Tôi đã làm được, đã cùng anh em rời Hà Nội ra đi và mang chiến thắng trở về Hà Nội vào ngày 10/10 như lời hứa quyết tâm năm nào.
“Tôi đã làm được, đã cùng anh em rời Hà Nội ra đi và mang chiến thắng trở về Hà Nội vào ngày 10/10 như lời hứa quyết tâm năm nào”, giọng đầy hào hùng, Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kể lại hành trình trở về Hà Nội tiếp quản thủ đô.
Trong căn nhà ấm cúng ở phố Chùa Láng, người bạn đời của ông Bùi Gia Tuệ là bà Bạch Thị Hoàng Oanh nồng nhiệt, thịnh tình đón chúng tôi với những món quà của Hà Nội vào thu với bánh đậu xanh, xôi cốm, chuối tiêu... Bà bảo, mỗi mùa thu đến, ông Tuệ lại bồi hồi cảm xúc khi xưa. Bởi trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, chứng kiến bao nhiêu đồng đội ngã xuống, cơ thể cũng mang trên mình vết thương, nhưng được trở về thủ đô - trở về quê nhà khỏe mạnh, được cống hiến sức mình xây dựng thủ đô, với người cựu chiến binh 93 tuổi giống như một giấc mơ.
Chúng tôi đã thực hiện được lời hứa, khỏe mạnh để trở về
Tuổi thơ gắn với phố Hàng Bè, ông Bùi Gia Tuệ (sinh năm 1931) đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc. Ngày 19/12/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", ông Tuệ xin gặp đội trưởng tự vệ khu phố, xin trực tiếp được làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc. Hai năm sau đó, trong chuyến thăm người anh trai làm bác sĩ ở Đại đoàn 308 (Nay là Sư đoàn 308), ông Tuệ xin gia nhập quân ngũ.
Bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ khi mới 23 tuổi, ông Bùi Gia Tuệ giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Đại đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày thành lập Đại đoàn 308 là 28/8/1949, cũng chính là ngày ông được kết nạp Đảng.
Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Trong cuộc tiến công chiến lược này, Đại đoàn 308 đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Đại đoàn đã đánh nhiều trận, trong đó có hàng chục trận đánh lớn, đã tiêu diệt và bắt sống hơn 4 nghìn tên địch (không kể số địch bị bắt ngày 7/5), thu rất nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng.
Đại đoàn đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao: Giải phóng thị xã Lai Châu; mở đường chiến dịch; phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu; tham gia tiêu diệt đồi Độc Lập; xây dựng trận địa chiến hào bao vây địch ở phía tây Mường Thanh, tiến công đánh chiếm các cứ điểm 106, 206, 311A, 311B, 301, tham gia đánh đồi A1 và tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, các chiến sĩ Đại đoàn 308 sung sướng, hồ hởi khi chứng kiến cảnh tượng lịch sử: Tướng Đờ Cát, Bộ Chỉ huy và gần 1,2 vạn quân Pháp bị bắt làm tù binh. Ông Tuệ và một số đồng chí biết tiếng Pháp được giao nhiệm vụ giữ tù binh Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đối với Đại đoàn 308, những chiến công mà đại đoàn làm nên trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là những trang sử oanh liệt nhất của đại đoàn. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được tiến về xuôi cùng đơn vị khác. “Từ nơi không biết sống chết thế nào, chỉ biết chiến đấu nay được lệnh cùng Sư đoàn về tiếp quản Hà Nội, tôi hạnh phúc vô cùng”, ông Tuệ nói.
Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô tháng 9/1954, một số cán bộ của Đại đoàn quân Tiên phong - Đại đoàn 308 được vào Đền Hùng, gặp Bác Hồ. Gặp Bác, anh em ai cũng sung sướng vì được Bác khen ngợi về sự anh dũng, nhanh chóng lập nên chiến công rực rỡ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bác cũng dặn dò: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Một nhiệm vụ rất quan trọng được Bác tin tưởng giao cho Đại đoàn 308 là trở về Hà Nội để tiếp quản thủ đô. “Bác Hồ dùng chữ “trở về”, bởi vì Bác biết Sư đoàn chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, một số anh em tự vệ và quyết tử quân đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường ở khu phố Hàng Buồm: “Hẹn nhân dân sẽ có ngày trở về Hà Nội”. Bác Hồ căn dặn chúng tôi, nhiệm vụ tiếp quản thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, cho nên các cháu cần phải thận trọng, chu đáo”, ông Tuệ kể lại.
Những chiến sĩ được lựa chọn đại diện cho Đại đoàn 308 đã về Hà Nội từ trước 10/10, ém chờ ở Hà Đông. Ai cũng thức trắng đêm vì hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại.
Ngày tiếp quản Thủ đô, ông Bùi Gia Tuệ ngồi trên xe thứ 3, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ….
Ông Tuệ gọi hành trình tiến vào thủ đô là “cuộc hành quân tuyệt vời nhất trong cuộc đời”. Giữ bức ảnh quý như vàng được ép plastic cẩn thận, chú thích rõ ràng, ông chỉ cho chúng tôi xem vị trí ông trên đầu xe bên phải trên đoàn xe năm ấy. Là một người con của Hà Nội, bao năm xa nhà, chiến đấu trên các mặt trận nóng bỏng nhất, không biết sống chết ra sao, nên khi được chạm ngõ thủ đô thân thương, chứng kiến ngày vui chiến thắng của Hà Nội, ông vừa hát trong lòng, xúc động xen lẫn niềm tự hào.
“Hàng vạn bà con đứng hai bên đường đón chào, các nữ sinh Trưng Vương ùa ra ôm lấy bộ đội, khiến chúng tôi càng thêm nghẹn ngào… Tôi nhìn thấy bà con, anh em họ hàng từ xa vẫy tay, chỉ biết chắp tay chào lại, cám ơn. Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên”, ông nói, rồi cất cao giọng bảo: “Trước đây, khi đi là chúng tôi là đội quân quyết tử rút lui khỏi thủ đô một cách bí mật, nhưng giờ chiến thắng trận Điện Biên Phủ trở về công khai, tự hào lắm chứ”.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ trong khoảng hơn 1 tháng. Ông Tuệ bảo, đó là địa điểm quan trọng, được cấp trên yêu cầu đơn vị phải canh gác nghiêm ngặt, bảo vệ nguồn nước sống cho thủ đô. Ông Tuệ nhớ lại, thời điểm đó, thực dân Pháp rời đi, có âm mưu xếp những bao tải trắng không rõ trong chứa chất gì trên miệng giếng. Nhận thấy nguy cơ bị ngộ độc, chúng tôi báo cáo chỉ huy và yêu cầu địch di chuyển ngay lập tức. Điều ấy, đã ngăn chặn kẻ địch phá hoại Hà Nội sau ngày tiếp quản.
Năm ngày sau tiếp quản thủ đô, đơn vị được phép đi chơi ở khu phố. Ông cùng đồng chí chủ nhiệm hậu cần của Sư đoàn, đi qua phố Hàng Bè. Vào giữa khu phố, đến số nhà 19 (nhà của ông Tuệ), một số bà con họ hàng ùa ra để mời vào nhưng ông khua tay, báo cáo chủ nhiệm hậu cần: “Gia đình tôi đi tản cư chưa về, đây chỉ là bà con họ hàng nên xin phép không vào”. Ông bảo, sự nghiêm ngắn đó là bởi ở trên không cho phép trực tiếp gặp gỡ ngay họ hàng, ruột thịt sau khi về tiếp quản. Chừng 4 tháng sau, gia đình ông từ khu tản cư ở Thanh Hóa ra Hà Nội, ông mới được gặp lại mẹ và anh em. Ông tiếp tục đi học, mẹ và em ông mưu sinh ở căn nhà nhỏ thuê ở phố Mã Mây.
Học để phục vụ nhân dân
Hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu tiếp quản thủ đô, ông Bùi Gia Tuệ theo học văn hóa hết cấp 3 ở Lạng Sơn. Nhà nước lại tiếp tục cho ông đi học tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Chiều ngày 3/2/1961, bất chợt Bác Hồ đến thăm Trường. Bác đi thẳng vào khu nhà bếp, kiểm tra bếp ăn của cán bộ, sinh viên, sau đó mới lên hội trường. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên đều hồi hộp chờ đón Bác.
Lúc đó, ông Tuệ ngồi trên hàng ghế đầu, bác hỏi tên rồi bảo ông Tuệ đại diện cho các anh chị em sinh viên trả lời.
“Bác hỏi: “Các cháu học để làm gì?”, “Dạ, thưa Bác, chúng cháu học để phục vụ nhân dân”, tôi đáp. Bác hỏi tiếp “Phục vụ nhân dân là như thế nào?. Tôi lúng túng rồi lấy lại bình tĩnh trả lời Bác: “Dạ, thưa Bác, phục vụ nhân dân là lo cho đời sống của nhân dân được cải thiện tốt hơn về ăn ở, về mặc, đi lại, học hành...”, “Thế là tốt. Cháu ngồi xuống”. Những lời Bác Hồ nói rất mộc mạc, nhưng suốt đời tôi không thể quên”, ông Tuệ bồi hồi nhớ lại.
Kỷ niệm về những lần được gặp Bác đã in dấu trong lòng ông suốt những năm tháng của cuộc đời. Sau khi học xong Trường Đại học Kinh tế Tài chính, ông Tuệ về Cục Quân giới (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) công tác.
“Bác dặn, việc gì có lợi cho nhân dân phải làm cho thật tốt, còn việc gì không có lợi thì hết sức tránh”, 40 năm qua, ông Bùi Gia Tuệ thấm nhuần câu nói này trong hoạt động công tác và ngay cả khi nghỉ hưu.
Trong suốt những năm tháng công tác trong ngành quân đội, ông Bùi Gia Tuệ không nhớ được hết bao nhiêu nhiệm vụ, tải bao nhiêu đạn, dược để phục vụ cho chiến trường. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cùng đồng đội đã ngày đêm bí mật tiếp đạn cho tàu không số để đưa vào Nam.
Cẩn thận tới từng chi tiết chia sẻ, ông Tuệ chỉ khiêm tốn kể về những công việc mình đích thân làm nhiệm vụ. Thi thoảng, người bạn đời của ông bảo là kể thêm cho các cháu nghe về giai đoạn sau này, ông gạt đi vì thấy mình không có nhiều phần công sức trong đó.
Ông bị mất thính lực một bên tai ngay khi ở Điện Biên, bởi vậy bao năm nay đi đâu, ông luôn có người vợ tào khang cùng đồng hành. Suốt cuộc trò chuyện, vợ ông vừa là phiên dịch, vừa là trợ lý cho ông Tuệ. Bà bảo, ông có mang theo vết thương chiến tranh từ Điện Biên về, có cả sổ chứng nhận thương binh, nhưng ông không nhận chế độ. Ông nói với bà, mình không nhận, thì anh em đồng đội ở quê, khó khăn hơn mình sẽ có thêm được một chút cho cuộc sống.
Nghỉ hưu năm 1991, ông vẫn hạnh phúc khi được tiếp tục làm nhiệm vụ có lợi cho nhân dân, làm tổ trưởng tổ hòa giải. Sau gần 10 năm làm công tác hòa giải, ông được Chủ tịch Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” vì những đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Với những đóng góp, cống hiến cho cách mạng, ông Tuệ đã vinh dự được Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý. Ngày 2/9 vừa qua, thêm một niềm hạnh phúc nữa đến với ông Bùi Gia Tuệ là được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng khi bước sang 93 tuổi.
“Thế là mãn nguyện lắm rồi. Được khỏe mạnh đến chừng này tuổi, chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước, của Hà Nội, tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình. Chỉ mong con cháu mình, các thế hệ trẻ, tiếp nối tinh thần cống hiến để xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Tuệ gửi gắm vài câu khi chúng tôi chào ra về.
“Chỉ mong con cháu mình, các thế hệ trẻ, tiếp nối tinh thần cống hiến để xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Ngày xuất bản: 9/10/2024
Tổ chức thực hiện: NAM ĐÔNG - HỮU VIỆT
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: THIÊN LAM, TTXVN
Clip: THIÊN LAM