NĂM 2021:

Những điều chưa từng có tiền lệ với ngành y tế

Năm 2021, ngành y tế phải “gồng mình” đối phó với sự tác động khốc liệt của đại dịch Covid-19 lên cả hệ thống y tế dự phòng và điều trị. Đây là một năm đặc biệt khi ngành y tế có nhiều chiến dịch quy mô, nhiều quyết định thần tốc, nhiều sự thay đổi lớn trong mô hình hoạt động để ứng phó linh loạt với đại dịch.

Cuộc chi viện lớn nhất lịch sử ngành y tế

Đại dịch Covid-19 tạo ra 2 làn sóng lớn trong năm 2021 tại Việt Nam, trong đó hậu quả nặng nề nhất là làn sóng dịch thứ tư tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Bộ Y tế đã phát đi lời kêu gọi y, bác sĩ tại các bệnh viện trên cả nước, sinh viên các trường đại học y, dược chi viện hàng nghìn nhân lực hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch. Nhưng phải tới khi dịch bùng phát mạnh chưa từng có tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Bộ Y tế mới hiệu triệu toàn bộ lực lượng y tế, gồm cả những y, bác sĩ tuyến Trung ương; y, bác sĩ tại các địa phương; lực lượng sinh viên các trường đại học y, dược trên cả nước; lực lượng nhân viên y tế tư nhân và những người đã nghỉ hưu tham gia vào tuyến đầu chống dịch.

Hơn 25 nghìn cán bộ y tế đã được điều động hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam chống dịch ở mọi mặt trận truy vết, xét nghiệm, điều trị, khám chữa bệnh tại nhà.  Suốt từ tháng 6 đến nay, phần lớn lực lượng chi viện đã rút quân, nhưng tại một số tỉnh, thành phố có dịch tăng cao, lực lượng chi viện vẫn liên tục được đảo quân để hỗ trợ các địa phương này tiếp tục ứng phó với đại dịch.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế được chi viện 23.748 nhân viên y tế từ 163 đoàn công tác đến từ các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh hơn 133 nghìn quân, trong đó có 9.800 lực lượng quân y triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Việc huy động tổng lực và sự chi viện nhân lực y tế kịp thời đã góp phần quan trọng, mang tính quyết định cho sự thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam để ngày 15/10 nới rộng dần các hoạt động xã hội.

Cả nước dốn sức chi viện cho miền nam. (Ảnh: Bộ Y tế)
Xét nghiệm thần tốc trên diện rộng. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bộ đội đi chợ giúp dân tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: HẢI AN)

Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 quy mô nhất

Để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đồng ý nhập khẩu 204.000 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên và việc tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/3.

Đi chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nhưng đến nay (27/12), Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho 70% dân số. Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này. Nhưng tính về số liều vaccine đã được tiêm thì Việt Nam lại xếp thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho 70% dân số. Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên tỷ lệ bao phủ vaccine it nhất 98%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. 

Chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô nhất từ trước đến nay có tốc độ tiêm thần tốc, đã huy động tổng lực với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước bao gồm cả lực lượng quân y và dân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân.

Đã có 5/9 loại vaccine được WHO cấp phép được sử dụng tại Việt Nam, trong đó có những vaccine đòi hỏi chế độ bảo quản ngặt nghèo nhất từ trước đến nay. Chiến dịch cũng chứng kiến tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vượt bậc trong tiêm chủng. Với những nỗ lực vô cùng to lớn về tiếp cận nguồn vaccine, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam đã về đích sớm. Kết quả tiêm chủng đóng vai trò quan trọng, quyết định để thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ 2 mũi cho dân số trên 18 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 66%. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT))

Thành lập hàng nghìn trạm y tế lưu động

Tính đến tháng 10/2021, thống kê sơ bộ tại 52 tỉnh, thành phố đã thành lập 2.944 trạm y tế lưu động. Trạm y tế này được thiết lập nhanh chóng để giúp người dân trong vùng dịch tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, từ cơ sở để phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời. Nhân viên y tế tại trạm không chỉ trực tiếp khám, điều trị F0 tại nhà, cấp cứu trường hợp chuyển nặng, họ còn thực hiện tiêm chủng vaccine tại nhà, khám chữa bệnh thông thường cho người dân khi các cơ sở y tế quá tải.

Tại TP Hồ Chí Minh đã thành lập hơn 536 trạm y tế lưu động. Nhờ được can thiệp từ sớm và quản lý tốt việc chăm sóc và hỗ trợ F0 tại nhà, người bệnh được hỗ trợ oxy, chuyển viện kịp thời, giảm ca nặng và góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Số F0 được theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà liên tục giảm dần.

Hà Nội đưa người đi cách ly tại khu thu dung, điều trị F0. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cuộc thử nghiệm vaccine và thuốc quy mô

Năm 2021, Việt Nam đưa vào thử nghiệm 2 loại vaccine phòng Covid-19 là Nano Covax và Covivac. Để tiến tới chủ động nguồn vaccine trong nước, các thủ tục về mặt quy trình giấy tờ được rút ngắn lại để tăng tốc thử nghiệm lâm sàng vaccine.

Đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, vaccine Nanocovax được Hội đồng Đạo đức đánh giá đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch, dựa trên báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đến ngày 30/11. Đối với hiệu quả bảo vệ của vaccine, Hội đồng yêu cầu nhóm nghiên cứu bổ sung dữ liệu các ca mắc Covid-19 theo đề cương nghiên cứu, tính đến hết ngày 13/12, để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vaccine.

Vaccine Covivac đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai, do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu hiện đã hoãn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba do không tuyển được tình nguyện viên đủ điều kiện và đang tìm phương án khác để tiếp tục nghiên cứu vaccine. Đại diện Bộ Y tế đang xem xét kế hoạch nghiên cứu tiêm mũi bổ sung.

Bên cạnh thử nghiệm vaccine, Việt Nam cũng triển khai chiến dịch thử thuốc điều trị quy mô lớn tại 46 địa phương với hơn 300 nghìn liều thuốc Molnupiravir được đưa vào thử nghiệm có kiểm soát các trường hợp F0 thể nhẹ. Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Ngành y tế cũng đã xây dựng hàng nghìn gói thuốc điều trị F0 tại nhà để người dân yên tâm điều trị.

Vaccine đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm Nano Covax. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Việt Nam đang thử nghiệm 2 vaccine "made in Vietnam). (Ảnh: Bộ Y tế)

Thiết lập nhiều trung tâm hồi sức tích cực

Biến chủng Delta đã tạo ra đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước đến nay. Với việc tăng 185% khả năng bám dính vào niêm mạc đường hô hấp so với chủng cũ, việc phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh nhanh và lớn với tốc độ tăng nồng độ virus trong dịch đường hô hấp khoảng 1.260 lần trong 48 giờ. Tỷ lệ gây bệnh nặng cao hơn 234% và khả năng tử vong coa hơn 132% so với chủng cũ. Vì thế, khả năng kiểm soát biến chủng khó khăn khi tỷ lệ nhiễm chuyển nặng rất nhanh và tỷ lệ tử vong cũng tăng theo.

Trong làn sóng thứ tư, mục đích quan trọng nhất trong điều trị là phải giảm tỷ lệ chuyển nặng, giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Nhận diện được nguy cơ sự thiếu hụt của hệ thống hồi sức cấp cứu trên toàn quốc, cuối tháng 7, Bộ Y tế thành lập 12 Trung tâm hồi sức quốc gia, trang bị 100 giường hồi sức đạt tiêu chuẩn cho hơn 30 bệnh viện. Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 giường hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng, tập trung 4 trung tâm tại TP Hồ Chí Minh và một trung tâm tại các địa phương: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã triển khai mô hình tháp điều trị 3 tầng hiệu quả trong việc phân tầng từng loại FO để có phương án điều trị kịp thời.

Nhờ việc đầu tư tối đa về trang thiết bị và bổ sung nhân lực cho các trung tâm này, việc điều trị ở tầng cao nhất đã góp phần tạo nên những bước ngoặt cho công tác điều trị. Hàng trăm ca bệnh nặng, nguy kịch đã được cứu sống kỳ tích dù chỉ có rất ít cơ hội phần trăm sống sót.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Nỗ lực hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Bệnh nhân từng hỏi: "Bác sĩ ơi, bao giờ em chết" đã được hồi sinh. (Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai)

Thần tốc ứng dụng công nghệ thông tin

Chưa bao giờ, ngành y tế lại có sự chuyển mình một cách mạnh mẽ khi ứng dụng công nghệ thông vào chống dịch từ việc truy vết, quản lý F1, F0, trả kết quả xét nghiệm, điều trị F0, tiêm chủng... Với sự kết hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã triển khai hiệu quả những ứng dụng như: Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone; Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD; Ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI; Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code); Hệ thống Bản đồ chống dịch - An toàn COVID-19... và tiến tới ứng dụng phòng, chống Covid-19 duy nhất (PC-Covid-19) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, trong suốt 1 năm dịch diễn biến căng thẳng, hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được thiết lập từ 30 bệnh viện Trung ương tới hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới (100% cơ sở y tế tuyến huyện). Nhờ đó, đã phần nào xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, đặc biệt là điều trị bệnh nhân Covid-19 để bảo đảm phương châm "4 tại chỗ" trong chống dịch. Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người nhiễm, người nghi nghiễm thông qua tư vấn từ xa qua điện thoại, qua phần mềm giải đáp thông tin đã giúp các đối tượng tiếp cận được dịch vụ y tế sớm, kịp thời, qua đó làm giảm diễn biến nặng và góp phần làm giảm các trường hợp tử vong.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý F0 nặng, nguy kịch. (Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)
Quét mã QR khai báo y tế khi đi tiêm chủng. (Ảnh: Bộ Y tế)

Ghi nhận số người tử vong cao do đại dịch

Làn sóng dịch thứ tư ập đến cướp đi sinh mạng của 31.418 người, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm. Đây là con số thương vong cao vì dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Tính đến ngày 27/12, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Số ca tử vong tăng cao vào khoảng tháng 7, 8 tại TP Hồ Chí Minh khi hệ thống y tế tại đây bị quá tải, dẫn tới các trường hợp nặng không được can thiệp y tế kịp thời dẫn tới chuyển biến nguy  kịch và tử vong rất nhanh. Đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca tử vong cao nhất với 19.576 ca tử vong (ngày 27/12).

(Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Những nỗ lực vì người bệnh. (Ảnh: BỆNH VIỆN CHỢ RẪY)

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - VIỆT ANH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT, HẢI AN, BỘ Y TẾ, BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP HỒ CHÍ MINH; BỆNH VIỆN BẠCH MAI, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Trình bày: THIÊN LAM