Tháng Giêng Đô Đài
Tháng Hai Hương Tích…
Lâu nay, ngày 18/2 Âm lịch (ngày Công chúa Diệu Thiện đắc đạo hóa phật) mới là chính lễ chùa Hương Tích, nhưng từ những ngày đầu Xuân Giáp Thìn du khách thập phương đã nô nức đến ngôi cổ tự được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” (danh thắng đẹp nhất vùng Hoan Châu xưa) để tham quan, hành lễ, cầu bình an, hạnh phúc,... Đến giữa tháng 3, ngôi cổ tự của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã đón hơn 7 vạn du khách, tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái.
Chùa Hương Tích, linh thiêng cổ tự giữa núi Hồng
Một ngày tháng 4 đầu hạ, khi những hạt mưa nuối xuân lâm thâm rơi rớt, chiếc xe điện êm ái đưa du khách đi qua những con đường xanh mát rợp bóng cây, qua rừng thông bình yên, thơ mộng tựa Đà Lạt thu nhỏ, tiến đến khu cáp treo để lên thẳng khu Đền Thượng. Ngồi trên cáp treo đưa mắt xuống dưới, hàng ngàn cây cổ thụ chụm đầu lại trùng trùng điệp điệp, điểm xuyến những đóa hoa rừng rực rỡ thu ngay vào tầm mắt, những đám mây chở theo mưa phùn nhẹ cứ chờn vờn, ôm ấp lấy dãy núi Hồng Lĩnh. Đền Thượng lờ mờ, ẩn hiện sau những đám sương mây giữa lưng chừng núi. Du khách ngỡ như mình đang phiêu diêu giữa chốn bồng lai.
Để lên khu chùa chính, du khách có thể lựa chọn đi bộ, từ chân núi Hồng Lĩnh, men theo triền núi đến miếu Linh Sơn. Sau khi làm lễ tại miếu Linh Sơn, khách hành hương có thể đi bộ 3 km lên chùa chính, vừa đi vừa vãn cảnh.
Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn đi bằng thuyền, thuyền sẽ xuất phát từ miếu Linh Sơn đến dọc theo hồ Nhà Đường với quãng đường là 1,5km để đến miếu Cô. Từ miếu Cô, du khách có 2 lựa chọn tiếp là đi bộ hoặc cáp treo để di chuyển tiếp đến chùa Hương Tích.
Nhanh nhất, khách hành hương có thể lựa chọn thưởng ngoạn cảnh sắc trên xe điện đến miếu Cô, sau đó lên thẳng khu đền Thượng bằng cáp treo.
Chùa Hương Tích-một ngày mưa lâm thâm.
Du khách rảo bước lên đền Thượng (chùa chính).
Du khách thắp hương tại đền Thượng.
Mặc kệ những giọt mưa lâm thâm rơi trên vai áo, cô Nguyễn Thu An đến từ Tây Ninh đang nhẹ bước trên những bậc thang cuối cùng để lên khu đền Thượng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp cô đến chùa Hương Tích Hà Tĩnh. “Điều níu chân cô lại nơi đây là cảm giác bình yên, thư thái. Đứng giữa không gian tĩnh lặng của chùa Hương Tích cổ, cô như quên hết mọi áp lực của cuộc sống. Vì thế, 3 năm liên tiếp rồi, cô cùng em gái đều sắp xếp thời gian để về chùa cầu sức khỏe, bình an cho các thành viên trong gia đình cũng như tìm sự thư thái trong tâm hồn”, vị khách đến từ vùng Đông Nam Bộ chia sẻ.
Chùa Hương Tích có diện tích 1.900ha thuộc xã Can Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được chia thành 3 khu vực gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu-nơi công chúa Diệu Thiện đắc đạo hóa Phật.
Cung Tam Bảo, chùa Hương Tích hiện đặt 54 pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm. Đặc biệt, tại đây vẫn lưu giữ 2 pho tượng Phật, 1 tòa Cửu Long quý hiếm bằng đồng đen và chuông đồng cổ.
Hiện, Ban Quản lý khu Di tích chùa Hương Tích đang phối hợp các cấp chính quyền cùng các nhà nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia.
Tọa lạc ở độ cao 650m so mực nước biển, nằm giữa lừng chừng dãy Hồng Lĩnh bạt ngàn, chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp khiến du khách không khỏi choáng ngợp.
Ông Ngô Nhật Linh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cho biết, chùa Hương Tích là một trong những ngôi chùa linh thiêng, cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỷ 13, đời nhà Trần. Lịch sử hình thành của chùa Hương Tích cũng từng được La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp nhắc tới qua 2 câu thơ:
Hương Tích Trần Triều
Hồng Sơn đệ nhất phong
(Hương Tích ngôi chùa đời Trần/Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Hồng Lĩnh).
Trả lời thắc mắc của du khách về 2 ngôi chùa ở Việt Nam cùng mang tên Hương Tích, ông Ngô Nhật Linh cho hay, chùa Hương tại Hà Nội là phát tích của chùa Hương Hà Tĩnh. Lịch sử ghi chép lại rằng, sở dĩ xây dựng thêm chùa Hương tại Hà Nội vì đoạn đường từ kinh đô Thăng Long đến chùa Hương rất xa khiến chúa Trịnh không yên tâm mỗi dịp phi tần đi trẩy hội chùa Hương vì thế chúa Trịnh đã cho xây một ngôi chùa Hương khác tại vùng núi Hà Sơn Bình, góp phần tạo nên thêm một chùa Hương kỳ ảo, thơ mộng trên mảnh đất hình chữ S.
Chùa Hương Tích là một trong những ngôi chùa linh thiêng, cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỷ 13, đời nhà Trần.
-----------------------
Ông Ngô Nhật Linh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích.
Năm 1885, ngôi cổ tự bị 1 trận hỏa hoạn lớn, gần như cháy trụi hoàn toàn. Đến năm 1901, Tổng đốc An-Tĩnh, ông tổ tuồng chèo Bình Định đứng lên quyên góp, trùng tu và xây dựng lại ngôi chùa có cảnh trí như ngày hôm nay. Chùa được vua Bảo Đại chọn là biểu tượng chạm khắc vào Anh Đỉnh đặt tại Đại Nội Huế vào năm 1936 với 109 cảnh sắc tuyệt đẹp vùng đất thiêng. Năm 1990, ngôi chùa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng cấp quốc gia.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Pho tượng Phật cổ quý hiếm bằng đồng đen tại chùa Hương Tích.
Pho tượng Phật cổ quý hiếm bằng đồng đen tại chùa Hương Tích.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Các pho tượng Phật cổ bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng ngàn năm tại chùa Hương Tích.
Ngôi cổ tự nườm nượp đón khách
Bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, từ đầu năm đến hết tháng 3, chùa Hương đã đón hơn 7 vạn lượt du khách, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023. Không chỉ đón du khách trong tỉnh và các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung bộ, chùa Hương Tích cũng đón rất nhiều đoàn khách từ Quảng Bình, các đoàn khách du lịch, phật tử miền nam như Tây Ninh, Cà Mau hay các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh,… đến tham quan, cầu an.
Để có được sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng khách, thời gian qua, Ban Quản lý chùa Hương đã đổi mới rất nhiều, nhất là công tác truyền thông. Ban Quản lý đã xây dựng website riêng của chùa tại địa chỉ: chuahuonghatinh.vn với đầy đủ các thông tin, hình ảnh về lịch sử hình thành, thông tin lễ hội, tour tuyến du lịch hỗ trợ du khách tìm hiểu thông tin đầy đủ nhất trước chuyến du ngoạn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng chú trọng công tác chuyển đổi số như triển khai bán vé điện tử, tạo mã QR code giới thiệu về ngôi chùa, tạo không gian ảo để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin. Ngoài ra, Ban Quản lý tập trung công tác tuyên truyền trên các kênh truyền thông, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo,…
Đặc biệt, hướng tới mục tiêu “mỗi du khách chính là một tuyên truyền viên”, gần đây Ban Quản lý đã đổi mới cách phục vụ du khách thông qua việc xây dựng nhà điều hành hỗ trợ làm trọn gói các dịch vụ. Nếu như trước đây du khách thường tự đi, thì hiện tại Ban Quản lý phục vụ du khách từ làm mâm lễ, sớ lễ, có hướng dẫn viên phục vụ, khách du lịch đến chỉ việc thư thái thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên non nước hữu tình, không gian thanh tịnh, mà không phải lo lắng, suy nghĩ về các thủ tục. Đến chùa Hương Hà Tĩnh, du khách cũng không thấy cảnh xe ôm trèo kéo khách, ăn xin, thầy cúng, hành lễ ở chùa Hương là sư thầy chứ không có thầy cúng.
Ban Quản lý cũng xây dựng các điểm check-in đẹp cho du khách, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để có thêm các trải nghiệm nghỉ dưỡng và dịch vụ đi kèm níu chân du khách.
“Thực tế, chùa Hương cảnh sắc núi rừng yên bình, không gian thơ mộng nhưng các dịch vụ đi kèm vẫn là điều trăn trở của những người làm công tác quản lý. Thời gian tới, Ban Quản lý chùa cùng huyện Can Lộc sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư về đây đầu tư và địa phương sẽ hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục pháp lý”, bà Trần Thị Thu Hà cho biết.
Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích khẳng định, bên cạnh sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá di sản văn hóa của chùa Hương, Ban Quản lý cũng sẽ không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá ngôi cổ tự đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước để mỗi lần du khách đến đây sẽ ấn tượng và hiểu hơn về giá trị văn hóa chùa Hương, văn hóa người Hà Tĩnh; và họ không còn phải phàn nàn: “Tại sao có ngôi chùa đẹp và linh thiêng như thế mà bây giờ mới biết”.
Ngày xuất bản: 9/5/2024
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Thực hiện: NGÔ TUẤN-PHƯƠNG NAM-NGỌC BÍCH
Ảnh: HÀ NAM, Báo Hà Tĩnh