TP Hồ Chí Minh - và sau đó là nhiều tỉnh, thành phố khác - vừa phải đi qua một cơn chấn thương với những mất mát chưa từng có. Sẽ cần nhiều, thật nhiều thời gian, sự tận tâm và nỗ lực để có thể bù đắp, xoa dịu những gì mà hơn 10 triệu người dân sống ở thành phố đã trải qua…
“ĐAU THƯƠNG ĐỦ CHO CẢ ĐỜI NGƯỜI”
Là bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Ngô Đức Hùng có mặt hầu hết tại các điểm nóng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, từ Đà Nẵng, Hải Dương đến Bắc Giang. Nhưng khi tiếp tục lên đường vào trực chiến tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 16 tại TP Hồ Chí Minh, anh mới nhận ra, cả ba đợt dịch trước chỉ mới là tập dượt, đợt dịch lần thứ 4 này mới thực sự là trận đánh. Chứng kiến sự tàn khốc của biến chủng mới, sự quá tải của hệ thống y tế khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh khủng khiếp và bệnh nhân từ nhẹ chuyển nặng và tử vong chỉ trong thời gian ngắn, bác sĩ Hùng phải thốt lên: “Những gì chứng kiến có lẽ đã đủ đau thương cho cả đời người”.
“Có những bệnh nhân vào cả nhà bị nhiễm, rồi cả nhà không qua khỏi, tới khi bệnh nhân tử vong cũng không biết gọi cho ai vì người thân chết hết rồi. Khi nhìn bệnh nhân chết, các bác sĩ rất day dứt vì không biết mình đã cố gắng hết mức hay chưa, tình trạng bệnh còn khả năng cứu chữa hay không. Đôi khi, chúng tôi cảm thấy bất lực vì số lượng bác sĩ hạn chế so với số bệnh nhân nhập viện cũng như trở nặng mỗi ngày”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Kể từ 27/4 tới 15/10, có hơn 21.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Con số gấp hàng chục nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại và cũng là con số buồn đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ ca tử vong thấp nhất thế giới trong hơn một năm qua trở thành nước ở mức xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong mấy tháng. Thật đúng như các chuyên gia nhận định, biến chủng Delta đã làm đảo lộn mọi thành quả chống dịch. Trong những ngày từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, số ca mắc và ca tử vong liên tiếp lập “kỷ lục buồn” mỗi ngày. Điều đó không những là sự mất mát đau thương với người dân thành phố và các điểm nóng như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, lan cả ra Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… mà còn là sự ám ảnh, tổn thương với người dân cả nước.
Ký ức của bác sĩ Hùng không phải là một chuyện đơn lẻ, bi thương khác thường ở TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đại dịch. Trong suốt hơn hai tháng khốc liệt nhất, chưa từng có trong lịch sử của thành phố vốn sôi động đầy sức sống nhất cả nước này, sẽ còn ẩn chứa vô vàn những mảnh ký ức mà chắc chắn sau này nhìn lại, không thể nào quên.
Nữ bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn ám ảnh, giá như trong điều kiện bình thường, các bác sĩ còn có thể làm được hơn nữa, nhưng trong hoàn cảnh này, có lúc chỉ biết đứng nhìn.“Làm bác sĩ hồi sức phải buông tay là cảm giác cực kỳ đau khổ. Nếu không tỉnh táo, không có những quyết định dứt khoát, mang tính định hướng chung, các bệnh nhân sẽ tử vong rất nhiều khi vượt quá năng lực điều trị”, bác sĩ Thơ nói. Những ánh mắt, những bàn tay nắm chặt của người bệnh, sự ra đi trong lạnh lẽo, đơn độc của những cô, bác lớn tuổi và có khi còn là những bệnh nhân rất trẻ, đối với các bác sĩ tại khu hồi sức tích cực là những ám ảnh theo suốt cuộc đời.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự, Bệnh viện Da liễu Trung ương tâm sự, anh vẫn còn nhớ mãi đôi mắt đượm buồn của một bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19- nơi anh được tăng cường, hỗ trợ thành phố chống dịch. Lúc đó là vào buổi chiều, cũng gần hết ca trực. Bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân lớn tuổi. Lúc đó bệnh nhân chưa phải đặt ống thở, nhưng tỏ ra buồn bã, ít nói. Khi điều dưỡng hỏi thăm, bác mới cho biết, nhà bác có 5 người, thì 4 người mắc Covid-19. Và bác vừa hay tin vợ mình và hai người con lớn đã không qua khỏi. Tình trạng bệnh của bác về sau cũng trở nặng hơn, phải đặt ống thở. “Có rất nhiều sự mất mát trong đợt dịch thứ 4 này tại thành phố. Và dịch bệnh đã gây ra nhiều câu chuyện đau lòng như thế khiến chúng tôi cứ day dứt mãi”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự chia sẻ.
“Nhậm chức” Tổ phó dân phố đã 2 tháng, chị Nguyễn Thị Hải, ở phường 2, quận 8, vẫn chưa hết bàng hoàng khi trong con hẻm 100 đường Dương Bá Trạc, bà con đã chứng kiến sự “ra đi” lần lượt của 2 người tổ trưởng. Do là khu lao động, các vị này cũng phải lăn lộn chăm lo bà con, phát quà, lập danh sách hỗ trợ, dẫn đường cho cán bộ y tế… nên việc nhiễm bệnh là khó tránh. Khi từng người nằm xuống, những đám tang liên tiếp nhau, tiếng khóc, sự mất mát… khiến chị Hải luôn gặp ác mộng khi đêm về.
Những ngày tháng 8/2021, số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng rất nhanh. Dù lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã hết sức nỗ lực nhưng bởi dịch bệnh quá bất ngờ, những gì diễn ra mỗi ngày là chưa có tiền lệ nên đã có những lúc “trở tay không kịp”. Các tuyến điều trị, chăm sóc đều quá tải, nhiều gia đình có người thân mắc Covid-19 qua đời tại nhà, nhiều ca tử vong không kịp xử lý đưa đi hỏa táng. Tại TP Hồ Chí Minh đã có những ngày, các tình nguyện viên phải lăn xả vào những việc mà chẳng ai muốn làm.
Những ngày giữa tháng 8, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh liên tục nhận điện thoại cầu cứu, trong đó nhiều cuộc xin cứu giúp quan tài và hỏa táng người mất do tình trạng giãn cách và cả gia đình đều bị dương tính không xoay xở được. Sư thầy Thích Đức Nghĩa xót xa nói: “Trong tình huống này, việc giúp đỡ chúng sanh, ngay cả khi họ qua đời, cũng chính là cúng dường chư Phật, phụng sự đất nước”.
Tháng 8/2021, mỗi ngày Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm mới và đau lòng là số tử vong đều trên dưới 300 ca/ngày. Trong cả bầu không khí nặng nề đó, nhiều người phải tham gia vào các công việc chưa thể hình dung: vận chuyển tro cốt. Trong sổ tay phóng viên ghi: "Đầu tháng, số tro cốt tại riêng quận 6 là hơn 705, thì đến cuối tháng, đã là hơn 1.364".
Suốt tháng 8 cao điểm đầy đau thương ấy, chị Phạm Thị Mộng Cầm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) không nhớ rõ mình cùng cơ quan tiếp nhận và chuyển giao bao nhiêu hũ tro cốt người mất vì Covid-19 cho thân nhân của họ. Chính vì vậy, khi ngồi trên chiếc xe bán tải của Công an phường 1, chị Cầm như người thất thần vì hũ cốt lần này vận chuyển về chính địa chỉ nhà chị, người trong hũ cốt lại là cha ruột chị. Đau đớn thay, trong lúc chị Cầm đang mải miết chăm lo hỗ trợ nhân dân phường chống dịch, thì chính Covid-19 lại cướp đi người cha thương yêu.
NHỮNG SỐ PHẬN "CHẰNG CHỊT VẾT THƯƠNG" TRONG LÒNG THÀNH PHỐ
“Covid-19 đã lấy đi điều gì ở bạn?” - câu hỏi ấy là nỗi day dứt với hàng triệu người ở thành phố này vì những mất mát không bao giờ có thể đong đếm. Với sản phụ T.T.T.Ly, Covid-19 đã lấy của chị người chồng và hai đứa trẻ sinh đôi non tháng khi vừa chào đời. Covid-19 còn suýt lấy đi cả sự sống của chị… Giữa lằn ranh sinh tử, điều khiến chị bám trụ và cố gắng là hai đứa con thơ còn đang ở quê nhà. Nhiều ngày qua trở về xóm trọ, chị Ly vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau đã mất đi một phần máu thịt tại chính nơi từng là mơ ước vun đắp cuộc sống tương lai. Cuối cùng, chị quyết định trở về quê Bạc Liêu, mang tro cốt của chồng và con về với đất mẹ, và cũng nương náu phần đời còn lại của mình.
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Loan đã trải qua những ngày đau đớn khi nhìn con gái bé bỏng và một đứa con chưa kịp chào đời đã phải mất cha vì nhiễm Covid-19. Trước tình cảnh bơ vơ một mình ở lại trong thành phố đang hết sức căng thẳng vì dịch bệnh, Loan quyết định tìm cách về quê chồng sinh nở. Không tiền, thiếu đói, không nơi nương tựa và chẳng có người thân, bí thế, Loan lên facebook cầu cứu. Và may mắn, chị cùng gần 100 sản phụ đã được giúp về quê trong hành trình “giải cứu” mẹ bầu. Đến hôm nay, khi đã sinh nở “mẹ tròn, con vuông” và đặt tên con theo đúng ý nguyện của người chồng quá cố, Loan vẫn không thể nào quên nỗi ám ảnh những ngày qua. Trong nhiều năm tới, Loan sẽ không trở về nơi trọ với quá khứ đau buồn nữa.
Có những hoàn cảnh mà những ngày bình thường sẽ không ai hình dung nổi. Nhiều ngày sau khi nhận tin cha mất vì Covid-19 và kể cả khi dịch đã bớt khốc liệt, anh Nguyễn Thành Vinh vẫn chưa nhận được tro cốt của cha. Chạy hỏi khắp nơi, anh được biết thi thể cha mình đã được đưa lên Củ Chi. Còn đơn vị nào hỏa táng thì Vinh chịu vì anh là F0 cách ly tại nơi tạm trú (quận Tân Phú), hộ khẩu thì quận 5 mà cha anh mất tại một bệnh viện ở quận 10. Người đàn ông rắn rỏi thường ngày khi kể lại câu chuyện của mình cũng rơi lệ: “Tôi không được nhìn ông lần cuối, không được đưa cha mình đi hỏa táng, không biết ngày nào cha “về” nữa”…
Đối với những người nhiễm bệnh, trở nặng, đã bước gần cửa tử nhưng rồi lại được hồi sinh kỳ diệu, trở về với cuộc sống, lại phải đối diện với một nỗi đau đớn tổn thương khác. Đó là ám ảnh về cái chết mang theo suốt cả đời. Anh Nguyễn Phi Long, sau hơn 1 tháng trời sống bằng thở máy khi nhiễm Covid-19 ở tình trạng nguy kịch, anh trở về với đầy biến chứng và ám ảnh cái chết cả trong giấc ngủ. Anh không nhớ đã bao nhiêu đêm phải chịu những đau đớn hành hạ cơ thể. “Tôi chỉ muốn chết. Giá chết đi được sẽ nhẹ nhàng hơn bao nhiêu khi giờ chẳng thể làm trụ cột gia đình mà cơ thể đầy vết thương”. Anh được về nhà, bình an qua đại dịch nhưng tâm trí luôn ngự trị những suy nghĩ bất trắc như thể ngày mai sẽ không còn trên cõi đời này. Các chuyên gia gọi đó là sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần và phải cần rất nhiều thời gian mới có nguôi ngoai biến cố lớn trong cuộc đời.
Đau đớn nhất là khi làn sóng thứ tư đi qua, để lại hàng nghìn trẻ em không còn cha mẹ, người thân. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đợt dịch thứ tư, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 trẻ em mồ côi vì cha mẹ nhiễm Covid-19. Hệ lụy này vô cùng khủng khiếp và đối tượng gánh chịu phải thấm nỗi đau suốt cuộc đời. Thực tế buồn đặt ra nhiều câu hỏi cho chính quyền và cả xã hội.
Chúng tôi đến nhà em L.N.V. ở phường 5, quận 5 đúng vào hôm Trung thu. V. đang học lớp 7 nên đến buổi học online, em lấy cái điện thoại duy nhất ra học tập. Sau buổi học, em bấm điện thoại mở… Kinh Địa tạng để bên bàn thờ cha rồi cầu nguyện rì rầm! Hàng xóm cho biết khi cả cha mẹ V. là F0 phải đi điều trị, V. sống nhờ cơm bà con nấu. Khi cha về trên… bàn thờ, V. vừa lo học trực tuyến, vừa lo kinh kệ cho cha bằng chiếc điện thoại, em chưa biết ngày sau sẽ ra sao! Có rất nhiều em bé như V, mất cả cha lẫn mẹ và còn quá nhỏ để hình dung nỗi đau phải gánh chịu sau này.
Chúng ta cũng không thể mô tả thêm về cái chết vì Covid -19 của những người cha, người mẹ vì điều này sẽ chà đi xát lại vết thương, những tâm hồn non nớt còn cả cuộc đời dài phía trước. Nhưng chúng ta không được phép quên, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức và cá nhân trong xã hội phải chăm lo cho những mảnh đời côi cút ấy, như một trong những việc cần để làm lành dần những vết thương…
THIỆT HẠI VỀ KINH TẾ CHƯA THỂ ĐONG ĐẾM, DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Từ bé tới giờ, Nguyễn Trung Tín chưa bao giờ chứng kiến sự kiện gì thảm khốc như đại dịch Covid-19 lần thứ tư vừa rồi. Sinh mạng con người mong manh, nền kinh tế bị đứt gãy, từng dòng người lũ lượt bỏ phố về quê, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải loay hoay tìm cách sinh tồn…
Ở tuổi 32, là Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Thuỷ, một doanh nghiệp bất động sản có thương hiệu tốp đầu Việt Nam với hàng loạt dự án nhà ở cao cấp trải khắp cả nước, tạo ra doanh số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm; thế nhưng, khi dịch ập tới, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn đã đặt lên vai chàng trai ấy trọng trách nặng nề: Lèo lái doanh nghiệp với hàng ngàn lao động vượt qua cơn sóng dữ.
Tín kể, đại dịch Covid-19 lần thứ tư ập đến không khác gì như cú đấm “nốc-ao” có thể hạ gục bất cứ công ty nào, ở lĩnh vực nào. Toàn bộ công trường thi công bị ngưng trệ, các kế hoạch tài chính, kinh doanh bị đảo lộn, các hợp đồng bị quá hạn. Doanh thu không có nhưng các khoản nợ vẫn phải thanh toán, lương nhân viên, các chi phí khác vẫn phải chi đều đặn. Làm thế nào để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nếu dịch tiếp tục kéo dài đã là câu hỏi khiến Tín mất ăn, mất ngủ trong nhiều tháng…
Tín khó khăn một thì đối với doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực du lịch, hàng không như ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings sẽ khó khăn gấp 10. Ông Kỳ nói, nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân của Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO. Dịch Covid-19 khiến du lịch bị đóng băng, hãng hàng không của công ty vừa thành lập thì máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ... Cứ mỗi ngày doanh nghiệp mất hơn một tỷ đồng.
Theo ông Kỳ, tính đến tháng 9, chỉ còn 10% tổng số doanh nghiệp du lịch lữ hành còn mở cửa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chủ yếu để phục vụ công tác chống dịch như chở người dân hồi hương hoặc đi cách ly, còn lại hầu như đóng cửa. Doanh nghiệp của ông gần như bất động nhiều tháng nay do dịch bệnh…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người khó khăn cần trợ cấp lên đến 40% - 50% dân số TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hơn 60% các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải ngừng hoạt động, kéo theo hàng trăm nghìn lao động mất việc làm. Hàng trăm nghìn lao động tạm thời từ bỏ cuộc mưu sinh, rời thành phố trở về quê nương tựa gia đình để tìm sự an toàn trong cơn đại dịch. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm lý, không muốn quay lại làm việc.
Còn theo PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 lần thứ tư đã đánh một đòn mạnh đến mức gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu. Tổn thất thấy rõ ở mỗi cá nhân, hộ gia đình. Lao động, việc làm suy giảm mạnh. Doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách hơn 1 triệu người, chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách căng thẳng.
PGS,TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh đưa ra số liệu, năm 2020, TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 1,39%, lần đầu đầu tiên tăng trưởng thấp hơn cả nước (2,91%). Đến 9 tháng năm 2021, cả nước tăng trưởng 1,42 %, thành phố âm 4,98%; riêng quý 3, cả nước âm 6,17%, thành phố âm 24,39%, lập kỷ lục buồn trong tăng trưởng kinh tế từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, TP Hồ Chí Minh phải xin Chính phủ hỗ trợ kinh phí để chống dịch và hàng trăm nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để lo công tác an sinh.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh phác hoạ chi tiết bức tranh kinh tế thành phố hiện tại như sau: Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2021 giảm mạnh; giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,06% (mục tiêu tăng 6%). Qua rà soát 20 chỉ tiêu chủ yếu (với 29 chỉ tiêu thành phần) năm 2021 theo Nghị quyết HĐND thành phố thì dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu (37,93%); không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (44,83%); 5 chỉ tiêu còn chưa tính toán được trong thời điểm này. Dự báo, việc thu ngân sách sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch năm 2021…
Giãn cách triệt để trong thời gian kéo dài đã “đóng băng” thành phố chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà máy, công xưởng, cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động để chống dịch.
Đến nay, khi thành phố cơ bản kiểm soát dịch bệnh, quyết tâm xây dựng lộ trình quay lại cuộc sống bình thường, thì tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số phải tạm ngừng sản xuất, tạm thời cho công nhân nghỉ việc. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy do khó khăn về lưu thông, chuỗi vận hành bị tắc nghẽn. Doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới hoặc bị mất khách hàng. Các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhiều dự án phải ngừng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm. Hàng triệu người lao động của thành phố bị mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng rõ rệt đến việc bảo đảm nhu cầu cuộc sống hằng ngày.
Qua thống kê trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố có khoảng 1,6 triệu hộ có hoàn cảnh khó khăn và 4,7 triệu nhân khẩu trong hộ có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp.. Sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hoặc nghỉ không hưởng lương, nguy cơ phá sản cao. Kèm theo đó là hàng triệu người bị ảnh hưởng. Dịch bệnh và khó khăn về sinh kế bủa vây, gây ra cảnh tượng hàng nghìn người bỏ thành phố về quê, tạo nên một cuộc di cư nhiều đau xót chưa từng thấy.
Thành phố Hồ Chí Minh đã bằng nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế sự lây lan, nỗ lực giảm ca tử vong mỗi ngày, và cho đến giữa tháng 10, số ca tử vong còn 2 con số, thành phố đã dần trở lại nhịp sống vốn có. TS, BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Phần lớn mọi người sẽ hân hoan trở lại, sẽ mưu cầu, sẽ hạnh phúc, sẽ khổ đau như chưa từng bao giờ có dịch. Nhưng cũng có những người không bao giờ quay trở lại cuộc sống này nữa. Cũng sẽ có rất nhiều người không thể quay lại thành phố này nữa. Quy cố hương không phải lúc nào cũng ngọt ngào nhưng có lẽ với những trải nghiệm vừa qua, một số người không đủ dũng khí để đối mặt. Người đi đã đi. Người sống phải sống đời của người sống”.
Sau mấy tháng ròng đi chống dịch, bác sĩ Ngô Đức Hùng trở về ngôi nhà của mình tại Hà Nội và thật bất ngờ khi mở cửa vào nhà, túi củ đậu bỏ quên trên ghế sofa khi vội vàng lên đường đã mọc mầm và vươn xanh lên khung cửa sổ. Đau thương nào rồi cũng sẽ qua, mất mát rồi sẽ phải bù đắp, và với những y, bác sĩ.. những người phải thực sự chiến đấu bằng cả 200-300% sức lực của mình trong mấy tháng qua, họ cũng coi đó là “việc bình thường”. Là nhiệm vụ, trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng. Cũng như tất cả mỗi người sống trong lòng thành phố những ngày khốc liệt, đều đã nỗ lực gấp nhiều lần khả năng, sức lực, tinh thần để góp phần cùng thành phố chống dịch. Chính mỗi người trong những thời điểm lịch sử đã kiên cường bám trụ, trong điều kiện vô cùng bất thường đã sống thật “bình thường” để cùng thành phố vượt qua đại dịch, và sẽ lại tiếp tục cùng nỗ lực để bù đắp mát mát, xoa dịu những vết thương…
Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức sản xuất: DƯƠNG HỒNG LÂM, NGUYỄN HỒNG MINH, NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG LÂM, HỒNG MINH, BÍCH NGỌC, MINH ANH, TÙNG QUANG, MẠNH HẢO, QUANG QUÝ, QUÝ HIỀN, ANH TUẤN
Ảnh: QUANG QUÝ, HẢI AN, MINH ANH, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY
Đồ hoạ: BÔNG MAI, ĐỨC DUY, DUY KHÁNH
Thiết kế trình bày: ĐĂNG PHI, BÔNG MAI, ANH NGỌC