THÍCH ỨNG AN TOÀN, VẾT THƯƠNG HỒI PHỤC

Ngày 1/10 đánh dấu cột mốc quan trọng với mỗi người dân ở thành phố mang tên Bác khi một số lĩnh vực được hoạt động trở lại. Thành phố đang chữa dần những vết thương sau cuộc chiến khốc liệt để bắt đầu cho một cuộc hồi sinh. Với truyền thống kiên cường, bản lĩnh vững vàng của người dân, doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, những tổn thất hôm nay sẽ không ngăn được khát vọng vươn lên của TP Hồ Chí Minh, “đầu tàu” kinh tế  của cả nước.

NIỀM VUI TRỞ LẠI

Những con đường ở TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp hơn trong những ngày đầu tháng 10. Ở góc ngã tư Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Đình Chiểu xuất hiện một người đàn ông vừa lạ, vừa quen. “Lạ” vì anh vừa trở lại sau 3 tháng nay “biến mất” vì dịch bệnh. Nhưng “quen” vì anh là người bán báo duy nhất trên con đường trung tâm thành phố này suốt hơn 20 năm qua. 

Người đàn ông ấy tên Lê Văn Hùng, giọng vẫn còn đặc sệt của người con đất Quảng Nam. Ngay từ đầu tháng 7, anh đã nghỉ bán báo để thực hiện giãn cách xã hội. “Hơn 3 tháng qua đúng là thời gian “cực hình” đối với tôi”, anh Hùng cười nhắc lại những ngày tháng khó quên ấy.

Không có việc làm, gia đình anh chỉ quẩn quanh trong nhà và sử dụng những đồng tiền tiết kiệm để sống qua mùa dịch. Hay tin thành phố cho lĩnh vực phát hành báo chí hoạt động trở lại, anh Hùng mừng lắm. Khi Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/10, thì chỉ 3 ngày sau, anh Hùng đã “đi làm” ở địa điểm quen thuộc từ ngày anh đặt chân đến vùng đất sôi động nhất nước này.

Anh Hùng xúc động: “Cảm giác ngày đầu đi bán trở lại giống như chim sổ lồng vậy. Gặp lại những khách hàng quen thuộc tôi vui lắm vì biết mọi người đều khỏe mạnh”. Anh Hùng cho biết thêm, những ngày đầu số người mua báo chưa nhiều. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng với anh giờ đây chính là được trở lại với công việc đã nuôi sống mình và nhìn thấy thành phố đang trở lại với nhịp sống như xưa…

Anh Lê Văn Hùng trong ngày đầu bán báo trở lại.

Anh Lê Văn Hùng trong ngày đầu bán báo trở lại.

Chị Trương Trần Minh Dung, ngụ quận Phú Nhuận, cũng có niềm vui khôn tả khi được đến cơ quan sau ngày 1/10. Công tác tại UBND TP Hồ Chí Minh, chị Dung cho biết, ngày đầu tiên đến cơ quan sau thời gian giãn cách, chị chạy xe thật chậm, hít thật sâu để cảm nhận hơi thở thành phố đang dần khỏe lại. Dù mỗi tuần chỉ đến cơ quan 3 ngày theo quy định, nhưng với chị Dung điều đó cũng quá tuyệt vời khi chị đã trở lại với cung đường xưa, được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của thành phố.

Hơn 3 tháng qua, chị Dung làm việc online tại nhà. Chứng kiến những đau thương mà thành phố phải hứng chịu vì dịch bệnh, chị Dung có cảm giác e ngại trong những ngày đầu đi làm. Dù vậy, khi biết tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên ở thành phố đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 hơn 99%, chị Dung cảm thấy an tâm hơn. “Mỗi người đều thực hiện đúng 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị của thành phố thì không có gì phải lo ngại khi thành phố đang nới lỏng giãn cách và bắt đầu hồi sinh trở lại”, chị Trương Trần Minh Dung chia sẻ…

Trong 8 nhóm được phép hoạt động trở lại theo Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh, có lẽ du lịch là một trong lĩnh vực “thích ứng” sớm nhất và quyết liệt nhất.

Từ cuối tháng 9, khi một số quận, huyện đầu tiên của thành phố được công nhận “vùng xanh”, hoạt động du lịch đã được kết nối trở lại bằng những chuyến du lịch khép kín tri ân lực lượng tuyến đầu đang hỗ trợ thành phố chống dịch suốt hơn 2 tháng qua. Những địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như: Vàm Sát, rừng Sác (Cần Giờ); địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) đã được đánh thức sau một giấc ngủ dài vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Chú Lý Minh Sĩ đã nhiều năm gắn bó với khu du lịch Vàm Sát, huyện Cần Giờ. Gần 4 tháng không nhìn thấy mặt du khách có lẽ là khoảng thời gian buồn nhất trong đời của chú khi gắn bó với nơi này. Chú Sĩ kể, mỗi ngày chú chạy vào khu du lịch chỉ để cho... cá sấu ăn rồi chạy về. Nhìn không khí vắng vẻ của khu du lịch không một bóng dáng du khách suốt một thời gian dài khiến chú nhiều lúc muốn rơi nước mắt. Nên khi hay tin khu du lịch Vàm Sát được đón khách trở lại, chú Lý Minh Sĩ mừng lắm.

“Vừa gắn mồi vào lưỡi câu cho du khách câu cá sấu, rồi nghe tiếng hò reo của mọi người mà tôi thấy vui gì đâu. Thấy du khách đến tham quan, vui chơi ngày càng nhiều là tôi biết thành phố đang dần khỏe lại”, chú Lý Minh Sĩ phấn khởi…

Đến ngày 15/10 các lực lượng y tế chi viện rút khỏi TP Hồ Chí Minh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Trong ảnh: Các y, bác sĩ của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai lưu giữ lại kỷ niệm những ngày chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Triều

Đến ngày 15/10 các lực lượng y tế chi viện rút khỏi TP Hồ Chí Minh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Trong ảnh: Các y, bác sĩ của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai lưu giữ lại kỷ niệm những ngày chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Triều

Tính đến 25/10, toàn thành phố đã có 120 trong số 234 chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Dù một số quận vẫn còn cẩn trọng trong việc cho các chợ truyền thống hoạt động sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng số chợ truyền thống mở cửa vẫn tăng dần lên. Các quận, huyện, TP Thủ Đức vẫn tiếp tục xem xét, rà soát các điều kiện an toàn để mở lại các chợ truyền thống khác, dự kiến từ nay đến ngày 31/10 sẽ mở lại thêm 15 chợ truyền thống nữa.

Anh Dương Hòa An, buôn bán tại chợ Bình Tây, quận 6 cho biết, tiểu thương ở đây ai cũng vui khi biết chợ hoạt động trở lại. Khi hay tin chợ mở cửa, anh và gia đình đã chuẩn bị mọi thứ, kiểm tra lại hàng hóa để ngày đầu chợ mở cửa sẽ buôn bán được thuận lợi.

“Tôi kinh doanh mặt hàng gia vị, là hàng khô nên cũng không quá vất vả. Chỉ cần xem lại hạn sử dụng để có thể bổ sung  kịp thời những mặt hàng đã hết hạn hay gần hết hạn sử dụng. Dù biết những ngày đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, sức mua không bằng như trước nhưng được kinh doanh như trước đây là chúng tôi vui rồi”, anh Dương Hòa An tâm sự.

HỒI PHỤC TRONG AN TOÀN

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra vào giữa tháng 9, đã thảo luận, cơ bản thống nhất về Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15/9. Kế hoạch được đưa ra trong thời điểm công tác phòng, chống dịch của thành phố đã có những tín hiệu tích cực.

Theo đó, kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10; giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022 và giai đoạn 3 từ sau 15/1/2022. Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch, lộ trình phục hồi kinh tế của thành phố đều tùy thuộc tình hình thực tế của dịch bệnh trên địa bàn. Chính vì thế, từ ngày 21/9, với sự hỗ trợ từ Trung ương, thành phố đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm được đánh giá là thành công nhất.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, đây là chiến dịch thành công nhất từ trước đến nay vì chỉ trong 7 ngày, thành phố đã hoàn thành 3 vòng xét nghiệm, bóc tách ra khỏi cộng đồng hơn 35.000 ca dương tính, giảm đáng kể nguồn lây trong cộng đồng. Những ca dương tính có điều kiện quản lý, chăm sóc, và điều trị kịp thời, góp phần làm số tử vong giảm rõ rệt.

Từ đợt xét nghiệm thần tốc này, thành phố đã có đánh giá toàn diện hơn đối với các vùng nguy cơ. Với tỷ lệ ca nhiễm giảm sâu tại các vùng, có thể nhận thấy rằng mầm mống dịch bệnh trong cộng đồng ở thành phố đã giảm nhiều. Từ diễn biến khả quan của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố".

Một shipper giao hàng quyết mã QR để kiểm soát lịch trình di chuyển. Ảnh: Hoàng Triều

Một shipper giao hàng quyết mã QR để kiểm soát lịch trình di chuyển. Ảnh: Hoàng Triều

Theo Chỉ thị 18, sau ngày 30/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Mục tiêu của Chỉ thị 18 đó là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn địa bàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội thành phố an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố và đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái “bình thường mới”.

Thực hiện Chỉ thị 18, sức sống của thành phố sau cơn bão Covid-19 như dần trở lại. Đường phố trở nên sôi động hơn, nhiều hoạt động đã mở cửa đón khách sau khoảng thời gian dài “ngủ mê” trong cơn đại dịch.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ quận 4 phấn khởi đến tham quan Đường sách thành phố trong ngày đầu tiên địa điểm này được hoạt động trở lại. Đi dưới hàng me xanh mát, nhìn mọi người vui vẻ chọn những quyển sách hay tại các gian hàng, chị Hằng cảm nhận một sức sống mới đã đến với thành phố của mình.

“Tôi đã chờ giây phút này lâu lắm rồi vì Đường sách là không gian văn hóa khá thú vị của thành phố. Hoạt động này mở cửa cho thấy sức khỏe thành phố đang dần hồi phục”, chị Hằng chia sẻ.

Đường sách TP Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại, thu hút hàng nghìn lượt người. Ảnh: MẠNH HẢO

Đường sách TP Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại, thu hút hàng nghìn lượt người. Ảnh: MẠNH HẢO

Người dân từ các địa phương cũng đang dần trở lại thành phố đã bắt đầu công việc mới, một hành trình mới ở thành phố đã từng cưu mang mình suốt nhiều năm qua. Những hoạt động văn hóa, xã hội cũng đang rục rịch khởi động dù vẫn còn khá rụt rè, cẩn trọng trước tình hình mới.

Sự cẩn trọng ấy là điều cần thiết trong thời điểm này. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng, dù thành phố ở cấp độ 2 về cấp độ phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tuy nhiên thực tế số các nhiễm Covid-19 của thành phố vẫn còn mở mức độ 3, nên công tác phòng, chống dịch của thành phố vẫn thực hiện ở mức nguy cơ cao. Thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó các cấp độ dịch của thành phố trong thời gian tới, nhất là công tác thu dung, điều trị.

“Chính vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân không được chủ quan, phải tuân thủ 5K, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch nhằm không để dịch lây lan, bùng phát trở lại”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết…

ĐI LÊN TỪ NHỮNG BÀI HỌC THỰC TẾ

Trở lại với câu chuyện kinh tế của TP Hồ Chí Minh, nói theo cách của ông Trần Hoàng Ngân, TP Hồ Chí Minh dù từng là “đầu tàu” của nền kinh tế cả nước, là động lực kinh tế của khu vực phía nam, nhưng khi xảy ra đại dịch, những điểm nghẽn về kinh tế thành phố đã bộc lộ rõ ràng, nhất là khi phải thực hiện giãn cách xã hội. Các chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy, ngành du lịch dịch vụ tê liệt, y tế quá tải trong khi số ca nhiễm và tử vong tăng cao. Hạ tầng xã hội, nhất là các chính sách an sinh cho công nhân, người thu nhập thấp thiếu và yếu. Trong tâm dịch, dù thành phố đã nỗ lực triển khai các gói an sinh xã hội nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sinh nhai của người dân.....

Dịch bệnh cũng chỉ ra cho thành phố những bất cập cần khắc phục, những lỗ hổng cần phải bù đắp để xây dựng chặng đường phát triển lâu dài. Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa 11 (mở rộng) mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó, xử lý các tình huống cụ thể xảy ra khi có dịch bệnh. Bên cạnh đó, còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình, nhận định, đánh giá để xây dựng và triển khai các phương án vừa phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn.

Dịch bệnh cũng đặt ra bài toán cho mỗi người, ở mỗi vị trí phải tìm cách thay đổi để thích ứng. Đặc biệt, với các nhà quản trị doanh nghiệp, đây là lúc họ phải thay đổi, chuyển hướng để tìm ra lối đi an toàn trong dịch bệnh. Bởi như PGS, TS, BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người đã luôn túc trực tại Bình Dương mấy tháng nay để trực tiếp điều trị bệnh nhân đúc rút: “Covid-19 là một đại dịch lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử và có thể 100 năm nữa không có đại dịch như vậy. Tất cả các dự báo, các phương án phòng, chống dịch cần phải hết sức uyển chuyển theo thời điểm. Covid-19 biến thể thì chúng ta cũng phải biến đổi, cũng phải thích ứng phù hợp phương án”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Covid-19 giờ đây được xác định là không thể dập hết được, không còn khái niệm “zero Covid”, chỉ còn cách thích ứng bằng những kinh nghiệm và biện pháp đối phó để “sống chung an toàn”. Đối với nhiều nước trên thế giới, cuộc chiến với biến chủng Delta cho đến lúc này “vẫn chưa thể rút ra bài học”. Và vì vậy, “thích ứng an toàn” là phải xác định không thể coi như không có đại dịch như trước đây.

Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho 406.410 khách hàng với tổng dư nợ 470.195 tỷ đồng. 11 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay 312.045 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Trong quý 4 năm 2021, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh có gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng đầu tư để thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Đối với những người làm chủ doanh nghiệp lớn như Nguyễn Trung Tín, làm thế nào đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn đã là câu hỏi thường trực những ngày này. Không chần chừ, Tín nhanh chóng rà soát, cơ cấu lại bộ máy của công ty theo hướng tinh gọn nhất có thể. Tiếp đó là điều chỉnh lại chiến lược giải ngân tiền đầu tư, cái nào làm trước, cái nào làm sau, khả năng thanh khoản ra sao; rồi lập các tổ làm việc để xử lý các khoản nợ với ngân hàng, với nhà thầu, với khách hàng.

Các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc đều trở thành nhân viên bán hàng, chuyên viên tài chính. Nguyễn Trung tín nói: “Chúng tôi quan niệm, khi chiếc thuyền bị thủng thì tất các thành viên đều lăn vô lấp các chỗ thủng ấy chứ không phải tôi là thuyền trưởng tôi được đứng chỉ tay”…

Với hàng ngàn đầu việc được đội ngũ lãnh đạo Trung Thuỷ cải tổ, dần dà doanh nghiệp đã dần ổn định, tâm lý của đội ngũ cán bộ, công nhân viên đã vui vẻ lạc quan.

Tín chia sẻ: “Sau thời gian phải làm việc ở nhà vì giãn cách xã hội, tôi nhận ra, liều thuốc tốt nhất giúp tôi vững tin là tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ trong gia đình, trong công ty mà còn đến từ các đối tác và khách hàng trong và ngoài nước”.

Theo Tín, dịch bệnh là họa, nhưng trong họa lại có phúc; phúc đó là mỗi người đều sống tĩnh lại, chậm lại để chiêm nghiệm cái đúng, cái sai, rồi sau đó mỗi người sẽ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Với doanh nghiệp, dịch bệnh gây ra hàng loạt khó khăn, đổ gãy nhưng cũng là lúc để doanh nghiệp nhìn ra những hạn chế, khiếm khuyết của mình, để doanh nghiệp tái cấu trúc, tinh gọn lại bộ máy, nghiên cứu tìm tòi phát triển thêm những lĩnh vực còn mới mẻ nhưng giàu tiềm năng…

SẼ TRỞ LẠI MẠNH MẼ

Chính quyền, doanh nghiệp, người dân TP Hồ Chí Minh đều tin như vậy. Bởi ngay lúc gian khó nhất, khi phải ứng phó với đại dịch chưa từng có này, thành phố vẫn thấy rất rõ những phẩm chất tốt đẹp của từng đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; thấy rõ sự đồng sức, đồng lòng, giúp đỡ hỗ trợ của người dân cả nước, thấy rõ khát khao và ý chí vượt qua dịch bệnh để vươn lên của người dân thành phố.

Thực tế, đã có những sáng kiến, sáng tạo được thực hiện. Tại quận 7, địa phương này đã thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng rất nhanh. Tiếp đó, mạnh dạn chuyển đổi 1 khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, một phần chuyển nặng không phải chuyển đi xa. Quận 7 là địa phương lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Còn quận 6 là địa phương đầu tiên phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 tự điều trị tại nhà dù thời điểm ấy chưa có hướng dẫn của ngành y tế…

Nhờ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu mà quận 7 đã một trong những nơi công bố kiểm soát được dịch bệnh đầu tiên của thành phố. Từ ngày 15/9 khi thành phố chưa hết giãn cách xã hội, quận 7 đã thực hiện thí điểm cho 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép hoạt động trở lại…

Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ xây dựng trung bình mỗi năm khoảng 3.000 căn nhà xã hội, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Đến năm 2025, thành phố dự tính sẽ xây dựng hoàn thành 1 triệu căn nhà giá rẻ, hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động. Trước mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở cho người lao động, Sở Xây dựng thành phố đang khẩn trương rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân để có cơ chế hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang lại.

Trở lại với những trăn trở của doanh nhân Nguyễn Trung Tín. Những ngày làm việc tại nhà, Tín luôn tự hỏi, dù dịch bệnh nhưng dòng tiền trong dân vẫn phải chạy đi đâu đó chứ không thể đứng yên. Tín nhận ra, tiền đã chạy vào các công ty dược, vào chứng khoán, vào mảng công nghệ thông tin…

Sở trường của Tín lại là công nghệ. Một quyết định nhanh chóng đã được Tín và các cộng sự đưa ra, đó là thành lập một công ty để kinh doanh phần mềm game và giải trí. Với thời khoá biểu một tuần 40 giờ làm việc cho tập đoàn, 40 giờ làm việc cho công ty công nghệ. Sau gần 4 tháng, công ty kinh doanh về phần mềm game và giải trí của Tín đã được các quỹ đầu tư uy tín trên thế giới định giá và đề nghị mua lại với giá 60 triệu USD…

Sự thành công bước đầu của quận 7, của doanh nhân Nguyễn Trung Tín là minh chứng điển hình cho sự sáng tạo, cho ý chí không để việc khó bó chân mình của hơn 10 triệu dân TP Hồ Chí Minh, của hàng trăm ngàn doanh nghiệp mà cách đây không lâu đã đóng góp cho gần 30% GDP của cả nước.

Với Tín và hàng ngàn doanh nghiệp khác, những kịch bản phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh thành phố tiếp tục đóng hay mở cửa vì dịch bệnh đã được định hình với sự chuẩn bị kỹ càng, tâm huyết đã và đang chờ để bùng nổ.

Với TP Hồ Chí Minh, các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới đã được ban hành và đang tiếp thu ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia

TP Hồ Chí Minh luôn là thành phố năng động, khát vọng trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Vẫn còn đó những dư địa của các dự án đầu tư đã được chuẩn bị, có điều kiện nhưng chưa kịp khai thông. Nguồn đầu tư công của thành phố nếu được tập trung sẽ kích thích nền kinh tế.

TP Hồ Chí Minh còn là nơi hội nhập quốc tế, cửa ngõ giao thương, chiếm 30% cảng xuất khẩu của cả nước. Các doanh nghiệp sở hữu năng lực đổi mới, sáng tạo, vượt lên trên khó khăn thách thức. Hơn hết, đó là sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp nơi đây. Những điều này là vốn liếng vô cùng quan trọng để “đánh thức” đầu tàu kinh tế của cả nước sau chuỗi ngày kiệt quệ.

Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá cao giải pháp phi tiền tệ, tức là giải pháp phục hồi không cần tiền mà thành phố đang quyết liệt triển khai. Thành phố sẽ thành lập các đội phản ứng nhanh để tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân (hiện khu vực tư nhân hiện chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư xã hội của TP Hồ Chí Minh). Đội phản ứng nhanh phải chịu trách nhiệm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, kiến nghị thể chế; hàn gắn, nối lại các việc lưu thông hàng hoá qua giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển…; nối lại đứt gãy về lao động, tạo điều kiện cho người lao động được đi lại để làm việc...

Bên cạnh việc quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, thành phố cũng quyết liệt xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thái độ cầu thị, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa như dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Thủ Thiêm 2...Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty SAVI, KCX Tân Thuận đo thân nhiệt và phát khẩu trang mới trước khi công nhân vào nhà máy làm việc.

Công ty SAVI, KCX Tân Thuận đo thân nhiệt và phát khẩu trang mới trước khi công nhân vào nhà máy làm việc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, ngoài các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, thành phố cũng ban hành kế hoạch chi tiết triển khai 11 chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Trong đó, triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

TP Hồ Chí Minh chủ động tiếp cận nguồn vaccine, thuốc đặc trị Covid-19, trang thiết bị vật tư y tế, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp. Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân.

Những gì mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện cũng là kiến nghị mà các doanh nghiệp thành phố mong mỏi bao lâu nay. Với doanh nhân Nguyễn Trung Tín, chỉ cần thành phố mạnh dạn cải thiện được các thủ tục hành chính vốn đang trì trệ bao lâu nay, cộng với việc thành phố ban hành rõ ràng lộ trình mở cửa, thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm thì chắc chắn chỉ một thời gian ngắn, kinh tế thành phố sẽ chuyển màu xanh, một thành phố nhộn nhịp, sôi động sẽ quay trở lại.

Thành phố đang trải qua những ngày nắng đẹp. Anh Lê Văn Hùng cho hay, nhiều khách đã biết anh xuất hiện ở con đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 này nên đến mua báo nhiều hơn trong những ngày gần đây. Anh Hùng vẫn vui tính như ngày nào, những ấn phẩm báo chí vẫn phong phú nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng yêu báo giấy. Chỉ có một điểm mới đó là sạp báo của anh luôn thường trực chai xịt khử khuẩn. Mỗi lần khách lấy báo, gửi tiền, anh đều xịt khuẩn cho khách và cho mình.

 “Dù trở lại cuộc sống bình thường nhưng vẫn cẩn thận chú à. Mình giữ kỹ cho khách cũng là giữ cho sức khỏe của mình”, mắt anh Hùng lại ánh lên niềm vui.


Xin mượn lời của Thạc sĩ - Bác sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng đoàn Bệnh viện E, tăng cường cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khi dịch bùng phát để tạm kết một chặng đường khốc liệt: “Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố, mây mù đang dần tan và những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện, báo hiệu những bình minh trong trẻo. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan như Đảng và Nhà nước đã xác định, cuộc chiến với Covid-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào các đồng chí, các đồng nghiệp. TP Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác kính yêu sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn sau giông bão”.

Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức sản xuất: DƯƠNG HỒNG LÂM, NGUYỄN HỒNG MINH, NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG LÂM, HỒNG MINH, BÍCH NGỌC, MẠNH HẢO, TÙNG QUANG, QUANG QUÝ, QUÝ HIỀN
Ảnh: QUANG QUÝ, HẢI AN, HOÀNG TRIỀU, MẠNH HẢO
Đồ hoạ: BÔNG MAI, ĐỨC DUY, DUY KHÁNH
Thiết kế trình bày: ĐĂNG PHI, BÔNG MAI, ANH NGỌC