trung Quốc giành vị trí thứ nhất toàn đoàn với 51 Huy chương Vàng, đoàn Mỹ và Nga lần lượt đứng thứ hai và thứ ba với tổng cộng 36 và 23 Huy chương Vàng.
Với các vận động viên quốc tế, hàng loạt kỷ lục bị phá vỡ tại những bộ môn thi đấu Olympic, những Usain Bolt trên đường đua tốc độ, Michael Phelps trong làn đua xanh, Lionel Messi trên sân cỏ…, để rồi sau đó họ đã trở thành những biểu tượng thể thao trong suốt thập kỉ vừa qua. Theo thống kê, Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 đã chứng kiến tổng cộng 43 kỷ lục bị phá vỡ, 132 kỷ lục thế giới mới được xác lập.
Đoàn thể thao Việt Nam có 21 vận động viên tham dự Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 , giành 1 Huy chương Bạc, nhờ công của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn thi đấu ở hạng cân 56 kg nam.








Roger Federer ăn mừng chức vô địch Olympic.
Roger Federer ăn mừng chức vô địch Olympic.

Michael Phelps phá kỷ lục thế giới tại đường đua 200m bơi bướm.
Michael Phelps phá kỷ lục thế giới tại đường đua 200m bơi bướm.

Những bà mẹ-vận động viên bóng đá nữ Mỹ bảo vệ thành công chức vô địch.
Những bà mẹ-vận động viên bóng đá nữ Mỹ bảo vệ thành công chức vô địch.

Trong ngày thi đấu thứ hai Olympic Bắc Kinh 2008, với thành tích 9,69 giây, Usain Bolt đã phá kỷ lục thế giới của chính mình tại đường chạy 100m.
Trong ngày thi đấu thứ hai Olympic Bắc Kinh 2008, với thành tích 9,69 giây, Usain Bolt đã phá kỷ lục thế giới của chính mình tại đường chạy 100m.

Vận động viên cử tạ nam Trung Quốc Zhang Xiangxiang hôn tạ sau khi đoạt chức vô địch cử đẩy hạng cân 62kg.
Vận động viên cử tạ nam Trung Quốc Zhang Xiangxiang hôn tạ sau khi đoạt chức vô địch cử đẩy hạng cân 62kg.

Các vận động viên người Nga với tấm Huy chương vàng môn Bơi nghệ thuật.
Các vận động viên người Nga với tấm Huy chương vàng môn Bơi nghệ thuật.

Vận động viên người Đức Jan Frodeno.
Vận động viên người Đức Jan Frodeno.
Những đổi thay to lớn
Hai lần đăng cai Thế vận hội, với khoảng cách thời gian gần 14 năm, diện mạo thành phố Bắc Kinh đã đổi thay mạnh mẽ, với sự phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng nền kinh tế, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Nếu như thời điểm năm 2008, khi đăng cai Thế vận hội mùa hè, quy mô kinh tế của thành phố thể hiện qua Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ nhân dân tệ, thì đến năm 2021, trước thềm Thế vận hội mùa đông, Bắc Kinh công bố GRDP của thành phố lần đầu tiên vượt mức 4.000 tỷ nhân dân tệ, đạt 4.026,96 tỷ nhân dân tệ (khoảng 637,18 tỷ USD), tăng trưởng tới 8,5% so năm 2020, tăng gấp 4 lần sau 13 năm. GRDP bình quân đầu người năm 2008 khoảng 24.400 nhân dân tệ, đến năm 2021 đạt 40.269,6 nhân dân tệ (khoảng 6.372 USD), tăng 8% so năm 2020, tăng 1,65 lần sau 13 năm.
Từ năm 2008 đến nay, điểm nổi bật nhất trong sự phát triển của Bắc Kinh là sự hình thành “vành đai kinh tế thủ đô” với sự liên kết phát triển giữa 3 địa phương là Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, trong đó sự ra đời của Khu đô thị mới Hùng An năm 2017 đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho cả khu vực lấy thủ đô Bắc Kinh làm trung tâm.

Đáng chú ý, sau nhiều năm triển khai “chiến dịch bảo vệ bầu trời xanh”, Bắc Kinh từng được biết đến với tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng, nay đã gặt hái thành công trong các nỗ lực làm sạch bầu không khí, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố.
So với năm 2008, hạ tầng giao thông thành phố đã phát triển lên tầm cao mới, với hàng loạt công trình giao thông lớn được đưa vào sử dụng, mang lại tiện ích cho người dân và du khách đến Bắc Kinh.

Diện mạo Bắc Kinh đã thay đổi rất nhiều.
Diện mạo Bắc Kinh đã thay đổi rất nhiều.
Năm 2019, sân bay Đại Hưng với quy mô nhà ga đơn lớn nhất thế giới và thiết kế độc đáo hình sao biển, tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD được đưa vào sử dụng. Riêng năm 2021, có tới 9 tuyến tàu điện ngầm được khai trương, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến đường sắt cao tốc kết nối Bắc Kinh với Trương Gia Khẩu, thành phố đồng tổ chức Thế vận hội đã đi vào vận hành, với những thiết kế đặc biệt, phục vụ vận động viên, nhân viên tham gia tổ chức, phục vụ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Đăng cai Thế vận hội không chỉ khiến hạ tầng giao thông, các công trình thể dục và thể thao... được xây dựng và hoàn thiện, mà còn thúc đẩy người dân thành phố hình thành lối sống lành mạnh gắn với các hoạt động thể dục, thể thao.
Sau Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008, ngày 8/8 hằng năm được Trung Quốc quy định là Ngày toàn dân rèn luyện sức khỏe, góp phần tăng cường ý thức tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đến Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, các bộ môn thể thao băng tuyết, như khúc côn cầu trên băng, trượt băng nghệ thuật, trượt tuyết… ngày càng phổ biến trong giới trẻ, số lượng vận động viên nhỏ tuổi đăng ký ngày càng gia tăng.
Theo điều tra của Tổng cục Du lịch và Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, kể từ năm 2015, khi Bắc Kinh được chính thức công bố là thành phố chủ nhà của Thế vận hội mùa đông 2022 đến nay, số người dân đã tham gia các bộ môn thể thao băng tuyết là 346 triệu người, đạt tỷ lệ 24,56%, hoàn thành vượt mức mục tiêu thúc đẩy 300 triệu người tham gia các môn thể thao băng tuyết mà nước này đề ra.
Sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông 2022
Sau 7 năm triển khai công tác chuẩn bị, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đến nay, thành phố Bắc Kinh đã sẵn sàng cho 1 kỳ Thế vận hội trong điều kiện hết sức đặc biệt.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tổ chức thành công sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, thành phố Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn nhiều địa phương khác của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, bảo đảm an toàn cho vận động viên và quan chức, nhân viên các nước tới tham gia Thế vận hội.

Đài hoa Olympic 2022 tại Thiên An Môn.
Đài hoa Olympic 2022 tại Thiên An Môn.
Đặc biệt là ngay trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022, kể từ ngày 15/1, thành phố Bắc Kinh đã bùng phát 1 đợt dịch lây nhiễm mới, với sự xuất hiện của cả biến thể Omicron và biến thể Delta. Tính đến hết ngày 26/1, tức trước ngày khai mạc Thế vận hội (4/2) 1 tuần, đợt dịch Covid-19 đã ghi nhận 75 ca nhiễm trong nước. Nhận định tình hình dịch còn sẽ diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm trong cộng đồng và kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao, nhằm nhanh chóng khống chế những rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19.
Về các biện pháp phòng dịch tại khu vực tổ chức Thế vận hội, Bắc Kinh yêu cầu toàn bộ nhân viên phía Trung Quốc làm việc khép kín 14 ngày trước khi bắt đầu công việc liên quan đến Thế vận hội, hoàn thành mũi tiêm tăng cường đủ 14 ngày.

Bên ngoài Làng Olympic Bắc Kinh 2022.
Bên ngoài Làng Olympic Bắc Kinh 2022.
Đối với vận động viên, thành viên đoàn tham dự Thế vận hội của các nước cũng phải quản lý khép kín, hằng ngày kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm Covid-19, chỉ sử dụng xe chuyên dụng di chuyển giữa nơi ở và địa điểm thi đấu, bảo đảm không tiếp xúc với khán giả. Sau khi tham gia hoạt động tại Thế vận hội, vận động viên và nhân viên phục vụ đều phải cách ly đủ 21 ngày... Để bảo đảm an toàn phòng dịch, Ban tổ chức quyết định không bán vé xem các môn thi đấu cho các đối tượng đang không sinh sống tại Trung Quốc.
Theo Ban tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022, trong 13 địa điểm thi đấu tại thành phố Bắc Kinh, có tới 11 địa điểm là di sản của Thế vận hội mùa hè 2008, quan điểm xuyên suốt trong tổ chức kỳ Thế vận hội lần này là “xanh, chia sẻ, cởi mở và tiết kiệm”, với chủ đề “cùng nhau hướng tới tương lai” (Together for a Shared Future).
Từ cuối tháng 12/2021, Ban tổ chức tuyên bố công tác chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đã hoàn tất, các địa điểm thi đấu đã khánh thành và thông qua kiểm định của các tổ chức thể thao quốc tế, đủ điều kiện tổ chức thi đấu. Các điều kiện về ăn, ở, đi lại, y tế của vận động viên và nhân viên các đoàn thể thao các nước được bảo đảm, với nguyên tắc “1 tiêu chuẩn chung cho cả 3 khu vực tổ chức thi đấu”.
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 là kỳ Thế vận hội mùa đông lần thứ 24, cũng là Thế vận hội mùa đông thứ tư được tổ chức ở châu Á. Trong đó, Olympic sẽ khai mạc ngày 4/2 và bế mạc ngày 20/2, Paralympic sẽ khai mạc ngày 4/3 và bế mạc ngày 13/3.
Kỳ Thế vận hội này được chia làm 7 nội dung thi đấu chính, 15 bộ môn thể thao với 109 nội dung thi đấu. Địa điểm thi đấu được bố trí ở thành phố Bắc Kinh, Diên Khánh và Trương Gia Khẩu. Linh vật của Olympic là hình ảnh chú gấu trúc “Băng Đôn Đôn” có tên gọi tiếng Anh là Bing Dwen Dwen, còn linh vật của Paralympic là hình tượng đèn lồng “Tuyết Dung Dung” có tên gọi tiếng Anh là Shuey Rhon Rhon. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn của lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Dự kiến, sẽ có hàng nghìn vận động viên, quan chức và nhân viên đoàn thể thao các nước đến Bắc Kinh tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh và tranh tài ở các nội dung thi đấu. Đây là cơ hội để Bắc Kinh quảng bá hình ảnh thành phố hiện đại, thân thiện, hội nhập, đồng thời tạo động lực để thành phố 23 triệu dân này phát triển bền vững trong tương lai./.







Linh vật Olympic 2022 Shuey Rhon Rhon và Bing Dwen Dwen (bên phải).
Linh vật Olympic 2022 Shuey Rhon Rhon và Bing Dwen Dwen (bên phải).

Thử nghiệm lần cuối trước khi đưa vào thi đấu chính thức địa điểm trượt tuyết.
Thử nghiệm lần cuối trước khi đưa vào thi đấu chính thức địa điểm trượt tuyết.

Tập luyện văn nghệ cho lễ khai mạc.
Tập luyện văn nghệ cho lễ khai mạc.

Xe buýt 2 tầng được trang trí logo và linh vật Olympic 2022.
Xe buýt 2 tầng được trang trí logo và linh vật Olympic 2022.

Tình nguyện viên của trường Đại học Giao thông Bắc Kinh.
Tình nguyện viên của trường Đại học Giao thông Bắc Kinh.

Mô phỏng phần trao huy chương tại Thế vận hội mùa đông 2022.
Mô phỏng phần trao huy chương tại Thế vận hội mùa đông 2022.
Ngày xuất bản: 3/2/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỮU HƯNG và VI SA - Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Bắc Kinh
Trình bày và đồ họa: TRUNG HƯNG
Ảnh: PHƯƠNG THẢO, Tân Hoa Xã, website Olympic 2008 và 2022