BOND

"SPICE GIRLS CỦA DÒNG NHẠC CỔ ĐIỂN

LÀM MỚI NHẠC CỔ ĐIỂN VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG

Ban đầu, Bond gồm Haylie Ecker (người Australia, chơi violin), Tania Davis (người Australia, viola), Eos Counsell (violin) và Gay-Yee Westerhoff (cello) cả hai đều là người Anh. Năm 2008, Haylie Ecker rời khỏi ban nhạc để sinh con, và thay thế cô là nữ nghệ sĩ viola người Anh Elspeth Hanson. Elspeth Hanson chính là người đại diện cho nước Anh trình diễn cùng David Beckham tại lễ Bế mạc Olympics Bắc Kinh 2008.

Ý tưởng ra đời nhóm Bond bắt đầu từ cuộc trò chuyện giữa nhà soạn nhạc đồng thời cũng là nhà sản xuất của nữ nghệ sĩ violin nổi tiếng Vanessa-Mae, là Mike Batt và Mel Bush. Khi đó, Mike Batt cho rằng, hai người nên xây dựng một nhóm tứ tấu gồm 4 cô gái tài năng và xinh đẹp. Điều này giúp Mel Bush nung nấu ý tưởng và mời thêm nhà sản xuất Gareth Cousins để tuyển chọn thành viên và định hướng phần âm nhạc.

Các buổi tuyển chọn đã được tổ chức ở Baden Powell House ở London. Họ đã tìm được Eos Counsell chơi violin và Gay-Yee Westerhoff (cello) cùng một cô gái chơi viola nữa là Tania Davis. Các nhà sản xuất cho rằng, họ đã tìm ra được những nghệ sĩ lý tưởng cho ban nhạc và quyết định tìm nốt một nữ nghệ sĩ violin chính nữa, đó chính là Haylie Ecker.

Ban nhạc đã tung ra 4 bản thu âm đầu tiên, và hãng thu âm lớn ở Anh Decca ký hợp đồng với họ ngay sau khi biết đến 4 bản thu âm này. Ba trong số 4 bản thu âm này "Duel", "The 1812" và "Dalalai", là thành phần của album đầu tiên “Born”. Các bản nhạc còn lại được nhà sản xuất Magnus Fiennes bổ sung, và Mike Batt thêm vào bản phối lại của "Victory", đĩa đơn đầu tiên của 4 cô gái.

Các thành viên của ban nhạc lấy cảm hứng từ nhiều dòng nhạc khác nhau trên thế giới như cổ điển, Latin, folk, jazz, rock, pop, nhạc điện tử… Cả 4 cô gái đều được đào tạo theo tiêu chuẩn cao nhất ở những học viện, trường nhạc nổi tiếng thế giới như Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, Trường Đại học Âm nhạc Trinity…).

Được đào tạo cơ bản về cổ điển, nhưng bốn cô gái đã lựa chọn một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ đối với cổ điển: phá cách, phóng khoáng, vượt qua mọi quy ước, đưa đến cho người nghe (và cả xem) một thứ âm nhạc đầy năng lượng, rực rỡ, mạnh mẽ, kết hợp với phong cách biểu diễn cuốn hút và hấp dẫn với một chút sexy. Trước Bond, chưa từng có ban nhạc nào trình diễn nhạc cổ điển với phong cách như vậy. Họ đã tìm ra được “khoảng trời” chung giữa nhạc cổ điển và pop, giữa âm nhạc bác học và nghệ thuật giải trí, làm hài lòng cả những fan nhạc cổ điển khó tính và fan nhạc pop.

Xinh đẹp, quyến rũ, hấp dẫn cả về ngoại hình và âm nhạc, các cô gái đã làm bùng nổ những khán phòng nơi họ trình diễn, và không lâu sau đã tạo nên một cộng đồng người hâm mộ quốc tế lớn và trung thành trong nhiều năm. Kể từ khi ra mắt, Bond đã bán được hơn 5 triệu album trên toàn thế giới, đưa Bond trở thành tứ tấu đàn dây bán chạy nhất mọi thời đại.

Với các cô gái Bond, âm nhạc mà họ theo đuổi là sự sáng tạo, là lối đi riêng. Tania từng nói: “Ở trong một dàn nhạc, bạn đáp ứng tầm nhìn sáng tạo của người khác. Còn ở Bond, với những gì chúng tôi làm, chúng tôi là nhà sản xuất, là nghệ sĩ, là người dẫn lối”.

Sự ra mắt của Bond đương nhiên dẫn đến rất nhiều tranh cãi. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi ra mắt, album đầu tiên “Born” đã leo lên vị trí thứ nhất của bảng xếp hạng nhạc cổ điển ở Anh, nhưng sau đó đã bị phản đối và bị loại vì “không đủ chất cổ điển”.

Eos kể lại: “Đã có một sự phản đối mạnh mẽ khi chúng tôi bắt đầu với việc chơi âm nhạc cổ điển theo cách khác. Đó dù sao cũng là điều tốt. Ít nhất là hãng thu âm của chúng tôi đã nghĩ như vậy khi câu chuyện về âm nhạc này lan đi khắp nơi. Chúng tôi thấy mình trở thành chủ đề của những câu chuyện tin tức quốc tế, râm ran từ Anh sang châu Âu, đến Australia và sang cả Mỹ”.

Còn Gay-Yee chia sẻ: “Chúng tôi không ngạc nhiên lắm. Chúng tôi đã viết các bản nhạc với các nhà sản xuất nhạc pop và và với một thị trường âm nhạc như vậy, bản thân chúng tôi cũng thực sự chưa bao giờ gọi âm nhạc của mình là cổ điển. Chúng tôi đặt mục tiêu âm nhạc của mình sẽ trở nên phổ biến. Và ở Mỹ, Billboard đã bắt đầu mở một bảng xếp hạng riêng cho crossover classical (âm nhạc cổ điển giao thoa). Điều này giúp chúng tôi hoạt động hiệu quả, và cũng giúp những người hâm mộ cổ điển thuần túy không quá khó chịu”. 

Bond còn được biết đến với những địa điểm lộng lẫy từng là nơi trình diễn của ban nhạc. Với các bản thu âm của mình, Bond trở thành các nghệ sĩ đàn dây thành công nhất trong lịch sử. Bởi vì âm nhạc của các cô gái không bị cản trở bởi những hạn chế ngôn ngữ, cho nên loại hình âm nhạc giao thoa giữa nhạc cổ điển và pop đầy năng lượng của họ đã nhanh chóng lan rộng toàn cầu, giúp họ gặt hái những thành công rực rỡ trong sự nghiệp.

Những điệu nhảy ngẫu hứng của Bond.

Những điệu nhảy ngẫu hứng của Bond.

Không chỉ vậy, âm nhạc của họ còn gợi cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ đàn dây khác sáng tạo nhạc cổ điển theo phong cách riêng. Gay-Yee, nghệ sĩ cello kể lại: “Trở thành những người tiên phong trong loại hình âm nhạc này, chúng tôi thực sự rất phấn khích. Thật tuyệt khi thấy những nhóm tứ tấu hay ban nhạc được hình thành theo kiểu của Bond ở khắp nơi trên thế giới. Và một trong những phần thưởng đáng nhớ nhất là những phản hồi từ các sinh viên, các giáo viên và trẻ em, những người gắn bó với đàn dây thông qua âm nhạc của chúng tôi”.

Còn với Elspeth, âm nhạc của Bond đã thật sự giúp nhiều nhạc sĩ và sinh viên âm nhạc, những người không thực sự muốn chơi nhạc cổ điển thuần túy. “Vẫn còn có nhiều nghệ sĩ khao khát cảm giác run rẩy xúc động khi đứng trong dàn nhạc hoành tráng. Ngày nay, đã có nhiều cơ hội cho các nhạc sĩ cổ điển hơn với Bond”, cô nhận xét.

NHỮNG THÀNH CÔNG

Là nhóm tứ tấu đàn dây thành công nhất mọi thời đại, bốn cô gái của Bond đã gặt hái rất nhiều thành công.

Sau khi bị loại khỏi bảng xếp hạng nhạc cổ điển khi ra mắt, album “Bond” đã nhanh chóng lên thẳng vị trí số 1 của 21 bảng xếp hạng trên toàn cầu. “Shine”, album thứ hai của nhóm ra mắt năm 2002 đã giành được đĩa bạch kim ở 6 quốc gia. Album thứ 3 gồm các bản phối lại của hai album trước và thêm 3 bản mới, mang tên “Classified”, ra mắt năm 2004 đã giành được hai đĩa bạch kim ở Australia, và đạt vị trí đầu tiên ở cả bảng xếp hạng của nhạc cổ điển và pop.

Tương tự như thế, album tiếp theo “Explosive: The Best of Bond” năm 2005 gồm bản phối lại của những bản hay nhất trước đó, cùng với ba bản khác chưa được phát hành, trong đó có “The Four Seasons” của Vivaldi.

Album thứ năm của nhóm “Play” được thu âm năm 2011 tại London và Los Angeles. Dự án này được Bond thực hiện cùng những nhà soạn nhạc danh giá thế giới như David Arnold (London) - tác giả nhạc phim từng đoạt giải Grammy/Bafta với các tác phẩm âm nhạc trong "James Bond", "Godzilla", "Sherlock" - và Michael Giacchino (Los Angeles) - nhà soạn nhạc nổi tiếng Hollywood với các tác phẩm trong "Lost", "The Incredibles", "Ratatouille", "Jurrasic World".

Nhóm còn được coi là tứ tấu đàn dây ăn khách nhất mọi thời đại, với với hơn 5 triệu album được bán ra khắp thế giới, 56 đĩa bạch kim và 15 đĩa vàng cùng rất nhiều giải thưởng uy tín và danh giá tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Australia, Singapore, Italy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo... Nhóm cũng vinh dự được tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các sự kiện thể thao lớn thế giới như FA Cup, Champions League, World Cup, Olympic…

Năm 2003 là năm mà ban nhạc dành nhiều thời gian đi lưu diễn nhất. Phần lớn các chuyến lưu diễn ở châu Á, và có đêm diễn tại vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2003 ở Panama. Ban nhạc cũng tham gia bộ phim đầu tiên khi diễn chung với nghệ sĩ hài Rowan Atkinson (Ngài Bean) trong “Johnny English” (Điệp viên không không thấy). Trong phim, Bond có phân cảnh trình diễn bản “Kismet” (do Westerhoff soạn). Ngoài ra, ban nhạc cũng có cảnh xuất hiện trong phim “XXX: State of the Union” (Điệp viên XXX: Liên minh chính phủ), chơi bản “Victory”.

Năm 2009, hãng xe Peugeot hợp tác với Bond thu âm bản “Four Seasons” của Vivaldi để quảng cáo cho dòng xe 308CC. Các bản phối “Summer” and “Winter” sau đó cũng được đưa vào album “Play” của Bond.

Ban nhạc cũng từng xuất hiện trong buổi diễn chào năm mới của nghệ sĩ André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss tại Vienna. Trong số các bản nhạc được yêu thích của Strauss, Bond đã chơi bản “Victory” của mình.

Một điều thú vị là không chỉ chơi nhạc, các cô gái Bond còn khoe giọng của mình trong một số tác phẩm. Cuối năm 2010, ban nhạc bắt đầu album mới với những chất liệu mới, trong đó có bài “Diablo” với màn khoe giọng của Eos Counsell. Nhóm nhạc cũng nhiều lần chơi các bản nhạc hoặc ca khúc phim như “Jai Ho” (phim “Triệu phú khu ổ chuột”), “Bitter Sweet Symphony” (Cruel Intensions)…

Các thành viên Bond còn tự viết bản nhạc cho ban nhạc. Gay-Yee Westerhoff từng viết "Beatroot", với ảnh hưởng mạnh mẽ từ âm nhạc Nga.

Vẫn còn có nhiều nghệ sĩ khao khát cảm giác run rẩy xúc động khi đứng trong dàn nhạc hoành tráng. Ngày nay, đã có nhiều cơ hội cho các nhạc sĩ cổ điển hơn với Bond.

Elspeth Hanson, nữ nghệ sĩ viola người Anh.

NHỮNG BẢN NHẠC ĐÌNH ĐÁM

Với phong cách pha trộn giữa cổ điển và những thể loại âm nhạc giới trẻ ưa chuộng như pop, rock, nhạc điện tử, nhiều bản nhạc của bốn cô gái đã trở nên vô cùng nổi tiếng và được yêu thích khắp nơi trên thế giới.

Ở album đầu tiên “Born”, khi bị chê là không đủ chất cổ điển để vào bảng xếp hạng, bản nhạc bị chê nhiều nhất là “Victory”, nhưng sau này “Victory” lại trở nên phổ biến khắp thế giới, là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của Bond, được phát trong nhiều nghi thức đăng quang tại các sự kiện lớn trên thế giới, trong đó có đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2013.

Cùng với “Victory”, “Viva” là bản nhạc rất nổi tiếng và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Tiết tấu rộn rã, mạnh mẽ, nhanh giúp cho bản nhạc sôi động này được mở trong các cuộc thi sắc đẹp, các buổi trình diễn thời trang, thể thao… “Viva” cũng là bản nhạc được Bond trình diễn nhiều nhất trong các tour lưu diễn.

Không thể không nhắc đến “Shine”, bản nhạc mang âm hưởng nhạc Ấn Độ, và MV của “Shine” cũng mang đậm những nét đặc trưng của văn hóa Ấn Độ. “Shine” cũng trở thành một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của Bond.

“Wintersun” cũng là một trong những bản nhạc của Bond được nhiều người yêu thích. Đây là bản nhạc được làm lại dựa trên bản “Winter” của nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi.

Cùng là bản nhạc soạn lại, “Fuego” được Bond soạn lại trên ca khúc "Strings Of My Heart" của ca sĩ người Croatia - Vanna. “Fuego” cũng được sử dụng rất nhiều trong các buổi trình diễn ở nhiều lĩnh vực văn hóa, thể thao, quảng bá thương mại…

Cũng như các bản nhạc khác, “Explosive” ngay sau khi ra mắt đã trở thành bản nhạc được yêu thích, và là nhạc nền đại diện cho đất nước Australia tại Thế vận hội Olympic mùa hè 2004 tại Hy Lạp.

Hầu hết các bản nhạc của Bond sau khi ra mắt đều trở nên đình đám và được nghe cũng như sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Bond cũng là một trong những ban nhạc có tác phẩm có sức sống lâu bền và rộng rãi, từ thượng lưu tới bình dân…

Item 1 of 2

MỐI DUYÊN VỚI VIỆT NAM

Bond từng sang Việt Nam biểu diễn 2 lần, vào năm 2015 và 2016.

Tháng 10/2015, Bond sang Việt Nam dự Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) và đã khiến khán giả phát cuồng với màn trình diễn khép lại đêm diễn. Trong 75 phút, ban nhạc đã trình diễn các bản nhạc quen thuộc của mình như “Victory”, “Jai Ho”, “Shine”, một số bản nhạc đương đại của Lady Gaga… Đặc biệt, Bond đã ngẫu hứng chơi bản Quốc ca của Việt Nam, khiến khán giả vô cùng phấn khích và dành trọn vẹn tình cảm cho nhóm nhạc.

Cùng với Bond, đêm nhạc này còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế như Lê Cát Trọng Lý, nhóm nhạc Hàn Quốc The Airport, nghệ sĩ Na Uy Samsaya và DJ Việt kiều Dan Nguyễn.

Ban nhạc Bond trong một buổi trình diễn tại Việt Nam. (Ảnh: TTVH)

Ban nhạc Bond trong một buổi trình diễn tại Việt Nam. (Ảnh: TTVH)

Tháng 3/2016, Bond một lần nữa trở lại Việt Nam trong chương trình nghệ thuật Lexus 2016, một chương trình quy mô diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Chương trình do nhạc sĩ Quốc Trung dàn dựng, hòa âm phối khí. Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp. Đặc biệt lần đầu tiên Bond chơi nhạc cùng một giọng ca Việt Nam: ca sĩ Phạm Thu Hà trong ca khúc “Harem”. Phạm Thu Hà cũng là một nghệ sĩ đang theo đuổi con đường cổ điển giao thoa với mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Đầu những năm 2000, Bond cũng là một trong những nhóm nhạc được giới trẻ Việt Nam vô cùng yêu thích, bởi phong cách mới lạ và phóng khoáng mà họ đem đến cho nhạc cổ điển, khiến cho dòng nhạc vốn được coi là “khó tiếp cận” này trở nên gần gũi hơn. Các album, video của Bond đều nổi tiếng ở Việt Nam và được nghe, xem rất nhiều. Thậm chí nhiều bản nhạc đã trở thành nhạc nền của nhiều chương trình, sự kiện ở Việt Nam.

Với nhiều người trẻ Việt khi đó, mà bây giờ đã ở tuổi trung niên, Bond như một đại diện của thanh xuân rực rỡ, tươi trẻ, giàu năng lượng, phóng khoáng và đầy sức hấp dẫn. Cũng như những “thần tượng âm nhạc” khác của thế hệ 7x, 8x, Bond là một phần không thể thiếu và là kỷ niệm đẹp trong đời sống âm nhạc của các thế hệ này.

Tháng 10 tới, Bond sẽ trở lại Việt Nam trong sự kiện âm nhạc Bond Live In Vietnam. Đây là sự kiện thứ hai trong chuỗi dự án âm nhạc quốc tế "Good Morning Vietnam" do Báo Nhân Dân khởi xướng.

Ngày xuất bản: 10/9/2024
Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: DIỆC DƯƠNG
Ảnh, nguồn thông tin: bondquartet.com, australialive.org.au