Không đứng ngoài cuộc chiến Covid-19

Không trực tiếp vào tuyến đầu điều trị, hàng chục nghìn y, bác sĩ, tình nguyện viên trở thành những "lá chắn thép trên mây", tư vấn, quản lý điều trị F0 từ xa. Nhiều thầy cô đã nghỉ hưu và các doanh nhân cũng lặng lẽ ở hậu phương lo an sinh, xã hội cho hàng triệu người dân. Bằng cách này hay cách khác, họ không đứng ngoài cuộc chiến, để làm người bạn đồng hành với bệnh nhân Covid-19, giúp F0 vượt qua những giai đoạn hoang mang, sang chấn nhất.

Những "lá chắn thép trên mây"

Chị Hoàng Thị H. (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) được nối máy tới bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh (Bệnh viện Phổi Trung ương) trong những ngày TP Hồ Chí Minh bước vào đỉnh dịch. Mang theo một tâm lý khá hoảng hốt, lo sợ khi cả gia đình cùng là F0, bố chị 75 tuổi và có bệnh lý tiểu đường, chị H. hỏi dồn dập. Phía đầu dây, chất giọng nữ trầm ấm Quảng Nam đã làm chị dịu lại, dần bình tĩnh tiếp nhận sự hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc cho cả nhà. Hàng ngày, bác sĩ Tuấn Anh lại gọi tới gia đình để tìm hiểu tình trạng của bố chị H. Cùng sự trấn an của bác sĩ, cùng vốn hiểu biết phần nào đã tốt hơn, bố chị H. dù có biểu hiện Sp02 thấp trong ngưỡng cần vào viện cũng đã trải qua nguy kịch. Đó là những ngày tháng 7 đỏ lửa tại TP Hồ Chí Minh khi dịch bùng phát và đó cũng là những ca đầu tiên mà bác sĩ Tuấn Anh cùng đồng đội trong Mạng lưới thầy thuốc đồng hành tư vấn điều trị tại nhà.

Ngày 18/7/2021, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành Việt Nam do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai chính thức mở tổng đài. Lúc đó, chưa một ai dự trù khối lượng công việc lại quá tải như thế. Số bác sĩ đăng ký tham gia ban đầu cầm chừng, nhưng dần dần tăng lên hàng trăm và nhanh chóng lên tới con số hàng nghìn.

Vừa làm việc chuyên môn, vừa tranh thủ thời gian trong ngày để quản lý, tư vấn điều trị cho F0 tại nhà, nhiều nhân viên y tế dù không bước vào cuộc chiến khốc liệt trực tiếp, nhưng họ vẫn sát cánh bên các bệnh nhân Covid-19 qua điện thoại. Cũng như những người vào tuyến đầu đỏ lửa, đội ngũ bác sĩ đồng hành online với các F0 cũng có nhiều đêm không ngon giấc, cũng gặp những sang chấn tâm lý, cũng lặng lẽ giấu những nỗi đau mất mát để vững vàng bước tiếp.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam kể, công tác tình nguyện đòi hỏi sự tham gia nhiệt tình, lương tâm trách nhiệm rất cao của người tham gia. “Anh em trong hội thực sự chưa từng nghĩ mạng lưới lại nhận được sự đồng hành tận tâm, nhiệt tình của hàng nghìn nhân viên y tế đến như vậy. Ngoài công việc chuyên môn, mỗi ngày các bác sĩ phải dành 14-15 tiếng để quản lý, tư vấn F0 điều trị tại nhà. Hơn 5 tháng qua, họ vẫn bền bỉ như thế, chưa một lần đòi hỏi chế độ trợ cấp chỉ với một “mệnh lệnh từ trái tim” là giảm số người nhập viện, cố gắng tối đa giảm tỷ lệ tử vong”, bác sĩ Tú kể.

Là thành viên ban đầu tham gia tình nguyện vào mạng lưới tư vấn cho F0 điều trị tại nhà của Mạng lưới thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh kể lại, ban đầu chị và nhóm tư vấn cũng rất hoang mang khi các hiểu biết về Covid-19 còn rất mới mẻ, phải cập nhật kiến thức liên tục. TP Hồ Chí Minh quá tải F0 tại cơ sở điều trị, việc làm khẩn cấp của nhóm lúc này là tư vấn cho các trường hợp F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà; trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19. Họ đều là những người dễ tổn thương vì chưa xác định được tình trạng bệnh ở mức độ nào. Lúc này, mạng lưới có nhiệm vụ kết nối để giúp đỡ người bệnh được khám trực tiếp, phân tầng nguy cơ và chuyển lên bệnh viện gần nhất, nhanh nhất có thể.

Các tình nguyện viên chia đơn thuốc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Các tình nguyện viên chia đơn thuốc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Bác sĩ Tuấn Anh được phân công phụ trách khu vực 746, hỗ trợ chính cho quận Gò Vấp (một trong những quận đầu tiên có dịch ở TP Hồ Chí Minh). Song song đó, chị nhận nhiệm vụ của Bệnh viện Phổi Trung ương tham gia quản lý điều trị cho hàng nghìn F0 tại TP Thủ Đức. Đó cũng là thời điểm chồng chị nhận nhiệm vụ chi viện cho Đồng Nai. Còn chị, vừa ở nhà chống dịch tại bệnh viện, vừa tư vấn online cho F0, vừa chăm con nhỏ chưa đầy một tuổi.

Những ngày đầu, cuộc gọi tới phần lớn là hoảng loạn, sợ hãi xen lẫn nước mắt. Để làm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tin, nghe theo là cả một hành trình thuyết phục. Không ít người bày tỏ sự hoài nghi nhóm bác sĩ ở mạng lưới thầy thuốc đồng hành và không yên tâm. Nhưng hàng ngày, bằng sự thăm hỏi liên tục, tư vấn hỗ trợ, người bệnh yên tâm điều trị.

Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh tư vấn cho F0 điều trị tại nhà.

Bác sĩ Tuấn Anh ngoài tư vấn chuyên môn, còn phải làm người thân của từng gia đình để trấn an người bệnh. Có nhiều gia đình bốn thế hệ cùng nhiễm lên tới 10-15 người. Với tỷ lệ khoảng 2% các cuộc gọi có nguy cơ nặng cần vào viện điều trị, bác sĩ Tuấn Anh phải gọi điện liên tục. Nhiều trường hợp, cứ 15 phút bác sĩ phải gọi một lần để xem diễn biến tình trạng bệnh, hướng dẫn cách thở oxy. Nhưng trong lúc hoảng loạn, nhiều người thân của người bệnh đã không thể thực hiện được đúng y lệnh từ xa của bác sĩ một cách chuẩn xác.

“Sự hoảng loạn cùng nhiều yếu tố khiến nhiều bệnh nhân không thể qua khỏi. Giá như tinh thần bệnh nhân tốt hơn, có niềm tin vượt qua, y tế không bị quá tải, thời gian chờ đợi không quá lâu được vận chuyển ngay, tiếp cận phương tiện hỗ trợ tích cực nhanh nhất thì có thể sống và vượt qua được. Trong đại dịch, có rất nhiều trường hợp tiếc nuối như vậy. Chỉ qua điện thoại, chúng tôi còn bần thần lặng người thì những bác sĩ trực tiếp vào tâm dịch có lẽ sẽ ám ảnh đến suốt đời”, bác sĩ Tuấn Anh nói.

Chúng ta không thể đong đếm được những đau thương từ đại dịch Covid 19 vì nó quá khốc liệt và xót xa. Khoác trên mình áo blouse trắng, nếu không thể có mặt trực tiếp tại nơi tâm dịch thì cũng không thể ngồi yên ngoài cuộc chiến ấy
Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Bệnh viện Phổi Trung ương

Nỗi buồn sâu nặng của bác sĩ Tuấn Anh là khi nhóm nhận quản lý điều trị một trường hợp F0 còn rất trẻ bị hen phế quản. Hai bố con cùng mắc Covid-19 và điều trị tại nhà. Nhưng bệnh Covid-19 khiến anh rơi vào diễn biến cơn hen rất nhanh. Nhóm đã hỗ trợ hết mức đưa anh vào viện cấp cứu, diễn biến xấu đến nhanh, thở máy và không thể qua khỏi. “Khi tỉnh táo nhất, anh luôn tâm sự có tâm nguyện con trai 15 tuổi của anh sẽ được chăm sóc tốt nếu anh có mệnh hệ gì. Và rồi anh cũng đã không còn cơ hội chăm sóc con trai mình. Tôi vẫn nghĩ, nếu chúng tôi cố hơn chút nữa, có được điều kiện chăm sóc tốt hơn thì có thể giúp anh ấy qua được nguy kịch không?”, bác sĩ Tuấn Anh chua xót nói. Đồng đội chị có người một tuần sau rơi vào trạng thái sốc tâm lý, không thể gọi tư vấn cho bệnh nhân nào khác.

Bác sĩ tham gia Mạng lưới thầy thuốc y tế đồng hành.

Bác sĩ tham gia Mạng lưới thầy thuốc y tế đồng hành.

Cơn hoảng loạn dần cũng qua khi số F0 tại nhà ngày một lớn, và nhiều ca đã vượt bạo bệnh kỳ tích. Đó là trường hợp một gia đình có tới 6 F0, trong đó có người cao tuổi trên 80, sức khỏe yếu, phải thở oxy. Tuy nhiên trường hợp này không chịu nhập viện điều trị vì sợ. Các tình nguyện viên phải hỗ trợ hàng ngày từ dùng thuốc, thở oxy ngắt quãng, tập thở. Qua 10 ngày, tình trạng cụ ông đã ổn, cai được oxy và ăn uống tốt… như một kỳ tích. Điều đó là năng lượng tích cực lan tỏa cho đội ngũ bác sĩ đồng hành.

Sau thời gian suốt 4 tháng đồng hành với người dân tại TP Thủ Đức, quận Gò Vấp và nhiều quận sau đó tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, Tuấn Anh vẫn đều đặn tham gia mạng lưới tư vấn cho các F0 tại Hà Nội của mạng lưới và tiếp tục cùng đồng đội tại Bệnh viện Phổi Trung ương quản lý các F0 tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Với hơn 6.000 F0 tại miền nam đã được hỗ trợ, bác sĩ Tuấn Anh được vinh danh trong top 10 cá nhân đạt nhiều Ngôi sao hy vọng nhất, cá nhân thực hiện nhiều cuộc gọi thành công nhất, bác sĩ chăm sóc nhiều bệnh nhân nhất, cá nhân nhận nhiều sao nhất từ #50 hope, top 10 bác sĩ sàng lọc nhiều bệnh nhân nhất… trong Mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Nhà giáo nhân dân, PGS, TS Hồ Thanh Phong, sau gần 2 năm nghỉ công tác quản lý, giảng dạy chưa một ngày ngơi nghỉ. Đại dịch bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh khiến vị giáo già không chịu ngồi yên. Ông bắt đầu lao vào cuộc chiến bằng những gói gạo an sinh đầu tiên qua việc cùng các tình nguyện viên xây dựng những cây ATM gạo. “Xuất phát điểm của việc triển khai ATM gạo vì lúc đó nhiều người dân cực khổ, giãn cách xã hội khiến họ mất việc làm, mất thu nhập”, thầy Phong kể.

Trong hơn 1 tháng, thầy Phong đặt gạo từ khắp Long An, Vĩnh Long được 100 tấn gạo hỗ trợ an sinh cho người dân. Đồng hành với tấm lòng của thầy là nhiều doanh nghiệp cùng đóng góp tiền, các em sinh viên cơ khí thiết kế máy ATM gạo. Cùng với nhóm từ thiện Minh Tâm, nhóm thầy giáo Hồ Thanh Phong và cộng sự đã cùng phát gạo cứu đói cho bà con ở nhiều quận ở Bình Tân, Bình Chánh, Hooc môn, quận 6, quận 10, Nhà Bè…

Nhóm thầy Hồ Thanh Phong tiếp tục hỗ trợ nhiều địa phương triển khai mô hình hỗ trợ F0 từ xa.

Nhóm thầy Hồ Thanh Phong tiếp tục hỗ trợ nhiều địa phương triển khai mô hình hỗ trợ F0 từ xa.

Sau khi ghé một vai gánh vác an sinh cho người dân, tháng 7 TP Hồ Chí Minh bùng dịch nặng nề, thầy Phong mang nặng tâm tư “Cần phải làm gì cho tuyến đầu?”. Và rồi, sau đó là rất nhiều tình nguyện viên cùng chung ta để nhóm có được những chuyến xe chở nước uống, khẩu trang, áo bảo hộ, găng tay, mũ chống giọt bắn, thuốc… cho các nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến.

F0 tăng nhanh với cấp số nhân, nhiều người hoảng loạn, nhóm thầy Phong tiếp tục mở rộng sang mảng mới, huy động hàng trăm nhân viên y tế tham gia vào mạng lưới hỗ trợ tư vấn điều trị từ xa. “Chúng tôi có một cuộc họp nhanh vào đầu tháng 8. Nhóm nhanh chóng có được 10 bác sĩ, 20 tình nguyện viên và phát triển dần lên 100 bác sĩ, 200 tỉnh nguyện viên. Chúng tôi thuê một tổng đài để tư vấn cho F0 điều trị tại nhà”.

Là một tổ chức từ thiện tình nguyện, nhóm thầy Hồ Thanh Phong quyết tâm bằng mọi cách trở thành điểm tựa cho bệnh nhân Covid-19. Qua một phần mềm được xây dựng nhanh chóng, các F0 được quản lý điều trị, tư vấn liên tục, thăm khám và kê đơn thuốc. Đơn thuốc sẽ được chuyển tới đội hậu cần kho thuốc để chia đơn, cung cấp oxy. “Trong lúc thành phố giãn cách, tôi đích thân đi xin 20 giấy đi đường cho 20 người vận chuyển thuốc, oxy cho người bệnh. Có rất nhiều doanh nhân lớn, họ sẵn sàng bỏ việc lo cơm áo gạo tiền, mặc đồ bảo hộ, luồn lách trong thành phố, leo qua các rào chăng kín để đưa thuốc tới tay người bệnh. Chúng tôi giống như một bệnh viện ảo nhưng chăm sóc bệnh nhân thật, thuốc thật”, thầy Phong chia sẻ.

PGS,TS Hồ Thanh Phong.

Lặng lẽ, sát cánh cùng F0

Suốt 4 tháng căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành Việt Nam đã huy động được đội ngũ tư vấn hơn 10 nghìn bác sĩ và hơn 10 nghìn tình nguyện viên. Nhóm làm việc khoa học trên phần mềm máy tính, phân loại bệnh nhân thành các nhóm khác nhau để chia nhóm bác sĩ quản lý điều trị phù hợp từ bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có kinh nghiệm hay khối sinh viên tình nguyện.

Trong suốt đợt dịch bùng phát tại phía nam, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Việt Nam đã chăm sóc và sàng lọc cho hơn 373 nghìn trường hợp F0, chiếm đến 42% số F0 cả nước. Trong đó, có 361.799 bệnh nhân được đánh giá nguy cơ cấp độ 0, 1 được chăm sóc thường xuyên bởi các tình nguyện viên, 2.305 bệnh nhân ở cấp độ 2 được bác sĩ theo sát, 2.463 bệnh nhân cấp độ 2-4 được hỗ trợ nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam

Nói về hành trình hỗ trợ của những thành viên đội thiện nguyện, thầy Phong tự hào chia sẻ, với một cách tiếp cận bài bản, khoa học, các bệnh nhân F0 đang đuối sức, mệt mỏi, lo sợ vì không được tiếp cận y tế, thuốc điều trị đã phần nào bớt đi sự hoảng loạn. Khi được các bác sĩ thăm khám, họ đã bớt được 20% lo lắng. Khi nhận được tói thuốc, họ bớt thêm được 30%. Hàng ngày, nhóm bác sĩ gọi điện hỏi thăm tình trạng, tư vấn liên tục, người bệnh giảm bớt được 30% nữa. Chỉ còn 10% ở nghị lực người bệnh để vượt qua. “Đến giờ, đã có hơn 5.000 bệnh nhân được quản lý trong hệ thống, có gần 3.500 trường hợp hồi phục, có khoảng 430 có bệnh nền được tư vấn chuyển viện kịp thời”, thầy Phong nói.

Các thành viên đội tình nguyện không quản ngày hay đêm để làm tròn lương tâm của một người tình nguyện là kịp thời đưa thuốc, oxy tới tận tay người dân. Các bác sĩ cũng trực chiến 24/24 để kịp thời liên lạc với đội cấp cứu 0 đồng đưa người bệnh chuyển viện. “Đêm là thời điểm người bệnh mệt nhiều, suy hô hấp, cần phải nhập viện khẩn cấp. Nếu không có trợ giúp oxy kịp thời và chuyển viện, họ sẽ tử vong trong tích tắc”, thầy Phong nói.

F0 được nhóm thiện nguyện của thầy Hồ Thanh Phong tặng gói thuốc điều trị tại nhà.

F0 được nhóm thiện nguyện của thầy Hồ Thanh Phong tặng gói thuốc điều trị tại nhà.

Với thầy Phong, tâm sức và tinh thần của các bác sĩ, tình nguyện viên không thể diễn tả bằng lời. Chỉ có sự lăn xả, những người làm thiện nguyện mới vượt qua được những khó khăn, thách thức, hy sinh sức khỏe như vậy. Có nhiều người nhiễm bệnh nhưng họ không nề hà, khỏi bệnh là làm việc ngày 16-17 tiếng để kết nối tư vấn cho người bệnh.

Hành trình hỗ trợ cho người dân thành phố suốt 6 tháng qua là thời gian sống ý nghĩa nhất trong đời tôi. Chúng tôi vẫn đang bước trên hành trình ý nghĩa này và chưa dừng lại. Sau thành phố, chúng tôi đã tư vấn mô hình hỗ trợ người bệnh qua Telemedicine cho nhiều tỉnh, thành phố như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang… Mô hình không quá tốn kém, huy động được nhiều người, nhiều trí lực để hỗ trợ những người dân đang hoang mang.
PGS, TS Hồ Thanh Phong

Giữa tháng 12/2021, dịch diễn biến căng thẳng trở lại tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hiện còn khoảng 60% bác sĩ tiếp tục bám trụ. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đồng hành với các cơ sở y tế trong triển khai ATM oxy, khẩn cấp hỗ trợ các cơ sở y tế, cung cấp thuốc kháng virus, cung cấp bộ hướng dẫn F0 điều trị tại nhà. Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhóm thầy Hồ Thanh Phong vẫn còn khoảng 50 bác sĩ, tình nguyện viên duy trì hỗ trợ cho người dân và F0.

Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và cộng sự tiếp tục hỗ trợ Đồng Tháp chống dịch.

Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và cộng sự tiếp tục hỗ trợ Đồng Tháp chống dịch.

Chiều 18/12/2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành chính thức vận hành giai đoạn 2 tại Hà Nội. tổ chức sàng lọc, tư vấn và chăm sóc cho các F0 hiện đang điều trị tại nhà, được điều phối vận hành bởi Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội. Theo đó, bác sĩ và tình nguyện viên của Thầy thuốc đồng hành Hà Nội được chia thành 28 tổng đài chủ động gọi ra theo khu vực địa lý và một tổng đài tiếp nhận thông tin từ người dân. Với các nhóm gọi ra, người dân sẽ nhận cuộc gọi từ số 024 1022. Người dân cần hỗ trợ tư vấn và chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19 có thể liên hệ hotline 024 1022 nhánh 3. Điểm mới của mô hình lần này là sự kết hợp rất chặt với y tế địa phương cùng hỗ trợ F0 tại nhà.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành Việt Nam tiếp tục duy trì hỗ trợ F0 tại nhà.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành Việt Nam tiếp tục duy trì hỗ trợ F0 tại nhà.

Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine rất tốt đạt gần 100% người dân trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi nên tỷ lệ chuyển nặng có phần giảm đi. Người dân cũng có hiểu biết, có kiến thức về tự điều trị tại nhà khi không may nhiễm bệnh. Vì thế, nếu như giai đoạn chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đòi hỏi tư vấn nhiều về chuyên môn hơn, an sinh xã hội thì giai đoạn này, việc tư vấn tập trung thuốc kháng virus, kháng viêm, một số triệu chứng mất vị giác khi nào phục hồi…

“Với TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy nhẹ nhõm vì đến giai đoạn này đã hoàn thành nhiệm vụ và bắt đầu chuyển giao cho thành phố. Còn tại Hà Nội, cảm giác lo lắng như những ngày đầu đã phần nào giảm bớt. Hà Nội vừa là tình yêu, vừa là trách nhiệm với nơi mình gắn bó. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tư vấn cho hơn 100 F0 điều trị tại nhà”, bác sĩ Tuấn Anh nói.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có sự tham gia của hàng chục nghìn nhân viên y tế và tình nguyện viên.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành có sự tham gia của hàng chục nghìn nhân viên y tế và tình nguyện viên.

Chúng ta chưa qua cuộc chiến và còn nhiều câu chuyện không vui. Bất kỳ điều gì liên quan đến tính mạng con người đều canh cánh trong lòng. Bởi vậy, dù không trực tiếp vào tuyến đầu, những người quản lý, điều trị F0 qua điện thoại đều cảm nhận được những đau đớn khi sứ mệnh của họ là phải đặt tính mạng người bệnh và sức khỏe của họ lên hàng đầu. Họ có sang chấn, có bần thần, nhưng rồi họ phải nhanh chóng bình tĩnh lại bởi nếu mỗi người rời vị trí, sẽ có rất rất nhiều F0 khác đang cần họ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú bày tỏ tâm tư, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã nhiều lần có đề xuất nhiều với Chính phủ, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có cơ chế cho bác sĩ tư vấn online. Hàng nghìn bác sĩ đã hy sinh thời gian có thể tăng thu nhập từ việc làm bên ngoài để tham gia vào mạng lưới tư vấn từ xa cho F0. Đây là một cuộc tình nguyện lịch sử. “Chúng tôi mong có cơ chế chính sách cho các thầy thuốc tham gia mạng lưới, có sự ghi nhận một cách hợp tình, hợp lý với nhân viên y tế, đặc biệt là người tuyến đầu vừa thanh gươm, vừa là lá chắn với người bệnh”, bác sĩ Tú nói.

Thế giới vẫn đang trong một trạng thái bị động trước đại dịch và Việt Nam dù chủ động tới mấy cũng có nhiều tình thế khó lường. Bởi vậy, mọi sự chuẩn bị từ lúc này luôn có giá trị. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã tính đến phương án số ca tăng nhanh thời gian tới, thiếu hụt nhân viên y tế. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đang hoàn thiện quy trình thành lập tổng đài trung tâm, không để bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào không được tiếp cận y tế. Hội cũng phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đoàn thanh niên tuyển dụng đào tạo thêm số lượng lớn các sinh viên trong khối chăm sóc sức khỏe làm lực lượng trù bị bất kỳ lúc nào nhân viên y tế không đủ. Ngoài ra, Hội cũng có khối nhiều đơn vị, các nhóm tình nguyện khác để tăng thêm đầu hỗ trợ cho những y lệnh mạng lưới từ thuốc cấp cứu, hỗ trợ cung cấp oxy. “Dịp tết này sẽ còn nhiều thách thức và cam go. Những bác sĩ trong mạng lưới đã có bao nhiêu ngày làm việc quên mình thì nay cũng không ai nản lòng và không ai rời bỏ vị trí”, bác sĩ Hữu Tú bày tỏ.  

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM
Ảnh: Mạng lưới thầy thuốc đồng hành; Nhân vật cung cấp