Đại đoàn 304 trong Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ

Năm 1950, năm thứ năm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ chiến lược trong bước ngoặt mới, giai đoạn mới của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng quyết định đẩy mạnh xây dựng lực lượng cơ động chiến lược tác chiến tập trung quy mô lớn, tiến tới giành thắng lợi quyết định. Thực hiện chủ trương đó của Đảng, trong những năm 1950, 1951, tiếp theo Đại đoàn 308, năm đại đoàn chủ lực lần lượt được thành lập đứng chân trên địa bàn chiến lược. Đại đoàn chủ lực cơ động 304 (nay là Sư đoàn 304) được thành lập ngày 10-3-1950, là một trong hai đại đoàn thành lập sớm nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ.


Sư đoàn gồm Trung đoàn 9, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 57 (nay là Trung đoàn BBCG 24) vốn là những đơn vị chủ lực thiện chiến của Liên khu III, Liên khu IV ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám.

Buổi đầu thành lập, đại đoàn thiếu thốn mọi bề, cả về vũ khí trang bị, mỗi tiểu đoàn chỉ có từ 3 đến 5 khẩu súng trường, còn lại là mã tấu, dao, kiếm. Đại đội hỏa lực của Đại đoàn có 4 khẩu 12,7 ly, 6 khẩu cối 120 ly và 81 ly cùng 3 khẩu SKZ do quân giới của ta chế tạo.

Vận tải chủ yếu là đôi vai người chiến sĩ, cả đại đoàn có 3 con ngựa và 15 xe đạp. Hệ thống thông tin chỉ có 15 máy điện thoại, tổng đài và một ít dây điện cũ kỹ.

Tuy khó khăn thiếu thốn như vậy nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết chiến quyết thắng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ chiến sĩ Đại đoàn 304 đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Nhiệm vụ của đại đoàn khi thì luồn sâu vào sau lưng địch, phá toang phòng tuyến của chúng, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích ở địa phương, khi thì độc lập mở chiến dịch ở hướng địch bất ngờ nhất để phối hợp với chiến trường chính. Có khi đại đoàn cùng các đơn vị bạn tác chiến trong một chiến dịch lớn, có khi phải phân tán làm hai nhiệm vụ khác nhau trong thời gian dài, không gian rộng. Đại đoàn 304 đã tham gia hầu hết các chiến dịch, trong đó có Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh trong Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng tham mưu đã đưa lực lượng chủ lực của ta mở 3 cuộc tiến công lớn:

1- Bao vây tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng vùng Tây Bắc, phối hợp cùng bộ đội Phathét Lào giải phóng Phông Xa Lỳ.

2- Phối hợp quân giải phóng Lào tiêu diệt một bộ phận địch ở Trung - Hạ Lào, mở rộng vùng giải phóng, khai thông đường chiến lược bắc - nam Đông Dương.

3- Tiến lên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, đập tan âm mưu bình định miền nam Việt Nam của địch.

Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ trên hai hướng. Trung đoàn 66 cùng các đơn vị bạn làm nhiệm vụ ở mặt trận Trung Lào, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 57 bí mật tập kết tại khu vực Sơn Nhiễu, Kiều Thôn thuộc tỉnh Phú Thọ, sẵn sàng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng liều lĩnh đánh ra vùng hậu phương của ta.

Trung đoàn 66 chiến đấu trên địa bàn hai tỉnh Khăm Muộn và Xavannakhét thuộc Trung Lào. Đây là địa bàn mà phía đông là dãy Trường Sơn giáp Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị của Việt Nam; phía tây giáp Thái Lan, phía bắc giáp tỉnh Xiêng Khoảng, phía nam giáp tỉnh Xaravan. Khu vực này chủ yếu là rừng thưa mọc trên những dải đất bằng phẳng của vùng cao nguyên Trung Lào, dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, bất thường. Mùa nắng rừng cây khô trụi lá, có nhiều trận mưa bất chợt xối xả làm ngập cả lối đi. Trung đoàn 66 chiến đấu trong điều kiện xa hậu phương, tiếp tế khó khăn, lương thực, đạn dược, quần áo, thuốc men đều thiếu thốn. Nhưng với ý chí và quyết tâm cao, cán bộ chiến sĩ trung đoàn đã kề vai sát cánh cùng bạn chiến đấu trên 40 trận, có nhiều trận thắng giòn giã như ở Pà Cuội, Hìu Xìu, Mường Phìn... Tiêu diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị, cùng lực lượng vũ trang bạn giải phóng nhiều vùng đất đai ở Trung, Hạ Lào, củng cố vùng mới giải phóng, hỗ trợ và phát triển phong trào chiến tranh du kích ở địa phương tạo nên hậu phương vững mạnh.

Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ trên hai hướng. Trung đoàn 66 cùng các đơn vị bạn làm nhiệm vụ ở mặt trận Trung Lào, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 57 bí mật tập kết tại khu vực Sơn Nhiễu, Kiều Thôn thuộc tỉnh Phú Thọ, sẵn sàng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng liều lĩnh đánh ra vùng hậu phương của ta.

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.


Sự xuất hiện của Trung đoàn 66 cùng các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam khác trên mặt trận Trung Lào là đòn hiểm bất ngờ đã góp phần làm đảo lộn kế hoạch Nava. Thế bố trí chiến lược của địch buộc phải thay đổi, bị động đối phó theo ý định của ta, tạo nên thế trận có lợi cho ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Đánh giá chiến công của Trung đoàn 66, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sau này đã nhận xét: "Một mình Trung đoàn 66 ở Trung Lào có giá trị như một đại đoàn”.

Trong khi Trung đoàn 66 chiến đấu ở Trung Lào thì Trung đoàn 57 cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng bước vào chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Trung đoàn 57 cùng các đơn vị bạn tiến hành bao vây, chia cắt khống chế sân bay Hồng Cúm, khống chế các trận địa pháo binh địch, chia cắt quân địch ở Hồng Cúm và trung tâm Mường Thanh; tích cực đánh nhỏ, đánh phản kích, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, tạo điều kiện đánh mạnh, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ta phải đào một giao thông hào lớn từ đông sang tây mà lực lượng thực hiện chủ yếu là Trung đoàn 57. Đây là một công trình rất lớn. Biết bao công sức, mồ hôi, xương máu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 57 đã đổ xuống Mường Thanh, Hồng Cúm, Noọng Nhai để hoàn thành công trình này.

Cuối tháng 3-1954, Bộ Chỉ huy mặt trận mở đợt tiến công tiêu diệt các cứ điểm khu đông, trung tâm Mường Thanh, giành thế thuận lợi để ta chuẩn bị tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Phối hợp các đơn vị đánh chiếm khu đông, Trung đoàn 57 dùng lực lượng nhỏ đột phá, thọc sâu, nghi binh, ngăn chặn địch ở Hồng Cúm, không để chúng chi viện cho Mường Thanh. Trung đoàn đã lần lượt bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, siết chặt thêm vòng vây, cắt đứt mọi sự hỗ trợ, chi viện ứng cứu cho nhau giữa hai phân khu của địch; sau đó tiến hành chặn viện, đánh lấn, bắn tỉa và đoạt dù... cắt đường tiếp vận hàng không là con đường tiếp tế duy nhất của chúng.

Trong khi Trung đoàn 66 hành quân sang Lào, Trung đoàn 57 tiến lên Điện Biên Phủ thì Trung đoàn 9 được Tổng Tư lệnh và đại đoàn giao cho nhiệm vụ tổ chức luyện tập làm quen với địa hình, thuần thục các hình thức chiến thuật vận động tiến công, bao vây phục kích, sẵn sàng diệt địch nếu chúng đánh lên Phú Thọ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ của Đảng ủy, chỉ huy đại đoàn, các trung đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Riêng Trung đoàn 9 đang ngày đêm ra sức luyện tập thì được lệnh cấp tốc hành quân lên Sơn La tiễu phỉ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, Trung đoàn lại nhận lệnh hành quân cấp tốc lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vừa hành quân vừa mở đường, cuối tháng 4-1954, Trung đoàn đã có mặt ở phía tây Hồng Cúm cùng Trung đoàn 57 đào công sự lấn dũi, đoạt dù, bao vây quân địch tại cụm cứ điểm này. Sau đó, trung đoàn chuyển sang hoạt động ở phía đông Mường Thanh chuẩn bị cho tổng công kích. Trung đoàn đã phối hợp với Đại đoàn 316 và Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm C2 và A1. Đây là hai cứ điểm mạnh nhất của địch ở Điện Biên Phủ. Chỉ huy đại đoàn đã trực tiếp hướng dẫn kế hoạch cho trung đoàn, phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn đánh vào hai vị trí trên.

Từ ngày 1 đến ngày 4-5-1954, ta và địch giành giật quyết liệt hai cứ điểm A1 và C2. Sáng ngày 7-5, cứ điểm A1 bị tiêu diệt. Địch ở cứ điểm C2 bị cô lập, song vẫn ngoan cố chống cự, vì đây là điểm tựa cuối cùng ở khu đông. Trước khi Tiểu đoàn 375 thuộc Trung đoàn 9 của đại đoàn bước vào đánh chiếm cứ điểm C2 thì đơn vị nhận được điện động viên và nhắc nhở của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Phải đánh nhanh, mạnh, cắt địch ra từng mảng. Trong lúc này cán bộ chỉ huy phải thật kiên cường". Như được tiếp thêm sức mạnh, lại có hỏa lực chi viện trực tiếp, các mũi chiến đấu của trung đoàn ào ạt xông lên. Không còn khả năng chống đỡ, địch trong cứ điểm C2 kéo cờ trắng nối nhau ra hàng. Trung đoàn bắt sống toàn bộ 400 tên địch, góp phần quét sạch quân địch ở khu đông. Tiếp đó trung đoàn cấp tốc truy kích bắt sống toàn bộ 1.200 tên địch ở Hồng Cúm, trong đó có tên đại tá, chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm.

Góp phần cùng toàn quân, toàn dân kết thúc thắng lợi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những chiến công tiêu biểu mà đại đoàn đã giành được trong suốt chặng đường dài chiến đấu gian khổ, ác liệt chống thực dân Pháp. Trong chiến công đó, có sự giúp đỡ tận tình của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đại đoàn còn tích cực giúp đỡ nhân dân, cùng nhân dân địa phương phá hàng trăm mét khối đá, khơi mương dẫn nước cứu cho 40 mẫu lúa khỏi nạn úng, lụt và tưới cho hàng trăm mẫu khác khỏi hạn hán. Dân bản đã trân trọng dựng tấm bia bên bờ mương khắc tên đơn vị, để ghi nhớ hành động nghĩa tình của bộ đội Đại đoàn 304.

Trong khi làm nhiệm vụ tiễu phỉ ở Sơn La, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 đã tranh thủ sửa nhà, giúp dân làm rẫy, tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ phục vụ đồng bào các dân tộc. Thực phẩm thu được của địch, đơn vị đều phân phát giúp đỡ đồng bào các bản làng đang gặp đói. Nhân dân vô cùng cảm động, hết lòng mến phục Bộ đội Cụ Hồ đuổi giặc cứu dân. Chính vì vậy, đã nhiều lần đồng bào dẫn đường cho bộ đội đến tận sào huyệt tiêu diệt chúng.

45 năm đã trôi qua(2) kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhìn lại chặng đường chiến đấu và xây dựng của mình, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 304 tự hào nhận thấy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đoàn luôn luôn quán triệt tư tưởng tiến công, nhận thức rõ vị trí vai trò của một đại đoàn chủ lực cơ động trong chiến tranh giải phóng. Cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu. Dù chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện, chiến trường nào, đại đoàn luôn phát huy tính chủ động, mưu trí, sáng tạo, dựa vào dân, tích cực xây dựng, mở rộng địa bàn hoạt động, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để chiến thắng kẻ thù.

Item 1 of 2

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm.

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

-----------------

Chú thích:

(1) Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

(2) Tính đến năm 1999 (B.T).

-----------------

Nội dung: Thượng tá Nguyễn Văn Hưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304
Trích trong sách: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005.
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Ngọc Bích