Binh chủng Pháo binh, hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân và Quân đội nhân dân Việt Nam

Pháo binh là một trong những binh chủng được hình thành sớm cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, trở thành binh chủng chiến đấu, binh chủng kĩ thuật. Trong suốt gần 80 năm hình thành và phát triển, binh chủng pháo binh đã phát huy mạnh mẽ vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập tháng 9/1945, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững nền độc lập dân tộc, phong trào gia nhập Vệ Quốc đoàn trong nhân dân đã phát triển mạnh mẽ. Từ trong phong trào “toàn dân cầm vũ khí”, nhân dân và lực lượng vũ trang các địa phương đã tự trang bị nhiều loại vũ khí thô sơ, tự tạo cùng với hàng nghìn khẩu súng, pháo các loại thu được của quân Pháp và phát-xít Nhật. Trên cơ sở đó, những đơn vị Pháo binh đầu tiên của Quân đội ta được thành lập ở cả ba miền: bắc, trung và nam.

Khẩu pháo đã bắn phát đạn đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh: qdnd.vn

Khẩu pháo đã bắn phát đạn đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 29/6/1946, tại sân trại Vệ Quốc đoàn Trung ương, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập ba trung đội: Pháo Đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh[1]. Đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ thị: “Đây là những trung đội pháo binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Pháo cũ, đạn ít, khí tài, trang bị chỉ huy không có gì. Cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn về đây tất cả đều còn mới lạ. Các đồng chí hãy đoàn kết bàn bạc với nhau, cố gắng học tập để mau biết dùng pháo, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, sẵn sàng đối phó với âm mưu xâm lược của bọn thực dân, hiếu chiến Pháp...”[2]. Ngày 29/6/1946 trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, Bộ đội Pháo binh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục nhiều khó khăn, chế tạo nhiều loại vũ khí pháo binh…, kịp thời trang bị nâng cao khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến thuật trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.

Ngay sau khi thành lập, Bộ đội Pháo binh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục nhiều khó khăn, chế tạo nhiều loại vũ khí pháo binh…, kịp thời trang bị nâng cao khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến thuật trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp. Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, tự vệ nhà máy đèn Yên Phụ nổ mìn phá máy, cả thành phố Hà Nội tắt điện. Đây là hiệu lệnh chiến đấu của toàn thành. Lúc 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng đã nổ phát đạn đầu tiên vào quân Pháp trong thành Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến.

Trong chiến dịch Thu-Đông 1947 nhằm phản công cuộc hành quân Léa của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Bộ đội Pháo binh cùng lực lượng vũ trang địa phương đã lập công xuất sắc ở Sông Lô, bắn cháy và bắn chìm nhiều tàu chiến địch tại Khoan Bộ, Đoan Hùng và Khe Lau (23 và 24/10/1947). Đây là chiến thắng có ý nghĩa rất lớn đối với Bộ đội Pháo binh và cách đánh “đặt gần, bắn thẳng” trở thành một nét độc đáo trong nghệ thuật tác chiến của Pháo binh Việt Nam.

Nhân dân cùng bộ đội chung sức đưa pháo sang sông trong Chiến dịch Sông Thao (1949). Nguồn: Bộ Quốc phòng

Nhân dân cùng bộ đội chung sức đưa pháo sang sông trong Chiến dịch Sông Thao (1949). Nguồn: Bộ Quốc phòng

Để đáp ứng yêu cầu của Chiến dịch Biên Giới, tháng 9/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Trung đoàn sơn pháo 95, Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội ta. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước nhảy vọt về xây dựng lực lượng pháo binh. Sau Chiến dịch Biên Giới, Trung đoàn 95 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 675, gồm 6 liên đội pháo, mỗi liên đội có 4 khẩu sơn pháo 75mm. Ngày 27/3/1951, Đại đoàn công pháo 351 được thành lập, gồm 3 trung đoàn (151 công binh, 675 sơn pháo 75mm và 45 pháo xe kéo 105mm), đánh dấu bước trưởng thành lớn của Bộ đội Pháo binh. Đây là đại đoàn binh chủng (công binh + pháp binh) đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, lực lượng pháo binh được huy động ở mức cao nhất để chi viện hỏa lực cho các đại đoàn, đánh phá pháo binh, kiềm chế sân bay, diệt lô cốt, hỏa tiễn địch. Bộ đội Pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã giao. Chiến công của Bộ đội Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho thấy bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp; mở ra những vấn đề lớn đầu tiên để quân đội ta xây dựng và biên soạn học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam.

Chiến công của Bộ đội Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho thấy bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp; mở ra những vấn đề lớn đầu tiên để quân đội ta xây dựng và biên soạn học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam.

Pháo binh là “quả đấm thép” của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: qdnd.vn

Pháo binh là “quả đấm thép” của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: qdnd.vn

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 7/9/1954, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 33/NĐA, thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh, với nhiệm vụ: 1. Chỉ huy các đơn vị trọng pháo, đại pháo và cao xạ của Bộ, đồng thời chỉ đạo, xây dựng các đơn vị sơn pháo và cao xạ pháo của các đại đoàn bộ binh; 2. Nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và lãnh đạo việc giáo dục các đơn vị pháo binh; 3. Dự trù, phân phối và bảo quản các vũ khí, quân cụ và các phương tiện cần thiết; 4. Nghiên cứu đề đạt ý kiến về tổ chức, biên chế, trang bị và sử dụng các đơn vị pháo binh, bổ nhiệm và đào tạo cán bộ pháo binh[3]. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra các nghị định thành lập 2 trung đoàn pháo binh (63 và 67) thuộc Đại đoàn 351; thành lập 2 đại đoàn pháo binh (675 và 349).

Để tăng cường sự chỉ đạo đối với pháo binh, ngày 28/5/1956, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Chỉ thị số 880/G6, đổi tên Bộ Chỉ huy Pháo binh thành Bộ Tư lệnh Pháo binh, với nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, huấn luyện và xây dựng các đơn vị pháo binh mặt đất (gồm cả pháo bờ biển), pháo cao xạ dã chiến trực thuộc Bộ và chỉ đạo các quân khu, các sư đoàn bộ binh về huấn luyện và sử dụng pháo binh trong biên chế. Về tác chiến, Bộ Tư lệnh Pháo binh nghiên cứu kế hoạch sử dụng pháo binh trực thuộc, làm kế hoạch phân phối, điều động lực lượng, chỉ đạo các quân khu, các sư đoàn bộ binh sử dụng pháo binh (bao gồm cả pháo bờ biển). Về huấn luyện, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị pháo trực thuộc và chỉ đạo các quân khu, các sư đoàn bộ binh huấn luyện pháo binh, đặt kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiên cứu đề đạt ý kiến về xây dựng, chấn chỉnh lực lượng[4].

Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Trên chiến trường miền nam, các tiểu đoàn pháo binh được thành lập trên cơ sở xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng từ miền bắc đưa vào. Trong phong trào đồng khởi 1959-1960, quân và dân miền nam đã kết hợp vũ khí thô sơ với sự hỗ trợ của “súng ngựa trời” ở Bến Tre, “súng cối lửa” ở Mỹ Tho... tổ chức đánh địch, giành thắng lợi lớn.

Năm 1961, từ những khẩu pháo thu được của địch, lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền nam Việt Nam đã thành lập những đại đội pháo binh đầu tiên của miền đông. Từ sau chiến thắng Ấp Bắc (1/1963), Bộ đội Pháo binh trên chiến trường miền nam đã có bước phát triển mới về số lượng và cách đánh: Vừa pháo kích độc lập vừa tác chiến hiệp đồng chi viện cho bộ binh đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, góp phần cùng lực lượng vũ trang và nhân dân miền nam đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh đặc biệt” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Ngày 13/4/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Bộ đội Pháo binh đã lập công xuất sắc bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và bắn trả pháo binh địch ở Cồn Tiên-Dốc Miếu… Đồng thời, Người đã tặng Bộ đội Pháo binh 8 chữ vàng truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.

Trận địa pháo nòng dài 100mm của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo binh 167 nã đạn mãnh liệt vào căn cứ Dốc Miếu lúc 18 giờ 18 phút ngày 20/3/1967. Nguồn: Bộ Quốc phòng

Trận địa pháo nòng dài 100mm của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo binh 167 nã đạn mãnh liệt vào căn cứ Dốc Miếu lúc 18 giờ 18 phút ngày 20/3/1967. Nguồn: Bộ Quốc phòng

Trận Dốc Miếu là một trong những trận đánh điển hình, bước trưởng thành mới rất quan trọng, bảo đảm cho Binh chủng Pháo binh tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu trong cuộc đọ sức lâu dài, ngày càng ác liệt với quân Mỹ. Phát huy vai trò hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân và Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ đội Pháo binh tham gia hầu hết các chiến dịch trên chiến trường miền nam Việt Nam, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.

Bộ đội Pháo binh tham gia hầu hết các chiến dịch trên chiến trường miền nam Việt Nam, cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Pháo binh đã tham gia nhiều trận đánh hay, đạt hiệu suất chiến đấu cao với các nhiệm vụ bắn chi viện cho các cánh quân, bắn chặn đường rút quân của địch, bắn phá các trận địa pháo binh địch, chế áp các sở chỉ huy địch, bắn phá các kho tàng, sân bay, bến cảng, đập tan ý đồ co cụm, lập tuyến phòng thủ mới và kế hoạch chi viện của địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc của Tổ quốc, lực lượng pháo binh của bộ đội chủ lực và lực lượng pháo binh địa phương được huy động với số lượng lớn pháo, cối các loại tiến hành tác chiến binh chủng, chi viện hỏa lực cho bộ binh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Pháo binh Đoàn Hương Giang tiến quân qua Đèo Cả (4/1975). Nguồn: Bộ Quốc phòng

Pháo binh Đoàn Hương Giang tiến quân qua Đèo Cả (4/1975). Nguồn: Bộ Quốc phòng

Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những yêu cầu mới trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã và Quân ủy Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương chiến lược quan trọng. Có thể kể tới Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII “Về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về tổ chức Quân đội giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo”.

Theo đó, việc xây dựng Quân đội phải có cơ cấu và quân số cân đối, hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu; từng bước trang bị các loại vũ khí mới, hiện đại, bảo đảm cho Quân đội đủ sức mạnh, đánh thắng kẻ thù trong các hình thái chiến tranh.

Khẩu đội pháo 105mm chiếm lĩnh trận địa bắn. Ảnh: qdnd

Khẩu đội pháo 105mm chiếm lĩnh trận địa bắn. Ảnh: qdnd

Quán triệt và quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp và sát với tình hình mới, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh kiện toàn, xây dựng lực lượng pháo binh toàn quân “tinh, gọn, mạnh”; xây dựng thế trận pháo binh vững chắc, linh hoạt; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu; từng bước tự động hóa chuẩn bị và chỉ huy hỏa lực, chủ động, sẵn sàng chiến đấu cao...

Ghi nhận những thành tích to lớn trong chiến đấu và công tác, Đảng, Nhà nước phong tặng Binh chủng Pháo binh danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất... và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thực hành nạp đạn súng SPG-9. Ảnh: qdnd.vn

Thực hành nạp đạn súng SPG-9. Ảnh: qdnd.vn

Lịch sử vẻ vang, truyền thống tốt đẹp của Binh chủng Pháo binh từ khi thành lập đến nay chính là tiền đề quan trọng để mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh chủng tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ xây dựng Binh chủng Pháo binh nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, luôn xứng đáng với truyền thống vẻ vang “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” của Binh chủng Pháo binh Anh hùng.

Nội dung: Thiếu tá, ThS Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: Báo QĐND; TTXVN