Ảnh chụp từ bức Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ảnh chụp từ bức Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cách đây 70 năm, rạng sáng 7/3/1954, với sự đùm bọc của nhân dân xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy (nay là phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), các chiến sĩ quả cảm của Tỉnh đội Kiến An đã tập kích sân bay Cát Bi - căn cứ không quân lớn nhất Ðông Dương của thực dân Pháp khi đó và chiến thắng “Cát Bi rực lửa” đã góp sức cùng quân và dân ta giành chiến thắng lừng lẫy trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ "chấn động địa cầu".

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng Phạm Xuân Thanh cho hay, nằm ở phía đông nam Hải Phòng, sân bay Cát Bi khi đó là căn cứ không quân lớn nhất của thực dân Pháp tại Đông Dương. Với vị trí quan trọng giáp sông và biển, thực dân Pháp đã xây dựng và biến nơi đây thành một cứ điểm quan trọng, là khu vực tập kết vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, cầu hàng không lớn trực tiếp chi viện cho chiến trường bắc bộ, Lào và nhất là phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Để bảo vệ sân bay, thực dân Pháp dồn dân, lập vành đai trắng, xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, gồm 77 lô cốt, tháp canh rải khắp sân bay, sáu, bảy lớp hàng rào dây thép gai xen lẫn bãi mìn đủ loại. Chúng còn bố phòng 13 cụm phòng không bằng vũ khí trọng liên và đặt năm đồn bốt kiên cố chốt dọc tuyến đường 14 (Hải Phòng - Đồ Sơn).

Với vị trí quan trọng giáp sông và biển, thực dân Pháp đã xây dựng và biến nơi đây thành một cứ điểm quan trọng.

Cùng với việc thường xuyên duy trì hoạt động lùng sục, đánh hơi của một đại đội thám báo do viên tướng Pháp chỉ huy, vào thời kỳ cao điểm, thực dân Pháp sử dụng tới bảy tiểu đoàn Âu Phi, Lê Dương và ngụy quân canh phòng bảo vệ sân bay.

Hằng ngày, địch tổ chức canh giữ, tuần tiễu rất nghiêm ngặt khắp trong lẫn ngoài sân bay. Cứ 30 phút một lần, các đội tuần tra bằng xe cơ giới mang theo chó săn lùng sục, kết hợp với hệ thống đèn pha chiếu sáng dày đặc để phòng ta xâm nhập. Với sự bố phòng cẩn mật, vững chắc lại thêm ba mặt bắc, đông và nam đều có biển và sông bao bọc, căn cứ Cát Bi được coi là nơi "bất khả xâm phạm".

Chiến trường “Cát Bi rực lửa” năm xưa nay đã trở thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Chiến trường “Cát Bi rực lửa” năm xưa nay đã trở thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Nhiều năm trước đây, Trung tướng Đặng Kinh từng kể lại, khi đó ông là Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Kiến An và được Bộ Tư lệnh khu Tả ngạn chỉ thị cho Tỉnh đội Kiến An mở một cuộc tập kích vào sân bay Cát Bi. Đánh vào sân bay Cát Bi sẽ chặn được tuyến không vận tiếp tế hàng hóa, vũ khí trang bị của Pháp-Mỹ cho thực dân Pháp qua cảng Hải Phòng để chi viện cho các chiến trường bắc bộ, Lào và tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau thời gian tìm hiểu địa hình, nắm bắt quy luật hoạt động của địch, xây dựng phương án tác chiến, tổ chức luyện tập theo phương án sử dụng một phân đội nhỏ tinh nhuệ bí mật luồn sâu vào trong sân bay, sau đó chia ra thành nhiều tổ đồng loạt tiến công phá hủy máy bay…

Từ tháng 7/1953, tổ trinh sát thuộc bộ đội địa phương tỉnh Kiến An đã bí mật vào xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy), nay là phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) để xây dựng cơ sở bí mật, đưa lực lượng trinh sát vào sân bay nắm tình hình địch.

Sau nhiều tháng trời bám trụ với sự lùng sục, truy quét gắt gao của địch, các chiến sĩ ta đã xây dựng được các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên và hàng chục lần trinh sát tiếp cận, nắm chắc từng hàng rào, kho tàng, bãi mìn, từng ngọn đèn pha, hoạt động của sở chỉ huy, vị trí đỗ và kích thước của từng loại máy bay cùng thói quen sinh hoạt của từng toán, từng ổ đèn pha và của từng tên trực gác…

18 giờ ngày 5/3/1954, đơn vị tập kích sân bay gồm 32 người xuất phát từ thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) đã bí mật vượt sông Văn Úc sang Tân Trào, Cổ Trai (huyện Kiến Thụy); qua sông Đa Độ sang Minh Tân, Tân Phong (Kiến Thụy).

Đến 4 giờ sáng ngày 6/3/1954, bộ đội ta tập kết tại các căn hầm bí mật trong xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thuỵ) và tối đó hành quân từ Hòa Nghĩa qua Quán He, đường 14, vượt sông Lạch Tray và tiếp cận sân bay Cát Bi.

Tổ quân báo nhanh chóng cắt hàng rào, tạo hai cửa mở và lúc 0 giờ 45 phút ngày 7/3/1954, các mũi tiến công đã tiếp cận từng mục tiêu và nhất loạt dũng cảm xông vào khu đỗ máy bay đặt bộc phá, giật nụ xòe phá hủy máy bay.

Ảnh tư liệu: Máy bay Pháp bị phá huỷ trong trận tập kích sân bay Cát Bi.

Ảnh tư liệu: Máy bay Pháp bị phá huỷ trong trận tập kích sân bay Cát Bi.

Hàng loạt tiếng nổ vang dền khiến cùng vùng chấn động, lửa cháy làm sáng rực bầu trời đêm. Càng về sau, tiếng nổ càng dữ dội, tung lên những cột lửa và cháy lan sang những mục tiêu bên cạnh, tạo thành một đường lửa dài theo đường băng máy bay đỗ.

Cuộc chiến đấu diễn ra trong vòng khoảng 15 phút, nhưng 59 máy bay địch đã bị phá hủy cùng nhiều binh lính, phương tiện, vũ khí hiện đại của thực dân Pháp tại sân bay bị nổ tung và cháy suốt 17 giờ liền....

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng Phạm Xuân Thanh khẳng định, trận đánh Cát Bi là chiến thắng lớn nhất về phá hủy máy bay địch trong kháng chiến chống Pháp và chiến thắng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, chiến thắng của quân, dân ta trên các chiến trường.

Chiến thắng Cát Bi đã phối hợp kịp thời, hiệu quả cao với chiến trường Ðiện Biên Phủ; góp phần làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Đồng thời, chiến thắng Cát Bi đã phối hợp kịp thời, hiệu quả cao với chiến trường Ðiện Biên Phủ; góp phần làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất và khiến cho thực dân Pháp gặp khó khăn trong tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm quan trọng này.

Chiến thắng Cát Bi được đánh giá là cuộc tiến công thể hiện được sức mạnh của chiến tranh nhân dân, dựa vào nhân dân để chiến thắng; thể hiện được sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, cách tổ chức thực hành chiến tranh du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân và là thực tế trong phát triển của lực lượng bộ đội đặc biệt tinh nhuệ trong Quân đội nhân dân Việt Nam…

Chiến thắng Cát Bi là một minh chứng khẳng định bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay danh hiệu "Ðoàn dũng sĩ Cát Bi"; Chính phủ đã tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng Nhất, một Huân chương Quân công hạng Hai, hai Huân chương Quân công hạng Ba và 28 Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất tặng cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh…

Đã 70 năm trôi qua, người dân Hải Phòng và cả nước luôn nhắc nhớ về một Cát Bi rực lửa năm ấy với niềm tự hào vô biên, gắn với tên tuổi của các vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam như các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Trung tướng Đặng Kinh-nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Mai Năng-nguyên Tư lệnh Quân chủng Đặc công…

Một Cát Bi hào hùng với những đóng góp to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa, nay đã trở thành Cảng hàng không quốc tế Cát Bi hiện đại.

Giờ đây, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã và đang trở thành cầu nối giao thông quan trọng giữa thành phố Cảng với các thành phố lớn trong nước và quốc tế; một “cửa mở” quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư văn hóa, du lịch, cũng như trong bảo đảm quốc phòng-an ninh của cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng…

Bài: NGÔ QUANG DŨNG

Ảnh tư liệu: (Nguồn: TTXVN)

Ảnh tư liệu: (Nguồn: TTXVN)