CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

VỚI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Cuộc đấu tranh của hàng chục triệu người ở khắp các châu lục nhằm giải phóng chế độ thuộc địa là sự kiện có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX. Trong đó, chiến công đánh thắng thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954 là thắng lợi mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi quốc tế.

Với chiến thắng lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người đầu tiên kiến lập thành công sự nghiệp giải phóng thuộc địa trong thế kỷ XX. Vì vậy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụm từ Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh luôn luôn được thế giới ngưỡng mộ; và Việt Nam trở thành tấm gương cho các dân tộc bị áp bức trên con đường giải phóng thuộc địa.

Từ đó, Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh không chỉ là cụm danh từ được viết hoa mà còn là một giá trị; nó đồng nghĩa với chiến thắng và trở thành tương lai cho các dân tộc bị áp bức noi theo.

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo nên giá trị Việt Nam trong thế kỷ XX

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là bằng chứng khẳng định trên thực tế tính đúng đắn luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về tính chủ động của cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa: Nó có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Thành quả vĩ đại nhất của cuộc cách mạng này là chế độ thuộc địa do thực dân Pháp lập ra ở Việt Nam gần một thế kỷ trước bị đánh đổ, thay vào đó là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn là sự tuyên chiến và chiến thắng đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với chế độ cai trị thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Tuy nhiên, được đế quốc Anh ủng hộ nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta anh dũng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Cuộc đọ sức lần này là sự khẳng định vị thế của một Nhà nước Việt Nam độc lập trước âm mưu tái lập một chế độ thuộc địa thông qua con bài Bảo Đại cùng bọn bù nhìn với nhiều cuộc gặp gỡ và nhiều tổ chức do thực dân Pháp dàn dựng, có sự "giúp sức" của đế quốc Mỹ. Do đó, để giành thắng lợi trong cuộc đọ sức này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt ra và giải quyết đúng đắn hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, thấy rõ những thuận lợi, khó khăn của lực lượng kháng chiến, đồng thời vạch rõ âm mưu, kịp thời để ra đối sách thích hợp trước mọi âm mưu của thực dân Pháp và bọn bù nhìn.

Là lãnh tụ chính trị và nhà chiến lược quân sự thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cùng Trung ương Đảng xây dựng đường lối kháng chiến, mà còn sớm tiên đoán về một "trận chiến quyết liệt" kết thúc kháng chiến. Từ năm 1949, thông qua hàng loạt cuộc phỏng vấn của giới báo chí quốc tế, Hồ Chí Minh thấy cánh cửa đàm phán để đi đến kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên, Người không thụ động chờ kết cục kháng chiến, mà vẫn tích cực chuẩn bị lực lượng cho trận đánh cuối cùng! (1). Đây là những cuộc thăm dò thái độ của Chính phủ Hồ Chí Minh về những điều kiện cho một thỏa thuận để kết thúc cuộc đối đầu Việt - Pháp sắp tới. Trong trả lời các cuộc phỏng vấn, Hồ Chí Minh vừa mở rộng cánh cửa hòa bình, vừa giữ vững nguyên tắc: quyền độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Như một nhà tiên tri, từ giữa năm 1949, Hồ Chí Minh đã mô tả bước đi cuộc kháng chiến qua truyện ký Giấc ngủ mười năm (2) như đúng cục diện và kết cục của cuộc đọ sức Pháp - Việt tại Điện Biên Phủ. Đó là:

- Pháp được Mỹ viện trợ: "chúng tiếp được viện binh bằng máy bay. Quân ta bắn rơi mấy chiếc, xét ra không phải máy bay của Pháp, mà của một nước ngoài" (3) (thực tế, đến cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp đã nhận viện trợ của Mỹ là hơn 70%..., trong đó 120 máy bay viện trợ hẳn và 49 máy bay Mỹ cho Pháp mượn). - Đây là "trận đánh lớn cuối cùng", kết thúc cuộc kháng chiến. Pháp huy động "từng đoàn, từng lũ máy bay... tủa ra như ong... Chúng giội bom xuống như mưa. Tốp máy bay này về thì tốp khác tới, chúng thay nhau ném bom... Tiếng nổ long trời chuyển đất, khói lên nghi ngút như mây" - "Theo kế hoạch của giặc, thì trận này phải là một trận khủng khiếp nhất".

- Quân ta thắng lớn và Pháp buộc phải đàm phán với ta, Pháp công nhận quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam: "Quân địch bị ta vây kín. Chúng không thể cứu viện được nhau, bị quân ta tiêu diệt gần hết". "Kết quả trận đấy khủng khiếp thật, nhưng khủng khiếp cho giặc... hơn một vạn giặc chết và bị thương (3) "; "Tin thất bại về đến Pháp, cả nước xôn xao, đòi lập tức giảng hòa với ta. Quốc hội Pháp đánh đổ Chính phủ cũ, bầu ra Chính phủ mới. Chính phủ này liền phái đại biểu qua thương lượng với Chính phủ ta (4) "; Chính phủ Pháp không thể "cò kè bớt một thêm hai" mà phải công nhận "Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập, có Quốc hội riêng, Chính phủ riêng, quân đội riêng, ngoại giao riêng...". Thực tế kết cục cuộc kháng chiến và những điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương khá trùng hợp với tiên đoán trong Giấc ngủ mười năm.

Một năm sau khi bắt đầu Giấc ngủ mười năm, trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, Hồ Chí Minh lại nói với các chiến sĩ cùng hành quân: "Cuộc kháng chiến của chúng ta tuy rất gian khổ, nó có thể kéo dài bốn, năm năm nữa, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng lợi" (5).

Là bậc thầy chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn luôn vạch ra đường lối chính trị và quân sự thích hợp để dẫn đến thắng lợi trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Tại thời điểm năm 1950, Hồ Chí Minh chưa có thể dự đoán chính xác nơi sẽ diễn ra trận chiến cuối cùng của cuộc kháng chiến, nhưng ngay ở chính giữa thế kỷ XX, Người đã sớm nhìn thấy và chủ động tạo ra những yếu tố để xây dựng con đường đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ - sự kiện mang ý nghĩa thời đại, góp phần làm nên giá trị Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

2. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - cơ sở hình thành đường lối kháng chiến, yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngay sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân vào trận chiến đấu mới. Đây là cuộc đấu tranh toàn diện nhằm phát huy ưu thế chính trị, xây dựng lực lượng để tăng cường thế và lực của kháng chiến.

Có nhiều yếu tố kết thành chiến thắng của quân và dân ta đối với thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự chỉ đạo của Người đối với kháng chiến là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nó được thể hiện trong suốt tiến trình cuộc kháng chiến.

Có thể dễ dàng tìm thấy tư tưởng Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Người trong từng giai đoạn, thậm chí ở từng trận đánh của cuộc kháng chiến. Điều đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh gắn bó mật thiết với đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến.

Trong Báo cáo trình bày tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) đầu năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 10 nhiệm vụ để "Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự", trong đó nhiệm số 1 là: "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay" (7).

Trên thực tế, tư tưởng này đã trở thành tư tưởng quân sự của Đảng ta, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần tạo nên những bước tiến vững chắc cho kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Tư tưởng và nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh thể hiện rõ hơn tại cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo (Việt Bắc) đầu tháng 10/1953. Sau khi Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình chung, cách thức chuyển quân, hoạt động của địch và nêu lên nhận xét: "Hiện nay, Nava đã tập trung một số lực lượng cơ động lớn chưa từng có khởi đầu chiến tranh, sẵn sàng chờ đón cuộc tiến công của ta..." (8). Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lắng nghe bình thản, bỗng giơ bàn tay lên, nắm lại rồi mở ra mỗi ngón trở về một hướng và nói rành rọt, đầy tự tin: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn" ) (9). Sau khi nghe báo cáo thêm về kế hoạch Nava và các phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi về phản ứng của địch nếu ta dự kiến đưa quân lên Tây Bắc và khả năng thu quân cơ động của địch khi ta mở các hướng khác, Người kết luận: "Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh ở đây là phải thiên biến vạn hóa" (10).

Ở đây, không chỉ thấy sự nhất quán trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh từ Hội nghị Trung ương lần thứ tư đến cuộc họp này của Bộ Chính trị là "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng của địch" mà còn thấy rõ quyết tâm tiêu diệt địch và sự sáng tạo của Người trong quá trình chỉ đạo kháng chiến. Với quyết định: "Hướng chuyển quân chính là hướng Tây Bắc" trên thực tế là ta chủ động chọn địa điểm cho trận chiến cuối cùng, chọn nơi đánh bại âm mưu chiếm đóng của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Mục tiêu kế hoạch Nava là làm xoay chuyển tình hình có lợi cho Pháp ở Đông Dương trong 18 tháng. Trong kế hoạch này, địa danh Điện Biên Phủ chưa được nhắc tới. Chỉ sau Hội nghị Tỉn Keo, với quyết định mang tính chiến lược của ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: "Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính" thì địch mới tập trung quân lên Điện Biên Phủ và đặc biệt là sau khi nhiều đơn vị, lực lượng của ta cũng chuyển lên hướng Tây Bắc thì Điện Biên Phủ mới trở thành nơi dồn dập tập trung quân Pháp. Điện Biên Phủ nhanh chóng trở thành nơi quyết chiến chiến lược của cả ta và địch. Rõ ràng, Điện Biên Phủ là sự đối phó bị động của địch. Nó đánh dấu sự phá sản bước đầu của kế hoạch Nava. Về phía ta, Điện Biên Phủ là sự lựa chọn chủ động, là quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời là bước phát triển mới để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến dưới ánh sáng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, Điện Biên Phủ thực sự là cuộc đọ sức của ta với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (hơn 70% viện trợ của Mỹ). Để chiến thắng trong cuộc đọ sức này, chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn và không được phép mắc sai lầm, đặc biệt về quân sự. Vì vậy, tại mặt trận đã có lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng mặt trận đã phải phân tích, suy ngẫm đầy gay cấn trước khi đi đến "quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy" của mình là: Hoãn kế hoạch tấn công địch trong ba đêm hai ngày, "kéo pháo ra", thay đổi phương châm tiêu diệt địch: từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận ngày 26-1-1954. Đây là quyết định lịch sử, tránh được sự tổn hại lực lượng, góp phần làm nên sức mạnh áp đảo quân Pháp trong trận tiến công của ta mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó 46 ngày (11).

Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau nửa thế kỷ của "Điện Biên chấn động địa cầu", ngày nay mỗi khi nói và viết về quyết định lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng cho rằng cơ sở hình thành của nó chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cùng với sự chỉ đạo tài tình của Người đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như với toàn bộ tiến trình của cuộc kháng chiến. Đại tướng thường kể về những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò chân tình - những quân lệnh được vinh dự tiếp nhận trước khi ra trận: "Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn" (12), "Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" (13).

Tròn 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1994, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói thêm về sự hình thành quyết định lịch sử ngày 26/1 như sau: "Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch. Tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn" (14). Rõ ràng những quyết định đúng đắn và sáng tạo tại chiến trường Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với tư tưởng quân sự của người thầy cách mạng Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đợt tiến công thứ hai (4/1954) khi lực lượng của ta đang tăng cường đánh lấn, bao vây, chia cắt và khống chế đường tiếp viện hàng không của địch, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và nói chuyện với nhà báo Australia W.Burchett về thế trận ở Điện Biên Phủ với quyết tâm chiến đấu và niềm tin chắc thắng. Người lật ngửa chiếc mũ cứng đặt trên bàn tre, đưa tay vòng quanh vành mũ và giải thích: "Núi ở đây và chúng tôi ở đây". Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: "Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát chỗ này được" (15). Và sự thật là chỉ hơn một tháng sau đó, Điện Biên Phủ đã trở thành nấm mồ chôn chủ nghĩa thực dân Pháp và nơi đó như được khắc họa hình ảnh cây thập ác đánh dấu nấm mồ chôn mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương như chính một người Pháp ở tại Thủ đô Paris đã tiên đoán trước đó hơn ba thập kỷ khi nói về vai trò của Nguyễn Ái Quốc (tên của Hồ Chí Minh những năm 20 của thế kỷ XX - T.G).

Cuộc kháng chiến của chúng ta tuy rất gian khổ, nó có thể kéo dài bốn, năm năm nữa, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (hàng sau, thứ hai từ trái sang, đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (hàng sau, thứ hai từ trái sang, đứng cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cùng Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

3. Nghệ thuật chỉ đạo và kết thúc cuộc chiến

Là người hiểu rõ những thiệt thòi và mất mát của nhân dân mình trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp nên sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để ngăn chặn cuộc đối đầu Pháp - Việt. Nhưng sự đã không thành. Cho nên, ngay từ khi cuộc chiến mới nổ ra, Hồ Chí Minh đã tìm kiếm mọi cơ hội để đàm thoại, cứu vãn hòa bình. Thiện chí của Hồ Chí Minh đã được chính Tổng thống Pháp François Mitterrand thừa nhận trong dịp sang Việt Nam thăm Điện Biên Phủ năm 1993 là: "Tôi nhớ lại chuyến thăm của Hồ Chí Minh đến Pháp. Hôm trước diễn ra Hội nghị Phôngtennơblô, ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại; không tìm được dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh. Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh vì độc lập. Yếu tố dân tộc đã có tính quyết định hơn bất kỳ yếu tố hệ tư tưởng nào khác" (16). Với ý định sang Việt Nam, thăm Điện Biên Phủ để "tư duy và cảm nhận" nên trong một cuộc trả lời phỏng vấn, người đứng đầu nước Pháp đã tự nhận trách nhiệm của họ đối với cuộc chiến tranh này là: "Chúng tôi đã có một cuộc chiến tranh ở Việt Nam khốc liệt như một cuộc chiến tranh... Theo tôi, cuộc chiến tranh này tôi nhớ đã có nhiều lần viết về nó... là một sự sai lầm. Công cuộc thực dân hóa của Pháp lúc đó cần phải thích nghi, sang trang" (17).

Là người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh hiểu khá rõ bản chất của bọn thực dân nên Người không ảo tưởng vào những trò chính trị do Pháp nặn ra, mà luôn nêu cao cảnh giác, đánh giá đúng ý nghĩa của thắng lợi trên chiến trường đối với đàm phán, tìm giải pháp cho cuộc chiến. Trong lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức khi cuộc kháng chiến sắp bước vào thời kỳ quyết liệt, Người đã chỉ rõ: "Ta cũng phải đánh cho Pháp quỵ. Lúc ấy, có đàm phán mới đàm phán, chứ không phải đưa đàm phán ra là nó đàm phán ngay đâu. Đừng có ảo tưởng. Mục đích của nó là xâm lược. Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó quỵ nó mới chịu" (18).

Đáp ứng yêu cầu của mặt trận, hàng vạn dân công, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực được vận chuyển từ hậu phương hướng lên Tây Bắc, tới rừng núi Điện Biên, tiếp sức cho bộ đội hun đúc quyết tâm "tiêu diệt Trần Đình". Từ hậu phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, điện động viên khen ngợi thành tích chiến đấu của bộ đội ở Điện Biên Phủ.

Cũng trong tháng 4/1954, trước khi lên đường dự Hội nghị Giơnevơ, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói với đồng chí Phạm Văn Đồng: Bác sẽ có quà tặng cho Đoàn ta tại Hội nghị. Món quà vô giá ấy chính là tin chiến thắng Điện Biên Phủ, đã đến với đoàn ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc (19).

Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra lợi thế cho Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ. Tuy nhiên do lúc ấy quốc tế đang trong bầu không khí hòa hoãn nên vấn đề phát huy lợi thế của chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam trên bàn Hội nghị bị chi phối khá mạnh bởi ý đồ và quyền lợi thỏa hiệp giữa các nước lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong bối cảnh quốc tế như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một mặt chỉ đạo đoàn đấu tranh thực hiện mục tiêu: Hòa bình, Độc lập, Thống nhất và Dân chủ thể hiện qua Đề nghị tám điểm của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đưa ra ngày 10/5/1954. Các điểm có nội dung gắn kết quân sự với chính trị, Việt Nam với Lào, Campuchia. Trong các cuộc gặp gỡ "vận động" Đoàn Việt Nam cố gắn với hai đoàn Liên Xô và Trung Quốc trên tinh thần xã hội chủ nghĩa anh em. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động tạo ra các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo hai nước anh em nhằm tìm kiếm hậu thuẫn cho những quan điểm của Việt Nam. Song, đây là công việc rất nhạy cảm, liên quan khá nhiều đến thái độ chủ quan của hai nước lớn anh em này.

Cuối tháng 3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh, sau đó cùng đồng chí Phạm Văn Đồng (đã đến Bắc Kinh từ ngày 20/3/1954) cùng đi Mátxcơva để luận đàm với các nhà lãnh đạo Liên Xô và đồng chí Chu Ân Lai (đang ở Mátxcơva). Kết quả tổng quát các cuộc hội đàm có thể tóm tắt: "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thể công khai ủng hộ Việt Nam trong trường hợp mở rộng xung đột khu vực". Trong bối cảnh ấy, Việt Nam không đánh giá quá cao Hội nghị Giơnevơ nhưng không bỏ lỡ cơ hội, tiếp tục tạo ra những cuộc gặp gỡ tay đôi, đặc biệt với Liên Xô và Trung Quốc để tiếp tục tìm kiếm hậu thuẫn, chia sẻ lập trường, hình thành giải pháp thực thi tại hội nghị. Vì vậy, từ ngày 3 đến ngày 5/7/1954 Hồ Chí Minh hội đàm tại biên giới Việt - Trung với Chu Ân Lai trên đường công du của Chu Ân Lai từ New Delhi và Rangoon trở về Trung Quốc. Rất ít nội dung cuộc hội đàm dài ngày được công bố. Chỉ biết sau đó tin tức từ Bắc Kinh tiết lộ: Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm toàn diện về Hội nghị Giơnevơ, về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan; Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ ý kiến rằng năm nguyên tắc chung sống hòa bình hoàn toàn có thể áp dụng để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau đó ba nghị định thư giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết (20) .

Như vậy, mục tiêu và những giải pháp của Đoàn đại biểu Việt Nam nhằm kết thúc cuộc kháng chiến tại Hội nghị Giơnevơ là những đòi hỏi chính đáng của nhân dân ta. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng và bối cảnh hòa hoãn nên không phải tất cả những thắng lợi Việt Nam trên chiến trường đã được đánh giá đúng như giá trị của nó tại hội nghị. Theo đó, việc lấy vĩ tuyến 17 để làm giới tuyến tạm thời Bắc - Nam và thời hạn tổng tuyển cử là hai năm là một kết quả thực tế dành cho Việt Nam là có thể hiểu được. Đối với Việt Nam, Hiệp định Giơnevơ vẫn là một thắng lợi, là cơ hội nhằm củng cố lực lượng để chuyển sang một giai đoạn mới (21).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện có tầm vóc lớn lao, có ý nghĩa trọng đại đối với Việt Nam và nhân loại. Nhà sử học phương Tây Giuyn Roa viết: Điện Biên Phủ "là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là nỗi thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp" (22). Còn tác giả G.Budaren và F.Cavi Giôliôli viết trên tờ Người quan sát cho rằng: "Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã thay đổi số phận thế giới".

Đối với chúng ta, Điện Biên Phủ là sự thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân để mở đầu cho sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới. Đó là thắng lợi trên thực tế của tư tưởng Hồ Chí Minh về khả năng thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, là thắng lợi của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Việt Nam đối với thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đã khẳng định giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Đây là thắng lợi mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới. Thắng lợi ấy đã tạo nên một giá trị Việt Nam trong thế kỷ XX. Và lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới thuộc địa ngợi ca là: người thầy giành tự do độc lập dân tộc; Tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.

Phó giáo sư, Tiến sĩ LÊ VĂN TÍCH, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Trước đó, bài đã đăng trong sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

(*) Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

(1) Chỉ trong năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo quốc tế: Nhà báo Mỹ Eli Mâysi (lần 2, tháng 5-1948), Hãng thông tấn Anh Reuters (2-2-1949), báo France Soir (28-2-1949), nhà báo Mỹ Harôn Ixắc, nhà báo Standley Harrison (3-1949), Dân quốc Nhật báo (4-1949), Báo Tribune (20-4-1949), báo Franc-Tireur (6-1949)... Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, các trang 429, 564, 568, 571, 577, 581, 586, 646.

(2) Ký tên: Trần Lực, Tổng bộ Việt Minh xuất bản tại Việt Bắc, 1949. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 603-623.

(3) Các đoạn trong ngoặc kép ở phần này được trích từ Giấc ngủ mười năm.

(4) Thực tế quân số địch bị ta diệt và bắt sống là 16.200 tên.

(5) Chính phủ mới do Biđôn làm Thủ tướng.

(6) TL: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.83

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 13.

(8), (9), (10) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học xã hội Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 74-75, 75, 77.

(11) Trận tiến công mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ 17h ngày 13-3-1954. (12), (13) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Sđd, tr. 91, 79.

(14) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2. V-1994, tr.8.

(15) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.179.

(16), (17) Trả lời phỏng vấn của Tổng thống Pháp Ph. Míttơrăng trong chuyến thăm Việt Nam, 4 - 1993, Tạp chí Xưa và Nay, số 2 - 1993, tr. 9.

(18) 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7. tr.113.

(19) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu, nước mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.119.

(20) Phrăngxoa Gioayô: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Giơnevơ 1954, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr. 432-436.

(21) Khắc Huỳnh: Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương sau năm thập kỷ nhìn lại, Tạp chí Xưa và Nay, số 143, tháng 7-2003, tr.7

(22) Dẫn theo Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, V - 1994.

--------------