NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CHỐNG DỊCH CHƯA TỪNG CÓ

Các chuyên gia nhận định đợt chống dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thời gian qua là “Cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử” với rất nhiều quyết định lần đầu tiên được áp dụng. Dù nhìn lại, có thể còn nhiều nuối tiếc, nhưng cuối cùng, những quyết định táo bạo, sự tập trung, quyết tâm cao nhất, cùng với sự thay đổi chiến lược linh hoạt, đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch đã nhanh chóng được kiểm soát, đưa thành phố bước ra khỏi những thách thức, cam go nhất.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tôi yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.


Lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 29/7.

Tôi đã thấy và vô cùng xúc động trước những tấm lòng quả cảm, tinh thần tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, những cán bộ công an, quân đội, những người đứng ở tuyến đấu chống dịch, và cả những người tình nguyện, những người làm công tác thiện nguyện. Chúng ta thật sự cảm động trước những câu chuyện cha xa con, vợ xa chồng để "tòng quân chống dịch" không sợ hiểm nguy như lời một bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai".

Chúng ta đã đoàn kết, nắm chặt tay nhau cùng nhau đẩy lùi những làn sóng tấn công của đại dịch, trong đợt dịch thứ tư nguy hiểm này chúng ta càng phải đoàn kết hơn nữa, một tinh thần "TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP Hồ Chí Minh" cần tiếp tục được phát huy, thời gian qua cả nước ưu tiên dành nhân lực, vật lực, vắc-xin, vật tư y tế... để TP Hồ Chí Minh chống dịch.

TP Hồ Chí Minh chống dịch thành công cũng tạo nền móng thành công cho cả nước. Chúng ta giữ vững niềm tin ở tinh thần Việt Nam, cùng tin tưởng về một tương lai tươi sáng, nhất định sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân. .


Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đồng bào TP Hồ Chí Minh ngày 16/9.

NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỒNG BỘ
THỰC HIỆN CHỈ THỊ 16

Gia đình 2 vợ chồng trẻ Vi Thị Trang và Vi Văn Quý (quê Nghệ An) cùng con gái 17 tháng tuổi đã có gần 5 tháng “ở yên một chỗ” trong căn phòng trọ chưa tới 20m2 ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TP Hồ Chí Minh). Trang cho biết, cô mong ngóng từng ngày được đi làm để trang trải cuộc sống hằng ngày với nhiều khoản chi phí khác. Trong thời gian dài giãn cách, gia đình nhỏ của cô thỉnh thoảng nhận được các túi rau quả, thực phẩm hỗ trợ. Và đến cuối tháng 9, cô cũng đã nhận 3 triệu đồng từ gói an sinh đợt 3 của thành phố, đủ trả một phần nợ tiền nhà trọ, dành lại một chút mua sữa cho con và duy trì bữa ăn đạm bạc. Nếu không có gói an sinh này, gia đình Trang không biết xoay sở ra sao. Gia đình Trang cũng như hàng triệu lao động nhập cư khác bị rơi vào tình thế bủa vây giữa bốn bề dịch bệnh mà không có cách gì để xoay xỏa sinh kế.

Trong lịch sử TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ chứng kiến những ngày đường phố vắng vẻ thưa thớt bóng người, khắp mọi ngõ ngách đều bị chăng dây lập chốt, gần như phong tỏa cứng. Cũng chưa có địa phương nào trên đất nước phải giãn cách dài ngày thực hiện Chỉ thị 16 trong gần ba tháng. Kể từ 9/7 cho tới hết ngày 30/9, thành phố phải trải qua 5 đợt giãn cách, gần như “đóng băng”, mọi người dân đều phải ở yên trong nhà, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt đều bị tạm ngừng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta quyết định giãn cách cả 19 tỉnh, thành phố với mục đích là để tập trung cao độ thực hiện nghiêm việc giãn cách, củng cố và mở rộng vùng an toàn, từ đó hình thành vành đai an toàn xung quanh khu vực TP Hồ Chí Minh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh”.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh cao hơn, được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội đã mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp. “Nhờ vậy, chúng ta mới kiểm soát được tình khu vực phía nam. Quyết định đó đã góp ngăn sự gia tăng diện rộng tình trạng lây nhiễm và tử vong trong khu vực này”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Suốt thời gian trong 2 tháng, từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 9 là giai đoạn Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp để cùng thành phố tháo gỡ những nút thắt. Đặc biệt, ngày 25/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1438/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm, chủ trì các cuộc họp quan trọng cả trực tiếp và trực tuyến về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng đã vào tận tâm dịch TP Hồ Chí Minh để trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ nút thắt, quyết tâm đưa thành phố vượt qua khủng hoảng. Việc này được thực hiện ngay sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được kiện toàn và Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thủ tướng cũng đã kịp thời có mặt tại các mặt trận điều trị, kiểm tra công tác an sinh xã hội, động viên các lực lượng tuyến đầu; thăm hỏi người dân. Hình ảnh Thủ tướng và các thành viên Chính phủ xuống các xã phường, vào nhà những người dân đang bị phong toả; vào siêu thị kiểm tra cung ứng đủ nguồn hàng; kiểm tra các bệnh viện dã chiến, khu cách ly; khu sản xuất và cung ứng oxy y tế đã tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền và nhân dân thành phố trong cuộc chiến chống dịch... Thủ tướng cũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam do một Thứ trưởng Quốc phòng làm Tổ trưởng để điều phối công tác phòng, chống dịch ở địa bàn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19.



Có thể nói, cùng với quyết định giãn cách thành phố sầm uất nhất nước, là đầu tàu kinh tế, trọng điểm phía nam, là trung tâm kết nối giao thương, mọi mặt đời sống của cả khu vực miền nam rộng lớn cũng như cả nước, Chính phủ và các ngành các cấp, địa phương và nhân dân cả nước đã dồn sức cho cuộc chiến được xác định là cam go này. Những ngày tháng căng thẳng nhất, sự có mặt và chỉ đạo thường xuyên của các thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo, từ Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến các lãnh đạo ngành y tế đã mang lại những động lực tinh thần to lớn cho thành phố, đưa ra những quyết sách linh hoạt kịp thời để ngăn chặn sự bùng phát khốc liệt hơn.

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Lịch sử cũng chứng kiến lần đầu tiên có sự huy động toàn dân tham gia tuyến đầu chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử. Riêng ngành y tế huy động khoảng 25.000 lượt cán bộ, trong đó có các em sinh viên, giảng viên trường đại học, các chuyên gia hàng đầu của hệ thống hồi sức, hệ thống bệnh viện Trung ương, địa phương... cùng với lực lượng quân y từ nhiều đơn vị đã lên đường tham gia hỗ trợ y tế.

Một quyết định quan trọng vào nửa cuối tháng 8 đó là sự chi viện của lực lượng quân đội cho TP Hồ Chí Minh. Từ tuần cuối của tháng 8, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị đã trực tiếp về hỗ trợ người dân thành phố. Trên các tuyến đường, những người lính cũng phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát người dân lưu thông khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Lần đầu tiên, chứng kiến bộ đội đi chợ hộ người dân, nhiều người không khỏi xúc động. Quân đội cũng tham gia vào công tác cứu trợ y tế, hướng dẫn người mắc Covid-19 trong tình trạng quá tải điều trị, và giúp đỡ người dân cả trong việc không may bị tử vong, từ công việc hỏa táng cho đến vận chuyển tro cốt. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương cho biết: “Chúng tôi xác định tiếp cận với dân chứ không để dân tiếp cận với mình”. Biện pháp này đã giảm tối đa lực lượng người dân ra đường không cần thiết.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Nhìn lại 4 tháng thành phố đã trải qua những khó khăn chồng chất, những thử thách to lớn khi phải đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ, giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch bệnh, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội.

"Thay mặt chính quyền thành phố, chúng tôi xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào. Chính quyền thành phố đã rút ra những bài học sâu sắc và sẽ tiếp tục dành hết sức lực, tâm trí để bảo vệ người dân, quyết tâm đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh", người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Để an dân, đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những trụ cột quan trọng. Ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm An sinh xã hội với mục tiêu nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ đúng và tránh trùng hoặc bỏ sót đối tượng; phấn đấu trao tặng túi an sinh để chăm lo tất cả người dân gặp khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các đường dây nóng.

Chỉ sau hơn 45 ngày thành lập, Trung tâm An sinh xã hội thành phố đã tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 của các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trị giá hơn 139 tỷ đồng. Nguồn lực này đã đuợc Trung tâm phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19; 22 quận, huyện, TP Thủ Đức; các bếp ăn từ thiện; các cơ sở dân tộc tôn giáo; các khu phong tỏa; các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;…

Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến tuần đầu tháng 9/2021, thành phố đã chi khoảng 6.000 tỷ đồng (4.800 tỷ đồng từ ngân sách, 1.200 tỷ đồng từ xã hội hóa) cho người dân khó khăn và đang tiếp tục trao khoảng 7.400 tỷ đồng giúp dân vơi bớt lo toan trong mùa dịch. Ngoài ra còn hỗ trợ gạo với mức 15 kg/hộ/tháng và vận động giảm tiền điện nước, tiền nhà trọ...

Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ, giữa tháng 8, thành phố triển khai 1 triệu gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân. Thành phố nỗ lực hỗ trợ theo từng đối tượng phù hợp: có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Với tinh thần “không để ai thiếu đói”, người khó khăn cần được ưu tiên hỗ trợ bằng cả tiền mặt và nhu yếu phẩm, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện 3 gói an sinh xã hội cho người lao động tự do, hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân nằm trong các khu cách ly, phong toả… bị tác động của dịch Covid-19.

Tháng 8/2021, trước tình hình rất cấp bách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, giao Bộ Tài chính xuất cấp cho TP Hồ Chí Minh 71.104 tấn gạo. Đây chính là nguồn lương thực quan trọng bảo đảm cho khoảng 10 triệu người dân thành phố an tâm phần cơ bản nhất trong cuộc sống hàng ngày.

NHỮNG BƯỚC NGOẶT TRONG ĐIỀU TRỊ COVID-19

Vừa rời Bắc Giang, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận nhiệm vụ nam tiến với vị trí Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế. Ban đầu, sẽ là mang kinh nghiệm chống biến chủng Delta từ phía bắc vào để cùng thành phố khống chế dịch. Nhưng tình thế tại đây khốc liệt hơn mọi trận chiến. “Đây có thể nói là thời gian hết sức căng thẳng đối với bộ phận thường trực của chúng tôi từ trước đến giờ. Chưa bao giờ thấy số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn. Chúng tôi làm quần quật ngày đêm cùng với anh em trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt nhận sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP, công tác làm việc của chúng tôi liên tục, không có phút nào mà không nghĩ đến làm sao cho dịch trên địa bàn thành phố giảm xuống”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kể lại những ngày đầu tiên căng thẳng.

Chiến lược xét nghiệm nhanh, rộng, đi tắt đón đầu là biện pháp cần phải triển khai khẩn trương. “Biến chủng Delta có chu kỳ rất ngắn, chỉ 48-72 giờ đã tạo ra vòng lây mới, trong chu kỳ này nếu không tách được nguồn lây nhiễm thì sau một chu kỳ số ca nhiễm sẽ lên tới con số khổng lồ. Chúng ta đi vào trận mà không biết địch ở đâu, thì không thể đánh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định và nhanh chóng làm việc với lãnh đạo thành phố để triển khai cuộc rà soát lớn trên cộng đồng.

Đầu tháng 6, TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng 500 nghìn mẫu/ngày, đặt mục tiêu đạt 5 triệu mẫu xét nghiệm để nhanh chóng xác định F0. Sau đó, thành phố đã chuyển sang xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân chia các vùng nguy cơ với phương châm “Rõ- Chắc- Nghiêm- Nhanh”. Thành phố đã thành lập Trung tâm điều hành, điều phối xét nghiệm trên địa bàn thành phố.

“Xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm trọng điểm, có kế hoạch và đặc biệt là tốc độ xét nghiệm nhanh là rất hiệu quả. Qua 2 đợt xét nghiệm diện rộng tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 23/8 đến nay, thành phố đã lập được bản đồ dịch Covid-19 rõ ràng đến tận tổ dân phố, phân loại được vùng nguy cơ theo các cấp độ khác nhau để kiểm soát dịch và từ đó tính đến các phương án nới lỏng giãn cách theo khu vực dân cư”,  Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá.

Điều trị F0 tại nhà
* Số ca F0 điều trị tại nhà:
32.379
* Số túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà: 200.000
* Số trạm y tế lưu động: 531

Để có kết quả này, là nỗ lực làm việc không mệt mỏi của những chiến sĩ trên mặt trận xét nghiệm. PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Trong 2 tháng, chúng tôi có hơn 12 thay đổi, gửi TP Hồ Chí Minh để linh hoạt áp dụng, mục đích đạt hiệu quả cao nhất. Hiệu quả thì chúng ta không cần nói, từ đầu tỷ lệ rất cao, hơn 3,6% với tổng dân số hơn 10 triệu người, rất kinh khủng thì đến 30/9, giảm xuống còn hơn 0,1%. Số chính xác lúc đó là giá trị rất đáng quý, chiến lược chỉ là một phần, thực hiện mới quyết định”.

Một trong những biện pháp mang tính chất tiên quyết để đưa TP Hồ Chí Minh sớm vượt qua sự khốc liệt của đỉnh dịch và tình trạng “đóng băng” mọi hoạt động là thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine. Chính phủ đã tích cực thực hiện Chiến lược vaccine, nhất là luôn tích cực thực hiện ngoại giao vaccine. Ngày 14/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng đã có các cuộc điện đàm với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam để vận động, tìm kiếm nguồn vaccine. Mặc dù trong hoàn cảnh vaccine còn khan hiếm, chưa về nhiều, Thủ tướng cũng chỉ đạo ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. 

Mục tiêu bao phủ vaccine càng sớm càng tốt để thành phố có miễn dịch cộng đồng, không có tư tưởng phân biệt nguồn vaccine từ nước nào được triển khai bài bản, nhanh chóng trên diện rộng bằng nhiều hình thức. Có nhiều địa bàn đã phủ mũi 1 gần đạt 100% nhờ những quyết định mạnh dạn “xé rào”. Tiêu biểu là quận ủy 11 đã phân công rõ ràng nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, giám sát công tác tiêm chủng đến từng lãnh đạo, huy động đến 1.200 người phục vụ 37 điểm tiêm gồm 20 điểm cố định (bố trí 2 đến 4 bàn tiêm/điểm) và 17 điểm lưu động để triển khai thực hiện công tác tiêm chủng một cách nhanh chóng từ người dân ở các “vùng xanh”.

Tháng 8 là thời điểm thành phố tăng tốc tiêm vaccine với thay đổi ở ba phương diện. Về thời gian, thành phố sẽ không giới hạn số lượng tiêm theo ngày, tổ chức buổi tiêm thứ 3 vào buổi tối sau 18 giờ. Thành phố triển khai đội tiêm lưu động, mang từng mũi tiêm tới các tổ dân phố, tới từng nhà dân. Với mục tiêu phấn đấu 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 trong tháng 8, thành phố không quy định hộ khẩu, bất cứ ai sinh sống trên địa bàn thành phố đều được tiêm chủng.

Có thể nói, chiến lược tiêm vaccine được thành phố triển khai linh hoạt với tốc độ bao phủ nhanh nhất. Đây là địa bàn đi đầu cả nước trong tiêm cho người cao tuổi trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, người yếu thế, các sản phụ… nhằm hạn chế số ca bệnh trở nặng, tử vong. Đối tượng shipper, nhân viên giao hàng trong đại dịch cũng được đẩy nhanh mức độ ưu tiên. Hàng nghìn điểm tiêm đã được triển khai với sự chi viện lớn từ nhiều lực lượng tình nguyện viên.

Khi mặt trận xét nghiệm được đẩy nhanh, đồng nghĩa với việc phát hiện ca F0 trong cộng đồng rất lớn. Chứng kiến những con số báo cáo về hàng ngày, tỷ lệ nặng và tử vong gây choáng váng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ngay lập tức tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế cần phải có cách đáp ứng mới của hệ thống y tế. Hai mũi nhọn được đưa ra, một là cần phải có hệ thống y tế tuyến đầu tập trung nhân lực tinh nhuệ cho hồi sức tích cực. Hai là, trước số ca nhiễm tăng nhanh, cơ sở thu dung quá tải trầm trọng, thành phố cần triển khai phương án cho F0 cách ly, điều trị tại nhà và ngành y tế sẽ mang y tế tới gần dân bằng triển khai hàng trăm trạm y tế lưu động.

* Số bệnh viện dã chiến: 32
* Số Trung tâm hồi sức tích cực: 6 trung tâm
* Số nhân viên y tế: 80.000 nhân viên y tế

Lần đầu tiên, ngành y tế có một quyết định đáp ứng khẩn cấp bằng việc gấp rút thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trên toàn quốc, trong đó có 6 trung tâm do Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhận đặt tại TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là quyết sách sáng suốt và đúng đắn để thành phố đứng vững được trước tỷ lệ ca tử vong tăng rất nhanh. Từ ngày 16/8, thành phố điều chỉnh mô hình điều trị từ 5 tầng sang 3 tầng. Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, nhờ áp dụng đúng chiến lược điều trị bằng mô hình tháp 3 tầng, từ đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Dù số ca nhiễm vẫn chưa thể hạ nhiệt nhanh, nhưng số ca bệnh nhân nặng cần cấp cứu và số tử vong đã giảm.

TP Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày căng thẳng nhất khi phải chịu giãn cách dài ngày cùng nhiều biện pháp đồng bộ để chặn sự lây lan của dịch bệnh.

TP Hồ Chí Minh đã trải qua những ngày căng thẳng nhất khi phải chịu giãn cách dài ngày cùng nhiều biện pháp đồng bộ để chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Một trong những bước ngoặt lớn trong điều trị của TP Hồ Chí Minh là triển khai điều trị F0 tại nhà vào ngày 21/8.  Giải pháp này được cho là phát huy hiệu quả khi hệ thống y tế quá tải, không còn đủ sức quản lý F0 tại các khu thu dung, điều trị. Hơn 500 trạm y tế lưu động được thiết lập dần dần trở thành “điểm tựa” của người dân trong đại dịch, vừa test nhanh phát hiện sớm ca bệnh, hỗ trợ điều trị F0, cung cấp oxy cho tới phát túi thuốc an sinh F0 tại nhà, triển khai tiêm chủng. Nhờ đó, người bệnh được chăm sóc kịp thời ngay từ cơ sở nên đã giảm số ca tử vong, tăng nặng; giảm hẳn quá tải cho tuyến trên.

Vượt qua rất nhiều thách thức, với những quyết định chưa từng có trong tiền lệ, sự chung tay, đồng lòng của người dân cả nước, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức nhất, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.

Theo đánh giá, trong đợt dịch lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh tồn tại nhiều hạn chế như: Công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh; kỹ thuật RT-PCR và năng lực xét nghiệm RT-PCR chưa tương xứng với tốc độ lây lan của chủng Delta; triển khai chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn chưa từng có trong một khoảng thời gian rất ngắn nên chưa bảo đảm việc nhập liệu, giãn cách…

Đặc biệt, việc cách ly tập trung tất cả các F0, hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến quá tải, tăng nguy cơ tử vong; việc ứng dụng Công nghệ thông tin chưa hiệu quả.

Tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở rộng ngày 11/9 để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 100 ngày với những bước, những mục tiêu, những giải pháp cấp độ khác nhau, ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới trong phòng chống dịch trong thời gian qua, chủng Delta hết sức phức tạp, nguy hiểm. Có thể nói, khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Do đó, từ giữa tháng 9, cùng với việc tăng tốc bao phủ vaccine và nhiều biện pháp an sinh đồng bộ khác, thành phố đã mạnh dạn quyết tâm chuẩn bị lộ trình thức ứng an toàn với dịch bệnh.

"Chúng ta đang ở trong chặng đường khó khăn, phải cố gắng tập trung hết sức để vượt qua. Dù có khó khăn phải tập trung cùng nhau vượt qua", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý để thành phố cũng như các địa phương khác có những chuyển biến trong nhận thức, chủ động điều chỉnh, sáng tạo nhằm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Đồng thời, nhìn lại đợt dịch lần thứ 4 càng thấy rõ hơn, trong mọi cuộc chiến cam go, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống trị, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân, sự giúp đỡ của đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã từng bước phục hồi kinh tế, mở lại các hoạt động tạo điều kiện cho người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.

Từ ngày có trạm y tế lưu động ở khu phố, anh Vi Văn Quý càng thêm yên tâm. Dù mất kế sinh nhai, sống bằng trợ cấp, nhưng ít nhất, gia đình nghèo như anh cũng đã có chỗ dựa về y tế nếu không may xảy ra bất trắc. Hai vợ chồng anh đã được tiêm 2 mũi vaccine tại trạm y tế lưu động, hy vọng tiếp tục bám trụ lại thành phố. Là gia đình hiếm hoi may mắn vượt qua đại dịch không bị nhiễm Covid-19, sau 5 tháng sống nhờ vào gói an sinh xã hội của thành phố, anh Quý cũng đã hòa vào dòng người tranh thủ đi tìm việc vào giữa tháng 10. Phải có việc làm để nuôi vợ nuôi con, đó chính là điều thôi thúc Quý quyết định trụ lại thành phố. “Có việc làm, đến xưởng may, có việc mọi thứ sẽ được hoá giải. Hy vọng thành phố bắt đầu hồi sinh”, Quý nung nấu niềm tin và bắt đầu trở lại nhà xưởng…

Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức sản xuất: DƯƠNG HỒNG LÂM, NGUYỄN HỒNG MINH, NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG LÂM, HỒNG MINH, BÍCH NGỌC, MẠNH HẢO, QUANG QUÝ, MINH ANH, QUÝ HIỀN, ANH TUẤN, TÙNG QUANG
Ảnh: QUANG QUÝ, HẢI AN, HOÀNG TRIỀU, VGP, HCDC
Đồ hoạ: BÔNG MAI, ĐỨC DUY, DUY KHÁNH
Thiết kế trình bày: ĐĂNG PHI, BÔNG MAI, ANH NGỌC