Timeline:
00:00: Mùa xuân - mùa của sự khởi đầu tươi đẹp
01:04: Mỗi ngày trôi qua là một thử thách
04:43: Tôi muốn cho thế giới thấy nét đẹp văn hóa và tri thức Việt Nam
08:50: Khát vọng đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với công chúng
13:34: Cánh chim không mỏi - Vẽ nên màu xanh của âm nhạc cổ điển Việt Nam

Từ cậu bé 4 tuổi đã học vĩ cầm, đến nghệ sĩ Nghệ sĩ nhân dân, rồi trở thành người thầy ươm mầm tài năng trẻ - hành trình của Bùi Công Duy là khúc nhạc thăng hoa giữa đam mê và trách nhiệm. Hơn ba thập kỷ, anh không chỉ chinh phục những sân khấu quốc tế lừng danh bằng tài năng, mà còn âm thầm vun đắp để âm nhạc cổ điển Việt Nam "cất cánh" giữa lớp sóng hội nhập toàn cầu.

Đằng sau ánh hào quang ấy là một khát vọng: đưa nghệ thuật kinh điển thoát khỏi khuôn khổ "bác học", trở thành mạch nguồn rạng rỡ, kết nối công chúng với tinh hoa nhân loại. Làm thế nào để một cá nhân có thể vừa là đại sứ văn hóa, vừa là người "giữ lửa" truyền thống? Hành trình ấy đã thắp lên những hy vọng gì cho tương lai âm nhạc nước nhà? Nghệ sĩ nhân dân Bùi Công Duy đã cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên trong chương trình "Cà phê Nhân Dân".

PV: Cảm ơn Nghệ sĩ nhân dân Bùi Công Duy đã dành thời gian tham dự Cà phê Nhân Dân. Thời tiết Hà Nội sáng nay khá đẹp, và không biết rằng bình thường, đối với một nghệ sĩ, khởi đầu ngày mới của anh thế nào?

NSND Bùi Công Duy: Đây là một thời điểm rất đẹp của năm. Mùa xuân, là mùa mang lại nhiều niềm vui sinh sôi nảy nở của thiên nhiên, tạo hóa, cũng như thời tiết. Chắc hẳn nếu nhắc đến mùa xuân, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến bản nhạc rất nổi tiếng của Antonio Vivaldi. Tôi đã biểu diễn bản nhạc này rất nhiều lần và tôi nghĩ với tinh thần ngày xuân, một tiết trời rất đẹp, lại có một chút mưa cũng mang lại niềm vui. Tinh thần được nhân đôi, báo hiệu cho một năm mới sẽ rất tươi sáng.

PV: Mặc dù mơi ngoài 40 tuổi, thế nhưng anh đã có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Không biết điều gì đã giúp anh có được thành công của ngày hôm nay?

NSND Bùi Công Duy: Thật ra, nói đến thành công thì rất vô cùng, bởi vì mỗi một ngày trôi qua, mình nhìn lại và thấy có những điều mình rất tự hào. Nhưng khi nhìn sang xung quanh, nhìn sang thế giới, mình lại thấy mình còn rất khiêm tốn.

Cho nên, thành công ở đây mình nghĩ là theo từng giai đoạn, và mình sẽ hiểu nó trong một khoảng thời gian nhất định. Đương nhiên, mỗi một ngày trôi qua, cũng như chuẩn bị cho những kế hoạch sắp tới, sẽ luôn có những thách thức, và để đạt được thành công sẽ càng ngày càng khó hơn. Chúng ta sẽ trở nên khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn, con người trở nên hoàn thiện hơn, và thế giới cũng cạnh tranh hơn.

Nhưng tôi nghĩ rằng, để sau khi có thành công đó, tiếp tục giữ được và đi tiếp, thì đó lại là một điều rất khó và là một thách thức. Thành công không bao giờ dừng lại và luôn luôn tiếp tục thách thức một điều lớn hơn,hướng tới chinh phục một mục đích cao hơn.

PV: Những cột mốc nào là đáng nhớ nhất trên hành trình âm nhạc dài hơn ba thập niên của anh?

NSND Bùi Công Duy: Tôi nghĩ hành trình đáng nhớ nhất thì tôi hy vọng là nó chưa diễn ra, mà sẽ diễn ra. Trong quá trình hình thành, cũng như thời gian bắt đầu học đàn, trải qua rất nhiều năm tháng thực hành, tôi nghĩ rằng trong một giai đoạn nào đó, bất cứ ai cũng có rất nhiều kỷ niệm, nhiều dấu mốc, và tôi nghĩ là rất khó để phân định dấu mốc nào đáng nhớ hơn dấu mốc nào.

Bởi vì, mỗi một thời điểm, ví dụ như thời điểm cách đây 30 năm, thì mốc đó sẽ là đáng nhớ nhất. Nhưng sau này, sẽ có những dấu mốc mang lại những điều tích cực. Có lẽ một trong những thành công của tôi là những phần thưởng mà mình không ngờ tới.

Tôi cũng rất bất ngờ, không nghĩ là mình có thể đạt được những giải thưởng như vậy. Nhưng thành công lớn nhất, tôi nghĩ là được đồng hành với những người rất thân thiết và yêu thương mình. Tôi cũng nghĩ rằng đó là một may mắn.

PV: Anh cùng với dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã có nhiều chuyến biểu diễn tại nước ngoài. Khi mang âm nhạc cổ điển của Việt Nam tham gia vào những chương trình nghệ thuật như vậy, anh thấy cảm xúc và sự đón nhận của bạn bè quốc tế đối với những tiết mục của chúng ta như thế nào?

NSND Bùi Công Duy: Mỗi lần có được cơ hội đi, mình đều cảm thấy rất tự hào, rất vinh dự và hạnh phúc. Và lần vừa rồi thì đặc biệt.

Đây là đột phá lớn về cách tiếp cận cũng như mong muốn hội nhập quốc tế, đặc biệt là muốn cho thế giới thấy những  nét đẹp của văn hóa Việt Nam và tri thức của Việt Nam. Tri thức ở đây vừa đại diện cho văn hóa của dân tộc, vừa đại diện cho một thể loại cao cấp, âm nhạc hàn lâm.

Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có một bước tiến rất tích cực và có sự đổi mới, một cách tiếp cận mang tính toàn cầu, đưa ra những thông điệp cụ thể thông qua văn hóa. Điều này làm cho những chuyến đi có thêm nét mềm mại, có thêm cảm xúc, có thể bổ trợ cho thành công chung của các chuyến đi, của lãnh đạo cấp cao, của quốc gia.

PV: Trong mỗi lần đi lưu diễn như vậy, làm thế nào để anh khiến cho bạn bè quốc tế cảm thấy ấn tượng và nhận ra được “DNA” của âm nhạc cổ điển Việt Nam?

NSND Bùi Công Duy: Khi nhận được đề bài công việc, chúng tôi cũng nghiên cứu rất kỹ. Thứ nhất, sở trường của Việt Nam, những điểm mạnh của chúng ta là người Việt rất có cảm xúc, biểu cảm dạt dào và tâm hồn cũng rất đẹp.

Chính vì thế, những danh mục tác phẩm mà chúng tôi đưa vào đều được chọn lựa kỹ lưỡng. Thứ nhất là những bản nhạc có tính chất, giai điệu rất hay. Thứ hai, những bản nhạc đó phải là những tác phẩm kinh điển. Chọn những tác phẩm hay sẽ giúp người nghe dễ tiếp thu và hiểu hơn.

Đồng thời, với cường độ không quá dài, chúng tôi cũng chọn những tác phẩm của Việt Nam mang tính đại diện, có đặc điểm  điển hình của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi cũng mềm mại hóa chúng thông qua ngôn ngữ hàn lâm để lồng ghép, qua đó giúp bạn bè thế giới thiểu them về con người Việt Nam.

Nguồn: Nhà hát Hồ Gươm (NSND Bùi Công Duy - The Turkish March concert)

NSND Bùi Công Duy trò chuyện cùng Cà phê Nhân Dân.

NSND Bùi Công Duy trò chuyện cùng Cà phê Nhân Dân.

PV: Nói như vậy, anh đánh giá thế nào về triển vọng và sự phát triển của âm nhạc cổ điển Việt Nam trong một thành phố như Hà Nội?

NSND Bùi Công Duy: Hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều hoạt động nghệ thuật, và hàng năm, các hoạt động này ngày càng được nhân rộng. Tôi cũng biết sẽ có những kế hoạch sắp tới rất thú vị. Chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà hát, dàn nhạc mới, và những chương trình đặc sắc từ nhiều quốc gia sẽ đến Việt Nam, đến Thủ đô của chúng ta.

Tôi nghĩ rằng hiện nay, với đà như thế này, sẽ mở ra một tương lai rất tốt cho thế hệ tiếp theo, những thế hệ đang trưởng thành. Đặc biệt là đời sống tinh thần của người dân Thủ đô nói riêng và của đất nước chúng ta được tăng cường rất nhiều. Điều này cũng là một sự kích thích, một sự tái tạo lại năng lượng, từ đó sản sinh ra những giá trị tích cực, cống hiến cho đất nước và mang lại lợi ích quốc gia.

PV: Theo anh, có cách nào để chúng ta có thể sáng tạo và đưa nghệ thuật hàn lâm gần gũi hơn, tiếp cận được với nhiều khán giả hơn, nhiều đối tượng công chúng hơn không?

NSND Bùi Công Duy: Cái này sẽ đòi hỏi một thời gian. Có một sự đồng bộ về giáo dục, nhận thức, quan niệm, truyền thống, và cách tiếp cận góc nhìn của mỗi quốc gia, con người, và vùng miền cổ điển. Thật ra, nhạc cổ điển không phải là thứ có thể tiếp cận ngay lập tức. Nó giống như việc pha cà phê phin, từng giọt một, rất lâu, và từ từ, người ta mới cảm nhận được hết cái hay.

Ở đây, chúng ta cần có một phông trình độ văn hóa nhất định, một sự hiểu biết chung, cũng như một vốn sống của xã hội. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm thế nào để số lượng  người trẻ hóa, đi xem nhạc hàn lâm, và mong rằng những người trẻ này sẽ thành công sớm hơn, để họ có tiền mua vé đi xem.

PV: Nếu âm nhạc cổ điển Việt Nam là một bức tranh, thì anh sẽ lựa chọn vẽ gì và tại sao lại chọn tông màu đó?

NSND Bùi Công Duy: Một câu hỏi rất hay và cũng khó. Có lẽ tôi sẽ chọn màu tôi yêu thích, đó là màu xanh, vì tôi rất hợp với nước. Màu xanh cũng là màu đại diện cho hòa bình, và tại Việt Nam, một đất nước sống trong hòa bình.

Hòa bình là cơ sở, là tiền đề để phát triển cho mỗi quốc gia.

PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của anh, và chúc anh sẽ đạt được nhiều thành công mới trong tương lai.

Ngày xuất bản: 1/4/2025
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH - KHÁNH SƠN
Thực hiện: NHƯ TRANG - THÚY QUỲNH
Trình bày: NHƯ TRANG
Video: HUY HIỆU, TIẾN ANH, HỒNG QUÂN, HOÀNG HUY