Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn

Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Biệt động Sài Gòn-Gia Định là lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ, hoạt động chiến đấu giữa lòng thành phố Sài Gòn khi đó, ngay giữa trung tâm đầu não của địch. Ra đời từ nhân dân, bám dân, hòa mình vào đời sống người dân để xây dựng lực lượng, những chiến sĩ Biệt động quả cảm, mưu trí đã lập nên nhiều chiến công vang dội, làm lung lay ý chí của địch và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

50 năm sau khi đất nước hòa bình, xây dựng và phát triển, giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, một số cơ sở hoạt động bí mật năm xưa của lực lượng Biệt động được phục dựng, nhiều tư liệu, hiện vật quý được sưu tầm và trưng bày, trở thành "địa chỉ đỏ" hấp dẫn du khách. Đó là quán cà-phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn – nơi từng là trạm giao nhận tài liệu mật; hầm vũ khí phục vụ cuộc Tổng tiến công ngay dưới nhà dân; quán phở Bình từng là Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 Đặc khu Sài Gòn-Gia Định, hay Bảo tàng Biệt động Sài Gòn với nhiều hình ảnh, tư liệu giá trị,…

Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn không chỉ là chuyến tham quan tìm hiểu về lịch sử, mà hơn thế, đó là hành trình về nguồn để biết ơn thế hệ cha anh, ngưỡng mộ lòng quả cảm, sự thông minh, mưu trí và đặc biệt là tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ Biệt động năm xưa.

Cách đây gần 60 năm, một căn hầm bí mật đã được xây dựng ngay giữa những con phố sầm uất của trung tâm Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Bên dưới nền gạch hoa đỏ trắng đan xen của ngôi nhà nhỏ tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã âm thầm cất giữ hơn 2 tấn vũ khí phục vụ tấn công Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) và một số cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nơi đây đã trở thành một "địa chỉ đỏ" của thành phố, nơi lịch sử được kể lại bằng những vật chứng sống động và những ký ức vẹn nguyên.

Trận địa dưới lòng đất giữa Sài Gòn

Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, lực lượng Biệt động Sài Gòn - những "quả đấm thép" ngay trong lòng địch - cần có những căn cứ bí mật để chuẩn bị cho các trận đánh lớn. Ông Trần Văn Lai, người chiến sĩ Biệt động kiên cường, mang bí danh "Năm Lai", được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt: Xây dựng một căn hầm chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ giữa trung tâm đô thị Sài Gòn.

Với vỏ bọc là nhà thầu phụ trách nội thất cho các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, trong đó có cả Dinh Độc Lập, ông Lai được cấp giấy tờ đi lại thoải mái trong nội thành, từ đó ông có thể tiếp cận thông tin mật, đồng thời vận chuyển vũ khí và vật tư mà không gây chú ý từ chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Thời điểm đó, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai đã mua lại 3 căn nhà liền nhau tại số 287/68, 287/70, 287/72 đường Gia Long (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) và chọn căn nhà 287/70 làm nơi chứa vũ khí bí mật. Tọa lạc trong con hẻm nhỏ, căn nhà có 2 lối thoát hiểm ra 2 trục đường lớn, diện tích khoảng 37m2, dài 14,9m rộng 2,5m, nơi đây trở thành căn cứ địa hoàn hảo giữa đô thị Sài Gòn cất giấu hơn 2 tấn vũ khí trong thời kỳ mưa bom lửa đạn. Khi đó, lấy cớ sửa lại nhà, cụ thể là đào hố ga làm nhà vệ sinh, hai vợ chồng ông Năm Lai tự tay đào hầm trong suốt hơn 7 tháng trời.

Các chiến sĩ đã vận chuyển vũ khí về Sài Gòn bằng cách giấu trong ván gỗ đục rỗng ruột, giỏ hoa, sọt trái cây.

Để thi công, từng bao xi-măng, thanh sắt, viên gạch lần lượt được đưa vào từ ngoại thành. Khi đó, vợ ông Năm Lai-bà Nguyễn Thị Thiệp không chỉ vun vén nhà cửa, bếp núc, chăm sóc con cái, mà còn trực tiếp cùng chồng tham gia che giấu, tiếp tế, chuyển vũ khí, canh gác và xử lý tình huống nguy hiểm. Người “chiến sĩ thầm lặng” ấy đã cùng chồng gánh vác nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Việc vận chuyển vũ khí khi đó là một chiến dịch thầm lặng kéo dài suốt hơn 1 năm. Những khẩu súng, thuốc nổ, mìn, lựu đạn được nguỵ trang trong những giỏ hoa quả, thùng gỗ, bao vải, hàng nội thất bàn, ghế, tủ được ông Lai chở từ bến Nhà Rồng hoặc các điểm hẹn ngoại thành về nhà bằng xe lam, xe ba gác.

Có những đêm ông cùng vợ thức trắng để dỡ hàng, mở thùng, kiểm tra vũ khí, lau chùi rồi hạ xuống hầm. Mỗi bước đi, từng hành động đều phải tính toán từng phút, từng nhịp gõ cửa.

Đồng chí Trần Văn Lai kiểm tra hầm chứa vũ khí.

Đồng chí Trần Văn Lai kiểm tra hầm chứa vũ khí.

Thời điểm đó, chỉ cần cất giấu 1 cây súng, 1 quả lựu đạn trong nhà đã hiểm nguy đến tính mạng, vậy mà dưới lớp sàn gạch hoa đỏ trắng trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng Biệt động là cả một "kho bom đạn".

"Có lần mẹ tôi kể, ba mang về khẩu B40 dài, không kịp tháo rời. Đợi nửa đêm, mẹ tôi mở cửa sau nhà, nhìn trước ngó sau rồi nhanh chóng cùng ba tôi chuyển xuống hầm. Nếu bị phát hiện, cả nhà tan xác", anh Trần Vũ Bình-con trai ông Lai hồi hộp kể lại.

Những đêm tiếp đạn, những ngày nín thở

Từ năm 1966, căn hầm bắt đầu hoạt động như một kho hậu cần cho Biệt động Sài Gòn. Vũ khí từ chiến khu, từ miền bắc chuyển vào qua đường biển, đường bộ, được đưa tới căn nhà này dưới lớp vỏ bọc là đồ nội thất. Mỗi lần vận chuyển là một lần đánh cược sinh mạng cả gia đình.

Gia đình ông Lai sống ngay trên khối thuốc nổ, mìn, súng AK, B40, B41, lựu đạn... Anh Trần Vũ Bình kể lại kỷ niệm đau đáu thời thơ ấu: "Tôi từng suýt chạm vào ngòi nổ một quả mìn. May mắn là ba mẹ tôi phát hiện kịp. Khi lớn lên tôi mới hiểu vì sao mình không được nghịch mấy cái hộp gỗ trong góc nhà, vì sao nhà tôi lúc nào cũng như đang chuẩn bị chuyển nhà... Tất cả là để che giấu căn hầm ấy".

Những người lính biệt động được bố trí ăn ở, tập trung vũ khí tại đây, chờ lệnh hành động. Gia đình ông đóng vai chủ nhà thân thiện. Bà Thiệp vừa nấu ăn, vừa canh gác, vừa trò chuyện xóm giềng để đánh lạc hướng. Có lần, lính ngụy vào khám nhà nhưng không phát hiện gì nhờ sự ứng biến tài tình và tinh thần thép của cả gia đình.

Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. (Ảnh tư liệu)

Trận tập kích vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. (Ảnh tư liệu)

Tối 30 rạng sáng 31/1/1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra. Căn hầm tại 287/70 Nguyễn Đình Chiểu phát huy vai trò chiến lược khi cung cấp vũ khí cho Đội 5 Biệt động tấn công Dinh Độc Lập. Những khẩu AK, B40, thuốc nổ được mang từ hầm lên, giấu trong xe, trong quần áo, và chia theo tổ.

Trong làn mưa đạn, 15 chiến sĩ đã đột nhập được vào sân Dinh Độc Lập gây thiệt hại lớn và tạo nên chấn động toàn thành phố. Cuộc tấn công tuy không giành thắng lợi quân sự ngay lập tức, nhưng đã trở thành biểu tượng khí phách của lực lượng Biệt động và lòng dân Sài Gòn, gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn "choáng váng đột ngột", làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ.

Sau trận đánh, Việt Nam Cộng hòa điều tra ráo riết, cho người đến bắn phá căn nhà vì cho rằng đây là nơi trú ngụ của lực lượng Biệt động. Cánh cửa sắt của căn nhà bị bắn xiêu vẹo, loang lổ hàng trăm vết đạn - đến hôm nay dấu vết ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng chúng không biết có hầm vũ khí bên dưới. Căn hầm tạm ngưng sứ mệnh, nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: Nơi tiếp sức cho một trong những chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nơi kể chuyện bằng ký ức

Sau ngày thống nhất gia đình ông Lai có cơ hội quay lại và phục hồi nguyên trạng ngôi nhà. Anh Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng lưc lượng vũ trang Trần Văn Lai đã bền bỉ cất công tìm kiếm, và gặp các nhân chứng Biệt động. Hơn chục năm tìm kiếm, hiện anh Bình đã sưu tầm hơn 1.000 tư liệu, hiện vật về lực lượng Biệt động; phục dựng 2 căn nhà 287/68 và 287/70 với 2 hầm nổi, hộp thư bí mật và sưu tầm nhiều hiện vật xưa để làm sống dậy căn nhà.

Ngày 22/4/1984, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận nhà 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp) là Di tích cách mạng.
Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ra quyết định công nhận “Hầm chứa vũ khí tại 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp)” là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2016, anh Trần Vũ Bình quyết định phục dựng lại căn hầm đúng như nguyên mẫu, từ nắp hầm, thang sắt cho đến từng khẩu súng, băng đạn. Anh Bình cho biết: “Cha tôi không bao giờ muốn được ca ngợi, nhưng tôi muốn thế hệ sau biết rằng tự do không phải điều tự nhiên mà có - nó được đánh đổi bằng máu và lòng quả cảm”.

Anh đã lặn lội tìm gặp cựu chiến binh, xin lại các hiện vật, khôi phục kiến trúc hầm, mở cửa đón khách tham quan để câu chuyện về những chiến sĩ Biệt động đến gần hơn với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi ngày, anh vẫn tự tay lau súng, dẫn khách xuống hầm, kể lại từng câu chuyện với tình thần nhiệt huyết, xúc động của một người con chiến sĩ Biệt động.

"Tôi nhớ cảm giác lần đầu tiên được xuống lại căn hầm sau bao năm. Vẫn cái mùi đất cũ, cái thang sắt rỉ, nhưng tất cả như sống dậy trong tôi cả tuổi thơ phải sống “ẩn mình”, chơi đùa ngay trên kho vũ khí," anh Bình chia sẻ.

Giữa lòng thành phố hiện đại, du khách đến 287/70 Nguyễn Đình Chiểu được trải nghiệm cảm giác đi vào một "mật khu đô thị". Họ cúi người bước xuống căn hầm nhỏ, nhìn tận mắt súng AK, B40, B41, lựu đạn, mìn,... được bảo quản nguyên vẹn. Họ nghe kể về bà Thiệp - người vợ cả đời không một lần được vinh danh nhưng là trái tim của căn nhà lửa.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, lịch sử vẫn sống trong căn nhà nhỏ ấy, nơi đã trở thành một "địa chỉ đỏ" - điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về ký ức chiến tranh và lòng yêu nước. Các tổ chức Đoàn, Hội, học sinh sinh viên, khách quốc tế đến đây không chỉ để tham quan, mà còn để lắng nghe, để cảm nhận và để thắp lên trong tim mình ngọn lửa tự hào.

“Tôi không thể tin được một nơi nhỏ bé như vậy lại từng là nơi che giấu vũ khí, lên kế hoạch tấn công. Mọi thứ giống như một bộ phim điệp viên vậy.

--Lakas, du khách Philippines--

Nhiều du khách trong và ngoài nước khi bước vào đều không giấu nổi sự bất ngờ và kính phục. “Tôi không thể tin được một nơi nhỏ bé như vậy lại từng là cất giấu tới hơn 2 tấn vũ khí, lên kế hoạch tấn công. Mọi thứ giống như một bộ phim điệp viên vậy”, anh Lakas, du khách đến từ Philippines chia sẻ.

Khu vực trưng bày ảnh tư liệu giới thiệu quá trình xây dựng hầm và vận chuyển vũ khí. (Ảnh: TTXVN)

Căn hầm có chiều dài 8m, chiều rộng 2m, chiều sâu 2,5m là căn hầm chứa nhiều vũ khí nhất của lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: TTXVN)

Căn hầm từng là kho chứa hơn 2 tấn vũ khí bao gồm thuốc nổ, mìn, lựu đạn, súng AK, B40,...

Du khách nước ngoài đến thăm quan và trải nghiệm tại Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)


Các loại vũ khí, bom đạn lực lượng Bệt động từng sử dụng trong suốt 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.

Anh Trần Vũ Bình đã phục dựng 2 căn nhà 287/68 và 287/70 Nguyễn Đình Chiểu với 2 hầm nổi, hộp thư bí mật và sưu tầm nhiều hiện vật xưa của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Những vết đạn thủng chi chít trên cánh cửa sắt, căn hầm chật hẹp từng chứa cả tấn vũ khí vẫn còn đó và ánh mắt của anh Trần Vũ Bình - người ngày ngày gìn giữ ký ức cha mẹ mình - luôn hừng hực, sáng ngời tinh thần Biệt động. Căn hầm 287/70 Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một di tích - đó là biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm, của tinh thần Biệt động Sài Gòn và sự hy sinh thầm lặng của những người lính “không mang quân hàm”. Và từ sâu trong lòng đất năm xưa, ngọn lửa ấy vẫn cháy - soi rọi cho hôm nay và mãi về sau.

Xuất bản: 4/2025
Thực hiện: Nhóm phóng viên