COP26 VÀ DẤU ẤN VIỆT NAM

Kéo dài hơn 1 ngày so với dự kiến và căng thẳng đến phút chót, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đạt được không ít mục tiêu quan trọng và thể hiện quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới. Trong khuôn khổ COP26, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu - đã phát đi thông điệp về mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.

Những mục tiêu tham vọng

Quay trở lại năm 2015, COP21 diễn ra tại Pháp đã chứng kiến một dấu mốc lịch sử. Theo đó, các quốc gia đã nhất trí hành động để khống chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và đạt mục tiêu tăng không quá mức 1,50C nhằm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ra đời trong bối cảnh như vậy. Theo thỏa thuận này, cứ 5 năm 1 lần các quốc gia sẽ phải cam kết thực hiện các mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu. Điều đó có nghĩa rằng, vào năm 2020, các nước cần nộp hoặc cập nhật kế hoạch giảm phát thải, hay còn biết đến với tên gọi Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).

Trước thềm hội nghị, Ban Tổ chức COP26 đã công bố những mục tiêu mà thế giới cần đạt được thông qua hội nghị này nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

1. Đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,50C

Theo Thỏa thuận Paris, lần đầu tiên, các quốc gia tham gia ký kết hiệp định này tại COP21 nhất trí cùng nhau thực thi các giải pháp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới mức 20C và tối ưu nhất là 1,50C.

Tuy nhiên, các cam kết đưa ra ở Paris đã không đạt được như mục tiêu đề ra để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C và cơ hội để đạt được điều này đang dần khép lại.

Do đó, COP26 kêu gọi các quốc gia cần đưa ra các mục tiêu giảm phát mạnh mẽ hơn nữa cho đến năm 2030, hướng tới trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng lâu dài này, các quốc gia cần: đẩy nhanh lộ trình cắt bỏ dần việc sử dụng than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy điện, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo.

2. Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên

Khí hậu đã và đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi với nhiều tác động tàn phá hơn nữa, ngay cả khi thế giới vẫn đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải.

Những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất phải chịu rủi ro lớn nhất do biến đổi khí hậu, dù họ không phải là tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Bởi vậy, hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này và xây dựng khả năng phục hồi là yêu cầu cấp thiết, trước khi có thêm nhiều người mất đi sinh kế hoặc chính mạng sống của mình. COP26 kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nhiều hành động hơn nữa, đoàn kết và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

COP26 đặt mục tiêu tạo điều kiện và khuyến khích các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái; cũng như xây dựng hệ thống phòng chống, cảnh báo thiên tai, phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

3. Huy động tài chính cho lời hứa 100 tỷ USD

Để đạt được 2 mục tiêu đầu tiên nêu trên, COP26 nhấn mạnh các nước phát triển phải thực hiện được lời hứa từ năm 2009 rằng đến năm 2020 sẽ huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước nghèo hơn cắt giảm khí thải.

Các tổ chức tài chính quốc tế cũng cần phát huy vai trò hơn nữa trong vấn đề này, và thế giới cũng cần nỗ lực hướng tới việc giải phóng hàng nghìn tỷ USD tài chính ở cả khu vực công và tư nhằm bảo đảm mục tiêu phát thải ròng toàn cầu bằng 0.

Điều này bao gồm việc xây dựng các thị trường mới để thích ứng và giảm thiểu, đồng thời cải thiện số lượng, chất lượng và khả năng tiếp cận tài chính để hỗ trợ các cộng đồng trên khắp thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Đoàn kết vì mục tiêu khí hậu

Để vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng khí hậu, COP26 đặt mục tiêu các nước cần thúc đẩy đàm phán tại hội nghị để đi đến những thỏa thuận, cam kết vì mục tiêu chung, giúp hiện thực hóa 3 mục tiêu kể trên và hướng tới việc chuyển đổi sang 1 nền kinh tế trung hòa carbon bền vững.

COP26 xây dựng mục tiêu:

- Hoàn thiện các quy tắc chi tiết để hiện thực hóa các cam kết của Thỏa thuận Paris

- Thúc đẩy giải pháp để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự

Trọng tâm của các cuộc đàm phán tại COP26 tập trung hoàn thiện các quy tắc cần thiết để thực hiện Thỏa thuận Paris 2015, bao gồm các giải pháp để thúc đẩy thị trường carbon với mục tiêu cao hơn trong cả hành động để giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần thúc đẩy đạt được 1 thỏa thuận với mục tiêu cao hơn trong những năm tới để bảo đảm cho tính khả thi của kế hoạch 1,50C. Các cuộc đàm phán tại COP26 đều dựa trên sự đồng thuận và thỏa thuận chung chỉ đạt được khi đàm phán không bỏ sót bất cứ vấn đề nào, đồng thời bảo đảm tiếng nói của các bên đều phải được lắng nghe. Do đó, COP26 đặt mục tiêu xóa bỏ các rào cản và ủng hộ tiếng nói của các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bao gồm cả người dân bản địa và các cộng đồng đang phải đối mặt với khó khăn trong quá trình chuyển đổi khỏi các hoạt động gây phát thải cao.

Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới

Khép lại gần 2 tuần đàm phán căng thẳng, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Hiệp ước được công bố trên website của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) dài 8 trang, gồm 8 nội dung chính với 71 điều khoản.

Theo đó, các bên khẳng định lại mục tiêu dài hạn để khống chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 20C và theo đuổi các nỗ lực hạn chế ở mức tăng 1,50C (so với mức thời kỳ tiền công nghiệp). Mục tiêu này sẽ giúp giảm đáng kể những rủi ro và tác động mà biến đổi hậu gây ra.

Hiệp ước Khí hậu Glasgow cũng thừa nhận mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C đòi hỏi lượng khí nhà kính toàn cầu phải giảm nhanh, giảm sâu và giảm liên tục, trong đó lượng phát thải CO2 phải giảm 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2010 và về mức 0 vào khoảng giữa thế kỷ này, các khí nhà kính khác cũng cần phải được giảm sâu.

Hiệp ước này kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây là được đánh giá là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận trong một kỳ hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc.

Toàn cảnh một nhà máy nhiệt điện than tại Nam Phi, năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Toàn cảnh một nhà máy nhiệt điện than tại Nam Phi, năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Hiệp ước thừa nhận tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và tầm quan trọng của việc bảo đảm sự phục hồi bền vững, mạnh mẽ và bao trùm trên toàn cầu, đồng thời bày tỏ tinh thần đoàn kết đặc biệt với các quốc gia đang phát triển. Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài chính dành cho khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, trong đó có việc tăng đáng kể khoản hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển, vượt mức 100 tỷ USD/năm.

Trong nhiều năm, tài chính đã trở thành “điểm tắc nghẽn” chính tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc. Các nước giàu đã không thực hiện được mục tiêu đặt ra từ năm 2009 về việc hỗ trợ 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm và hoàn thành vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và chuẩn bị ứng phó tác động của biến đổi khí hậu.

Hiệp ước được ký kết trong khuôn khổ COP26 thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 100 tỷ USD/năm vào năm 2025, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các nước này.

Đám cháy rừng tại California, Mỹ, tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters)

Đám cháy rừng tại California, Mỹ, tháng 7/2021. (Ảnh: Reuters)

COP26 cũng đánh dấu lần đầu tiên vấn đề tổn thất và thiệt hại xuất hiện trong hiệp ước của một kỳ COP. Hiệp ước này thừa nhận biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục gây tổn thất và thiệt hại. Hiệp ước khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26. (Ảnh: Chính phủ Anh)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26. (Ảnh: Karwai Tang/Chính phủ Anh)

Những kết quả nổi bật khác

Ngoài tổ chức các cuộc đàm phán chính trị và hội nghị thượng đỉnh, COP26 còn thu hút khoảng 50 nghìn người tham gia theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để chia sẻ ý tưởng, giải pháp đổi mới; tham gia các sự kiện văn hóa; xây dựng quan hệ đối tác và liên minh.

(Nguồn: UN)

(Nguồn: UN)

Kéo dài hơn 1 ngày so với dự kiến, hội nghị đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Một trong những kết quả đáng chú ý nhất là lãnh đạo của hơn 120 quốc gia sở hữu khoảng 90% diện tích rừng trên thế giới đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030.

COP26 đánh dấu lần đầu tiên một kỳ COP trong những năm gần đây tổ chức sự kiện lớn về phát thải methane, với sự tham gia của 105 quốc gia (trong đó có 15 nước phát thải lớn như Brazil, Nigeria và Canada). Cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nước chủ nhà Anh dẫn dắt đặt ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức phát thải trong năm 2020.

Ngoài ra, hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng điện được sản xuất từ than và ngừng xây dựng các nhà máy điện than.

Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới, đã công bố thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu. Trong tuyên bố chung, hai quốc gia này nhất trí hành động trong hàng loạt vấn đề, gồm có giảm phát thải khí methane, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Washington và Bắc Kinh cũng tái khẳng định cam kết sẽ duy trì mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C.

Liên quan đến vận tải xanh, hơn 100 chính phủ, quốc gia, thành phố và các hãng sản xuất xe hơi đã ký Tuyên bố Glasgow về Không phát thải cho ô tô và xe tải nhằm chấm dứt bán động cơ đốt trong vào năm 2035 tại các thị trường hàng đầu và vào năm 2040 trên toàn thế giới. Ít nhất 13 quốc gia cũng tuyên bố chấm dứt bán các xe có trọng tải lớn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Khu vực tư nhân cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ của gần 500 tổ chức tài chính quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres:

"Kết quả của COP26 là một sự thỏa hiệp, phản ánh những mối quan tâm, mâu thuẫn và quyết tâm chính trị trên thế giới ngày nay. Đây là một bước tiến quan trọng, song vẫn chưa đủ. Đã đến lúc phải kích hoạt chế độ khẩn cấp. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến bảo vệ sinh mạng của chúng ta và chúng ta phải chiến thắng trong cuộc chiến này".

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng Hiệp ước Khí hậu Glasgow dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ".

"Bây giờ chúng ta có thể nói với độ tin cậy rằng chúng ta đã giữ được cam kết 1,50C. Tuy nhiên, nhịp đập của nó rất yếu và nó sẽ chỉ tồn tại nếu chúng ta giữ lời hứa của mình và biến các cam kết thành hành động nhanh chóng. Tôi biết ơn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã hợp tác với chúng tôi để tổ chức thành công COP26".

Thủ tướng Anh Boris Johnson:

"Chúng ta đã kêu gọi các quốc gia cùng hành động vì hành tinh này tại COP26, và họ đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Tôi hy vọng chúng ta sẽ nhìn lại COP26 tại Glasgow như khởi đầu của sự chấm dứt biến đổi khí hậu, và tôi sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để hướng tới mục tiêu đó".

Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze:

"Glasgow mang đến một sự thúc đẩy rõ ràng đối với vấn đề biến đổi khí hậu, và sự tăng tốc là cần thiết... Kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch sắp kết thúc, chuyển đổi năng lượng đang trở thành hình mẫu trên toàn cầu".

Bà Laurence Tubiana, một trong những "kiến trúc sư" của Thỏa thuận Paris năm 2015 và hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu:

"Bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta đã tăng tốc hành động, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà khoa học duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C và đưa than đá vào nội dung văn bản. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các cam kết và tuyên bố về tài chính, chấm dứt nạn phá rừng, ngừng tài trợ công đối với nhiên liệu hóa thạch, khí methane và ô tô giờ đây phải được chuyển thành các chính sách thực tế. Vấn đề ô nhiễm do sản xuất dầu khí vẫn cần được giải quyết. Hội nghị lần này chưa thể cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho những người đang chịu tác động của biến đổi khí hậu".

Ông Frans Timmermans, quan chức phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU):

"Tôi tin chắc rằng văn bản được nhất trí phản ánh sự cân bằng lợi ích của tất cả các bên và cho phép chúng ta hành động khẩn trương vì sự sống còn của mình... Đó là thỏa thuận thừa nhận nhu cầu của các nước đang phát triển về nguồn tài chính dành cho khí hậu và đưa ra một quy trình để đáp ứng những nhu cầu đó".

Cam kết của Việt Nam gây ấn tượng mạnh với dư luận quốc tế

Ngày 1/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP26, trong đó nêu bật các cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực chung toàn cầu nhằm hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,50C.

Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, song với lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đọc toàn văn bài phát biểu tại đây.

Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị đã nhận được những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế

Trong bài viết ra cùng ngày có tiêu đề “Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050”, hãng thông tấn Reuters nhấn mạnh Việt Nam đã “gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu”.

Bài viết nhắc lại lời kêu gọi phải có “công bằng, công lý về biến đổi khí hậu” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu tại COP26.

Bài viết cũng dẫn lời Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một hội nghị bàn tròn bên lề COP26, khẳng định Việt Nam sẽ bắt tay vào triển khai lộ trình cắt giảm sản lượng nhiệt điện than, đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời lên 31-38 gigawatt vào năm 2030.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự COP26. (Ảnh: Karwai Tang/Chính phủ Anh)

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự COP26. (Ảnh: Karwai Tang/Chính phủ Anh)

Ngày 2/11, trang tin Times Kuwait có bài viết với tiêu đề: “Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Bài báo dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải là ưu tiên hàng đầu của mọi chính sách phát triển, đồng thời là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cá nhân.

“Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các nước thiết lập các cam kết mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”, bài báo có đoạn viết.

Tạp chí Bloomberg Green cũng nhấn mạnh cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, dẫn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách của mình và kết hợp với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ các nước phát triển để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Không chỉ thu hút sự quan tâm, chú ý từ dư luận và truyền thông thế giới, cam kết trung hòa carbon của Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh với các quan chức quốc tế.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma. (Ảnh: Justin Goff/Chính phủ Anh)

Chủ tịch COP26 Alok Sharma. (Ảnh: Justin Goff/Chính phủ Anh)

Trong bài đăng trên Twitter, Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Chính phủ Anh Alok Sharma bày tỏ ấn tượng trước cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.

Ông cho rằng tuyên bố thể hiện “tinh thần đi đầu về khí hậu thực sự của Việt Nam”, đồng thời nhấn mạnh “mong được hợp tác để hỗ trợ thực hiện cam kết quan trọng này”.

Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Elizabeth Truss tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 1/11. (Ảnh: Alan Harvey/Chính phủ Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Elizabeth Truss tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 1/11. (Ảnh: Alan Harvey/Chính phủ Anh)

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 1/11, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Elizabeth Truss cũng đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Một ngày trước khi COP26 kết thúc, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo 2 nước này sẽ lần lượt đăng cai 2 kỳ hội nghị tiếp theo COP27 (tại khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ Sharm El-Sheikh năm 2022) và COP28 (năm 2023). 

Ngày xuất bản: 21/11/2021
Chỉ đạo thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: HOÀNG HÀ, VĂN TOẢN, TRUNG HƯNG
Trình bày: HOÀNG HÀ, TRUNG HƯNG
Ảnh và dữ liệu: COP26, Gov.uk, UN, Reuters.