BỘ TƯ LỆNH QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM Ở CAMPUCHIA - KIẾN TẠO HÒA BÌNH TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, mặc dù chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari bị lật đổ nhưng đất nước Campuchia đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Tàn quân Pôn Pốt (khoảng 40 nghìn tên) tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, thực hiện mưu đồ “phản công” tiêu diệt lực lượng cách mạng Campuchia, hòng quay trở lại nắm quyền ở Campuchia; trong khi đó, cách mạng Campuchia mới giành được, chính quyền mới thành lập, chưa được củng cố, lực lượng vũ trang chưa đủ sức chống lại quân Pôn Pốt. Trước tình hình nêu trên, Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia đã đề nghị Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự giúp cách mạng Campuchia.

Ngày 18/2/1979, Việt Nam và Campuchia đã ký kết Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước gồm 9 điều xác định những nguyên tắc và nội dung hợp tác giữa hai nước. Theo tinh thần Hiệp ước, bộ phận Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, củng cố quốc phòng; phối hợp cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy quét tàn quân địch; phối hợp lực lượng chuyên gia của các ngành khác xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, hợp tác kinh tế, khôi phục sản xuất…,  hồi sinh đất nước Campuchia.

Thực hiện những cam kết ghi trong các hiệp ước, hiệp định giúp đỡ và hợp tác giữa hai nước, Việt Nam đã cử Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự; đồng thời, cử các đoàn chuyên gia dân, chính, đảng, sang giúp cách mạng Campuchia. Đây là việc làm phù hợp nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thời gian đầu, tổ chức lực lượng giúp cách mạng Campuchia được Bộ Quốc phòng giao cho các quân khu 5, 7 và 9 tổ chức các cơ quan tiền phương của Quân khu chỉ đạo. Để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18/5/1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTW về tổ chức Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 6/6/1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 185/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (phiên hiệu Bộ Tư lệnh 719), do Thượng tướng Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tư lệnh. Bộ Tư lệnh 719 trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời là cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng trên hướng tây nam. 

Lực lượng quân đội tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng quân đội tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pol Pot. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Tư lệnh 719 có nhiệm vụ: 1. Thống nhất chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng vũ trang Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia về tác chiến và hoạt động giúp bạn; kịp thời có những biện pháp có hiệu lực để nâng cao sức mạnh chiến đấu và chất lượng công tác của các đơn vị Quân tình nguyện. 2. Trực tiếp giúp bạn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng và tổ chức phòng thủ đất nước. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang Việt Nam ở Campuchia với lực lượng vũ trang bạn trong nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ và trong các hoạt động khác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam giúp bạn xây dựng và bảo vệ thực lực cách mạng của bạn. 3. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng các vấn đề có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Campuchia và các vấn đề có liên quan giữa chiến trường Campuchia với các chiến trường khác ở khu vực Đông Dương. 4. Hợp đồng với các quân khu phía nam trong kế hoạch đánh địch, bảo vệ biên giới hai nước. [1]

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18/5/1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTW về tổ chức Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Đồng chí Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719 đồng thời là đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam bên cạnh Bộ Quốc phòng Campuchia, được ủy quyền của Bộ trưởng Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các tổ chức của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, các quân khu, quân chủng, binh chủng ở phía nam trong nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang hoạt động ở Campuchia. Bộ Tư lệnh 719 được ủy quyền của Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia, chỉ đạo Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 7 và 9 thực hiện các công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đối với các lực lượng của quân khu hoạt động ở Campuchia và tham gia ý kiến với các bộ tư lệnh quân khu về công tác xây dựng các đơn vị này.

Về tổ chức Bộ Tư lệnh 719 gồm có Tư lệnh, các Phó tư lệnh (6 đồng chí) và các cơ quan tham mưu, chính trị; cơ quan đại diện của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Cục Cán bộ, Cục Tài vụ; bộ tư lệnh các quân chủng, binh chủng và một số cơ quan chức năng. Từ đây, việc lãnh đạo, chỉ huy Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam ngày càng thống nhất và chặt chẽ hơn.

Đến ngày 18/7/1981, căn cứ tình hình thực tế chiến trường và đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Bộ Quốc phòng ra các quyết định (từ số 230/QĐ-QP đến số 232/QĐ-QP) chuyển cơ quan Tiền phương của Bộ Tư lệnh các Quân khu: 5, 7 và 9 thành Bộ Tư lệnh các mặt trận: 579, 779 và 979. Bộ Tư lệnh các mặt trận: 579, 779 và 979 có quyền hạn tương đương Bộ Tư lệnh Quân đoàn, chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh 719 về tác chiến và hoạt động ở Campuchia; đồng thời chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh các Quân khu: 5, 7 và 9 về các mặt công tác khác. Ngày 9/10/1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 340/QĐ-QP chuyển Bộ Tư lệnh Mặt trận 479 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (thành lập ngày 11/5/1979) về trực thuộc Bộ Quốc phòng (kể từ ngày 1/11/1981).

Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, nguyên tắc giúp cách mạng Campuchia của Đảng, Nhà nước Việt Nam, luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và các quyết định của Campuchia; tuân thủ nguyên tắc cách mạng Campuchia do người Campuchia tự làm lấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia liên tiếp mở các cuộc tiến công truy quét tàn quân Pôn Pốt ở khu vực biên giới phía tây, tây nam và trong nội địa.

Trên các mặt trận 479, 579, 779 và 979, ta và bạn cơ bản xóa xong các ổ phản động ở địa bàn trọng điểm, hoàn thành tuyến phòng thủ biên giới Campucia-Thái Lan, ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tiến công của tàn quân Pôn Pốt, đưa phong trào cách mạng Campuchia phát triển mạnh. Giúp cách mạng Campuchia xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, chính quyền cách mạng từ Trung ương đến cơ sở. Từ 22 tiểu đoàn bộ binh, 69 đội công tác (cuối năm 1978) đến tháng 1/1989, cách mạng Campuchia đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, gồm các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng, với tổng quân số khoảng 130 nghìn người; trong đó, bộ đội chủ lực hơn 48 nghìn người, bộ đội địa phương hơn 80 nghìn người...

Nhân dân Campuchia trong Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dân Campuchia trong Lễ mừng chiến thắng 7/1/1979, được tổ chức ngày 25/1/1979 tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, Quân tình nguyện Việt Nam còn cùng đội ngũ chuyên gia giúp bạn xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng từ Trung ương xuống địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp ở 21 tỉnh, thành phố, 169 huyện, thị trấn, hơn 1.500 xã, phường và hơn 12 nghìn ấp; đồng thời, xây dựng các tổ chức công đoàn, phụ nữ, đoàn thành niên từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Cùng với đó, Quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, ngăn chặn nạn đói, đưa dân trở về quê cũ ổn định cuộc sống; khôi phục và phát triển hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo... ở Campuchia. 

Sau khi Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam và Đoàn 478 Chuyên gia quân sự Việt Nam rút về nước (tháng 6/1988), từ ngày 21 đến ngày 26/9/1989, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tổ chức đợt rút quân cuối cùng về nước. Ngày 29/9/1989, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về việc hoàn thành rút toàn bộ Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt vong, hồi sinh dân tộc Campuchia, trực tiếp kiến tạo nền hòa bình, ổn định và phát triển đất nước Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (nay đang là Chủ tịch Thượng viện Campuchia) đã khẳng định: “Bộ đội Việt Nam chính là Đội quân nhà Phật”.

Ghi nhận sự cống hiến đó, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước hai nước Việt Nam và Campuchia. Theo thống kê chưa đầy đủ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tặng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 1 Huân chương Sao vàng, 24 Huân chương Hồ Chí Minh, 10 Huân chương Độc lập cho các tập thể và 200 nghìn Huân chương Chiến công tặng cán bộ, chiến sĩ. Có 45 đơn vị và 8 cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng và Nhà nước Campuchia đã khen thưởng 144 đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng Campuchia, gồm: 25 Huân chương Angkor, 116 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 183.090 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng tặng cán bộ, chiến sĩ cùng một số phần thưởng cao quý khác.

Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN