Báo chí, có một thời

Đó là một thời không xa nhưng đã vắng, ví như những ngày đất nước chưa thống nhất rồi chạy dài tới hồi bao cấp thì “báo chí” là khái niệm được trân trọng “khủng khiếp”.

Theo cách hiểu nôm na, “chí” là những tạp chí (magazines) dày dặn, đa phần chuyên ngành mà hàm lượng kiến thức ở đấy uyên bác và sang trọng không thua gì sách. Còn khái niệm “báo” thường hiểu là hai loại, nói và viết, bởi người dân vẫn chưa quen lắm với truyền hình. Ti-vi tuy hấp dẫn tối tân nhưng vẫn đang phập phù, tuần hiếm hoi phát thử chừng đôi lần với thời lượng khá khiêm tốn. Vì thế trong ba thao tác thưởng thức “Xem-Nghe-Đọc”, thì ở độ quyến rũ, chỉ truyền thanh qua đài mới có thể dám sánh ngang báo in chữ.

Có điều, để nghe được radio thì không phải nhà nào cũng có, nhất là những ngày tháng miền bắc hào hùng vừa gian lao sản xuất vừa kiên cường chiến đấu, phải là những gia đình tiêu chuẩn tầm cỡ cán bộ trung cấp trở lên.

Đồng dao vỉa hè ở hồi trong trắng đó, có câu được dân tình hay hát trêu mấy thiếu nữ đang đi chọn chồng. “Tình tang tình em đi rình trung úy/ Đài đeo bên hông đồng hồ đeo tay”. Tại sao lại là trung úy. Bởi đấy là những sĩ quan trẻ trong veo, hầu như còn chưa yêu lần nào. Họ cũng nghèo thôi, nhưng hy vọng dần theo năm tháng sẽ có tiêu chuẩn mua được radio. Nó khác hẳn bây giờ, các “thiếu gia” đi “rình” đám thiếu nữ thi trượt hoa hậu, tuổi đời và mặt mũi đều non choẹt. Vậy mà cả chính thức lẫn không chính thức, đã lọc lõi bốn, năm “lần đò”.

Đương nhiên, ngoài cái đài bán dẫn còn có cái đài “ga-len”. Đấy là một thiết bị nghe rất đơn giản, cực kỳ phổ biến ở những khu tập thể hay xóm thị nghèo ven đô, tương đối nhiều ở những vùng nông thôn. Nó là một hộp gỗ hoặc vuông hoặc tròn, có một cuộn dây đồng, có một cục nam châm gắn vào một màng kim loại mỏng để phát ra âm thanh. Dân tình bắt sóng nhờ lằng nhằng mấy sợi dây không rõ chất liệu, lắc lư trên mấy ngọn tre. Kỹ sư người Việt nào đã nghĩ ra nó, xứng đáng là người vĩ đại.

Lúc đó giặc Mỹ tàn bạo đánh phá miền bắc, ấn tượng của các cậu bé, cô bé Hà Nội đi sơ tán là những buổi tối vùng quê, người dân quây quần quanh cái đài “ga-len” nghe tin quân ta bắn rơi máy bay địch rồi miền nam đang thắng lớn. Tất nhiên là không chỉ có tin tức thời sự, từ cái hộp gỗ đơn sơ đấy còn có “dân ca nhạc cổ bắc, trung, nam”. Còn có ly kỳ “kể chuyện cảnh giác” và “khủng” nhất là “sân khấu truyền thanh”. Không thể nào quên được giờ phút giao thừa thiêng liêng lắng nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Cả làng xúc động, mắt các bà các mẹ các chị ngân ngấn lệ, và đám đàn ông lấy bút chép, có những trung niên cường ký lập tức thuộc hết cả bài thơ. Có thể nói, cái hộp gỗ truyền âm thần kỳ đấy, chính là cầu nối thân thương lòng dân với Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Liên Khương đọc tin tức thời sự trên Báo Nhân Dân bằng một chiếc loa tự chế trong khi các nữ công nhân đang làm việc tại một nhà máy may ở miền bắc năm 1968.

Chị Nguyễn Thị Liên Khương đọc tin tức thời sự trên Báo Nhân Dân bằng một chiếc loa tự chế trong khi các nữ công nhân đang làm việc tại một nhà máy may ở miền bắc năm 1968.

Báo giấy là món ăn tinh thần ám ảnh tới mức, chỉ cần nhắc lại thôi, nhiều người có tuổi đã nghèn nghẹn nước mắt. Hầu như những người nghiện báo, từ nam phụ lão ấu đến bình dân hay trí thức đều có một sạp báo quen.

Loại báo thứ hai là báo giấy. Nó là món ăn tinh thần ám ảnh tới mức, chỉ cần nhắc lại thôi, nhiều người có tuổi đã nghèn nghẹn nước mắt. Đặc biệt ở đám đàn ông trung niên thị dân. Sáng ra ngồi nhâm nhi cốc chè mạn, (cà-phê hồi ấy cũng khá hiếm), mà không có tờ báo thì bát phở chín nạm Phú Xuân (Hàng Da) hay của Thìn (Bờ Hồ) cũng thành nhạt thếch. Hầu như những người nghiện báo, từ nam phụ lão ấu đến bình dân hay trí thức đều có một sạp báo quen.

Vào cuối hồi bao cấp, cả nước hân hoan đổi mới, chính là thời báo in trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Chưa bàn tới nội dung mà chắc hẳn hay hơn bây giờ, chỉ nhìn hình thức thôi đã thấy sáng mắt sáng lòng. Đi loanh quanh vài con phố ngắn trong cả bốn quận nội thành là thấy ngay một sạp báo nào đó. Mỗi một sạp báo có một lượng khách riêng, chỉ cần ông khách tà tà lượn xe gần sát vỉa hè, thì người bán đã thoăn thoắt chọn đúng số báo ông ta cần. Hôm nay ông ta lấy thêm vài tờ lạ, chủ sạp cười hiền, thấu hiểu. Lại đi đâu xa à, chơi hay công tác. Vâng, cái chỗ sẽ đến khiếp quá, ai đời một thị trấn lớn đến như thế mà đi nát cả chân cũng không kiếm nổi một sạp báo. Đọc báo là đọc chữ, nó không giống với việc “nghe” chữ hoặc “nhìn” chữ. So với “đọc” chữ, những thao tác như nghe nhìn có vẻ tiện lợi hơn, nhưng chắc chắn nông nổi hơn. Khi đọc, người ta thường được nghĩ, một tư duy tinh tế chỉ có ở những sinh vật cao cấp. Khi được nghĩ, con người luôn có ý thức phản tỉnh để tự mình thanh tẩy. Báo chí ở thời hoàng kim luôn là một trong những điển hình của sự tư duy, mà khi người ta đã lành mạnh tư duy thì không có một thế lực hắc ám nào có thể chặn lại nó được. Trong những buổi đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, những vị lãnh tụ khả kính của Đảng ta đều hiểu sâu sắc sức mạnh của báo chí. Bác Hồ kính yêu là một nhà báo vĩ đại. Người luôn được những thế hệ viết báo đi sau kính trọng coi là vị thầy đầu tiên của báo chí cách mạng. Để đập tan một hệ thống hủ bại như thực dân-phong kiến, thì báo chí thật sự là một lợi khí. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) đã nồng nhiệt viết, “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ”.

Hiển nhiên lúc đó, người viết báo đã là hay nhưng người đọc báo cũng hay không kém. Mục “hộp thư bạn đọc” luôn đầy ắp những phản hồi, những góp ý quyết liệt chân thành từ người dân về các quyết sách mới của chính phủ. Một hệ thống chính trị vững mạnh là phải biết lắng nghe tiếng dân. Rất nhiều những vụ đại án diệt trừ bọn sâu mọt quan tham là nhờ phát hiện của báo chí.

Có điều, tới lúc internet hợm hĩnh lên ngôi “dìm” báo viết, thì chất lượng độc giả đã phần nào khác xưa. Mạng xã hội dưới những cái tên “hơi bị Tây” đã thành máu thịt của đời sống đương đại. Những thuộc tính mang vẻ ưu tú của nó hầu như đã ngông nghênh bộc lộ. Thông tin nhanh, phong phú đa dạng, độ chính xác khi phản ánh hình thức của sự việc là tương đối trung thực. Chưa kể, sự phản hồi chia sẻ tương thích cũng cực nhanh, cực nhiều chiều nhưng tất tật chỉ là một búi lẫn lộn thượng vàng hạ cám. Và đó có phải là lý do người ta nghiện Facebook nghiện TikTok. Vừa “post” một cái ảnh có mình đang ở một quán nhậu nào đấy, lập tức “comment” ào ào đổ về cho biết lý lịch chủ quán, lý lịch món ăn, thậm chí cả lý lịch của bố chủ quán. “Ơ, thế tớ phải thanh toán cho nó bao nhiêu mới không hớ”. Lại cuồn cuộn thông tin, đủ kiểu cắt nghĩa giải thích có cả xui khôn xui dại. Một trong những phẩm chất cao cả của thông tin là sự minh bạch hóa. Nhưng minh bạch không có nghĩa phơi bày những riêng tư cá nhân của mình lẫn của người khác theo cách sống sượng. Càng không có nghĩa là đem những cảm xúc nông nổi chủ quan to giọng phán xét cao cả. Một gói thuốc thực phẩm chức năng vô thưởng vô phạt thì tâng lên thành thần dược chữa bách bệnh. Thậm chí, khá nhiều kẻ tà ý dựa vào mạng xã hội để thành hung hăng, rồi hăm dọa rồi chỉ trích tới mức nhục mạ lẫn nhau. Một thứ “văn hóa” tuyệt không bao giờ có ở một thời thương nhớ của hoàng kim báo viết.

Thời gian điềm nhiên tự tin trôi, thoắt một thoáng đã tới ngày kỷ niệm báo chí cách mạng tròn 100 tuổi. Và cái gì đến sẽ tới, mà chắc chắn cái điểm đến đó sẽ là bến đỗ của nhân văn của tử tế, của sự Chân-Thiện-Mỹ. Và đây cũng chính là khát vọng từ ngay thuở ban đầu của những người làm báo.