Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) không chỉ có khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn có những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người ta tin rằng, đây là loại thuốc quý, là báu vật của đồng bào Mông từ bao đời nay… Chính vì thế, anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã chọn Yên Bái làm nơi để gắn bó, và có những cách rất riêng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP 4 sao của mảnh đất Yên Bái.
Mảnh đất kết tụ tinh hoa trà Việt
Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1.400m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây là vùng đất nổi tiếng với những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt là cây chè trên 400 năm tuổi, được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.
Tục truyền, từ thuở chưa có sự sống, có một nàng tiên bay khắp thế gian gieo hạt sự sống, đến vùng núi cao này, hạt giống đã hết, chỉ còn vài hạt thuốc quý, nàng bèn rắc xuống. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành cây xanh tốt với tán cây rộng, lá xanh ngắt, còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Từ đó, người ta tin rằng giống chè này quý giá như một vị thuốc và là báu vật của người Mông ở Suối Giàng.
Kết tụ tinh hoa từ đất trời, chè cổ thụ Suối Giàng là một món quà thơm thảo quý giá mà thiên nhiên trao tặng cho Yên Bái. Tuy nhiên, giống như nhiều loại nông sản miền núi khác, chè Suối Giàng cũng từng phải đối diện với khó khăn đầu ra và giá trị không tương xứng.
Có niềm đam mê đặc biệt với những gốc trà cổ thụ, có sở thích thưởng thức trà và yêu mến thiên nhiên, cảnh sắc nơi vùng cao Yên Bái, sau 18 năm tu nghiệp về Marketing và kỹ thuật sản suất chế biến chè ở nhiều nước trên thế giới, năm 2017, Đào Đức Hiếu đã gác công việc làm giảng viên khoa Marketing trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Thời điểm đó, không ít người thắc mắc, tại sao Hiếu lại sẵn sàng từ bỏ một công việc mơ ước và chốn phồn hoa đô thị để lên vùng đất xa xôi, hẻo lánh và vô vàn khó khăn như Yên Bái.
“Hành trình vạn dặm bao giờ cũng bắt đầu từ một bước đi. Biết rằng hành trình này còn nhiều lắm những gian nan nhưng không đi thì sao đến”, anh Đào Đức Hiếu đã nhẹ nhàng chia sẻ hành trình gắn với các sản phẩm trà của mình như vậy.
Niềm đam mê với cây chè cổ thụ khiến câu chuyện của anh về cây chè dường như không bao giờ có hồi kết. Anh kể, người Nhật đã từng đánh giá rằng trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng có những tiêu chuẩn còn hơn cả Nhật Bản, nó còn đạt đến độ “hoàn toàn thiên nhiên” nhờ đặc tính của khí hậu, của thổ nhưỡng, vị trí và độ cao. Đây cũng chính là một lợi thế giúp sản phẩm vượt qua những đợt kiểm tra khắt khe nhất của các nước trên thế giới. Đấy là những thuận lợi đầu tiên của chè shan tuyết Suối Giàng khi phân phối và lan tỏa sản phẩm.
Đặc biệt, với thương hiệu chè Sugi Tea do Đào Đức Hiếu sáng lập, sản xuất chè Shan Tuyết không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ, quá trình chế biến bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất chè hữu cơ của Sugi Tea đã góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Điều này không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của chè, mà còn giúp người dân thu lợi từ du lịch trước mảnh đất được coi là cái nôi của cây chè cổ thụ.
“Hành trình vạn dặm bao giờ cũng bắt đầu từ một bước đi. Biết rằng hành trình này còn nhiều lắm những gian nan nhưng không đi thì sao đến”
--- Anh Đào Đức Hiếu---
Sản phẩm OCOP là sản phẩm tinh khiết và có câu chuyện đặc biệt phía sau
Anh Hiếu chia sẻ đầy tự hào: “Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái, “cực sạch” - do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã, “cực hiếm” - sản lượng ít, “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”.
Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây trà cổ thụ, nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Chè shan tuyết Suối Giàng được hái trên núi cao, lá trà khi hái có lớp lông mướt trắng ở đọt trà, sau khi sao khô thì lớp lông mao này vẫn bám chặt vào thành lá và tạo nên màu trắng như tuyết ở trên cánh trà và đặc biệt hơn khi pha loại trà này sẽ cho ra nước màu trắng và trong trẻo. Trà được hái chọn lọc từ búp chè 1 tôm và 1 lá non liền kề của cây chè cổ thụ có độ tuổi trên 300 năm tuổi tại Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái chính gốc, là chè rừng tự nhiên được người dân thuần hóa và thu hoạch.
“Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại chè và được gọi là chè “năm cực”: “cực khổ” - khi trồng và thu hái, “cực sạch” - do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã, “cực hiếm” - sản lượng ít, “cực ngon” - có hương thơm, vị đậm và “cực đắt”
Anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng
Để khai thác tối đa nét tinh hoa của sản phẩm, tháng 9/2019, anh Đào Đức Hiếu đã thiết kế, xây dựng Không gian văn hóa trà Suối Giàng với mong muốn phát triển giá trị của trà Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông. Lên Suối Giàng nơi được mệnh danh là “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” với thứ trà đặc biệt mang tên shan tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Không gian văn hóa được thiết kế đơn giản, theo đúng bản sắc văn hóa người Mông, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và thư thái. Từ bộ dụng cụ uống trà cho đến từng chén trà ở đây đều toát lên sự cầu toàn và trân trọng khách thưởng trà.
Có được sản phẩm rồi, anh Hiếu còn khéo léo muốn kể câu chuyện văn hoá ẩn sau những họa tiết của bao bì. Đó là lý do mỗi hộp trà Suối Giàng đều có một lá cờ đỏ sao vàng và một dòng chữ là “Teabrand in Vietnam”.
Đây là cách để chè Suối Giàng truyền tải được thông điệp của văn hóa, truyền tải thông điệp của những giá trị Việt không đơn thuần chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà ở đó còn có câu chuyện, tự hào quốc gia.
Thuận lợi là thế, song ngược lại, anh Hiệu cũng gặp rất nhiều các khó khăn. Trên đỉnh núi, điều kiện rất thiếu thốn, chúng tôi rất trăn trở về việc làm thế nào để áp dụng được công nghệ trong quá trình sản xuất, để không chỉ đơn thuần là ra được một sản phẩm tốt mà còn ra được một sản phẩm có yếu tố của công nghệ, khoa học, để hội nhập được với câu chuyện của thế giới. Thứ hai là phải đóng gói từ những nguyên liệu đạt chuẩn thế giới.
Tuy nhiên, “chính vì ngược gió nên cánh diều bay lên”, anh Đào Đức Hiếu đã liên kết chặt với người dân, cầm tay chỉ việc để người dân sản xuất ra các sản phẩm thực sự chất lượng.
Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị và tâm huyết của những người nặng lòng với chè, năm 2021, 4 sản phẩm của HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng gồm Đại lão Vương trà - Hoàng trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Hồng trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Bạch trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Diệp trà Suối Giàng đã vinh dự nhận chứng nhận OCOP 4 sao, là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng của những người làm chè trên đỉnh núi.
Hiện nay, sản phẩm đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới.Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã vinh dự được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao, có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… tức là đã có “giấy thông hành” đi ra được 26 nước trên thế giới. Xu hướng của thế giới là hữu cơ, là sản xuất xanh, tiêu chuẩn xanh nên sản phẩm chè Suối Giàng đã đáp ứng tốt các yêu cầu này.
Giáo dục tình yêu sản phẩm cho trẻ em
Đồng hành với câu chuyện đưa chè Việt vươn tầm thế giới, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn triển khai những lớp học miễn phí cho trẻ em để những câu chuyện về sản phẩm thấm dần vào những đứa trẻ vùng cao từ khi còn thơ bé. Từ đó, chè sẽ không đơn thuần chỉ là một sản phẩm để thương mại mà nó còn là câu chuyện của văn hóa. Trẻ em ở trên đỉnh núi được học về chè, hiểu về chè và biết được thế mạnh và văn hóa của vùng đất nơi mình sinh ra và trưởng thành.
“Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình”, anh Hiếu nói.
Cứ như vậy, câu chuyện được kéo dài từ chuyện búp chè, giờ có thêm cả du lịch. Nhiều người đến Suối Giàng để chiêm ngưỡng cây chè cổ thụ, để săn mây và thậm chí chữa lành. Bà con Suối Giàng vừa làm chè, vừa mở cửa đón du khách, ấy cũng là lúc sản phẩm được biết đến nhiều hơn. Bà con có thu nhập nên không còn phải rời bỏ mảnh đất họ sinh sống để đi làm việc khác. Họ có thể có sinh kế ở tại nơi họ sinh ra và lớn lên. Đây là những thứ anh Hiếu đang nỗ lực và khát vọng mỗi ngày.
Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình.
Chè shan tuyết Suối Giàng hiện nay ngoài kênh phân phối truyền thống đã tham gia các kênh như trải nghiệm khách hàng, thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, hay đưa vào khách sạn 5 sao, hệ thống sân bay… để thúc đẩy tiêu thụ.
Anh Đào Đức Hiếu nói, nhờ câu chuyện ẩn sau sản phẩm, đến nay, tỉnh Yên Bái rất quan tâm đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này. Hiện toàn bộ các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đều ủng hộ và sử dụng sản phẩm làm quà tặng đối ngoại. Như vậy tại tỉnh Yên Bái, kênh tiêu thụ đầu tiên đã được triển khai theo diện rộng.
Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở tỉnh Yên Bái mà sản phẩm còn được tiếp cận với các Bộ, ban, ngành, Chính phủ và được lựa chọn làm đồ uống trong nghi lễ tiệc trà quốc gia. Ở đó, sản phẩm không chỉ là bày trên kệ nữa mà nó được kể bằng câu chuyện văn hoá của một sản phẩm nông nghiệp là niềm tự hào của một vùng đất.
Tiếp đó thì hệ thống sân bay cũng là một trong những kênh tiêu thụ tốt của chè Suối Giàng. HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn đưa sản phẩm tham gia các hệ thống sàn thương mại điện tử quốc tế như là Alibaba.com và Amazon. Dù sản lượng tiêu thụ chưa được nhiều nhưng việc có mặt trên các sàn quốc tế uy tín này là cơ hội để quảng bá và đưa sản phẩm ra thế giới.
Từ một sản phẩm của một vùng đất nghèo, bằng chính chất lượng và giá trị, sản phẩm chè Suối Giàng đã tìm được hướng tiêu thụ tốt, không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông sinh sống mà còn mang câu chuyện về văn hóa núi rừng, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ngày xuất bản: 24/10/2024
Thực hiện: XUÂN BÁCH-HÀ ANH
Ảnh: HÀ ANH, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng
Trình bày: NGỌC BÍCH