ĐIỆN BIÊN PHỦ, MỘT DANH TỪ VIỆT NAM

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN)

Nói đến Việt Nam ngày nay, bạn nước ngoài nghĩ ngay đến tên Hồ Chí Minh. Sau tên quý yêu của lãnh tụ ta, còn có một danh từ Việt Nam nữa mà người ở khắp thế giới vào nửa cuối thế kỷ XX này khá thuộc. Đối với đồng chí, anh em thân và bạn xa gần, danh từ đó bát ngát một niềm tự hào chung. Nó vang lên như kèn xung trận, hát mãi ngợi chào tự do, sáng như cả một rừng hoa ban và thơm mãi như hương lúa đồng quê, như cốm mới, như đời đời máu của chúng ta thơm thắm. Đối với kẻ thù, cả bầy sói lang thực dân, đế quốc và lũ rắn rết, giòi bọ tay sai của chúng, tên đó vẫn làm choáng óc và nghe bi ai như một hồi chuông nguyện báo giờ gần đất xa trời.

Điện Biên Phủ! Danh từ Việt Nam đó là ba chữ: Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là gì?

Thấm thoắt đã mười năm nay, danh từ đó nghiễm nhiên bước chân đường bệ vào các từ điển.

ĐỊNH NGHĨA CỦA TỪ ĐIỂN LARUXƠ VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ta hãy thử tra cuốn từ điển phổ thông nổi tiếng của người Pháp. Từ điển Laruxơ, năm 1963, định nghĩa:

“Điện Biên Phủ (thung lũng Điện Biên Phủ): một cánh đồng nhỏ miền Bắc Việt Nam ở vùng thượng du Bắc Kỳ. Vào hồi 1953-1954, chiến trường của một trận chiến đấu ác liệt trong đó các lực lượng của Việt Minh bao vây những đơn vị Pháp đồn trú ở đó. Những đơn vị này đã phải ngừng chiến đấu sau một cuộc đề kháng anh dũng. Cuộc thất trận này đã dẫn tới những hiệp nghị Giơnevơ và kết thúc chiến sự ở Đông Dương”.

Không kể những điểm hết sức lơ mơ về địa danh Điện Biên Phủ, kiến thức mờ nhạt và lạnh lẽo của các nhà làm từ điển Pháp về sự kiện lịch sử đó ở một khoảng đất rất xa với những cảm nghĩ còn nóng bỏng về Điện Biên Phủ của những người cùng phía và cùng thời với họ... Xem định nghĩa về Điện Biên Phủ của từ điển Laruxơ, người ta không thể nào hiểu được tại sao 8 năm sau Điện Biên Phủ, trên tạp chí của nhà binh Pháp, tạp chí Mủ bêrê đỏ, số tháng 5/1962, còn có một tay sĩ quan nhà nghề Pháp viết: “Đ.B.P., tên viết tắt đó xưa kia chỉ có một số người nhỏ trong cuộc mới hiểu Đ.B.P. nghĩa là gì, đó là những người cất cánh ra đi đầy quyết tâm và trở về phải cuốc bộ. Đ.B.P., trên mặt trang giấy này, tên viết tắt đó khiến lòng ta chìm đắm trong u sầu và làm hồn ta đanh lại trong giờ phút này chua chát thay. Và ba chữ Đ.B.P. làm tâm hồn tôi quặn lại, máu rộn trong tim, nôn nao như say sóng biển”.

Các tác giả Pháp người thì gọi Điện Biên Phủ là “sự vỡ tan của ảo mộng”, người thì khắc khoải kêu lên: “Điện Biên Phủ. Tên gì đó? Vì sao? Thế nào?”. Người ta liên hệ trận chiến đấu đó với trận đánh Vécđoong trong đại chiến thế giới lần thứ nhất. Người ta gọi Điện Biên Phủ là chị em với hai trận thua ở Xơđăng năm 1870 và 1940 trong lịch sử quân đội Pháp. Có một tên tướng phát xít Đức cũ, tướng Phônken Hôxê, ra một tài liệu nghiên cứu công phu: “Người Pháp tái bản cái lầm của Hítle ở Xtalingrát”. Tạp chí của Học viện chiến thuật của hải quân Mỹ phải thảo luận về: Ý nghĩa của Điện Biên Phủ”. Báo của lực lượng quân đội chiến đấu Mỹ cũng soi kính hiển vi vào vấn đề Điện Biên Phủ để rút ra “Những bài học máu của chiến tranh Đông Dương”. Becna Phôn nghĩ tới Điện Biên Phủ khi viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến tranh Đông Dương này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta nhiều chục năm nữa”. Một nhà văn có tiếng của văn học tư sản Pháp, Phơrăngxoa Môriắc, thì suy nghĩ có vẻ triết lý hơn: “Chúng ta đã từng biết nhiều sự đau khổ còn hơn thế nữa, nhưng không có đau khổ nào tùy thuộc ý chí con người bằng đau khổ này”. Có nhà thơ Pháp sáng tác cả một tập thơ về Điện Biên Phủ. Lại có nhà làm sách Pháp khảo cứu riêng một vấn đề: “Tình yêu ở Điện Biên Phủ”.

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Điện Biên Phủ là gì ?

Kết thúc thiên ký sự tiểu thuyết viết dựa vào tài liệu của hàng trăm người còn sống và dựa vào hàng xe vận tải tư liệu của nhà binh Pháp, cuốn Trận Điện Biên Phủ mà báo Văn chương Pháp phải gọi là “một cuốn sách kinh khủng” (kinh khủng hiểu theo nghĩa thán phục), nhà văn Giuyn Roa, sau khi tả Đờ Cát bị quân ta giải đi về trại tù binh, đã buông những dòng ý nghĩ cô đọng: “Trên khắp hoàn cầu mà ngay trận đánh Oatéclô thời Nã Phá Luân cũng không gây nhiều chấn động đến như thế, cuộc thất trận ở Điện Biên Phủ đã gieo một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây. Thất bại đó báo hiệu sự sụp đổ của những đế quốc thực dân và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện đó vẫn còn đang ầm rung...”.

MỘT CHÚT HƠI THỞ TÀN THU ĐỂ BÁN VÀO ĐĨA HÁT

Định nghĩa của từ điển Laruxơ thiếu hẳn cái âm vang đó của Điện Biên Phủ trong lòng thời đại. Mấy vị hàn lâm chỉ sống với sách khó lòng mà hiểu hết nghĩa của chữ. Giuyn Roa sát với cuộc đời hơn họ và trong đoạn tùy bút, nhân được đi thăm lại chiến trường cũ, đã ghi theo dòng: “Điện Biên Phủ là chiến thắng của một quân đội trang bị kém đối phương nhiều”. Một cuộc chiến thắng của Đavít hạ Gôliát [1], như sau này người ta nói về chiến thắng của Cuba chọi Mỹ. Cũng cần nói thêm: Không những quân đội trang bị kém đã chiến thắng mà chiến thắng đó lại còn là một chiến thắng ra chiến thắng nữa.

Đó cũng là điều mà chính tướng Êly, 9 năm sau Điện Biên Phủ, mặc dù ấp úng, cũng phải xác nhận hoàn toàn. Hồi ký của tướng Êly viết: “Những chiến sĩ bảo vệ Điện Biên Phủ đã viết một trang sử mới quang vinh của quân đội ta. Sĩ quan và binh lính của ta, chiến đấu trong những điều kiện khó khăn ghê gớm, đã 56 ngày liền chống chọi với những cuộc tiến công dồn dập của một kẻ thù ngoan cường bám sát một cách phi thường... Đất nước có thể tự hào về những kẻ, trong hoàn cảnh bi đát vô cùng, đã giữ vững những truyền thống cao nhất của quân đội chúng ta”. Tướng Êly không thể nào không cao hứng khi ca ngợi quân đội của mình. Vậy mà nói đến ngày tàn ở Điện Biên Phủ, Ely cũng phải thú nhận: “Nhưng có một điều là Điện Biên Phủ thất thủ là một thất bại, một thất bại rất nghiêm trọng”.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - chiến lũy thép của “thế giới tự do” - đã thở hắt ra như thế nào? Hiện nay, về phía Pháp, tất cả những báo cáo, những chỉ thị, những điện mật, cả đến những bài báo, nghĩa là tất cả mọi tài liệu liên quan đến Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương, đều tàng trữ cẩn thận trong những hòm kẽm để ở cơ quan lưu trữ Cục lịch sử quân đội Pháp đặt tại pháo đài Vanhxen gần Pari. Vậy mà băng ghi âm về cuộc nói chuyện cuối cùng bằng vô tuyến điện giữa Đờ Cát và Cônhi ít phút trước khi ta chiếm lĩnh hoàn toàn Điện Biên Phủ, đã được in vào đĩa hát - cùng với bài Hò kéo pháo của ta mới trớ trêu chứ! - để bán rộng khắp cho kẻ hiếu kỳ. Chắc bạn đọc cũng muốn ta quay thử đĩa hát đó nghe chơi? Xin nói trước: tính chất xác thực của tài liệu đó đến đâu, ta không bàn đến. Ngay trong bản thân đĩa hát này, lời Đờ Cát và lời Cônhi có nhiều đoạn bị xóa đi, bị bỏ lửng, rất dễ hiểu. Ta chỉ cần nghe xem họ muốn nói gì qua thứ hàng hóa giật gân này.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến.

Theo đĩa hát đó, trong ngày 7/5/1954, Cônhi đã hai lần liên lạc bằng vô tuyến điện với Đờ Cát. Buổi nói chuyện thứ nhất vào hồi 10 giờ sáng là một cuộc báo cáo tình hình và xin máy bay yểm hộ “không ngừng, không ngừng, không ngừng”, đã kết thúc bằng những câu:

Đờ Cát: - Tôi còn có thể gọi điện lại cho ngài trung tướng trước.... trước khi kết thúc.

Cônhi: - Được. Thôi tạm biệt bạn già Đờ Caxtơri của tôi.

Đến 17 giờ cùng ngày hôm đó - theo tư liệu in lại trong đĩa hát - Đờ Cát một lần nữa hối hả gọi về Hà Nội báo cáo tình hình toàn bộ khu còn lại của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị chìm ngập dưới những làn sóng dồn dập tiến công của đối phương từ khắp phía ập đến như nước vỡ bờ.

Phó tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Bôđê, đại diện cho tướng Nava. trả lời: - A lô, xin chờ một giây, để tôi chuyển máy cho tướng Cônhi.

Giọng Đờ Cát lạc đi: - A lô, a lô...

Bôđê: - Xin tạm biệt bạn già thân mến của tôi. Gửi tướng quân tất cả những lời chúc may mắn của tôi. Thôi, giữ được như thế là cừ lắm rồi.

Cônhi: - A lô, a lô, Caxtơri?... A lô, Caxtơri?

Đờ Cát: - Thưa trung tướng, có tôi.

Cônhi: - Nói đi, bạn già. Bây giờ, phải kết thúc, có phải không? Thế tất phải như vậy rồi. Nhưng có một điều chắc chắn duy nhất là tất cả những việc mà tướng quân và binh sĩ đã làm cho đến bây giờ thật là tuyệt vời... Cho nên điều chủ yếu là không kéo cờ trắng, điều đó hủy hoại mất kỳ tích của tướng quân và binh sĩ. Bị chìm ngập nhưng tuyệt đối không được đầu hàng đấy nhớ, không được kéo cờ trắng đấy nhớ!

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

HÔM ĐÓ LÀ MỘT BUỔI CHlỀU THỨ SÁU NHƯ HÔM NAY

Thì ra cờ trắng và đầu hàng, đó là phần chối nhất của bát thuốc đắng Điện Biên Phủ.

Sau lời nhắc nhủ thảm thương: “Chớ có cờ trắng, chớ có đầu hàng!” của Cônhi, đĩa hát sè sè bật ra giọng não nùng của viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ:

- A, vâng, thưa trung tướng... Nhưng tôi muốn bảo vệ những người bị thương.

- Ừ, tôi hiểu lắm - Cônhi giọng vỡ ra trả lời - Vậy thì làm như thế vậy, tốt hơn là để (bị xóa) của tướng quân tự họ làm (bị xóa). Toàn bộ cuộc chiến đấu của tướng quân đã diễn ra quá đẹp khiến không thể làm như thế được. Tướng quân có hiểu không, bạn già của tôi ơi?

- Vâng, thưa trung tướng.

- Thôi xin chào biệt, bạn già thân mến ạ, hẹn ngày tái ngộ.

Đờ Cát buông máy nói. Và chỉ ít phút sau, hai quả thủ pháo nổ vang, tung làn khói đen nút lấy hai đầu hầm của tướng Đờ Cát. Đờ Cát được tận mắt trông thấy những người con của thần chiến thắng. Thần chiến thắng mặc quần áo vải thô và đội mũ nan. Thần chiến thắng thét “xung phong” và băng qua lửa đạn. Đờ Cát định giơ hai tay ra bắt tay nghênh tiếp những người con yêu của thần chiến thắng. Một tiếng quát “Hô lê manh!”[2] làm hắn giật bắn người. Tướng quân Críttian Mari Phécđinăng đờ la Croa Đờ Caxtơri (tên quý tộc nên rất dài) vội vã giơ cả hai tay lên trời hàng trước một tổ ba người nông dân Việt Nam mặc áo lính. Đó là tổ của Luật, Vinh và Nhỏ.

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.

“Đội trưởng Luật cùng Vinh và Nhỏ - theo tin đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra sau ngày chiến thắng - xuống một cửa hầm. Trong hầm giặc, máy điện vẫn chạy rầm rầm, đèn điện vẫn sáng. Đờ Cát và bộ tham mưu của nó gồm 20 thằng, trong đó có 4 tên quan năm, 6 quan tư, tất cả xếp hàng giơ tay hàng. Cạnh bàn tên tướng giặc, một đống giấy còn đang âm ỉ cháy. Trên bàn, rượu bày lổng chổng. Mấy thằng mặt đỏ gay vì rượu bên cạnh mấy thằng mặt xém ngoét vì sợ hãi. Đội trưởng Luật chĩa súng bắt Đờ Cát giơ tay. Tên tướng giặc run rẩy nói: “Tôi đã hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng...”. Nó có biết đâu, không đợi lệnh, quân lính của nó đã ra hàng từ lâu rồi”.

Nhà văn Trần Cư, lúc đó làm phóng viên mặt trận, có mặt tại trận địa đúng giờ chiến thắng, đứng trên một điểm cao ghi lại cảnh tượng chưa từng có bao giờ: “Dưới bóng chót vót của những lá cờ chiến thắng, trong khung cảnh một cơn bão thép vừa tạnh, bộ đội ta áp giải từng đoàn hàng binh đi như nước chảy. Khu Mường Thanh vẫn còn ngùn ngụt lửa, chập chờn một rừng cờ trắng phất phơ trong khói xám. Quân địch kéo ra như kiến, dưới sự điều khiển của máy phóng thanh của quân ta chỉ đường. Chúng đi kéo dài ngót chục cây số như những con rắn lớn bị đánh vỡ hang, quằn quại từ trong Mường Thanh thất thủ chui ra, trườn theo dọc bờ các giao thông hào vĩ đại của trận địa ta, họ leo qua những ngọn đồi khu phía bắc, rồi biến dần về những tuyến sau. Có những toán đầu đã khuất sau dãy Him Lam trên đường 41 mà đuôi còn lê thê trên cầu sắt ngang cửa Mường Thanh...”. Trần Cư nhận xét: “Thật chưa bao giờ lại có một cuộc đầu hàng to lớn của địch kéo ra mà lại vui vẻ như vậy... Một tên lính Pháp nói với tôi: - Tất cả chúng tôi ai cũng chỉ có một ý muốn ra hàng thôi. Tôi đã chuẩn bị từ lâu rồi. Những mười lá cờ trắng. Đây, ông xem này...”.

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi.

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi.

Hôm đó là một buổi chiều thứ sáu như hôm nay. Lịch sử sẽ ghi lại mãi ráng chiều đỏ ối của hoàng hôn chiến thắng. Mặt trời như không muốn lặn, hớn hở ngoái nhìn nét cười hiên ngang của dòng sông Nậm Rốm. Bên dãy núi phía đông, mặc dù giặc trút xuống đó hàng nghìn tấn bom và napan, cày đất lên bằng hàng vạn quả đại bác, rừng cây vẫn xanh um, xuân đang phát triển sang hè. Dọc những sườn núi nguy nga, một giống hoa vàng mọc lan từ bao giờ, trông y như những dòng suối lửa rừng rực đổ xuống. Đồng chí chủ tịch Tây Bắc Lò Văn Hạc, bấy giờ là chủ tịch châu Điện Biên, bảo tôi: “Đó là giống hoa khợng căm. Ta mở chiến dịch từ lúc hoa ban chưa tàn đến nay khợng căm đã ra hoa rồi”.

Hoa khợng căm sáng như lửa rừng, tươi vàng như sao trên cờ, mỗi năm lại nở vào mùa chiến thắng.

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG TỪ CHỈ HÀNH ĐỘNG

Lúc đó, ở Pari mới là quá trưa - Theo Giuyn Roa viết: “Buổi chiều thứ sáu ấy ở Pari đẹp lắm, cây dẻ đang ra hoa ở rừng Bulônhơ và bờ sông Xen. Nỗi kinh hoàng của thất trận đè sập xuống thành phố. Báo Nước Pháp buổi chiều (tờ báo bán chạy nhất lúc bấy giờ), trong bản phát hành đặc biệt, đăng tít lớn dài tám cột: “Điện Biên Phủ đổ rồi”. Tại Quốc hội Pháp, khoảng 5 giờ chiều, Thủ tướng Lanien, giọng cố trấn tĩnh, báo tin mất Điện Biên Phủ. Các nghị sĩ đứng cả dậy (mặc niệm), trừ những hàng ghế cộng sản”. “Nhà thờ lớn Hà Nội, sáng chủ nhật ngày 9/5/1954, làm lễ cầu hồn - báo Pháp Thế giới viết về tình hình Hà Nội sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ - quân đội Pháp trong thành Hà Nội tổ chức diễu qua các phố thị uy (sợ nhân dân Hà Nội nổi dậy) và tối thứ bảy 8/5 trước đó thì binh sĩ nô nức kéo đến các nhà thổ đông hơn bao giờ hết”. Tướng Nava cố nặn ra một nhật lệnh nói đại ý: Dù sao, Điện Biên Phủ cũng là một thắng lợi vì ngăn được Việt Minh đánh các nơi khác.

Và đài Sài Gòn, bao giờ cũng bảo hoàng hơn nhà vua, phát đi lời tuyên bố của Nguyễn Văn Hinh, lúc đó, ngồi trên đầu Nguyễn Khánh bây giờ. Tuyên bố của Hinh cố làm ra hùng hổ: “Giờ chết của Việt Minh đã điểm. Chúng bị tiêu hao nặng ở Điện Biên Phủ nên nhất định sẽ bị đánh đau trong những chiến dịch thu đông tới”. (Thu đông năm đó chúng ta không mất một phát súng tiến vào giải phóng Hà Nội). Còn Hoa Thịnh Đốn sau Điện Biên Phủ thì thế nào? Đalét mất mặt chuồn khỏi Hội nghị Giơnevơ, chúi về đấy đã hai hôm rồi. Tờ Bưu điện Hoa Thịnh Đốn rất có thế lực, kêu than: “Đấy là một cuộc thất bại nhục nhã của Mỹ”. Tờ Sinh hoạt của Mỹ thì tính sổ: “Cuộc chiến tranh này mất 1.200 triệu đô la mỗi năm. Người Pháp tính là Mỹ chỉ chịu có 33% số tiền đó. Mỹ thì bảo là Mỹ gánh những 40% số tiền đó (Thực tế, vào những năm cuối cùng của chiến tranh, Mỹ gánh từ 70% đến 80%). Và số tiền mất đi chẳng được tích sự gì”.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những ngày làm rung chuyển thế giới. Mấy đời châu chấu đá voi, thế mà một dân tộc nhỏ yếu, bị áp bức phải vùng lên, được loài người tiến bộ tin yêu, đã quật ngã bọn đế quốc già đời, làm đổ lăn kềnh thằng khổng lồ chân đất sét. Chữ lăn kềnh lý thú đó, chúng tôi mượn trong bài báo nổi tiếng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh biểu dương hợp tác xã Đại Phong: “Một dân tộc đã lúc đầu với gậy tầm vông ra đi kháng chiến cứu nước và cuối cùng đã đánh đổ bọn đế quốc lăn kềnh ra ở Điện Biên Phủ, họ đã làm nên sự nghiệp anh hùng.

Giờ đây, được Đảng vĩ đại tiếp tục lãnh đạo, họ bắt đầu ra đi xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách dành dụm từng cái bu-loong, mở mang thêm từng tấc đất, dân tộc đó sẽ tiến những bước khổng lồ và sẽ giành được nhiều thắng lợi huy hoàng hơn nữa”. Tiếng lăn kềnh làm nghĩ đến tiếng trống rung lên cười ha hả của hội vật làng quê. Chúng ta, một chàng đô vật trẻ trung, đã vật đối phương ngã ngửa và cưỡi lên bụng nó. Tên quan năm Lănggle, trong hồi ký của hắn, cũng sính dùng danh từ thể thao lắm. Hồi ký của hắn kể lại: Những ngày cuối cùng, ở Điện Biên Phủ, hắn động viên quân sĩ: “Phải cố giành lấy hòa trong trận đấu này. Đối phương cũng hết hơi như chúng ta rồi”. Chúng ta không cho chúng “thủ hòa”. Và trên vũ đài của lịch sử, một võ sĩ mới lên đài, càng đánh càng hăng, càng đánh càng khỏe, đã hạ đối thủ của mình, không phải là thắng điểm, mà thắng ra thắng, bằng một quả quai hàm làm đo ván...

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân ta có thể tự hào là người đầu tiên đã đập tan lực lượng hùng mạnh và uy tín giả tạo của bọn thực dân và do đó mà thúc đẩy các dân tộc thuộc địa anh em vùng lên giành tự do độc lập. Thắng lợi Điện Biên là thắng lợi chung của nhân dân ta, của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc chống đế quốc thực dân”.

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: TRIỆU ĐẠI TTXVN)

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: TRIỆU ĐẠI TTXVN)

Từ đấy, danh từ Điện Biên Phủ còn được dùng làm động từ nữa. Động từ điện biên phủ (dienbienfuer) có nghĩa là đánh cho không còn một mảnh giáp như ở Điện Biên Phủ, cho một bài học đích đáng như Điện Biên Phủ. Và động từ đó chỉ áp dụng với những bổ túc từ như đế quốc, thực dân, những bọn can thiệp, những bọn xâm lược và bọn phản động các loại. Có thể nói: nhân dân miền Nam ta đang điện biên phủ đế quốc Mỹ, tên trùm đế quốc dã man và hung hãn nhất. Các chiến sĩ giải phóng Angiêri, từ ngày còn trên núi ôrét, là những người đầu tiên sáng tạo ra động từ điện biên phủ đó. Các chiến sĩ giải phóng miền Nam ta đang làm đậm nghĩa thêm động từ đó bằng một thực tiễn chiến đấu ngày càng vô cùng phong phú.

Còn đế quốc, còn là nhiều quá trình điện biên phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sỹ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sỹ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

(Tháng 5/1964)

Tác giả: THÉP MỚI
Nguồn: Trích từ sách: Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004) - trang 714
Ảnh: TTXVN
Trình bày: ANH NGỌC