Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế Vịnh Hạ Long: Cần những quy định đặc thù

Vịnh Hạ Long có tính chất đặc thù, không chỉ là danh lam thắng cảnh mà còn là khu vực diễn ra nhiều hoạt động kinh tế-xã hội đan xen. Do đó, trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản, cần có hướng tích hợp các quy định để quản lý các hoạt động đặc thù tại Vịnh Hạ Long trong Luật Bảo vệ di sản.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về công tác quản lý di sản, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Trải qua chặng đường 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
-----

ÔNG VŨ KIÊN CƯỜNG,
TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ VỊNH HẠ LONG.

Bảo tồn nguyên trạng và phát huy giá trị di sản

Phóng viên: Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vì những giá trị độc đáo, ngoại hạng và riêng có. Đánh giá tổng thể về hành trình 30 năm qua, xin đồng chí cho biết, Quảng Ninh đã làm những gì để bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng đáng với danh hiệu và đạt được những thành quả như hiện nay?

Ông Vũ Kiên Cường: Ba thập kỷ qua, kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính Phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp tích cực của các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, sự đồng lòng, chung tay của toàn thể cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long.

Với phương châm bám sát quan điểm, định hướng của UNESCO, Công ước Di sản thế giới và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong công tác quản lý di sản, những năm quan tỉnh Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long.

Cơ chế chính sách quản lý Vịnh Hạ Long ngày càng được tập trung rà soát bổ sung, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; các giá trị nổi bật toàn cầu và các giá trị tiêu biểu khác của Vịnh Hạ Long thường xuyên được điều tra, nghiên cứu làm rõ; các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra trên vịnh được quản lý chặt chẽ; công tác quản lý, bảo vệ môi trường được triển khai quyết liệt, đồng bộ; công tác hợp tác quốc tế được duy trì, mở rộng; cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan; hoạt động dịch vụ du lịch được quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tham quan; hoạt động tuyên truyền quảng bá, giáo dục cộng đồng được tăng cường; công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh được đẩy mạnh, đã và đang đáp ứng nhu cầu của du khách; công tác đón tiếp khách tham quan ngày càng văn minh, chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn, chu đáo; công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ và tìm kiếm cứu nạn được quan tâm chú trọng…

Với những nỗ lực đó, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào bởi trong 30 năm qua, cùng với danh hiệu Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long còn liên tiếp được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý khác như: Di tích quốc gia đặc biệt, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Di sản địa chất quốc tế vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, Khu du lịch hàng đầu Việt Nam, Điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, và mới đây nhất - năm 2023, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Một số thành tựu tiêu biểu của tỉnh trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long có thể kể đến như sau:

Một là, thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý Vịnh Hạ Long phù hợp với thực tế công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản Vịnh Hạ Long như: xây dựng Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long, Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Kế hoạch quản lý tổng hợp Di sản Vịnh Hạ Long được xây dựng theo từng giai đoạn 5 năm...

Hai là, tập trung điều tra, nghiên cứu và làm rõ các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long làm cơ sở để đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến di sản. Một số hoạt động điển hình như: tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long nhằm kiểm đếm, kiểm soát, đánh giá, phát hiện kịp thời những nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản và có các hành động quản lý, ứng phó kịp thời; thực hiên khoanh vùng toàn bộ diện tích rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn thuộc khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các lĩnh vực địa chất-địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa-lịch sử, du lịch được triển khai thực hiện. Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.

Chúng tôi vô cùng vinh dự và tự hào bởi trong 30 năm qua, cùng với danh hiệu Di sản thế giới, Vịnh Hạ Long còn liên tiếp được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý khác như: Di tích quốc gia đặc biệt, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Di sản địa chất quốc tế vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, Khu du lịch hàng đầu Việt Nam, Điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, và mới đây nhất - năm 2023, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Ba là, chú trọng quản lý môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái của Vịnh Hạ Long theo hướng kiểm soát tốt nguồn thải; rác thải trôi nổi và rác tại các điểm tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long được tăng cường thu gom; phao xốp tại các công trình nổi trên vịnh được thay thế bằng các vật liệu nổi bền vững; triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”; nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan trên vịnh, các khu dân cư ven bờ Vịnh Hạ Long từng bước được thu gom, xử lý; triển khai các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị của di sản như: xây dựng các bộ tiêu chí giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, lắp đặt bổ sung hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Jokaso tại đảo Đầu Gỗ, tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn, ra quân thu gom rác thải ven bờ và ở các chân đảo…

Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế-xã hội trên Vịnh Hạ Long, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội trên và ven bờ vịnh. Các vụ vi phạm trên Vịnh Hạ Long được tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời.

Các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, hiệu suất khai thác và giám sát thông qua các thiết bị hiện đại như GPS, camera...

Du khách chèo kayak trên Vịnh Lan Hạ.

Du khách chèo kayak trên Vịnh Lan Hạ.

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long được kiểm soát chặt chẽ, từng loại hình dịch vụ du lịch được quy định khu vực hoạt động và xây dựng phương án quản lý. Quy định không đánh bắt thủy sản trong khi vực Di sản thiên nhiên thế giới. Yêu cầu các tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long ký hợp đồng hoạt động với cơ quan quản lý di sản.

Bốn là, chú trọng đầu tư và thu hút đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại: Cùng với việc mở tuyến cao tốc dọc tỉnh dài 176km, tỉnh đã huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hệ thống cầu cảng du lịch, đặc biệt là Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long theo đúng Quy hoạch và các quy định liên quan nhằm bảo đảm an toàn, mỹ quan, mang lại sự hài lòng cho khách du lịch, trong đó tập trung nâng cấp, cải tạo hạ tầng tại các điểm tham quan chính; thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phao neo, phao báo hiệu tại luồng tuyến, điểm tham quan, lưu trú và hệ thống báo hiệu kết nối các điểm tham quan, lưu trú nghỉ đêm với luồng đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long. Qua đó, hình thành kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho du lịch Hạ Long, làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến di sản Vịnh Hạ Long, đem đến những trải nghiệm tốt nhất và kéo dài thời gian tham quan của du khách khi đến Hạ Long. Việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý từng bước được chú trọng triển khai (đầu tư hệ thống truyền dẫn tín hiệu bằng sóng viba, camera giám sát tại một số điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long…).

Một góc Hạ Long về đêm.

Một góc Hạ Long về đêm.

Năm là, đa dạng hóa, mở rộng không gian du lịch trên Vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, tăng sự trải nghiệm cho khách tham quan. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có như tham quan hang động, leo núi ngắm cảnh, tắm biển, chèo kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc, nghỉ đêm... trên Vịnh Hạ Long đã và đang phát triển thêm tuyến, điểm và sản phẩm, dịch vụ du lịch mới: 8 hành trình tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm; hoạt động thử nghiệm của du thuyền khám phá với 3 tuyến tham quan riêng; sản phẩm Phố đêm du thuyền với trải nghiệm ẩm thực kết hợp thưởng thức âm nhạc và tham quan vẻ đẹp của thành phố Hạ Long về đêm; mở rộng sản phẩm du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa làng chài, văn hóa khảo cổ, đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long.

Chú trọng mở rộng không gian du lịch nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách, giảm áp lực cho khu vực di sản, đồng thời đáp ứng mục tiêu kết nối, liên kết vùng miền trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Quy hoạch, Đề án, trong đó định hướng cụ thể phát triển du lịch tại không gian Vịnh Hạ Long với các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa cư dân vùng biển Hạ Long, du lịch gắn với thể thao…;

Bên cạnh đó, mở rộng không gian du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền để tăng tính kết nối khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô; cho phép hoạt động thí điểm các tuyến du lịch nhà hàng ven bờ, tuyến du thuyền khác nhằm giảm tải lượng khách tham quan tại một số khu vực có dấu hiệu quá tải cục bộ tại vùng lõi di sản; mở tuyến tham quan kết nối Vịnh Hạ Long với các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (tuyến 5) nhằm tăng cường thúc đẩy liên kết vùng; triển khai hoàn thiện các thủ tục liên quan để mở bổ sung một số tuyến hành trình mới kết nối từ Vịnh Hạ Long xuống Vịnh Bái Tử Long, từ Vịnh Hạ Long sang Gia Luận (Hải Phòng)…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu phát triển một số sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long: các bãi tắm quy mô lớn và nhỏ; đưa vào phục vụ du lịch các hang động mới, các khu vực có cảnh quan đẹp, an toàn; tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian ngắn tại các hang động, bãi tắm; xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc sắc mang bản sắc riêng của vịnh...

Sáu là, từng bước đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Vịnh Hạ Long: hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du của trên Vịnh Hạ Long trên các mạng xã hội được chú trọng đẩy mạnh (Youtube, Facebook, Twitter, Zalo,...); mở rộng phạm vi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vịnh Hạ Long tại các thị trường khách trọng điểm trong nước và quốc tế thông qua nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng như: Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, VITM Hà Nội, Triển lãm thế giới EXPO Dubai, Chương trình “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn”, sự kiện Sea Games 31, sự kiện Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF), sự kiến đua thuyền buồm thể thao...; tích cực hợp tác truyền thông với các đài phát thanh, báo, tạp chí để đăng tải các chuyên đề, viết bài chuyên sâu về Di sản vịnh Hạ Long; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan truyền thông, các nhà làm phim trong nước và quốc tế để quảng bá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Vịnh Hạ Long thông qua lĩnh vực điện ảnh; Tăng cường liên kết với Câu lạc bộ các di sản thế giới ở Việt Nam để kết nối thông tin, quảng bá về các giá trị, tiềm năng di sản Vịnh Hạ Long, trong đó xuất bản ấn phẩm “Di sản thế giới tại Việt Nam - giá trị nổi bật toàn cầu”, góp phần quảng bá di sản Vịnh Hạ Long, lan tỏa hình ảnh “Vịnh Hạ Long - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Bảy là, tiếp tục duy trì và mở rộng, giữ mối quan hệ mật thiết với các tổ chức quốc tế (Trung tâm Di sản thế giới, Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Mạng lưới các nhà quản lý Di sản thế giới biển, Văn phòng UNESCO Hà Nội...) và các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý di sản.

Đồng thời, phát huy tốt vai trò tại các tổ chức, câu lạc bộ, diễn đàn mà Vịnh Hạ Long tham gia và là thành viên như: Mạng lưới các nhà quản lý di sản thế giới biển, Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, Mạng lưới G20 các quốc gia có kỳ quan được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thế giới (New7Wonders).... Từ các mối quan hệ trên, nhiều hoạt động giao lưu với các nước trong và ngoài khu vực về kinh tế-văn hóa, nhiều chương trình dự án về bảo tồn di sản được các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện.

Tám là, tỉnh thực hiện quản lý chặt chẽ công tác quản lý tài chính, thu phí tham quan. Phương thức bán, kiểm soát vé tham quan Vịnh Hạ Long được thay đổi theo hướng tập trung, chuyên nghiệp nhằm quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa thất thoát. Giai đoạn từ năm 1996 đến tháng 11/2024, Vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp trên 56,7 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt trên 26 triệu lượt, khách nước ngoài đạt 30,7 triệu lượt; thu phí tham quan đạt trên 8.551,4 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn để cho thấy, ngoài việc bảo tồn nguyên trạng di sản theo quy định của UNESCO, công tác phát huy di sản để mang lại những giá trị kinh tế-xã hội của Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung rất hiệu quả.

Giai đoạn từ năm 1996 đến tháng 11/2024, Vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp trên 56,7 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt trên 26 triệu lượt, khách nước ngoài đạt 30,7 triệu lượt; thu phí tham quan đạt trên 8.551,4 tỷ đồng.

Đây là con số rất lớn để cho thấy, ngoài việc bảo tồn nguyên trạng di sản theo quy định của UNESCO, công tác phát huy di sản để mang lại những giá trị kinh tế-xã hội của Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung rất hiệu quả.

Phóng viên: Hành trình bảo tồn di sản trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức, cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước nhu cầu phát triển, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nhận diện rõ những thách thức đó là gì và đâu là những khó khăn của đơn vị nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong công tác bảo vệ, giữ gìn di sản?

Ông Vũ Kiên Cường: Trải qua chặng đường 30 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Vịnh Hạ Long đã và đang trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn:

Thứ nhất, môi trường và các giá trị di sản Vịnh Hạ Long đang chịu sức ép đa chiều ngày càng gia tăng từ các hoạt động đô thị hóa và các hoạt động kinh tế xã hội trên và ven bờ vịnh. Cụ thể, trên vịnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế-xã hội đan xen phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch; nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; giao thông cảng biển. Khu vực ven bờ vịnh tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ (kinh doanh xăng dầu, khai thác than, cảng biển…) … tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long.

Thứ hai, lượng khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long tăng dần qua từng năm, kéo theo nhu cầu gia tăng cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, cảng bến… tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, làm suy giảm nguồn tài nguyên du lịch và ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của khách du lịch.

Thứ ba, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt Vịnh Hạ Long còn thiếu, chưa bắt kịp với thực tiễn nhu cầu phát triển, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về: việc giao đất, giao rừng, giao khu vực biển tại khu vực Di sản thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt; về cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh; về việc lập Quy hoạch chung cho di sản liên tỉnh; chưa “nội luật hoá” quy trình thực hiện Đánh giá tác động di sản (HIA) đối với các đề xuất dự án liên quan đến Vịnh Hạ Long... gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tham mưu các giải pháp phát triển kinh tế di sản…

Thứ tư, công tác quản lý, bảo tồn di sản cũng đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh. Hiện tượng này đã và đang hiện hữu dẫn đến một số đảo đá, hang động có giá trị về thẩm mỹ và giá trị địa chất-địa mạo đã và đang đứng trước nguy cơ sạt lở, đổ lở như hòn Thiên Nga (đã bị đổ), hòn Bút, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái… Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm chìm ngập những tùng, áng đẹp, làm biến mất các hệ sinh thái bãi triều, rừng ngập mặn, thảm thực vật trên núi đá vôi, gián tiếp làm mất đi nơi trú ngụ của một số loài sinh vật sinh sống trực tiếp trong các hệ sinh thái.

Thứ năm, nhận thức về bảo vệ, bảo tồn các giá trị của di sản và ý thức bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long của một bộ phận cộng đồng tham gia hoạt động kinh tế-xã hội khu vực trên và ven bờ Vịnh Hạ Long chưa đầy đủ, còn tình trạng xả thải trực tiếp xuống vịnh Hạ Long chưa qua xử lý, còn tình trạng đánh bắt thủy sản không đúng quy định…

Phát triển du lịch bền vững tại Vịnh Hạ Long

Phóng viên: Với nhiệm vụ quan trọng là quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long mà trọng tâm là khu vực Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận, theo đồng chí, tới đây, Quảng Ninh có chiến lược phát huy di sản giai đoạn tới như thế nào, để vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết hài hòa việc sinh kế cho người dân tại địa phương?

Ông Vũ Kiên Cường: Trên cơ sở đánh giá đầy đủ về tiềm năng, thế mạnh của di sản Vịnh Hạ Long, đồng thời dự báo và nhận diện những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tiếp theo đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, chúng tôi đưa ra một số nội dung định hướng như sau:

Một là, chúng tôi tiếp tục tuân thủ nghiêm túc Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các khuyến nghị của UNESCO, các quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời bám sát và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý, bảo tồn và khai thác các giá trị di sản. Tiếp tục quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản trị, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lý di sản bảo đảm thẩm quyền theo quy định; hoàn thành và triển khai các quy hoạch, quy chế, kế hoạch quản lý di sản, kế hoạch phát triển bền vững du lịch Vịnh Hạ Long trên cơ sở kết quả đánh giá sức tải du lịch khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý Di sản Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.

Xây dựng chiến lược dài hạn về quảng bá, xúc tiến du lịch Vịnh Hạ Long và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tập trung đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, môi trường, văn hóa, du lịch; từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Ba là, tăng cường quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên, môi trường di sản: Thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên và các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long; triển khai các nhiệm vụ giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn di sản; quản lý hiệu quả rừng đặc dụng Vịnh Hạ Long; quản lý, giảm thiểu rác thải, nước thải; tăng cường giám sát chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp quản lý, ứng phó với những nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường Vịnh Hạ Long; sử dụng bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên; khuyến khích các tổ chức cá nhân sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động du lịch; quản lý các rủi ro về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong cộng đồng trên cơ sở đổi mới tư duy, thay đổi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, hướng đến lối sống xanh.

Bốn là, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững: Kiểm soát, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; quản lý, điều hành các hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long theo sức tải khu di sản để kiểm soát các tác động đến các giá trị của di sản và nâng cao trải nghiệm của du khách; tăng cường hợp tác công tư trong phát triển du lịch.

Tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng gắn với kinh tế đêm, du lịch thông minh, du lịch chất lượng cao như các sản phẩm du lịch sinh thái tùng, áng, du lịch văn hóa ngư dân làng chài, sản phẩm du lịch ven bờ Vịnh Hạ Long, du thuyền khám phá…; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối vùng, miền và kết nối với các di sản khác như kết nối Vịnh Hạ Long với vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà.... Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin về khu di sản và hoạt động du lịch cho du khách.

Năm là, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, góp phần phát triển bền vững về văn hóa-xã hội: Tăng cường vai trò, sự tham gia của người dân địa phương, cộng đồng và các bên liên quan trong các hoạt động bảo tồn, bảo vệ di sản thông qua mạng lưới cộng tác viên bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long, thu gom rác thải, chung tay thực hiện chương trình Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa…; hợp tác giữa nhà nước với các doanh nghiệp du lịch trong xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, cộng đồng như các dịch vụ vui chơi giải trí trên vịnh, dịch vụ du lịch gắn với âm nhạc… nhằm tạo cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch cho người dân, các doanh nghiệp địa phương.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về di sản, nhất là đối với các tổ chức UNESCO, IUCN, JICA… nhằm thu hút hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực kinh tế trong quản lý di sản nhất là trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phóng viên: Thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã làm được nhiều việc đạt kết quả tốt trong bảo tồn, phát huy, khai thác và quảng bá những giá trị của di sản. Với vai trò là cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có tham mưu tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để có những để xuất tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khác trong việc cùng chung tay để giữ gìn và phát huy Di sản Vịnh Hạ Long mãi mãi xứng danh với những giá trị ngoại hạng, độc đáo và riêng có của Việt Nam?

Ông Vũ Kiên Cường: Để tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, “nội luật hóa” quy trình đánh giá tác động di sản theo Hướng dẫn và Bộ công cụ đánh giá tác động trong phạm vi Di sản Thế giới của UNESCO vào văn bản quy phạm pháp luật về quản lý di sản tại Việt Nam, vì hiện nay trong quá trình thỏa thuận các hồ sơ dự án phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực di sản Vịnh Hạ Long, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện quy trình đánh giá tác động Di sản, tuy nhiên chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể thực hiện quy trình này.

Bên cạnh đó, di sản Vịnh Hạ Long có tính chất đặc thù, không chỉ là danh lam thắng cảnh mà còn là khu vực diễn ra nhiều hoạt động kinh tế-xã hội đan xen, do đó cần có hướng tích hợp các quy định để quản lý các hoạt động đặc thù tại di sản thiên nhiên trong Luật Bảo vệ di sản.

Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam có hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong công tác quản lý đối với di sản thế giới thuộc 2 địa phương Quảng Ninh-Hải Phòng.

Chúng tôi cũng cần hỗ trợ nguồn lực, chuyên gia, đào tạo cán bộ quản lý di sản và ủng hộ tỉnh trong việc chủ động xác định hình thức xây dựng chính sách, giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Vịnh Hạ Long bảo đảm hiệu quả và phù hợp với địa phương.

Xin cảm ơn ông Vũ Kiên Cường!

DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI

VỊNH HẠ LONG

Ngày xuất bản: 17/12/2024
Nội dung: HỒNG MINH - THẢO LAM - QUANG THỌ
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC BÍCH