CẢ NƯỚC DỒN SỨC CHI VIỆN CHO MIỀN NAM

Chúng ta ước lượng được bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh, nhưng không thể cân đo hết bao nhiêu yêu thương, lo lắng dành cho thành phố. Chúng ta tính được hàng trăm nghìn nhân lực chi viện ở mọi mặt trận nhưng không thể đong đếm được bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống trong hơn 150 ngày qua. Nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia gánh vác trách nhiệm đã giúp cho TP Hồ Chí Minh vượt qua được những tháng ngày khốc liệt nhất.

“Tự dưng nay ngồi mở nghe đi nghe lại bài “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, xong cũng tự hỏi nếu chỉ còn một ngày để sống thì mình sẽ làm gì nhỉ? Giúp đỡ thật nhiều người khó khăn? Cứu sống thật nhiều mạng người?…”, bác sĩ Dương Minh Tuấn ghi những dòng nhật ký ở ngày thứ 30 chi viện cho miền nam. Đây là thời điểm cuối tháng 8, TP Hồ Chí Minh bị tổn thương nặng nề nhất, ngổn ngang với nhiều  hoang mang lo lắng.

Bác sĩ Tuấn từ Bệnh viện đa khoa Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cùng hàng nghìn nhân viên y tế trong cả nước chi viện cho thành phố đều đang từng ngày đối diện trực tiếp với sự tàn khốc của dịch bệnh. Họ cũng chính là những người ở lại cho đến tận giữa tháng 10, khi thành phố đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu cuộc sống bình thường mới…

CUỘC TIẾP SỨC VỀ NHÂN LỰC LỚN CHƯA TỪNG CÓ

Từ một bệnh viện đa khoa nhỏ của vùng núi Quảng Bình, bác sĩ Dương Minh Tuấn cùng đồng đội đã có tròn 2 tháng chi viện cho thành phố, vào thời điểm mà anh kể lại là “những cảnh tượng kinh khủng hơn tất cả mọi thước phim về thảm họa đang diễn ra trước mắt”. Họ đến, sát cánh cùng lực lượng y tế thành phố này, mỗi ngày cố gắng giữ tính mạng từng bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau của những người may mắn còn ở lại, tiếp thêm chút sức lực và niềm tin cho các đồng đội mặc áo blouse trắng.

Mỗi ngày họ làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, hơn 12 tiếng trong các bệnh viện dã chiến và "ăn, ở cũng dã chiến". Những bữa cơm quá giờ, nguội ngắt và không hợp khẩu vị, ngủ tạm trong một trường học hay một khách sạn nhỏ nào đó, tỉnh giấc hoảng hốt giữa đêm vì nỗi ám ảnh tiếng máy thở, những bệnh nhân lần lượt buông tay trước mọi nỗ lực của mình… Cũng như các lực lượng chi viện khác, chứng kiến sự khốc liệt, cảm giác đau buồn, căng thẳng, áp lực, có lúc tưởng không trụ nổi, nhưng rồi bác sĩ Tuấn nhận ra “Cuộc chiến này còn dài, và chúng tôi không cần phải tạo thêm cho nhau những áp lực không đáng có này nữa”. Trong những dòng nhật ký sau ca trực, anh đều lấy sự lạc quan tếu làm đầu để giúp mình và đồng đội vượt qua.

"Sáng 2/9, nếu không có SARS-COV-2, có lẽ ở Lệ Thủy đều đang hân hoan tổ chức đua thuyền, người ta gọi đó mới là Tết của người Lệ Thủy, cũng giống như rằm Tháng Ba ở trên Minh Hóa vậy.

... Chưa bao giờ nỗi nhớ gia đình lại gần đến thế, anh em tụi tôi ai cũng hiểu lần này xa nhà đi vào cái chốn nguy hiểm cận kề, mỗi lần ngoáy mũi làm xét nghiệm là mỗi lần hồi hộp. Sợ chứ, sợ dương tính cái rồi biết nói thế nào với mọi người ở nhà, rồi lỡ có làm sao, làm sao..."- Nhật ký Tuấn viết.

Không rõ có bao nhiêu bác sĩ như Tuấn, sau những ngày chứng kiến quá nhiều mất mát, mỗi lần ra khỏi khu điều trị, vẫn luôn nghĩ trong đầu rằng mình nên viết một bản di chúc. Bởi họ biết mình có thể bị dương tính bất cứ khi nào và cũng có thể trở nặng rất nhanh khi đã nhiễm bệnh. Họ xác định đi chuyến này là vào chiến trường, khi nhiều đồng nghiệp đã thành F0. Một chiến trường cần những người lăn xả, hy sinh, có thể không có ngày về nhưng vì bệnh nhân cần được cứu, vì những yêu thương tin tưởng của người dân, họ sẵn sàng trụ lại.  

Gần 5 tháng qua, đã có hơn 300.000 nhân lực hỗ trợ, đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, lăn xả ở nhiều chiến tuyến, dốc sức vì những địa phương này đang rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có. Những chuyến xe vận chuyển hàng trăm tấn lương thực nhiều ngày nối tiếp nhau nam tiến. Những đơn vị máu chi viện từ người dân các tỉnh, thành phố cũng hòa chung con đường góp một phần sức nhỏ bé giúp người bệnh vượt qua đại nạn.

Mặt trận điều trị có sự tập hợp lực lượng từ nhiều bệnh viện trong cả nước.

Mặt trận điều trị có sự tập hợp lực lượng từ nhiều bệnh viện trong cả nước.

Nhớ lại những ngày đầu tháng 7, khi dịch bắt đầu leo thang, khi biến chủng Delta bộc lộ rõ sự nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải dành tất cả những gì tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19”. Một cuộc chi viện lớn chưa từng có bắt đầu từ đây, với một tinh thần “dốc sức vì miền nam thân yêu”. Sự chi viện của mọi miền cho TP Hồ Chí Minh kịp thời, không chỉ nằm ở con số nhân lực để bù đắp cho sự thiếu hụt ở mọi tuyến điều trị, mà còn bởi những dấu ấn nâng cao thêm một bước về năng lực của ngành y tế, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. 

Tuần đầu tháng 7, các bệnh viện thuộc Bộ Công an vốn có nhiều kinh nghiệm tại TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang đã chi viện hàng trăm nhân sự cho TP Hồ Chí Minh. Cuối tháng 7, TP Hồ Chí Minh đã đón 24 đoàn công tác đến từ các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện các bộ, ngành với tổng cộng 4.473 người. Các bệnh viện có quân số chi viện đông và “tay nghề cao” như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh... Những ngày căng thẳng nhất, mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm nhân viên y tế từ khắp cả nước lên đường vào nam, không chỉ từ các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương mà còn từ các tỉnh nhỏ xa xôi như Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ...

Khi dịch bệnh tại thành phố khốc liệt nhất với mỗi ngày số F0 ở mức hàng nghìn, số ca tử vong tính hàng trăm, tháng 8, Bộ Y tế tiếp tục tung một lực lượng tinh nhuệ nhất từ trước tới nay với sự tham gia chỉ huy mặt trận điều trị là các giám đốc bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương vào TP Hồ Chí Minh xây dựng các trung tâm hồi sức. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Trung ương Huế... đều có mặt và thiết lập những trung tâm cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng tại khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, đồng thời hỗ trợ từ xa cho các địa phương khác.

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh

Dẫn đồng đội với hơn 500 người trực chiến ở tầng điều trị thách thức nhất, TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh mới đầu cũng rất hoang mang vì nhiệm vụ thần tốc phải xây dựng trung tâm điều trị cao nhất cho bệnh nhân Covid-19 từ con số 0. “Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến đại dịch có quy mô ảnh hưởng sâu rộng như vậy tại TP Hồ Chí Minh. Từ con số 0 chúng tôi đã xây dựng hệ thống làm việc ăn khớp tất cả các công đoạn tại trung tâm. Đây là giai đoạn rất vất vả, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố để có được một trung tâm tiếp nhận với số lượng bệnh nhân rất lớn”, bác sĩ Sơn nói. Sau khi gây dựng hệ thống hồi sức hiện đại có khả năng điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng, các bác sĩ còn chuyển giao kỹ thuật điều trị cao nhất cùng trang thiết bị cho các tuyến dưới. Đây là sự chi viện quý báu để các tuyến điều trị có thêm nền tảng, chỗ dựa chuyên môn vững vàng để can thiệp kịp thời với từng ca bệnh.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần xung phong của lực lượng y tế  tại tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Việt Đức nhớ lại, hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh viện đã phát động trong đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Và chỉ sau vài giờ gửi tin đi, khoa đã có danh sách dài các bác sĩ, điều dưỡng đăng ký xung phong lên đường đủ cho cả đợt 1, 2, 3. Những người đi đợt sau còn góp kinh phí để người đi trước mua sắm đồ dùng cá nhân.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức xúc động chia tay nhau lúc lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức xúc động chia tay nhau lúc lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Các đồng nghiệp không quên câu chuyện xúc động của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng) và nữ điều dưỡng Trần Thị Thúy Ngần (khoa Phẫu thuật thần kinh I), Bệnh viện Việt Đức. Dù con còn rất nhỏ nhưng khi có tin phát động tình nguyện đi chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng đều lập tức đăng ký. “Mình cùng đi được không bố… Hay mỗi người đi một đợt. Em thực sự muốn đi, muốn giúp sức nhỏ bé của mình”.. là những dòng tin nhắn khiến nhiều người xúc động. Hay đó là chuyện của một nam bác sĩ nhà neo người, bố mẹ đều bệnh trọng, vợ ở nước ngoài nhưng vẫn quyết tâm thuyết phục lãnh đạo để được đi đợt đầu…  Trong các nhóm thông tin của các bệnh viện khi đó, liên tục các tin nhắn xin đi vào miền nam, thực sự là những liều thuốc tinh thần rất lớn động viên các chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu.

Những ngày thành phố chuyển đổi chiến lược điều trị F0 tại nhà, lực lượng tinh nhuệ của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã có mặt tại 400 tổ quân y lưu động ở khắp các xã, phường cùng chính quyền các địa phương kéo giảm ca F0 trở nặng tại nhà, giảm tử vong rõ rệt. Khoảng 1.500 y, bác sĩ quân y ngoài việc “ba cùng” với nhân dân thành phố, còn triển khai thêm 7 bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng 1 bệnh viện và đưa vào tâm dịch rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhất. Bác sĩ quân y Nguyễn Huy Tú (phường 11, quận 5) quyết tâm: “Hết dịch chúng tôi mới về”.

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
* Thành lập 32 bệnh viện dã chiến, quy mô 42.798 giường
* Chuyển công năng 64 bệnh viện với 17.062 giường
* Đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện, từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy...

Theo ước tính, tổng chi viện nhân lực y tế của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, của các bệnh viện, các trường y dược và sở y tế các tỉnh, thành phố cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 25.000 người. Chưa kể lực lượng bộ đội chủ lực và các đơn vị công an chi viện khẩn cấp cho thành phố để làm các nhiệm vụ ngoài công tác y tế như vận chuyển lương thực, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, trực chốt phòng dịch. Tất cả hợp lại thành một lực lượng hùng hậu góp sức cùng hàng chục nghìn nhân viên y tế tại chỗ, tình nguyện viên y tế của TP Hồ Chí Minh chống chọi trong suốt hơn 150 ngày ròng rã, giúp thành phố vượt qua “bạo bệnh”, dần hồi sinh tích cực.

Từ tuần cuối của tháng 8, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị đã trực tiếp về hỗ trợ người dân thành phố. Trên các tuyến đường, những người lính cũng phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát người dân lưu thông khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Dù nắng hay mưa, sáng đến tối, những người lính vẫn miệt mài để cùng thành phố chống dịch, trở thành một hình ảnh đẹp sáng lên trong sự khó khăn, nguy nan của đại dịch.

Chị Nguyễn Thị Hà, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cho hay: “Thời điểm cả tổ dân phố bị phong tỏa, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân đội tổ chức phối hợp cùng chính quyền địa phương đi chợ rồi trực tiếp mang thực phẩm đến cho các gia đình sẽ là một kỷ niệm rất đáng nhớ”.

Trong ngày tri ân lực lượng y tế chống dịch tại Hà Nội vào cuối tháng 10 tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên xúc động nói: “Nếu như trong quân đội, lần chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch là cuộc huy động lực lượng lớn nhất hơn 40 năm qua từ sau chiến tranh biên giới tây nam thì ngành y tế cũng huy động lực lượng cán bộ chi viện lớn chưa từng có. Không có lời nào có thể nói hết được sự hy sinh ấy. Dù chỉ là âm thầm lặng lẽ trên từng trận tuyến, nhưng nhân dân chúng tôi đều thấy được ngành y tế đã kề vai, sát cánh, đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn thử thách. Lịch sử sẽ ghi lại những hy sinh vất vả của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch chưa có trong tiền lệ này”.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày cuối tháng 8/2021, hàng nghìn quân nhân đã hành quân từ nhiều nguồn: Trường Sĩ quan Lục quân 2; Trường Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp; Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân; các trung đoàn mạnh của Quân khu 7, Quân khu 9… vào TP Hồ Chí Minh, chủ yếu tham gia cung cấp nhu yếu phẩm và kiểm soát việc giãn cách xã hội. Các lực lượng Quân đội vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch được phân công về cơ sở, trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ và luôn sẵn sàng vào tâm dịch phục vụ nhân dân. Hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ có mặt ở khắp các mặt trận, từ thực hiện công tác chuyên môn trong phòng, chống dịch Covid-19 đến công tác bảo đảm an sinh, xã hội… được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 133.000 quân, trong đó bộ đội hơn 33.000, dân quân hơn 99.000. Riêng lực lượng quân y tăng cường khoảng 9.800, triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có trên 4.000 đồng chí bị nhiễm Covid-19. Cán bộ chiến sĩ quân đội luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tổ chức, tính kỷ luật, chặt chẽ, nghiêm minh. Luôn chủ động sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt có đồng chí điều trị khỏi tình nguyện ở lại phục vụ. Nhiều đồng chí có người thân qua đời đã nén đau thương ở lại đơn vị để chống dịch".
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh

Đoàn cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện 199 thuộc lực lượng Công an sẵn sàng lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh từ đầu đợt dịch thứ 4.

Đoàn cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện 199 thuộc lực lượng Công an sẵn sàng lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh từ đầu đợt dịch thứ 4.

Đoàn cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết tâm cao giúp TP Hồ Chí Minh khống chế dịch bệnh.

Đoàn cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết tâm cao giúp TP Hồ Chí Minh khống chế dịch bệnh.

Lực lượng quân đội lên đường chống dịch.

Lực lượng quân đội lên đường chống dịch.

Các nghệ sĩ tham gia tình nguyện và biểu diễn động viên tinh thần đội ngũ y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trong những ngày căng thẳng nhất.

Các nghệ sĩ tham gia tình nguyện và biểu diễn động viên tinh thần đội ngũ y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trong những ngày căng thẳng nhất.

Item 1 of 4

Đoàn cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện 199 thuộc lực lượng Công an sẵn sàng lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh từ đầu đợt dịch thứ 4.

Đoàn cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện 199 thuộc lực lượng Công an sẵn sàng lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh từ đầu đợt dịch thứ 4.

Đoàn cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết tâm cao giúp TP Hồ Chí Minh khống chế dịch bệnh.

Đoàn cán bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quyết tâm cao giúp TP Hồ Chí Minh khống chế dịch bệnh.

Lực lượng quân đội lên đường chống dịch.

Lực lượng quân đội lên đường chống dịch.

Các nghệ sĩ tham gia tình nguyện và biểu diễn động viên tinh thần đội ngũ y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trong những ngày căng thẳng nhất.

Các nghệ sĩ tham gia tình nguyện và biểu diễn động viên tinh thần đội ngũ y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trong những ngày căng thẳng nhất.

CẢ NƯỚC TIẾP SỨC CHO THÀNH PHỐ CHỐNG DỊCH

Suốt gần 5 tháng trong tâm dịch, trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các địa phương luôn bận rộn với các đợt tiếp nhận hàng hóa, đóng góp. Các nguồn lực từ khắp nơi đổ về để cùng thành phố nỗ lực triển khai công tác phòng, chống dịch. Hàng trăm chuyến xe tải treo khẩu hiệu “Vì TP Hồ Chí Minh” hướng về thành phố. Vô cùng cảm động khi hình ảnh người dân gom góp sản vật địa phương từ khắp nơi gửi vào cho bà con TP Hồ Chí Minh. Từ những hộp lạc rang cá khô của đồng bào Nghệ An. Hà Tĩnh, chả mực Hạ Long, chả bò Đà Đẵng, mắm ruốc Huế, khoai tím Vĩnh Long; những thứ bình dị như sò, hành tỏi, khô mực Trường Sa, Lý Sơn; những măng rừng, mật ong, bầu, bí Tây Nguyên cũng được đồng bào cả nước gói ghém vào.

Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 là một khoảng thời gian rất khó khăn của hệ thống chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khi số ca nhiễm và trở nặng tăng cao, hệ thống y tế quá tải. Thế nhưng, trong khó khăn, người dân thành phố càng cảm nhận được sự sẻ chia của đồng bào từ nhiều địa phương trong cả nước, các nguồn lực về sức người, sức của liên tiếp đổ về thành phố mang tên Bác, tiếp sức chi viện cho cuộc chiến chống Covid.

Hàng trăm tấn thiết bị y tế được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh kịp thời hỗ trợ công tác cứu chữa bệnh nhân Covid-19.

Hàng trăm tấn thiết bị y tế được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh kịp thời hỗ trợ công tác cứu chữa bệnh nhân Covid-19.

Nằm sát bờ sông Lam, nhân dân xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An khi nghe tin tỉnh nhà phát động chương trình “Tuần lễ vì thành phố mang tên Bác” đã nhiệt tình hưởng ứng. Nhà ít thì vài cân đậu phộng, trái bí, nhà nhiều hơn thì còn đóng góp thêm cả tiền.

Bà Hạ Minh, ngụ xóm 2, xã Xuân Lâm đến trụ sở UBND xã khi đã trưa muộn, trong bộ đồ bảo hộ vừa đi làm về, bà vui vẻ gửi 3 kg đậu phộng cùng hai trái bí mới hái trong vườn sáng nay. Bà bảo: “Tôi chưa một lần được vào Sài Gòn nhưng khi nghe tin trong đó dịch lớn nên khi nghe loa phát thanh thông báo, đi làm đồng về tôi tranh thủ đi ngay”.

Chỉ sau 2 ngày phát động, nhân dân xã Xuân Lâm đã quyên góp ủng hộ nhân dân TP Hồ Chí Minh hơn 4 tấn nông sản các loại. Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Lâm Nguyễn Thạc Dương cho biết: TP Hồ Chí Minh là địa phương có đông con em của nhân dân xã nhà đang sinh sống, học tập và công tác nhiều năm nay. Tình cảm đó trở nên gắn kết và gần gũi hơn trong khó khăn hoạn nạn. Những tình cảm của bà con gửi gắm đều mong thành phố sẽ sớm vượt qua được dịch bệnh, ổn định đời sống.

 Sau thời gian ngắn phát động, chương trình “Tuần lễ vì thành phố mang tên Bác” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát động đã hỗ trợ 2 tỷ đồng và hơn 292,5 tấn lương thực, thực phẩm trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Cũng với tinh thần tương thân tương ái đó, đồng loạt nhiều tỉnh, thành phố cũng đã đêm ngày gom góp lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế chống dịch gửi vào TP Hồ Chí Minh. Bà con miền trung còn nhắc nhau, khi miền trung bị lũ lụt, người Sài Gòn luôn đi đầu trong việc cứu giúp, nay người dân Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh lâm cảnh dịch bệnh, miền trung cùng đồng bào cả nước lại hướng về thành phố.

Nhắc lại những ngày tháng cao điểm vừa qua, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh xúc động nói: “Trong khó khăn, chúng ta thêm một lần nữa cảm nhận được tình cảm của đồng bào cả nước, nhân dân thành phố dành cho nhau đáng quý biết nhường nào. Trong thời điểm thành phố khó khăn, các nguồn lực đã dồn dập đổ về, mọi người cùng nhau chia sẻ những khó khăn cho nhau”.

Nhiều cán bộ Mặt trận Tổ quốc quận 5 hẳn sẽ không quên hình ảnh của cụ Nguyễn Thị Thảo, 77 tuổi, ngụ phường 6, trong lần cụ đến đóng góp ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng Covid-19. Bước đi khó nhọc, cụ Thảo bước vào trụ sở Ủy ban phải cần tới sự hỗ trợ của người con đi cùng. Đặt ngay ngắn số tiền hơn 81 triệu đồng trên bàn, cụ Thảo nói với cán bộ tiếp nhận: “Đây là số tiền phúng điếu của ông nhà tôi vừa qua đời (cụ Nguyễn Văn Sự, một cựu tù chính trị, đảng viên 55 tuổi Đảng). Trước khi nhắm mắt, ông dặn gia đình hãy giành số tiền đó để làm một việc gì đó có ích cho xã hội. Rồi khi dịch ập xuống, tôi nói với các con sẽ đóng góp số tiền này cho thành phố mua vaccine chích ngừa cho bà con”.

Lực lượng tình nguyện viên của Trung tâm An sinh xã hội TP Hồ Chí Minh trao tặng túi an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. (Ảnh: QUANG QUÝ)

Lực lượng tình nguyện viên của Trung tâm An sinh xã hội TP Hồ Chí Minh trao tặng túi an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. (Ảnh: QUANG QUÝ)

Những ngày chống dịch, 100% cán bộ địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã tham gia công tác phòng, chống dịch, triển khai các gói an sinh xã hội đến các đối tượng cần hỗ trợ; tham gia công tác đi chợ thay cho người dân. Họ gần như giành toàn bộ thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ trong nỗ lực bảo đảm công tác an sinh xã hội, cấp phát tiền hỗ trợ cho người dân. Hàng trăm cán bộ địa phương đã bị nhiễm Covid-19. Chỉ riêng Hội Chữ Thập đỏ TP Hồ Chí Minh, đến hết tháng 9/2021 đã huy động 500.000 lượt tình nguyện viên, chăm lo hàng triệu hoàn cảnh thiếu thốn, mắc kẹt trong khu vực “căng dây”, không thể về quê…

Các tình nguyện viên y tế tổ chức trung thu cho các em nhỏ trong khu phong toả. Ảnh: Hải An

Trong những ngày cao điểm dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã không ngại nguy hiểm và khó khăn, lăn xả tiếp tế lương thực nhu yếu phẩm, thuốc và oxy cho người dân, nấu hàng triệu suất ăn cho các bác sĩ và nhân viên y tế... Trong ảnh: Các nghệ sĩ động viên tinh thần các bệnh nhân trong một bệnh viện điều Covid-19. Ảnh: Hải An

Các tình nguyện viên y tế tổ chức trung thu cho các em nhỏ trong khu phong toả. Ảnh: Hải An

Trong những ngày cao điểm dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã không ngại nguy hiểm và khó khăn, lăn xả tiếp tế lương thực nhu yếu phẩm, thuốc và oxy cho người dân, nấu hàng triệu suất ăn cho các bác sĩ và nhân viên y tế... Trong ảnh: Các nghệ sĩ động viên tinh thần các bệnh nhân trong một bệnh viện điều Covid-19. Ảnh: Hải An

NHỮNG NGƯỜI LĂN XẢ ĐỂ “THÀNH PHỐ MAU KHỎE”

Trưa thứ sáu, ngày 14/8, điện thoại hotline của Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh reo liên tục. Đầu dây bên kia, một lời kêu cứu: “Xin giúp tôi, nhà có 6 người dương tính, trong đó bà Huỳnh Thị Lắm chết hồi khuya vì nhiễm Covid-19, hai vợ chồng tôi tàn tật, ba đứa con còn nhỏ. Xin giúp cái hòm (quan tài) và hỏa táng bà. Địa chỉ: 23/27 đường Nhật Tảo”.

Thông tin đau lòng này ngay lập tức được chuyển về UBND phường 4, quận 10 xác minh. 18 giờ cùng ngày, chiếc quan tài được những tình nguyện viên Nhóm “ship yêu thương” (Chùa Bửu Đà quận 10) đưa đến địa điểm nêu trên. Sư thầy Thích Đức Nghĩa bật cửa sau chiếc xe bán tải, đưa người xấu số vừa tẩn liệm lên. Tuy nhiên quan tài vẫn còn dư năm tấc, lộ cả ra ngoài xe. Không ngần ngại, các vị sư trẻ cùng tình nguyện viên vẫn nhấn ga, trực chỉ nơi hỏa táng.

Để an toàn, những vị chân tu này cũng phải mặc quần áo bảo hộ, xịt sát khuẩn. Trên tinh thần “Thương người như thể thương thân”, sư Thích Đức Nghĩa và đồng đạo, đồng tu đã chung tay trợ giúp hàng chục người nghèo, gia đình khó khăn chẳng may có người qua đời trong dịch bệnh. Họ tạm dừng công việc trong tháng 9/2021 khi hầu hết thành viên trong chùa và cả sư Thích Đức Nghĩa đều trở thành F0. Việc xin quan tài chắc chắn là việc mà các nhà sư chẳng hề mong muốn, song vì nghĩa đồng bào, những nhà tu hành này đã cố tặng món quà cuối cho những người nghèo “đi xa”.

Trong tâm dịch, ngay lúc khó khăn nhất, khi mọi lực lượng tuyến đầu căng mình với nhiều hy sinh mất mát, hàng loạt chương trình bếp ăn miễn phí, bếp ăn không đồng, bếp nghĩa tình… ra đời với nhiều quy mô mà mục đích tiếp sức tuyến đầu và chăm lo người dân trong hoạn nạn. Thống kê cuối tháng 9/2021, nếu như Bếp ăn Suối mát Từ Tâm (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã cung cấp 125.000 suất ăn đến các hoàn cảnh nghèo khổ thì bếp ăn Chùa Tường Nguyên đã nấu tổng số 1,25 triệu suất cơm. Còn các bếp ăn tại Chùa Nam Thiên Nhất Trụ, Chùa Giác Ngộ, Chùa Vĩnh Nghiêm đã nấu từ 5.000-10.000 suất cơm/ngày chuyển tới lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Sư thầy Thích Đức Nghĩa và Thích Đức Minh (Chùa Bửu Đà) không quản ngại vận chuyển lương thực cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa. Từ nhiều hoạt động tuyến đầu, họ trở thành F0.

Sư thầy Thích Đức Nghĩa và Thích Đức Minh (Chùa Bửu Đà) không quản ngại vận chuyển lương thực cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa. Từ nhiều hoạt động tuyến đầu, họ trở thành F0.

Có thể nhắc đến những địa chỉ luôn “đỏ lửa” suốt 150 ngày qua như bếp ăn của Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố phục vụ gần 4.500 suất ăn/ngày cho các bệnh viện, bếp ăn Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh do nghệ sỹ Trịnh Kim Chi phụ trách nấu hơn 1.000 phần cơm/ngày để gửi đến các nhân viên y tế, “Gian bếp 0 đồng” của nghệ sĩ Hữu Quốc phát 1.500 phần bánh mì hoặc cơm/ngày đến hoàn cảnh neo đơn… hoàn toàn miễn phí.

Hàng chục triệu suất ăn, những phần cơm cháo ấm nóng, các hộp quà sáng nóng sốt, những chai nước cam mật ong… chính là kết quả mà cả nước quyên góp, lo lắng gửi về cho thành phố và biện minh cho khí chất “nghĩa tình” luôn thường trực trong những người dân thành phố. Bên cạnh các nguồn chi viện, phát huy nguồn lực nội tại, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cựu già hưu trí, những người lao động hay cả những em học sinh đã đóng góp không tiếc tài sản, tiền bạc, trí tuệ hay tâm sức cho công cuộc cấp bách chung.

“May mắn thay thời điểm đó còn có thật nhiều các đội nhóm tình nguyện, các mạnh thường quân thi thoảng vẫn ghé thăm và gửi cho chúng tôi những bữa ăn thật ấm áp, với vài tấm thiệp nho nhỏ: “Cố lên các chiến sĩ áo trắng ơi!”; “Chắc mọi người mệt lắm rồi phải không ạ? Mọi người nghỉ tay ăn chút bánh bao cho đỡ mệt nha. Cảm ơn mọi người nhiều lắm!”;... đọc nghe đến là nhẹ nhàng”.
(Trích bản thảo cuốn “Đi chống dịch thật là vui!” - bác sĩ Dương Minh Tuấn, trang 56-57)

Ngay từ đầu dịch, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thiết thực tài trợ 2.000 máy thở và 2.000 tỷ đồng cho thành phố và cả nước mua vaccine, 130 tỷ đồng để mua sắm vật dụng, thiết bị y tế; 266.000 phần quà an sinh trị giá 133 tỷ đồng. Khi tình trạng phức tạp của dịch bệnh tăng cao, Tập đoàn đã tài trợ cả các khu đất cùng chi phí để xây dựng các bệnh viện dã chiến 13, 15, 16 điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian thần tốc.

Đầu tháng 8/2021, nhiều bệnh viện quá tải, nhiều F0 không được tiếp cận sớm nguồn oxy dẫn đến hàng loạt ca tử vong, “ATM Oxy” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai đã cấp bách ra đời, đến nay đã cung cấp gần 10.000 bình oxy, hỗ trợ được 50.000 ca bệnh. Từ đây, lại ra đời thêm “ATM F0 chống dịch” huy động khoảng 1.800 F0 khỏi bệnh tham gia hậu cần, dọn vệ sinh, dọn phòng, lái xe, chăm sóc bệnh nhân; rồi “ATM Túi thuốc cứu người” vận động được 16.000 túi thuốc, trong đó đã trao 10.000 túi thuốc A, B tại TP Hồ Chí Minh.

Cả nước đồng lòng, chung sức hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh.

Cả nước đồng lòng, chung sức hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh.

Nhiều hoạt động cũng hình thành không kịch bản, không báo trước như việc “Nhóm từ thiện của nhà giáo Hồ Thanh Phong và cộng sự” đã tư vấn qua điện thoại, gửi thuốc, tư vấn tâm lý cho 2.806 F0 và đã giúp nhiều người thoát chết; “Nhóm Hoa từ bi” chia sẻ hàng trăm chuyến xe rau củ quả, gạo, mì đến các khu cách ly; “Câu lạc bộ Chuyến xe Nghĩa tình” chuyên chở hàng chục mẹ bầu, trẻ em sơ sinh về quê sau khi phục hồi bệnh; và còn là “Đội xe khử khuẩn di động” đã 5 tháng liền làm nhiệm vụ ở mọi ngóc ngách trong thành phố…

Anh Nguyễn Đình Bá, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quang Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Chuyến xe Nghĩa tình” cho biết, tính đến 30/9, câu lạc bộ đã huy động được 57 xe ô tô, 5 xe tải tham gia, giúp đỡ đưa gần 100 bé sơ sinh và thai phụ về quê; vận chuyển 268 tấn nông sản, 146 tấn gạo đến người dân các khu cách ly, khu phong tỏa; vận chuyển hàng chục nghìn suất ăn đến các bệnh viện dã chiến.

Suốt 4 tháng TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách các cấp độ khác nhau, chị Trần Lâm Mỹ Uyên (TP Thủ Đức), thành viên Nhóm thiện nguyện Commitment, ngày nào cũng bon bon cùng chiếc xe chở nặng hàng tiếp tế lương thực, thực phẩm vào tận “hang cùng, ngõ hẻm” đang giăng dây giãn cách để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

Chị Trần Lâm Mỹ Uyên kể, những ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách, chị thường ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và về lúc 23 giờ đêm. Mỗi ngày đi tổng cộng mấy trăm cây số, tới tận những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa ở Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú… Mệt lắm, về đến nhà là lăn ra ngủ. Nhưng sáng hôm sau chị lại tiếp tục hành trình. "Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể làm được như vậy. Trong bối cảnh dịch bệnh quá khốc liệt, số bệnh nhân và số tử vong tăng nhanh, tôi chỉ sợ một điều hàng hóa, thực phẩm hay thuốc điều trị Covid-19 không kịp đến tay người cần", chị Uyên tâm sự.

Dù đã làm từ thiện từ nhiều năm nay, nhưng chị Uyên vẫn xúc động khi thấy sự trân quý của người nhận khi đón nhận những phần quà. Đó là những chiến sĩ trực chốt kiểm soát trong chiều mưa gió rất xúc động khi nhận được những hộp cơm nóng hổi khi bụng đang đói cồn cào. Đó là những người dân bị kẹt trong những hẻm sâu không thể đặt mua hàng thực phẩm, có nguy cơ thiếu đói. Khi nhóm từ thiện của chị Uyên đến tiếp tế hàng chục phần lương thực, thực phẩm, người dân mừng mừng tủi tủi cảm ơn nhóm từ thiện và nói nếu không có họ, không biết sẽ sống như thế nào trong những ngày tiếp theo.

Trong đợt dịch Covid-19 này, Nhóm Tình nguyện Commitment đã chung tay đóng góp và được mạnh thường quân ủng hộ thêm với: 65 tấn gạo, 50.000 nhu yếu phẩm, 25 tấn rau củ và nhiều trang thiết bị y tế… Tổng trị giá quyên góp lên tới 3,8 tỷ đồng. Nhóm thiện nguyện này đã trao tặng số quà trên cho 30 bệnh viện, đồng thời trao các túi quà cho hơn 20.000 hộ gia đình trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Có những thứ không thể đong đếm được - đó là những nỗ lực hết mình của những tình nguyện viên như chị Trần Lâm Mỹ Uyên đã góp phần làm vơi đi những khó khăn, vất vả của bao phận người gian nan trong đại dịch Covid-19 lần này.

Khi thành phố đỡ dịch bệnh, bác sĩ Dương Minh Tuấn cũng đã trở về huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nơi anh đang làm bác sĩ tình nguyện. Dù coi việc có mặt tại TP Hồ Chí Minh để cứu chữa bệnh nhân Covid-19 là việc bình thường của các bác sĩ trong thời điểm khó khăn, nhưng trực chiến tại bệnh viện thu dung điều trị trong những ngày khốc liệt, chứng kiến con số ca nhiễm, ca tử vong ngày một tăng cao và đôi khi cảm thấy bất lực vì không cứu được bệnh nhân - trở thành những ngày không thể quên trong đời người bác sĩ…

Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức sản xuất: DƯƠNG HỒNG LÂM, NGUYỄN HỒNG MINH, NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG VÂN, BÍCH NGỌC, QUANG QUÝ, MINH ANH, MẠNH HẢO, QUÝ HIỀN, ANH TUẤN. TÙNG QUANG
Ảnh: QUANG QUÝ, HẢI AN, MINH ANH, BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC, BỆNH VIỆN BẠCH MAI, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Đồ hoạ: BÔNG MAI, ĐỨC DUY, DUY KHÁNH
Thiết kế trình bày: ĐĂNG PHI, BÔNG MAI, ANH NGỌC