Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm: tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; thống kê; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Trong khung khổ Hội thảo Văn hóa năm 2022 lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin nêu một số nội dung về chính sách đầu tư phát triển văn hóa gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thực trạng chính sách đầu tư
phát triển văn hóa
Văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội ta. Các hoạt động văn hóa mang tính xã hội và là phạm trù rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn học nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức lối sống. Vì vậy, trách nhiệm đầu tư phát triển văn hóa là trách nhiệm chung của Đảng, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
1. Đầu tư phát triển văn hóa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
Như trên đã nói, văn hóa là lĩnh vực rộng, bao hàm nhiều hoạt động của con người. Trong thực tế khái niệm đầu tư cho văn hóa bao gồm cả các hoạt động đầu tư bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tri thức, giá trị và phát triển các kỹ năng của con người; đầu tư cho hoạt động thể dục thể thao, hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân (đầu tư bồi dưỡng thể lực, tầm vóc, trí tuệ,..); đầu tư bảo bồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa các cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, hoạt động các bộ môn văn hóa nghệ thuật,…
Tính riêng cho lĩnh vực văn hóa, thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ trung ương đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6-1,7% so tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Đến giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể, cụ thể:
1.1. Nguồn vốn bố trí tập trung cho ngành văn hóa tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (tổng số là 4.170 tỷ đồng; trong đó đầu tư tại các cơ quan trung ương 1.985 tỷ đồng và đầu tư tại địa phương 2.185 tỷ đồng).
Tiếp theo, cụ thể hóa chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ có Tờ trình số 274/TTr-CP ngày 13/8/2022 trình Ủy ban Thường vụ quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để đầu tư một số công trình văn hóa, bao gồm: (i) bổ sung 1.428 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (ii) bổ sung 1.300 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương để đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Số vốn này sẽ được giao về các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tháng 11 năm 2022 để triển khai thực hiện từ năm 2023.
1.2. Nguồn vốn bố trí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các hoạt động phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc
- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đã dự kiến bố trí 2.233 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án số 6: bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã dự kiến bố trí nguồn vốn nhất định để thực hiện: (i) nội dung thành phần số 2 - nội dung 05: xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã thôn, các trung tâm văn hóa thể thao huyện; tu bổ tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn, và (ii) nội dung số thành phần số 6: nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Nguồn vốn thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới không phân tách cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực mà được phân bổ chung thông qua kế hoạch hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ được Thủ tướng Chính phủ ban hành, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển văn hóa, Nhà nước cũng đồng thời dành nguồn lực lớn cho phát triển con người thông qua việc đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục, đào tạo, nâng cấp hệ thống trường học, trường dạy nghề,…; đầu tư tăng cường thể chất, nâng cao sức khỏe, tầm vóc và thể trạng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Đầu tư phát triển văn hóa từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước
Đối với các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa được xem là hoạt động sản xuất kinh doanh, Luật đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020 đã quy định hoạt động “bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” là ngành, nghề ưu đãi đầu tư (Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư); được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 15). Danh mục chi tiết các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hóa được hưởng ưu đãi đầu tư (bao gồm cả đặc biệt ưu đãi đầu tư) được quy định cụ thể tại Phụ lục II Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các tổ chức, các nhân huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư phát triển các hoạt động văn hóa cũng được quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP.
Triển lãm “Sắc màu Văn hóa ASEAN”. (Ảnh: Thành Đạt)
Triển lãm “Sắc màu Văn hóa ASEAN”. (Ảnh: Thành Đạt)
Một số giải pháp và kiến nghị
Mặc dù thời gian qua đã có sự phát triển về nhiều mặt, song so với kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, thì kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ sức tạo ra động lực đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, chúng ta cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế tri thức. Đầu tư hơn nữa để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, coi đây không chỉ là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người mới xã hội chủ nghĩa, mà còn là bệ phóng để mỗi cá nhân chủ động, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng. Cần tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
Một là, kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Đầu tư toàn diện xây dựng và nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, ưu tiên các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư cho văn hóa cần phải đảm bảo sự hài hòa, cân đối và đồng bộ giữa các ngành văn hóa từ giáo dục lịch sử truyền thống đến phát triển văn học nghệ thuật, phim, ảnh, bảo tàng, hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Viêt Nam ra quốc tế thông qua các tác phẩm điện ảnh, ngày hội ẩm thực, sự kiện thể thao, trình diễn thời trang dân tộc,…
Hai là, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước (ví dụ, khoảng 1,8% đến 2%) bằng các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thể chế hóa Nghị quyết trên bằng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong phân bổ ngân sách nhà nước cho từng giai đoạn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện.
Ba là, tập trung hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành văn hóa làm cơ sở để đầu tư phát triển văn hóa bền vững, đúng định hướng, cụ thể: các quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2021; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.
Bốn là, khẩn trương xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể hóa Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021.
Năm là, đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa.
Sáu là, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho văn hóa, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa hiện đại, mang dấu ấn quốc gia ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch, có điều kiện kinh tế phát triển để tạo điểm nhấn, thu hút quảng bá du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại, ngoại giao nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia ở địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều kiều bào sinh sống để nuôi dưỡng tình yêu quê hương cội nguồn, tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các thế hệ người Việt Nam, giao lưu và tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên. (Ảnh: Thành Đạt)
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên. (Ảnh: Thành Đạt)
Ngày xuất bản: 17/12/2022
Nội dung: Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc
Trình bày: Ngô Hương