Người Mông ở Nghệ An cư trú ở ba huyện rẻo cao dọc biên giới Việt-Lào, gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, các bản làng người Mông lại rộn lên âm thanh đập bánh quen thuộc. Nếu như người Kinh có bánh chưng, bánh dày để ăn và thờ cúng ngày Tết, thì chiếc bánh dẻo làm bằng nếp thơm từ nương rẫy của người Mông cũng có nhiều nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực.
Xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) là địa bàn cư trú của cộng đồng người Mông. Nơi đây cách mặt nước biển chừng 1.400m, nổi lên với những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu cổ kính. Những ngày này, trong các nhà, người người tấp nập ra vào làm món ăn quen thuộc của dân tộc mình trong ngày giá lạnh. Ấy là chiếc bánh dẻo mà họ gọi là “lu dúa”.
Chúng tôi vào nhà già bản Vừ Già Dênh khi gia đình ông đang chuẩn bị làm bánh. Cụ Già Dênh năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Thấy con cháu tất bật bên rổ bánh, cụ cũng góp tay vào bên bếp lửa động viên. Những đứa trẻ ra vào xúm quanh chiếc cối giã bánh mong được người lớn chia cho mẩu bánh còn sót lại. Thấy cảnh như vậy làm chúng tôi nhớ lại những ngày Tết ở miền xuôi khi cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đoàn tụ. Rồi những chiếc bánh trắng muốt thơm ngào ngạt mùi nếp mới cũng thành hình trong lá chuối xanh.
Cụ Vừ Già Dênh kể với chúng tôi rằng, những ngày ấy theo tổ tiên cụ truyền lại thì người Mông bị người Hán truy sát chạy về biên giới Việt Nam. Trên đường đi vô cùng cực khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chỉ biết cố chạy cho nhanh hòng thoát khỏi sự giết chóc của quân Hán. Để không mất thời gian dừng lại giữa đường, người Mông đã nghĩ ra cách làm một loại bánh có thể mang theo ăn lâu dài mà không sợ bị hư hỏng.
“Lu dúa” ra đời từ đó. Khi chạy giặc, loại bánh này có thể được người Mông gói kín và chôn xuống đất cả tháng trời để ăn. Người chạy trước chôn bánh xuống để lại dấu hiệu cho người chạy sau biết đào lên mà ăn. Do đó có thể thấy rằng, ngày nay dù đã đầy đủ nhiều loại thức ăn nhưng trong cộng đồng dân tộc này vẫn luôn bảo ban nhau giữ lại loại bánh này để nhớ lại truyền thống dân tộc mình.
Đối với gia đình cụ Vừ Già Dênh thì “lu dúa” còn có một ý nghĩa lớn lao hơn. Cụ hiện đang là trưởng dòng họ Vừ ở Tây Sơn nên những ngày Tết cụ phải làm bánh để đặt lên bàn thờ tổ tiên cúng tế. Trong mấy ngày tết, gia đình cụ Dênh cúng vào ngày 30/12 và 3/1. Món bánh là món không thể thiếu trong 2 ngày ấy. Cụ bảo: “Họ Vừ ta lấy bánh ấy cúng để vừa tôn trọng tổ tiên mình vừa cầu mong cho tổ tiên phù hộ con cháu dòng họ một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt. Nếu thiếu bánh thì coi như tổ tiên họ Vừ sẽ không hài lòng và quở trách người đứng đầu dòng họ”.
Bánh của người Mông có thể rán hoặc nướng đều rất thơm ngon.
Bánh của người Mông có thể rán hoặc nướng đều rất thơm ngon.
Bánh được giã nhuyễn đến khi dẻo quánh lại mới thôi.
Bánh được giã nhuyễn đến khi dẻo quánh lại mới thôi.
Ông Vừ Chông Dì - con trai lớn cụ Dênh thì bảo rằng, người Mông hay làm bánh dẻo để ăn, đây là món ăn truyền thống không thể thiếu được trong ngày đông giá lạnh. Sau những ngày mùa vất vả trên nương rẫy, lấy được hạt thóc nếp về, nhà nhà lại để dành làm bánh. Gạo nếp được ngâm qua một đêm sau đó mới vớt ra cho vào chõ xôi để nấu. Khoảng chừng một giờ đồng hồ sau nếp chín thì đổ ra cối. Đây cũng chính là công đoạn vất vả nhất trong làm “lu dúa”. Phải cần tới 2 người đàn ông khỏe mạnh, dẻo dai sức lực cầm những cây búa lớn bằng gỗ giã đi giã lại cho thật nhuyễn. Chúng tôi ngỏ ý muốn được giã thử nhưng chỉ được vài lượt búa thì tay đã rã rời. Độ dẻo của bột nếp chín dính chặt vào búa khiến chúng tôi không tài nào nhấc tay búa lên khỏi cối được. “Chỉ có đôi tay quen bám nương rẫy, quen kéo cây gỗ to thì mới giã được bánh thôi”, ông Vừ Chông Dì cười đùa nói.
Sau hơn 30 phút giã đi giã lại những hạt nếp đã quệt lại đặc quánh và dẻo quẹo. Lúc này người phụ nữ trong gia đình mới lấy lòng đỏ trứng gà đã luộc chín xoa lên tay để lấy nếp từ cối ra nặn bánh. Ông Vừ Chông Dì bảo rằng: “Phải lấy lòng đỏ trứng gà làm thì bánh mới sạch và không bị nếp dính vào tay”. Những chiếc bánh được nặn ra bỏ vào lá chuối xanh sạch sẽ và ép lại. Bánh có thể cất để ăn trong một tháng mà không lo bị hư hỏng.
Việc ăn bánh cũng đơn giản và tiện lợi vô cùng. Theo cụ Vừ Già Dênh, món ăn truyền thống của người Mông là nướng bánh trên bếp than hồng. Chỉ có món bánh nướng mới phát huy được hết vị ngon của nó. Rồi cụ lấy mấy cái vừa mới làm xong bỏ vào một bên bếp than đang đỏ lửa. Lần lá chuối vừa cháy sém, mùi bánh đã tỏa ra thơm phức khiến người ngồi xem cảm thấy thèm thuồng. Cụ Già Dênh mở chiếc bánh ra, bột nếp phồng lên nhưng vẫn trắng tinh khiết. Một cảm giác béo ngậy, thơm ngào ngạt khi đưa vào miệng ngon không thể nào tả được.
Chỉ có đôi tay quen bám nương rẫy, quen kéo cây gỗ to thì mới giã được bánh thôi...
Như vậy, có thể thấy rằng, chiếc bánh Mông không chỉ được người Mông ưa chuộng vì vị thơm ngon của nó mà còn có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng. Điều này phản ánh một nét đẹp trong văn hóa dân tộc Mông ở vùng cao xứ Nghệ.
Ngày xuất bản: 2/2/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh
Nội dung: Đào Thọ - Thành Châu
Trình bày: Dương Dương