Có lẽ cũng hiếm có một ngôi trường nào như Cấp 3 Vĩnh Linh (nay là THPT Vĩnh Linh, Quảng Trị), trải qua những năm tháng chiến tranh lửa đạn, phải xây dựng lại đến 4 lần, chia thành nhiều phân hiệu để vừa tránh bom đạn, vừa dạy và học tập, vừa lao động, chiến đấu. Đây cũng là ngôi trường hiếm hoi từ tuyến lửa được sơ tán toàn bộ ra miền bắc trong thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt từ Vĩ tuyến 17 trở ra. Đặc biệt khi sự sống treo đầu sợi tóc, thì công tác dạy và học của thầy trò nhà trường vẫn xuyên suốt…

Các thế hệ thầy và trò ở ngôi trường đặc biệt ấy hôm nay vẫn luôn tự hào về truyền thống của mình, giữ vững vị thế là trường trọng điểm chất lượng cao bậc trung học phổ thông trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị, xứng đáng với danh hiệu cao quý: đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Lãm, năm nay đã hơn 80 tuổi, có lẽ là nhân chứng lịch sử hiếm hoi mà chúng tôi may mắn có cơ duyên được gặp khi về thăm ngôi trường vào một sáng hè tháng 7/2024, khi ở thềm dấu mốc kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (1954-2024).

Vốn là học sinh của trường ngay từ những khóa đầu tiên, thầy tốt nghiệp cấp 3 Vĩnh Linh, đi học sư phạm và trở lại làm giáo viên dạy Ngữ văn của trường ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đúng như thầy nói, “cả cuộc đời gắn bó và yêu thương mái trường này”.

“Trường được xây dựng từ năm 1959, dạy và học được mấy năm, đến 1965 thì bị bom đánh sập. Sau một thời gian tản ra nhiều phân hiệu để tránh tổn thất, rồi sau đó cam go hơn, thầy trò phải xuống hầm. Một lớp học trong hầm cũng được 7-8 trò. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng chưa khi nào việc dạy và học bị gián đoạn”, thầy Lãm bồi hồi nhớ lại.

Giờ dạy ngữ văn của thầy giáo Lê Duy Minh trong những năm chiến tranh ác liệt.

Giờ dạy ngữ văn của thầy giáo Lê Duy Minh trong những năm chiến tranh ác liệt.

Câu chuyện của thầy Lãm như một suối ký ức tuôn trào, ngổn ngang nhiều cảm xúc khiến gương mặt già nua vì năm tháng của thầy ầng ậng nước mắt. Thời gian đó nhiều hôm học sinh phải học ban đêm, thầy trò dùng giấy bọc đèn dầu lại, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ soi trang vở. Học trong lán nửa chìm nửa nổi để tránh bom, nhưng thầy Lãm vẫn nhớ như in những đêm sinh hoạt hội diễn văn nghệ, hội khoa học của các bộ môn. Dù chiến tranh ác liệt, nhưng những sinh hoạt đó đã trở thành truyền thống của trường từ ngày mới thành lập.

“Không bao giờ quên được những năm học sinh sơ tán ra Tân Kỳ. Khi đó, tôi cũng là diện K8 đang đi học Sư phạm ở Thanh Hóa, học xong mới quay về Tân Kỳ làm giáo viên dạy Văn. Tôi chỉ nghe các thầy kể lại cuộc hành quân thầy trò ra Tân Kỳ khi ấy, trên đường ra bắc có nhiều đoạn đi bộ, gian nan vất vả và có 2 thầy đã trúng bom hy sinh”.

Câu lạc bộ Văn học dân gian do Tổ Văn tổ chức năm học 1969-1970. (Ảnh tư liệu)

Câu lạc bộ Văn học dân gian do Tổ Văn tổ chức năm học 1969-1970. (Ảnh tư liệu)

Sau đó là những năm tháng thầy trò tự cung, tự cấp, vừa xây dựng lán học tập, vừa lo chỗ ở và cái ăn cho học trò, trong vòng tay đùm bọc, yêu thương của người dân ở Tân Kỳ. Thật kỳ diệu khi chính những năm tháng đó lại ghi dấu kỷ lục có số học sinh đông nhất của trường. Khóa 1969-1972 có 35 lớp, ký hiệu lớp từ A kéo dài tới tận Q và có 2 lớp đặc biệt, chuyên Toán và chuyên Văn. Các em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, phải tự lên rừng chặt cây dựng lán, đào củ mài, rồi tự tay trồng sắn, trồng rau. Tuổi đang dậy thì biến đổi tâm sinh lý cộng với việc xa gia đình, xa người thân, trong bối cảnh tin tức từ quê nhà đang bom đạn đôi khi phải nhận nhiều sự mất mát, buồn đau, nên người thầy vừa phải làm thầy vừa phải làm cha, làm mẹ.

Nhớ lại những năm tháng thiếu thốn cam go này, thầy Lãm không kìm nổi nước mắt. “Nghĩ lại tôi thương các em lắm, những cô cậu học trò nhỏ bé của tôi. Thế nhưng chính các em cũng khiến cho chúng tôi nhiều bài học về sự trưởng thành. Sau này chúng tôi vẫn hay gọi các em học sinh khóa 1969-1972 này là “thế hệ vàng”, “thế hệ kim cương”. Bởi vì đó là những thế hệ học sinh không chỉ có tri thức như thế hệ trước, mà còn được trui rèn trong hoàn cảnh chiến tranh nghiệt ngã nhất, nên các em như vượt hẳn lên”.

Hội đồng sư phạm trường năm học 1963-1964.

Hội đồng sư phạm trường năm học 1963-1964.

Hiện trong nhà truyền thống của trường vẫn còn lưu giữ bức thư tình nguyện vào nam nhập ngũ chiến đấu của các em ký bằng máu. Tiểu đoàn K8 gồm 180 em học sinh tình nguyện nhập ngũ, nhiều em đã anh dũng hy sinh. Những em may mắn trở về sau này đều là một lứa học sinh thành đạt, nay nhiều em giữ trọng trách trong 1 số cơ quan, tổ chức…”.

Thầy Lãm kể, trong danh sách các em ký đơn bằng máu tình nguyện vào nam chiến đấu, có một số em thuộc diện không được đi (vì con một, hoặc gia đình đã hy sinh hết), nhưng các em vẫn quyết tâm ra chiến trường. Biết chuyện cấp trên phân tích, khuyên ngăn đủ điều để bảo toàn mạng sống cho các em cũng không được. Không lâu sau đó, nhà trường nhận được tin các em đã ngã xuống trên chiến trường. Máu đào của các em đã nhuốm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống anh dũng của Trường cấp 3 Vĩnh Linh.

“Đó là những ký ức đau thương mà cũng rất đáng tự hào”, thầy Lãm nghẹ ngào.

Thuộc thế hệ học sinh sau này, khi đất nước đã hoàn toàn đổi mới và quê hương Vĩnh Linh đã phát triển trong hòa bình, tốt nghiệp trường THPT Vĩnh Linh năm 1994 và cũng là một sinh viên giỏi ngành ngôn ngữ Anh ở bậc Đại học, như một cơ duyên, thầy Nguyễn Hữu Thái lại quay trở về làm Hiệu trưởng nhà trường. Lịch sử ngôi trường mang tên mảnh đất Vĩnh Linh kiên cường, bất khuất được thầy thuộc nằm lòng.

Thầy Thái kể: Ngày 15/9/1959, Trường cấp 2-3 Vĩnh Linh được thành lập theo Quyết định số 919/QĐUB của Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh, với nhiệm vụ “tiếp nhận học sinh Vĩnh Linh và học sinh miền nam tập kết, đào tạo đội ngũ cán bộ tương lai - hạt giống đỏ của Đảng cho địa phương và các tỉnh phía nam”.

Lúc mới thành lập, mái trường non trẻ chỉ là một dãy nhà hai tầng vừa làm phòng học, khu hiệu bộ, phòng thí nghiệm vừa là khu tập thể của cán bộ giáo viên; tọa lạc trên đồi Lèo Heo của thị trấn Hồ Xá. Hội đồng sư phạm của trường khi ấy chỉ có 14 giáo viên đảm nhận giảng dạy 2 lớp với 83 học sinh.

Những người thầy đầu tiên như: thầy Đặng Khắc Nhân, thầy Lê Duy Minh, thầy Hoàng Trọng Điều, thầy Nguyễn Đề, thầy Hoàng Lê Sơn, thầy Trần Văn Trà đã khai sơn phá thạch, đặt nền móng cho sự phát triển của trường. Khẩu hiệu “Gióng trống Bắc Lí, nổi sóng Hiền Lương, nỗ lực phi thường xây trường hai tốt” biến thành ý chí, hành động cách mạng của cả thầy và trò nơi đây.

Và, như sức vươn Phù Đổng, chỉ một năm sau, năm học 1961-1962, trường đã có đủ 3 khối lớp, quy tụ đông đảo học sinh của Vĩnh Linh và các huyện, thị miền nam. Nhiều thầy cô giáo đã tình nguyện về công tác ở trường bằng tất cả tâm huyết, gắn bó với mảnh đất giới tuyến, tất cả vì đàn em thân yêu.

Cuộc sống hòa bình kéo dài không được bao lâu thì đất nước phải chịu âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ đầu năm 1964, đế quốc Mỹ và chế độ chính quyền miền nam cũ bắt đầu leo thang bắn phá miền bắc và ngày thêm ác liệt. Trường cấp 3 Vĩnh Linh đã trở thành mục tiêu hủy diệt trước tiên ở mảnh đất tuyến lửa.

“Các thế hệ thầy và trò không thể nào quên thời khắc 15 giờ ngày 8/2/1965, quân đội Mỹ đã dội bom xuống Trường cấp 3 Vĩnh Linh, ngôi trường 2 tầng khang trang bị hủy diệt hoàn toàn. Thầy giáo Lê Duy Minh và 7 học sinh đã hy sinh trong loạt bom đầu tiên”, thầy Nguyễn Hữu Thái xúc động.

Hình ảnh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sau trận oanh tạc của kẻ thù ngày 8/2/1965. (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh Trường cấp 3 Vĩnh Linh sau trận oanh tạc của kẻ thù ngày 8/2/1965. (Ảnh tư liệu)

Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày một ác liệt. Để bảo toàn tính mạng cho giáo viên và các em học sinh, trường tổ chức dựng lán, đào hầm sơ tán về 5 xã: Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lâm, Vĩnh Tân và chia thành 3 phân hiệu, tổ chức hoạt động dạy và học dưới hầm sâu do thầy giáo hiệu phó Trần Đình Kham phụ trách.

Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, đội ngũ thầy cô giáo đã quyết tâm bám trường, giữ lớp, duy trì việc dạy - học dưới làn mưa bom bão đạn khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh.

Đó cũng là một cuộc chiến đấu thực sự khi những người thầy cũng là chiến sĩ, sẵn sàng cầm súng để chống trả quân thù; học sinh đi học không chỉ học chữ mà còn học cách tránh luồng đạn địch, biết băng bó, sơ cứu vết thương và cao hơn là học cách làm người nơi tuyến lửa. Mùa hè năm 1967, một lần nữa, các cơ sở của trường lại bị đánh phá tan tác, việc học dưới hầm hào cũng không còn được an toàn nữa.

Chiến tranh tiếp tục gieo bao đau thương xuống mảnh đất Vĩnh Linh nhưng không thể nào dập tắt được ánh sáng văn hóa, ngọn lửa tri thức. Trong bối cảnh đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, đưa ra bắc những lực lượng không trực tiếp tham gia chiến đấu để tránh mất mát, hy sinh, cùng các cơ sở giáo dục khác ở Vĩnh Linh, Trường cấp 3 Vĩnh Linh được lệnh sơ tán ra tỉnh bạn Nghệ An.

Tạm xa quê hương, ngày 22/8/1967, thầy và trò nhà trường đã tiến hành “cuộc hành quân lịch sử” kéo dài ròng rã hơn 3 tháng, vượt quãng đường dài hơn 400km để tiếp tục nhiệm vụ dạy và học. Và một lần nữa, máu của thầy và trò đã đổ xuống, nhiều giáo viên và học sinh đã anh dũng hy sinh khi trên đường đi tiền trạm dẫn đường cho cuộc thiên di lịch sử đó.

Lao động xây dựng trường lớp tại Tân Kỳ, Nghệ An (1967-1968). (Ảnh tư liệu)

Lao động xây dựng trường lớp tại Tân Kỳ, Nghệ An (1967-1968). (Ảnh tư liệu)

Sau những ngày trèo đèo lội suối, chịu đựng gian khổ, hy sinh, ngày 20/11/1967, trường tập kết an toàn tại các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và Hương Sơn của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất Tân Kỳ khi ấy dẫu còn bao khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây đã giang rộng vòng tay đón nhận những “hạt giống đỏ” của quê hương Vĩnh Linh. Vậy là thầy trò trường cấp 3 Vĩnh Ling đã có thể “yên tâm” dạy và học ở đó suốt những năm tháng quê nhà bị bắn phá, cho đến năm 1973 khi hòa bình lập lại trên mảnh đất Quảng Trị, thầy trò mới “khăn gói quay về”, tiếp tục bắt tay xây dựng lại ngôi trường trên mảnh đất quê hương sau những năm tháng đằng đẵng đạn bom và ly tán.

Như vậy, trong lịch sử của Trường cấp 3 Vĩnh Linh, có tới 4 lần các thầy cô giáo và học sinh phải xây lại trường tự đống đổ nát.

Những ngày đầu trên quê hương Xô Viết, trường gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia của chính quyền và nhân dân địa phương, từ bó tre, liếp tranh dựng trường, dựng lớp đến từng quyển sách giáo khoa, tập giấy viết, ngòi bút…, trường đã sớm ổn định nơi ăn, chốn ở để bắt đầu tổ chức dạy và học.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua song những ký ức, kỷ niệm về tháng ngày dạy-học xa nhà trên đất Tân Kỳ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí thầy Nguyễn Thanh Lãm.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Lãm xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những kỷ niệm một thời gắn bó với Trường Cấp 3 Vĩnh Linh. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thầy giáo Nguyễn Thanh Lãm xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những kỷ niệm một thời gắn bó với Trường Cấp 3 Vĩnh Linh. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Ngày đầu trường được bố trí lán trại ở khu rừng Lim. Năm học đầu tiên chính thức được khai giảng vào ngày 1/12/1967, đánh dấu một thời kỳ mới của trường trên quê hương Xô Viết nghĩa tình, ấm áp. Đến năm 1968 trường có 3 phân hiệu, ở cách nhau 1-2km để bảo đảm an toàn và thuận tiện. Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm dạy học, giáo án hầu như không có, dạy bằng trí nhớ và sự sáng tạo thôi. Chẳng hạn có khi tiết dạy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tôi đọc giọng văn tế luôn làm các em cười ngặt nghẽo. Lạ là những năm dạy và học trong điều kiện thiếu thốn như vậy, nhưng vẫn luôn có các hội diễn văn nghệ, rồi câu lạc bộ khoa học, thể thao, thi đấu các môn sôi nổi”. Thầy Lãm nhớ như in các hoạt động thời kỳ đó.

Những năm dạy và học trong điều kiện thiếu thốn như vậy, nhưng vẫn luôn có các hội diễn văn nghệ, rồi câu lạc bộ khoa học, thể thao, thi đấu các môn sôi nổi.

Câu lạc bộ Văn học dân gian do Tổ Văn tổ chức năm học 1969-1970. (Ảnh tư liệu)

Câu lạc bộ Văn học dân gian do Tổ Văn tổ chức năm học 1969-1970. (Ảnh tư liệu)

Theo trí nhớ của thầy Lãm, ngay thời kỳ đầu ở Vĩnh Linh, trường đã được đón đoàn cán bộ giáo dục của Đại học Leipzig (CHLB Đức) tới thăm. Và khi sơ tán ra Tân Kỳ, trường lại được đón đoàn đại biểu của Nhật Bản, vào năm 1971. Khi đó các thầy họp cả đêm để bàn phương án làm nhà vệ sinh, bởi khách quý đến không thể để họ “ra rừng” giống như thầy trò được. Thế rồi sau nhiều phương án, thầy trò quyết định đào đất xây nhà vệ sinh “dã chiến”… Đó là những năm tháng không thể nào quên, khó khăn gian khổ nhưng cũng tràn đầy tinh thần lạc quan.

6 năm trên quê hương Xô Viết, những hạt giống đỏ của Vĩnh Linh được gieo trồng, chăm sóc để vững chãi vươn mình trong bão táp cách mạng. Xuất hiện nhiều tấm gương học giỏi, phấn đấu tốt như: Lê Hữu Phúc, Lê Mạnh Thạnh, Trần Duy Tạo, Trần Trung Dũng, Lê Văn Thọ, Trần Văn Dương, Trần Văn Thiên... Năm 1971, 34 học sinh của nhà trường đã gia nhập lực lượng Công an vũ trang bảo vệ đầu cầu giới tuyến.

Tiễn học sinh lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Tiễn học sinh lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Kết thúc năm học 1972-1973, trường được trở lại quê hương với tên gọi Trường cấp 3A Vĩnh Linh. Thầy Lãm nhớ lại, cuối năm 1972, thầy được điều về quê trước để bắt tay xây dựng trường, và sau đó quay lại đón các em học sinh. Trường mới xây sau hòa bình ở thị trấn Hồ Xá, cũng do các em đóng góp tranh tre mà dựng lên, sau đó vẫn phải làm thêm phân hiệu để bảo đảm an toàn.

Mặc dù trải qua các tên gọi khác nhau như: Trường PTTH số 1 Bến Hải, Trường PTTH Vĩnh Linh và Trường THPT Vĩnh Linh ngày nay vẫn giữ vững và phát huy truyền thống quý báu thi đua dạy tốt, học tốt.

Với những thành tích đạt được trong 64 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Vĩnh Linh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, năm 1962; Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1967; Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 1998; Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2000, Trường đạt chuẩn quốc gia bậc THPT giai đoạn 2001-2010, 2016-2021; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014; hơn 70 Cờ thưởng các loại và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Cũng tại mái trường này, đã có 8 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú, 5 thầy giáo được truy tặng liệt sĩ, hàng chục thầy cô giáo và cán bộ công chức của trường cũng đã nhận được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân, Huy chương kháng chiến, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Công đoàn, Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ…

Những danh hiệu, bằng khen, huân, huy chương của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của mái trường THPT Vĩnh Linh anh hùng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Những danh hiệu, bằng khen, huân, huy chương của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của mái trường THPT Vĩnh Linh anh hùng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Nhiều học sinh đã trở thành những tấm gương sáng trong học tập, trưởng thành và giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương: TS Lê Hữu Phúc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư; GS-TSKH Trần Đức Vân, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam; Nguyễn Đức Cường, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị…

Những phần thưởng cao quý, những tấm gương sáng trong học tập và sự thành đạt của các thế hệ học sinh là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển nhà trường, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của một mái trường THPT anh hùng.

Thầy Nguyễn Hữu Thái, Hiệu trưởng nhà trường, trao thưởng học sinh đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa và đạt huy chương Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2023-2024.

Thầy Nguyễn Hữu Thái, Hiệu trưởng nhà trường, trao thưởng học sinh đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa và đạt huy chương Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2023-2024.

Trường THPT Vĩnh Linh đang bước vào giai đoạn mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế đòi hỏi thầy và trò nhà trường phải thực sự đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, đổi mới sáng tạo; vượt lên những khó khăn thách thức, không bằng lòng với hiện tại, quyết tâm chiếm lĩnh tầm cao mới của tri thức nhân loại.

Chia sẻ về những cách làm riêng của trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái cho biết, để xây dựng quy chế dân chủ cơ sở gắn với trường học hạnh phúc, Bam Giám hiệu nhà trường tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp với học sinh đầu khóa và cuối khóa định kỳ hàng năm.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đây là diễn đàn để các em có thể thẳng thắn trao đổi, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong học tập, cũng như về vấn đề giảng dạy của thầy cô, dạy thêm học thêm, công tác Đoàn… Từ đó, nhà trường nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em để có giải pháp khắc phục phù hợp.

“Mô hình này hiện nay đang được triển khai khá thành công, nhận được những phản hồi tích cực từ các em học sinh. Hầu hết các thắc mắc của các em cơ bản đều được giải quyết thỏa đáng”, thầy Nguyễn Hữu Thái nói.

Trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2023-2024, trường xếp thứ Nhì toàn đoàn khi có tới 70 học sinh đạt giải trên tổng số 85 em dự thi, trong đó có 8 giải Nhất. Đặc biệt, ở môn Tiếng Anh, trường chiếm 3 trong tổng số 4 giải Nhất của toàn tỉnh.

Một điểm sáng tạo khác của Trường THPT Vĩnh Linh là không khoán chỉ tiêu thi học sinh giỏi các cấp, mà chỉ đặt ra cơ chế giải thưởng cho cả học sinh đạt giải và giáo viên bồi dưỡng, nhờ vậy đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn trường.

Với những cách làm hiệu quả, 2 năm vừa qua, trường đã gặt hái được kết quả rất đáng ghi nhận. Trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2023-2024, trường xếp thứ Nhì toàn đoàn khi có tới 70 học sinh đạt giải trên tổng số 85 em dự thi, trong đó có 8 giải Nhất. Đặc biệt, ở môn Tiếng Anh, trường chiếm 3 trong tổng số 4 giải Nhất của toàn tỉnh.

Nhiều ý tưởng, phương pháp mới, cách làm hay tiếp tục được tập thể giáo viên trường triển khai, hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều ý tưởng, phương pháp mới, cách làm hay tiếp tục được tập thể giáo viên trường triển khai, hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học.

Để truyền cảm hứng, tăng sự thích thú của học sinh trong học tập, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế ở các nơi. Việc giáo dục học sinh đã vượt ra ngoài phạm vi bốn bức tường của lớp học. Có những tiết học không cần phải ở trong phòng học mà có thể ra ngoài sân trường. “Chẳng hạn hôm nay có tiết học về loại hình nghệ thuật, em nào có sáo mang sáo, có đàn đem đàn và được tự do thể hiện tài năng của mình. Các thầy cô cũng có thể giao lưu với các học trò, từ đó tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các em trong học tập”, thầy Nguyễn Hữu Thái chia sẻ.

Chẳng hạn hôm nay có tiết học về loại hình nghệ thuật, em nào có sáo mang sáo, có đàn đem đàn và được tự do thể hiện tài năng của mình. Các thầy cô cũng có thể giao lưu với các học trò, từ đó tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các em trong học tập.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái

Cùng với việc mời các cựu học sinh về giao lưu, trao đổi, Ban Giám hiệu nhà trường cũng kết nối, mời giảng viên các trường đại học như Đại học Việt-Hàn, Đại học FPT, Đại học Sư phạm Huế đến chia sẻ với các em học sinh về một số đề tài như định hướng nghề nghiệp 4.0, làm thế nào kiềm chế cảm xúc bản thân… Đồng thời, kết nối các trung tâm ngoại ngữ trong huyện và tỉnh, mời các giáo viên người nước ngoài giao lưu với Câu lạc bộ Tiếng Anh của trường.

Đặc biệt, từ năm học 2023-2024, trường yêu cầu tất cả các giáo viên và học sinh phải đăng ký tâp luyện và chơi một môn thể thao, coi đây là một nội dung để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, qua đó giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, công tác giáo dục truyền thống được nhà trường hết sức chú trọng, nhất là với một ngôi trường có bề dày lịch sử như THPT Vĩnh Linh. Theo đó, cứ vào đầu năm học, các lứa học sinh mới đều phải học truyền thống của nhà trường trong một tuần đầu, là tuần sinh hoạt chính trị. Các em được tham quan Phòng Truyền thống để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường nơi các em đang theo học, từ đó gây dựng cho các em niềm tự hào, hun đúc niềm tin, ý chí khi được vinh dự học tập và rèn luyện dưới mái trường Vĩnh Linh.

Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, hằng năm, nhà trường tự nguyện chăm sóc hơn 5.000 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Vào dịp Tết, 27/7 hay 30/4, trường cử một khối học sinh đến quét dọn, thay hoa, thay hương, chăm sóc tại đó. Các em cũng được giao phần việc thanh niên chăm sóc các địa chỉ đỏ như nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên, nơi có một số bia công tích…, đồng thời được đi trải nghiệm, tham quan một số di tích lịch sử trên địa bàn huyện để biết thêm về truyền thống của mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng.

““Giáo dục truyền thống rất quan trọng, nếu không biết thì rất có lỗi với các thế hệ cha anh đi trước. Nhà trường luôn coi trọng và coi đây là một nội dung bắt buộc…

Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, giữ vững vị thế là trường trọng điểm chất lượng cao bậc trung học phổ thông trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị; xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh; xứng đáng là mái trường Anh hùng trên quê hương lũy thép”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thái khẳng định

Trong căn phòng truyền thống rất đặc biệt của Trường THPT Vĩnh Linh ngày nay, nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều ảnh, tư liệu mà thầy Nguyễn Thanh Lãm chính là người đã dày công sưu tập, thầy giáo già vô cùng xúc động hát bài truyền thống của trường trong sự rưng rưng cảm động của thầy Hiệu trưởng hôm nay. Khát vọng hòa bình cũng như ngọn lửa tri thức, trong mỗi người thầy, chính là ánh sáng không bao giờ tắt và mang những bài học quý cho sự nghiệp trồng người xuyên suốt những năm tháng chiến tranh, soi rọi cả những con đường của giáo dục hôm nay…

Những câu hát của thầy Nguyễn Thanh Lãm như lời nhắn nhủ, truyền cảm hứng tới các thế hệ giáo viên, học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh, để tiếp tục cùng nhau xây dựng và phát huy truyền thống vẻ vang của mái trường thân yêu.

Những câu hát của thầy Nguyễn Thanh Lãm như lời nhắn nhủ, truyền cảm hứng tới các thế hệ giáo viên, học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh, để tiếp tục cùng nhau xây dựng và phát huy truyền thống vẻ vang của mái trường thân yêu.

Ngày xuất bản: 8/8/2024
Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: MINH NHẬT - LÂM QUANG HUY - VĂN TOẢN
Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trình bày: PHƯƠNG NAM