Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những cương vị công tác của mình, nhất là sau này với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn coi trọng, chăm lo đến đội ngũ trí thức và bồi dưỡng nhân tài.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Trong điều kiện đất nước vừa trải qua chiến tranh thì công cuộc khôi phục kinh tế, ổn định đời sống cho người dân được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc khôi phục kinh tế được triển khai, đất nước ta vẫn chưa ổn định về kinh tế.
Việc này do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân mà sau này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra hạn chế trong những năm đầu giải phóng miền nam là do chúng ta chưa thực sự coi trọng việc phát triển nhân tố con người, chưa quan tâm đúng mức tới tiềm năng trí thức. Đồng chí nói: Những tiêu cực phát sinh, tồn tại và ngày càng phát triển trầm trọng trong Đảng vào những năm sau khi miền nam được giải phóng, đất nước thống nhất là do chúng ta buông lỏng công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục và quản lý đảng viên, coi nhẹ việc xây dựng chiến lược con người.
Chiến lược con người được đồng chí Nguyễn văn Linh đặc biệt quan tâm vì chỉ phát triển nhân tố con người, đào tạo, bồi dưỡng trí thức mới có thể tạo ra những bước đột phá trong công cuộc đổi mới. Đồng chí khẳng định: “Công việc đổi mới phải gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đến công tác giáo dục đào tạo”.
Trong buổi nói chuyện với Lớp nghiên cứu Nghị quyết Đại hội VI, ngày 6/5/1987 đồng chí đã nhấn mạnh: Mọi sự đổi mới trước hết phụ thuộc vào đổi mới cán bộ, phải lấy việc giải quyết vấn đề cán bộ như một trong những khâu quan trọng nhất.
Giáo dục, phát triển chiến lược con người là một mặt trận, là then chốt mà đòi hỏi mỗi chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá được đúng bản chất và tầm quan trọng của công việc này. Trước đây, Hồ Chủ tịch đã khẳng định nhân tố tích cực của giáo dục đối với sự hoàn thiện nhân cách mỗi cá nhân “Hiền dữ phải đâu do tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đã tiếp thu tư tưởng đó và khái quát thành những mục tiêu cụ thể, đề cao vai trò cũng như đóng góp của đội ngũ trí thức đối với việc nâng cao sức mạnh của Đảng. Đồng chí nói: Sức mạnh của Đảng là do có đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo, đồng thời có đội ngũ cán bộ bảo đảm trình độ và phẩm chất đạo đức theo gương Bác Hồ.
Với đồng chí Nguyễn Văn Linh, bên cạnh nhân tố chính của cách mạng là công-nông thì người trí thức luôn có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Do đó, việc bồi dưỡng nhân tài, phát triển chiến lược con người được đồng chí hết sức quan tâm. Hơn nữa, với đồng chí Nguyễn Văn Linh để xây dựng xã hội chủ nghĩa thì việc đào tạo đội ngũ trí có kiến thức thực tiễn, không xa rời thực tế là điều hết sức thiết yếu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Theo quan niệm của đồng chí: “Đảng ta đào tạo được nhiều cán bộ có kiến thức (cả khoa học xã hội và khoa học kĩ thuật) nhưng lại thiếu kiến thức thực tiễn, thoát ly thực tế, không gắn bó với cơ sở do đó chất xám để lãng phí rất nhiều và không phát huy được vào sản xuất. Ngược lại, nhiều cán bộ gắn bó với phong trào quần chúng, sâu sát thực tiễn lại không được đào tạo , bồi dưỡng cả về lí luận chính trị và kiến thức quản lý kinh tế. Tiêu chuẩn quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên hiện nay là tích cực ủng hộ sự nghiệp đổi mới, có kiến thức, phẩm chất và năng lực thực tiễn sự đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đó đòi hỏi quy hoạch cán bộ càng tiến hành sớm càng có điều kiện chủ động và có như vậy mới có được đội ngũ cán bộ để thay thế” (1).
Tiêu chuẩn quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên hiện nay là tích cực ủng hộ sự nghiệp đổi mới, có kiến thức, phẩm chất và năng lực thực tiễn sự đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh -
Thực tiễn chính là điều kiện để mỗi người trí thức phát huy, thể hiện khả năng của bản thân, cũng là môi trường rèn luyện bản lĩnh chính trị cho mỗi cán bộ phát triển toàn diện hơn trong công tác. Về vấn đề này đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: Trong bồi dưỡng cán bộ phải chú ý giúp cán bộ phát triển toàn diện. Cán bộ có trình độ lý luận nên đưa đi công tác thực tiễn để rèn luyện. Trong nhiều bài viết của mình đồng chí cũng nhắc nhở cán bộ ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo thì cần có công tác thực tiễn. Đồng chí yêu cầu: Các đồng chí chưa được trang bị lý luận một cách có hệ thống, nhất thiết phải qua đào tạo một cách cơ bản, sau đó cần được đào tạo và bổ túc thêm bằng cách tự học, nhất là học tập công tác thực tiễn của mỗi người.
Kiến thức thực tiễn mà đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu ra không phải là lý thuyết suông mà đó chính là sự trải nghiệm của bản thân đồng chí. Thực tế ở đồng chí Nguyễn Văn Linh, lý luận thực tiễn đã được thể hiện từ rất sớm.
Theo đồng chí kể lại thì 10 năm trong lao tù đế quốc thực dân là quãng thời gian, là môi trường luyện rèn, thử thách ý chí, lòng dũng cảm của người chiến sỹ cách mạng; hàng ngày, hàng giờ phải đương đầu với sự tra tấn dã man của thực dân, đế quốc và đồng thời nơi đấy cũng là trường học hết sức đặc biệt. Những người cộng sản không được tham gia hoạt động ở bên ngoài thì tranh thủ thời gian trong lao tù để tự học, tự nâng cao trình độ văn hóa, lý luận với phương châm "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng".
Cho nên, những kiến thức lý luận được chắt lọc, lắng đọng trong con người đồng chí đều là những giá trị cốt lõi, chứa đựng trong đó vừa là những chân lý phổ biến của lý luận cách mạng, vừa là những bài học kinh nghiệm được sàng lọc, kiểm nghiệm, đúc rút từ thực tiễn vô cùng phong phú của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Cảng Hải Phòng nhân dịp Tết Đinh Mão (1987). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Cảng Hải Phòng nhân dịp Tết Đinh Mão (1987). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại Hải Phòng, nhân dịp Tết Đinh Mão (1987). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tại Hải Phòng, nhân dịp Tết Đinh Mão (1987). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), ngày 23.7.1987. Ảnh TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), ngày 23.7.1987. Ảnh TTXVN
Sau này trong lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đặc biệt quan tâm, đánh giá cao đội ngũ trí thức, coi trọng trí tuệ, giáo dục đào tạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ: “Việc đổi mới tư duy như vậy là một công việc khoa học, đòi hỏi phải có tri thức, chứ không phải một nhận thức cảm tính, tùy tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa. Vì vậy, công việc đổi mới phải gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí, phải chăm lo đến công tác giáo dục-đào tạo” (2).
Việc đổi mới tư duy như vậy là một công việc khoa học, đòi hỏi phải có tri thức, chứ không phải một nhận thức cảm tính, tùy tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa. Vì vậy, công việc đổi mới phải gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí, phải chăm lo đến công tác giáo dục-đào tạo.
Chú trọng phát triển, đẩy mạnh công tác giáo dục-đào tạo nhằm nâng cao dân trí chính là con đường ngắn nhất đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhận thức được điều này nên trong nhiều bài phát biểu tại các hội nghị lớn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh vai trò của công tác giáo dục-đào tạo, vai trò của nhân tài đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Tại Hội nghị quán triệt nội dung sinh hoạt chính trị đầu năm học 1990-1991” cho các trường Đại học, cao đẳng, ngày 29/8/1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: Chỉ có thể đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi nghèo nàn và vươn lên trình độ một nước phát triển, nếu biết ưu tiên phát triển một nền giáo dục hiện đại, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài....
Những cán bộ, đảng viên đã từng được gặp, làm việc và học tập với đồng chí Nguyễn Văn Linh đều có chung một cảm nhận về một người mang cốt cách thầy giáo, một người luôn coi trọng công tác giáo dục, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ. Bởi đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thấu hiểu cán bộ được sinh ra từ các phong trào cách mạng, nhưng về trình độ thì cần phải bồi dưỡng thêm để cán bộ đủ sức đảm nhận nhiệm vụ được giao. Vì thế, đông chí đã nói rất cụ thể: Sau khi có đường lối, chủ trương đúng thì cán bộ là khâu quyết định.
Nhưng đào tạo đội ngũ cán bộ như thế nào, tập trung phát triển cán bộ ra sao đó là câu hỏi lớn với nhiều nhà lãnh đạo. Thấy được việc này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra đối tượng cần tập trung phát triển, đào tạo là những cán bộ trẻ. Trong Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ của Ban chấp hành Trung ương khóa VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh viết: “Kịp thời phát hiện những cán bộ trẻ, có tài, đồng thời biết sử dụng hiệu quả những cán bộ lớn tuổi từng trải, có kinh nghiệm”. Bởi, cán bộ khi không đủ năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu cách mạng thì rất nguy hiểm. Đồng chí đã chỉ ra những nguy cơ: Kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở nước ta cho thấy, những cán bộ không đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của cách mạng thì thường dễ trở thành kẻ hoài nghi, hay cản trở sự đổi mới.
Để cho sự nghiệp đổi mới có nhiều bước phát triển, có sự thay đổi tích cực và không gặp phải những nguy cơ gây cản trở như trên, trong cuốn sách “Đổi mới để tiến lên”, đồng chí đã nói: Muốn thế, chúng ta phải đào tạo các đồng chí trẻ tuổi… Đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay có nhiều đồng chí có trình độ văn hóa, có trình độ khoa học-kỹ thuật, có phẩm chất, từng trải, có năng lực, nhưng do ta chưa quan tâm đào tạo nên họ chưa làm được.
Với đồng chí Nguyễn Văn Linh, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, đạo đức, có lập trường tư tưởng vững vàng là một việc làm rất quan trọng làm cho Đảng ta ngày thêm vững mạnh.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và nhất là trong thời gian giữ cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn luôn đề cao, coi trọng đội ngũ trí thức; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ. Đồng chí coi đây là việc làm hết sức cần thiết đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; đó cũng chính là nhiệm vụ cách mạng mà Đảng cần quan tâm.
Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo
Nội dung: ThS. Nguyễn Văn Chiến,
Ban Tuyên giáo Trung ương
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: TTXVN