
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã thay đổi cục diện của chiến trường
Cách đây 50 năm, Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4/3 đến 3/4/1975 đã chính thức mở đầu cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tiêu diệt và làm tan rã một lực lượng lớn quân địch, tạo bước ngoặt quyết định, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lựa chọn Tây Nguyên thể hiện tầm nhìn chiến lược của quân ta
PV: Nhắc tới quyết định chọn Tây Nguyên là địa điểm mở màn cho cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”. Xin Tiến sĩ phân tích rõ hơn về vị trí chiến lược của Tây Nguyên vào giai đoạn này?
TS Phạm Minh Thế: Nếu như quan sát trên bản đồ, chúng ta thấy rằng trên các góc cạnh như địa quân sự, địa chính trị, địa kinh tế, và địa văn hóa, Tây Nguyên là vùng đất địa chiến lược hết sức quan trọng của đất nước ta ở mọi thời điểm, đặc biệt là về an ninh quốc phòng.
Tây Nguyên là địa bàn tiếp giáp biên giới với lãnh thổ của Lào và Campuchia, bao gồm cả khu vực ngã ba Đông Dương, với địa hình cao, hiểm trở và phức tạp. Ở phía bắc của Tây Nguyên là tỉnh Kon Tum thì có nhiều núi cao, rừng rộng. Phía nam địa hình lại tương đối bằng phẳng, các cái dãy núi thấp dần tới cao nguyên Lâm Viên và Lâm Đồng. Ở phía đông thì nối các cái tỉnh đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ; và phía tây thì tiếp giáp với Đông Bắc Campuchia, phía Tây Bắc thì tiếp giáp với vùng Hạ Lào.
Như thế, chiếm được Tây Nguyên thì sẽ khống chế được cả Đông Dương. Bởi vì từ đây, có thể đưa quân sang Lào, sang Campuchia, ra miền bắc Việt Nam rồi đổ xuống một dải duyên hải miền trung của Việt Nam, hay là tiến xuống vùng Nam Bộ. Do đó, “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương” là nhận định đúng đắn và sắc bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặt khác, thời điểm cuối năm 1974, đầu năm 1975, Tây Nguyên là địa bàn Quân khu 2 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là nơi được coi là hậu phương của Quân khu 1 bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi của miền nam.
Đây là địa bàn tiền phương tiếp giáp với miền bắc và được coi là lá chắn cho Quân khu 3 và 4 của Việt Nam Cộng hòa. Nó che chở trực tiếp cho trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn. Như thế, vị trí chiến lược của Tây Nguyên là vô cùng quan trọng và chiếm được địa bàn này thì sẽ làm rung chuyển cả miền nam như nhận định của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (từ trái qua): Đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V, đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (từ trái qua): Đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V, đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
PV: Lựa chọn địa bàn Tây Nguyên làm bước mở màn đã là một bước đi sáng suốt, nhưng việc lập phương án tác chiến cho chiến dịch này cũng thể hiện sự kỳ công, thao lược không kém. Xin Tiến sĩ đánh giá về những nét nổi bật trong nghệ thuật quân sự của chiến dịch mở màn này?
TS Phạm Minh Thế: Trong quá trình tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược đối với Việt Nam và Đông Dương, người Pháp và người Mỹ đều nhận thức được vị trí “yết hầu” của khu vực Tây Nguyên. Họ xem Tây Nguyên là “nóc nhà của Đông Dương” nên đã bố trí một hệ thống các căn cứ, cứ điểm mạnh để nắm giữ được địa bàn chiến lược này.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức phòng ngự chiến lược ở Tây Nguyên nhằm án ngữ, ngăn chặn ta ở phía tây và tây bắc, làm lá chắn, bảo đảm an toàn cho các tỉnh miền trung và Đông Nam Bộ. Bởi nếu mất Tây Nguyên và toàn bộ Quân khu 2, thế chiến lược của địch sẽ bị chia cắt. Quân khu 1 bị cô lập và Quân khu 3 sẽ trực tiếp bị uy hiếp.
Vì thế, đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, lực lượng của địch đóng ở Tây Nguyên là tương đối đông. Bao gồm toàn bộ lực lượng của Sư đoàn bộ binh 23, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 150 máy bay thuộc Quân đoàn 2 Quân khu 2.
Tuy thế, cách bố trí lực lượng của địch là mạnh ở hai đầu, tức là mạnh ở khu vực phía bắc của Tây Nguyên nơi tiếp giáp với Quân khu 1 và khu vực tiếp giáp với Quân khu 3. Còn khu vực trung phần và phía nam Tây Nguyên được coi như hậu phương nên lực lượng mỏng hơn. Điều này đã tạo nên một “điểm yếu chí mạng” trong bố trí lực lượng của địch trên cả địa bàn Tây Nguyên.
Mặt khác, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tính toán rằng Quân Giải phóng sẽ tấn công vào bắc Tây Nguyên nên phần lớn lực lượng của Sư đoàn 23 và các Liên đoàn biệt động quân được bố trí tập trung ở vùng này để giữ lấy Pleiku và Kon Tum.
Đây chính là sơ hở lớn nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong bố trí lực lượng. Bởi Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, nhưng điểm yếu cốt tử là nhiều núi cao hiểm trở, hệ thống giao thông kém phát triển. Địch cơ động lực lượng chủ yếu dựa vào một số trục đường chính như đường 14, đường 19, đường 21 và đường 7. Khi các trục đường này bị chia cắt và khóa chặt thì Tây Nguyên bị cô lập và tách rời khỏi vùng đồng bằng Nam Trung Bộ và cả chiến trường miền nam. Duy nhất chỉ còn lại cầu nối đường không để địch có thể chi viện, ứng cứu.
Cách bố trí lực lượng của địch là mạnh ở hai đầu, tức là mạnh ở khu vực phía bắc của Tây Nguyên nơi tiếp giáp với Quân khu 1 và khu vực tiếp giáp với Quân khu 3
TS Phạm Minh Thế
PV: Chúng ta đã tận dụng sơ hở này của địch như thế nào trong Chiến dịch Tây Nguyên, thưa Tiến sĩ?
TS Phạm Minh Thế: Ở chiều ngược lại, ta lại hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện phát huy được sở trường triển khai thế trận vận động tấn công, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng của quân địch. Cách bố trí lực lượng mạnh hai đầu của địch đã tạo điều kiện cho Quân Giải phóng đánh đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột, mở mặt trận Tây Nguyên, bởi thành phố này nằm ở trung tâm của cao nguyên trung phần.
Ngoài ra, có thể thấy, lựa chọn hướng mở đầu tấn công vào Tây Nguyên rất thuận lợi cho ta để triển khai thế tiến công chiến lược. Để chọn Tây Nguyên, chúng ta cũng đã đưa ra rất nhiều hướng phân tích, luận giải. Hướng Nam Bộ (Quân khu 4) là “sân sau”, địch có nhiều cơ sở, tổ chức phòng ngự không vững chắc, thuận lợi cho ta phát triển chiến lược tiến công vào Sài Gòn, nhưng không thuận lợi để ta đưa binh khí kỹ thuật và lực lượng lớn vào tác chiến, khả năng chi viện khó khăn. Trên hướng Quân khu 1, địch tổ chức phòng ngự mạnh, hỏa lực không quân, pháo binh dày đặc và đường cơ động tốt. Khả năng ứng cứu và giải tỏa giữa các sư đoàn của Ngụy là rất dễ dàng. Đặc biệt là Quân khu 1 còn có một cảng biển để tàu chiến của địch có thể ứng cứu bất kỳ lúc nào.
Trong khi đó, hướng Tây Nguyên chủ yếu là rừng già, kín đáo, ta dễ triển khai binh khí kỹ thuật cho tác chiến hiệp đồng binh chủng hợp thành. Đây cũng là chiến trường chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong các lần đối đầu với địch ở cả cấp chiến dịch, chiến thuật và rất phù hợp với sở trường tác chiến của quân và dân ta. Hướng này, ta chuẩn bị lực lượng, thiết bị chiến trường khá chu đáo và vững chắc.
Tính tới đầu năm 1974, ở Tây Nguyên, khối chủ lực của ta chỉ có 2 sư đoàn bộ binh cùng một số đơn vị chiến đấu, bảo vệ chiến đấu. Nhưng tới giai đoạn cuối năm 1974, đầu năm 1975 đã tăng 5 sư đoàn bộ binh, 4 trung đoàn độc lập cùng các trung đoàn binh chủng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu.
Từ phân tích thế bố trí lực lượng địch, địa hình và thế trận ta tạo lập cho thấy, Tây Nguyên là hướng có đủ điều kiện thuận lợi nhất để triển khai thế trận tiến công chiến lược. Thực tế chứng minh, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ta đã tạo thế áp đảo ngay từ đầu, giáng cho địch đòn bất ngờ, choáng váng, tạo bàn đạp vững chắc cho các bước phát triển xuống các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông và Nam Bộ, nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở Vùng 2 chiến thuật, làm rung chuyển toàn bộ thế trận của địch trên toàn chiến trường, gây đột biến chiến tranh có lợi cho ta.
Và như thế, nghệ thuật chọn hướng mở đầu cho đòn tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975 là nét nghệ thuật độc đáo, tài tình, đầy sáng tạo, là bước phát triển cao của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

"Điểm huyệt" địch từ Buôn Ma Thuột – Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam
PV: Các nhà nghiên cứu về lịch sử và quân sự sau này tổng kết, nét đặc sắc nổi bật nhất trong chiến dịch Tây Nguyên chính là nghệ thuật nghi binh lừa địch, tạo thế ta – phá thế địch, điều khiển địch theo ý định của ta.
TS Phạm Minh Thế: Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều tác phẩm về đường lối chiến tranh. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy quân đội ta: Muốn giành được thắng lợi khi đối đầu với kẻ địch mạnh, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa lực-thế-thời-mưu. Những chỉ dạy của Người đã được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cũng như cá nhân các tướng lĩnh quán triệt rất sâu sắc, được thể hiện trong nhiều chiến dịch mà điển hình là chiến dịch Tây Nguyên cũng như các chiến dịch Trị Thiên - Huế, chiến dịch Nam Ngãi, chiến dịch Đà Nẵng và đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Riêng trong chiến dịch Tây Nguyên, như đã phân tích, dù được xem là địa bàn chiến lược trọng yếu nhưng cách bố trí lực lượng của họ lại tạo ra nhiều sơ hở. Trong khi đó, đây lại là địa bàn chiến lược, là vùng căn cứ địa của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, rất thuận lợi để ta tổ chức, triển khai binh khí kỹ thuật cho tác chiến hiệp đồng binh chủng hợp thành và đánh tiêu diệt lớn sinh lực của địch.
Đây cũng là chiến trường chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong các lần đối đầu với địch trước đó, ở cả cấp chiến dịch và chiến thuật và rất phù hợp với sở trường tác chiến của ta. Hướng này thì ta đã chuẩn bị lực lượng tương đối kỹ. Như thế là ta có cả thế, lực, thời cơ khi chọn Tây Nguyên làm địa bàn mở cuộc tấn công đầu tiên.
Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)
Khi quyết định lựa chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công đầu tiên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, rồi cá nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đều đã có những nhận định, đánh giá rất kỹ lưỡng về địa bàn này.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu vấn đề: Chúng ta phải “điểm huyệt” ở đâu và ông đã nói phải “điểm huyệt” ở Buôn Ma Thuột. Vì nếu “điểm huyệt” được Buôn Ma Thuột, toàn bộ miền nam sẽ rung chuyển, dẫn đến sự rút lui chiến lược ở Huế, Đà Nẵng và đó là thời cơ để chúng ta thần tốc, thần tốc và thần tốc giải phóng miền nam.
Nếu “điểm huyệt” được Buôn Ma Thuột, toàn bộ miền nam sẽ rung chuyển, dẫn đến sự rút lui chiến lược ở Huế, Đà Nẵng
Trong cuốn hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Trong buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan của một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột. Vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành”.
Bản thân Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong hồi ký của mình đã phân tích: “Thị xã Buôn Ma Thuột nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng của Tây Nguyên và cũng là nơi tập trung đầu sỏ phản động trong vùng. Về mặt quân sự, thị xã này có vị trí rất cơ động, đứng ngay ở ngã ba đường chiến lược 21 nối liền với Nha Trang và đường số 14, phía Bắc đi Cheo Reo - Pleiku, phía Nam đi Gia Nghĩa ở miền Đông Nam Bộ.
Do nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch nên quân chiếm đóng của chúng ở đây không phải đối mặt trực tiếp với quân ta như ở Kon Tum, việc bố phòng không chặt chẽ bằng Kon Tum. Đánh Buôn Mê Thuột, ta có khó khăn trong việc trinh sát, nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng. Mọi hoạt động chuẩn bị phải rất công phu và tuyệt đối bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh, thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác thì mới loại bỏ được khả năng địch tăng cường dự phòng.
Quyết tâm chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu là rất chính xác, là một đòn đánh hiểm nhằm vào chỗ sơ hở điểm yếu của địch. Nhưng để giành được thắng lợi, ta đã chọn phương án đánh nghi binh Pleiku để thu hút binh lực của địch ở đây, rồi sau đó ta mới đánh đòn quyết định điểm quyết định ở Buôn Ma Thuột”.
Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải) Ảnh tư liệu
Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải) Ảnh tư liệu
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cũng khẳng định: Muốn đánh Buôn Ma Thuột thắng nhanh phải nghi binh đánh Pleiku để Buôn Ma Thuột vẫn yếu như cũ. Và ta đã tổ chức nghi binh ở Pleiku đúng như là phương châm của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Kết quả của chiến dịch đã cho thấy, những nhận định, toan tính của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và cá nhân Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là đúng đắn. Quân và dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn, tạo điều kiện để Bộ Chính trị đưa ra quyết tâm mở các chiến dịch tiếp theo như Trị Thiên - Huế, chiến dịch Nam Ngãi, chiến dịch Đà Nẵng và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã thực hiện đúng như những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn thắng kẻ địch mạnh phải dùng mưu kế, muốn vận dụng được lực-thế-thời có kết quả phải dụng mưu, phải “dụ địch vào bẫy mà đánh”, phải “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, náo phía Đông, đánh phía Tây” và mưu lược phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chiến dịch Tây Nguyên đã thể hiện được rõ kế sách, sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Quân và dân ta đã kết hợp được cả thế-thời-lực và mưu trong chiến dịch này để toàn thắng và tạo ra thời cơ để phát động ngay cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền nam mùa xuân năm 1975.





Nói thêm về nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên, Đại tá PGS, TS Hoàng Xuân Nhiên (Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng) khẳng định: Để lập thế ta - phá thế địch, lừa địch và điều khiển địch theo ý định của ta, tạo thuận lợi cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, Bộ Tổng tư lệnh cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tăng cường, củng cố thế bố trí trên hai địa bàn chiến lược quan trọng của địch là Huế - Đà Nẵng và đông bắc Sài Gòn, buộc đối phương phải để Sư đoàn lính thủy đánh bộ giữ Sài Gòn (thủ đô của chính quyền Sài Gòn) và Sư đoàn dù giữ Đà Nẵng (nơi có khu liên hợp quân sự mạnh nhất của địch).
Cùng thời gian đó, Bộ Tổng tư lệnh còn chỉ đạo lực lượng vũ trang ta trên chiến trường Trị - Thiên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tích cực đánh địch, hình thành thế trận “rất lợi hại” nhằm phân tán địch, buộc địch phải cùng lúc căng lực lượng đối phó với chiến tranh nhân dân của ta trên nhiều vùng chiến thuật khác nhau và làm cho chúng càng khó phán đoán đâu là hướng chiến lược chủ yếu của ta, cũng như tổ chức, bố trí chủ lực của ta trong năm 1975 ra sao...
Như vậy, các hoạt động nghi binh chiến lược vừa góp phần đánh lừa phán đoán, nhận định của địch, vừa góp phần căng kéo, phân tán chủ lực địch ra hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến (Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn) để hở quãng giữa (miền Trung và Tây Nguyên), hạn chế tối đa lực lượng tổng trù bị chiến lược của địch đi ứng cứu cho lực lượng của chúng ở Tây Nguyên.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho trận mở đầu - trận then chốt quyết định tiến công vào Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo “phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía Bắc Tây Nguyên…"
Để giữ bí mật công tác chuẩn bị chiến dịch và cơ động lực lượng vào cài thế trên các hướng, một kế hoạch nghi binh tuyệt mật mang mật danh “Kế hoạch tác chiến B” đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch triển khai thống nhất, chặt chẽ, liên tục trên diện rộng, với nhiều lực lượng tham gia. Mục đích của kế hoạch này là: Tranh thủ tiêu hao, tiêu diệt một số sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch trên một số điểm trọng yếu; giam chân, thu hút, căng kéo chủ lực địch ở tại chỗ, không cho địch cơ động lực lượng về khu vực Đức Lập, Gia Nghĩa, Thuần Mẫn; luôn luôn làm cho địch hiểu lầm rằng ta triển khai đánh Kon Tum, cắt Đường 19 đông, uy hiếp Pleiku; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hướng Đức Lập, Gia Nghĩa, Thuần Mẫn triển khai các mặt chuẩn bị. Bộ Tư lệnh chiến dịch cử Tham mưu phó Hồng Sơn ở lại hậu cứ (tây Pleiku) trực tiếp điều hành kế hoạch nghi binh.
PV: Một trong những điểm đặc sắc nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, kháng chiến chống ngoại xâm nói chung của dân tộc ta là huy động được sức mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua nghiên cứu, Tiến sĩ có thể chia sẻ những câu chuyện về sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong chiến dịch then chốt này?
TS Phạm Minh Thế: Đường lối chiến tranh, truyền thống chung sức của quân và dân ta không chỉ được áp dụng ở trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, mà còn được thể hiện trong xuyên suốt quá trình dựng và giữ nước. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh mà khởi đầu là từ chiến dịch Tây Nguyên đường lối chiến tranh này đã phát huy được hiệu quả cao nhất.
Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược có nhiều thuận lợi cho quân và dân ta, vì đây là địa bàn căn cứ địa của ta trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn có tinh thần yêu nước và cách mạng cao, sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng từ trong kháng chiến chống Pháp. Cho nên khi ta phát động chiến dịch Tây Nguyên, đây là một thuận lợi rất lớn, nhất là trong việc bảo đảm hậu cần tại chỗ và quan trọng hơn là bảo đảm bí mật cho các kế hoạch tác chiến để tạo sự bất ngờ đối với địch. Những cuộc hành quân của các đơn vị bộ đội chủ lực lớn của ta không thể che giấu được đồng bào. Nhưng với tinh thần cách mạng cao, đồng bào đã giúp giữ bí mật cho các cánh quân này cho đến khi nổ súng. Đây là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm sự thắng lợi của chiến dịch.
Vấn đề thứ hai chính là sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa quần chúng nhân dân với các đơn vị chủ lực. Khi phát động tấn công, đồng bào và lực lượng vũ trang địa phương cũng đã nổi dậy bao vây, chặn đánh địch và giành lấy chính quyền, làm cho địch đi đến đâu cũng bị vây sát, bị tấn công và buộc phải co cụm lại vào những cứ điểm để bộ đội chủ lực đánh, tiêu diệt hoặc phải buông súng đầu hàng.
Những dẫn chứng trên đã khẳng định sự hiệu quả của đường lối chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975, chiến dịch khởi đầu cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà.
TS Phạm Minh Thế là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận, hiện đại; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… Ông đã có nhiều công trình khoa học, nhiều bài báo uy tín và các đề tài khoa học có liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Thắng lợi làm rung chuyển cả miền nam, thay đổi cục diện chiến trường
PV: Trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Bộ Chính trị xác định việc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước có thể sẽ diễn ra trong 2 năm 1975-1976. Mặc dù vậy, các thắng lợi ở Phước Long và sau đó là Tây Nguyên đã khiến chúng ta quyết định sẽ giải phóng miền nam ngay trong năm 1975. Xin Tiến sĩ phân tích rõ hơn về ý nghĩa then chốt của chiến thắng tại Tây Nguyên?
TS Phạm Minh Thế: Đúng là tại Hội nghị của Bộ Chính trị đợt I (từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) và đợt II (từ ngày 8/12/1974 đến 7/1/1975) đã bàn được chủ trương giải phóng hoàn toàn miền nam.
Tại cuộc họp này, Bộ Tổng Tham mưu đã khẳng định là phải có 3 đòn tiến công để đánh vào Sài Gòn chứ không thể đánh thẳng ngay từ Tây Nguyên vào Sài Gòn được. Mặc dù lúc này, tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn nối liền với đường 9 Quảng Trị đến Đông Nam Bộ đã được khai thông. Khi Bộ Chính trị đang họp thì quân và dân ta ở miền nam đã giành thắng lợi lớn ở chiến dịch Phước Long, giải phóng thị xã này vào ngày 6/1/1975. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không có khả năng tái chiếm lại Phước Long.
Đây chính là căn cứ thực tiễn để Bộ Chính trị đưa ra quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam trong 2 năm 1975-1976. Bộ Chính trị đã nêu rõ, trong năm 1975 thì tranh thủ bất ngờ tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 thì tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền nam. Và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền nam trong năm 1975. Như thế, về tổng thể, ta đã có sự chuẩn bị để phát động những đợt tiến công lớn và giành thắng lợi ngay trong năm 1975.
Tuy nhiên, Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi trọn vẹn đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Đây chính là là thời cơ để chúng ta thần tốc, thần tốc và thần tốc giải phóng hoàn toàn miền nam.
Đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 quân đội VNCH tại Buôn Ma Thuột tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 quân đội VNCH tại Buôn Ma Thuột tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Ngày 4/3/1975, bộ đội ta đã chính thức nổ súng mở chiến dịch Tây Nguyên và từ ngày 4 cho đến ngày 9/3 thì quân ta đánh cắt giao thông trên các tuyến đường số 19, 21 và cô lập Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, chia cắt đường số 14 để cô lập giữa hai khu vực bắc Tây Nguyên và nam Tây Nguyên; tiến công lần lượt đánh chiếm các quận lỵ Thuần Mẫn vào ngày 8/3, Đức Lập ngày 9/3; cô lập triệt để Buôn Ma Thuột.
Thừa thắng, trong 2 ngày 10 và 11/3, quân ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, đánh thắng trận then chốt đầu tiên của chiến dịch. Tiếp đó, từ ngày 14 đến 18/3, ta đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 trong trận Nông Trại-Chư Cúc, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ hai.
Ủy ban Quân quản Buôn Ma Thuột sau ngày Tây Nguyên được giải phóng tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Ủy ban Quân quản Buôn Ma Thuột sau ngày Tây Nguyên được giải phóng tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Bị thất bại và trước sức uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, từ ngày 15/3, quân địch rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường số 7 hòng co cụm về vùng đồng bằng ven biển Khu 5. Không bỏ lỡ thời cơ, bộ đội ta kịp thời truy kích, tiêu diệt gần hết quân địch rút chạy trên đường số 7, với các trận Cheo Reo (từ ngày 17 đến 19/3), Củng Sơn (24/3), giành thắng lợi trong trận then chốt thứ ba…
Sau đó, quân ta phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phối hợp với quân và dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, kết thúc chiến dịch vào ngày 3/4/1975.
Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2-Quân khu 2 quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, giải phóng 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức) và một số tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ.
Nhân dân Tây Nguyên được đưa về quê cũ sau Chiến thắng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Nhân dân Tây Nguyên được đưa về quê cũ sau Chiến thắng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã thực sự làm cho cả miền nam rung chuyển, và đó chính là căn cứ để tại cuộc họp ngày 18/3, Bộ Chính trị đưa ra quyết định: Giải phóng hoàn toàn miền nam trong năm 1975. Và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì sẽ lập tức giải phóng hoàn toàn miền nam. Quyết định này của Bộ Chính trị đã nói lên tầm quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên trong tổng thể chiến lược tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền nam của quân và dân ta mùa xuân năm 1975.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này.



Theo PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự: Thất bại ở Buôn Ma Thuột như một cú sốc dẫn đến việc quyết định triệt thoái khỏi Tây Nguyên của chính quyền Sài Gòn. Đó thật sự không chỉ là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự, mà còn tạo nên sự rung chuyển dữ dội về tâm lý của cả quân đội và chính quyền Sài Gòn.
Về phía ta, Chiến thắng Buôn Ma Thuột khẳng định tư duy chiến lược đúng đắn, sắc sảo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, khẳng định tài năng quân sự của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột chứng minh thế và lực của ta đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trên chiến trường Tây Nguyên; đồng thời chứng minh bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự, trong đó đặc biệt xuất sắc là ta đã giải quyết đúng, có hiệu quả toàn bộ hoạt động nghi binh cả ở tầm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Ngày xuất bản: 12/03/2025
Tổ chức thực hiện: NAM ĐÔNG
Nội dung: SƠN BÁCH - PHAN THẠCH
Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh: HỒNG QUÂN, TTXVN, BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG TÂY NGUYÊN