Đại đoàn 308 trong Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đã giáng đòn quyết định đập tan kế hoạch Nava của thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ hỗ trợ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Trong những năm tháng lịch sử đó, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) rất tự hào đã được đóng góp công sức của mình, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Tây Bắc - Thượng Lào và tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đại đoàn 308 là đại đoàn được thành lập đầu tiên của quân đội ta, là một trong những đại đoàn chủ lực cơ động của bộ. Từ khi ra đời, đại đoàn đã liên tục tham gia chiến đấu trong các chiến dịch lớn, từ Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 đến các Chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường số 18 Xuân Hè 1951, Chiến dịch Hòa Bình Đông Xuân 1951-1952, Chiến dịch Tây Bắc Thu Đông 1953, Chiến dịch Thượng Lào mùa Hè 1953, chiến dịch nào đại đoàn cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập nhiều chiến công.

Sau Chiến dịch Thượng Lào mùa Hè 1953, đại đoàn trở về Thái Nguyên tiến hành chỉnh huấn chính trị nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần cách mạng của bộ đội. Vừa chỉnh huấn chính trị, đại đoàn vừa tiến hành ổn định biên chế tổ chức, sau đó bước vào một đợt huấn luyện quân sự, tập trung vào nghiên cứu luyện tập cách đánh tập đoàn cứ điểm, cách đánh vận động lớn. Sau một thời gian chỉnh huấn, trình độ quân sự và bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn đã được nâng cao một bước đáng kể.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, thực hiện kế hoạch tác chiến đã được Bộ Chính trị thông qua, trên phạm vi cả nước quân ta bắt đầu phối hợp các hoạt động tác chiến. Trung tuần tháng 11-1953, một số đơn vị chủ lực ta tiến quân về phía tây, nơi địch yếu và sơ hở. Bị uy hiếp, Bộ Chỉ huy Pháp vội vã điều lực lượng đối phó, cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và đưa gấp lực lượng đến xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu, nối Điện Biên Phủ với Thượng Lào. Địch tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và chấp nhận quyết chiến với ta tại đây.

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954).

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954).

Đầu tháng 12-1953, Đại đoàn 308 được lệnh hành quân chiến đấu. Từ Thái Nguyên, đại đoàn vượt qua sông Chảy, sông Đà, theo đường 41 tiến lên Tây Bắc, đại đoàn có nhiệm vụ cùng đơn vị bạn tiêu diệt địch ở thị xã Lai Châu, sau đó tiến vào bao vây đánh địch ở Điện Biên Phủ. Nhưng khi đại đoàn hành quân tới thị xã Sơn La thì địch đã bỏ thị xã Lai Châu rút chạy, Đại đoàn 308 lại được lệnh tiến gấp theo đường Sơn La - Tuần Giáo, tiến lên Điện Biên Phủ. Riêng Trung đoàn 36 rẽ về phía tây theo đường mòn qua Mường Ngòi, Mường Lâm, xuyên rừng tới phía nam và tây-nam Điện Biên Phủ, chia cắt địch ở Điện Biên Phủ với Thượng Lào.

Tới Điện Biên Phủ, đại đoàn được Bộ Chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ bao vây địch và mở đường chuẩn bị cho chiến dịch. Trung đoàn 36 tiến vào bao vây địch ở phía tây, tây-nam Điện Biên, đã đánh hàng chục trận ngăn chặn quân địch hành quân thăm dò và chuẩn bị đường liên lạc với Thượng Lào. Đội quân báo của đại đoàn đã đánh lui một tiểu đoàn địch, diệt gần hai trung đội, bắt sống một số tên. Chiến sĩ quân báo Dương Quảng Châu cùng một đồng chí khác đã linh hoạt, mưu trí dùng kế nghi binh bắt sống và thu toàn bộ vũ khí của 38 tên lính Pháp và ngụy.

Cùng thời gian này, Trung đoàn 88 và Trung đoàn 102 đã gấp rút tiến vào mở đường chiến dịch. Mặc mưa rừng gió rét, bom đạn địch đánh phá ác liệt, cán bộ chiến sĩ đại đoàn đã lao động từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày. Chỉ trong một tuần, các đơn vị đã hoàn thành sửa xong đoạn đường dài 20km từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ và mở một con đường mới dài 10km, rộng 3m xuyên qua núi cao, rừng rậm từ phía đông-bắc sang phía tây-bắc Điện Biên Phủ để các đơn vị pháo binh, cao xạ đưa pháo vào trận địa.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường, Đại đoàn 308 lại hợp sức cùng các đơn vị bạn kéo pháo vào trận địa, triển khai lực lượng theo phương châm tác chiến ban đầu "đánh nhanh, thắng nhanh". Chiều ngày 26-1-1954, toàn đại đoàn đã chiếm lĩnh xong vị trí xuất phát tiến công, nhưng sát giờ nổ súng có lệnh hoãn tiến công để tác chiến theo phương châm mới "đánh chắc, tiến chắc".

Đại đoàn 308 được lệnh tiến gấp sang Thượng Lào đánh vào phòng tuyến sông Xậm Hu nhằm tiêu hao sinh lực địch và đánh lạc hướng phán đoán của chúng. Mặc dù không có thời gian chuẩn bị, gạo chưa lấy về kịp, mỗi người chỉ có trên vai một chiếc bánh chưng, một ít gạo rang, thậm chí bản đồ vùng tác chiến mới cũng không có, song chỉ 2 giờ sau khi nhận lệnh, toàn đại đoàn với tinh thần "quân lệnh như sơn" lập tức xuất kích từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào.

Vượt qua núi cao, rừng sâu, đại đoàn vừa đi vừa nắm tình hình, làm công tác dân vận, bảo đảm lương thực. Địch hoảng sợ bỏ Mường Khoa rút chạy. Đại đoàn 308 liền chuyển sang truy kích. Sau bốn ngày đêm liên tục đuổi đánh địch theo đường Mường Khoa đi Mường Sài, Sở Chỉ huy nhẹ đại đoàn đã luồn rừng chặn đầu tạo điều kiện cho Trung đoàn 102 tiến công vào hai bên sườn và phía sau, đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn địch. Trung đoàn 36 và 88 củng theo đường Sốp Hào-Mường Ngòi đuổi địch đến Khuổi Sen, đánh tan một tiểu đoàn địch khác. Các cánh quân của đại đoàn truy kích địch đến tận Mường Sài, giải phóng Nậm Bạc, phát triển tiến công đến sát Luông Prabăng, diệt địch ở Nậm Ngà, Bắc Xường, Bản Na, bên bờ sông Mê Công. Phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ. Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị cô lập từ phía tây.

Trong cuộc tiến công này, Đại đoàn 308, có sự phối hợp của một số lực lượng bạn Lào, đã tiêu diệt một tiểu đoàn lê dương (2/3 REI), đánh tan hai tiểu đoàn ngụy Lào và Tiểu đoàn Tabo thứ 5, bắt sống 300 tên.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ.

Các loại vũ khí hiện đại và phương tiện chiến tranh có nhiều thứ mang nhãn hiệu Mỹ của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta phá hủy và thu được.

Hoàn thành nhiệm vụ ở Thượng Lào, ngày 18-2-1954, đại đoàn lại gấp rút hành quân trở về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vừa về đến Điện Biên Phủ thì chiến dịch mở màn, mặc dù chưa có thời gian nghỉ ngơi chuẩn bị, đại đoàn vẫn lập tức bước vào cuộc chiến đấu.

Trong đợt tiến công thứ nhất đánh vào phân khu bắc tập đoàn cứ điểm của địch, sau khi Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đêm 14 rạng ngày 15-3, đại đoàn tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập. Do phải chờ sơn pháo đánh ở Him Lam đêm trước chuyển về, lại gặp trời mưa nên chậm giờ nổ súng, địch không còn bị bất ngờ chống trả quyết liệt. Nhưng chỉ sau ba giờ, đại đoàn đã tiêu diệt xong cứ điểm đồi Độc Lập, diệt và bắt toàn bộ tiểu đoàn địch. Ngay sau đó, các đơn vị của đại đoàn lại đánh tan hai tiểu đoàn lính dù và tám xe tăng địch từ Mường Thanh ra phản kích hòng chiếm lại đồi Độc Lập, buộc chúng phải rút chạy.

Trong trận đánh này nổi lên tấm gương của Tiểu đội trưởng bộc phá Nguyễn Văn Tỵ, đồng chí đã xông pha trên trận địa, chỉnh hướng và giúp các chiến sĩ liên tục đánh 30 quả bộc phá để mở đường cho xung kích. Tiêu biểu về tập thể anh hùng là Đại đội 213, mặc dù đã chiến đấu hy sinh gần hết cả đại đội, nhưng các đồng chí còn lại vẫn quyết tâm đánh lui quân địch phản kích ra đồi Độc Lập, không ai rời vị trí chiến đấu.

Bị ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và Độc Lập, quân địch ở Bản Kéo hoảng sợ ra hàng. Kết quả đợt một, ta hoàn toàn làm chủ phân khu phía bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống ba tiểu đoàn địch.

Trước khi bước vào đợt tiến công thứ hai, đại đoàn được giao nhiệm vụ vừa xây dựng trận địa tiến công trên cánh đồng phía tây khu trung tâm Mường Thanh (kéo dài từ Bản Kéo qua Pe Luông, Hồng Lếch đến bản Cò Mỵ) vừa đánh chiếm một số cứ điểm ngoại vi, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch.
Vượt qua bom đạn địch đánh phá, ngăn chặn, cán bộ chiến sĩ đại đoàn liên tục lao động suốt ngày đêm, trong khoảng 10 ngày đã đào được hơn 10 km hào trục, rồi từ hào trục lại đào tiếp hệ thống chiến hào tiến vào sát các cứ điểm địch và chia cắt sân bay Mường Thanh.

Hệ thống chiến hào của đại đoàn ở phía tây, nổi liền với hệ thống chiến hào của các đơn vị bạn ở phía đông, chia cắt hoàn toàn quân địch ở Hồng Cúm với khu trung tâm. Chiến hào của ta thực sự là mối nguy hiểm lớn đối với địch. Địch ra sức tổ chức nhiều cuộc phản kích ra lấp hào, đẩy ta ra xa. Nhiều trận đánh địch phản kích đã diễn ra hết sức quyết liệt, nổi bật là trận đánh bảo vệ trận địa chiến hào ở Pe Luông - Hồng Lếch ngày 28-3. Địch dùng hai tiểu đoàn và sáu xe tăng đánh vào trận địa của Trung đoàn 88. Mặc dù bị bất ngờ do chủ quan khinh suất, lại đang lúc cán bộ cấp trưởng đi họp vắng, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 88 tại trận địa vẫn ngoan cường chiến đấu.

Trong trận này, xuất hiện nhiều tấm gương rất anh dũng, cảm động nhất là gương Tiểu đội trưởng Bùi Minh Đức và chiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương cùng phối hợp diệt địch, người bị thương hỏng cả hai mắt nhưng còn tay thì bắn súng, người bị thương cả hai tay thì quan sát hướng dẫn mục tiêu. Gương các chiến sĩ Phân đội phòng không 78 (Tiểu đoàn phòng không 387) đi cùng Trung đoàn 88, đã kiên quyết không rời trận địa, hạ thấp nòng pháo bắn bộ binh địch, chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ trên trận địa đã tạo điều kiện thuận lợi để thê đội 2 của Trung đoàn 88, khi cán bộ cấp trưởng đi họp về, tổ chức phản kích đánh lui quân địch, khôi phục lại trận địa.

Từ hệ thống chiến hào đã xây dựng và giữ vững trước các cuộc phản kích của địch, ngày 30-3, quân ta mở màn đợt tiến công thứ hai. Khi các đơn vị bạn đánh địch ở các ngọn đồi phía đông thì Trung đoàn 36 nổ súng tiến công vào cứ điểm 106. Trong trận đánh này Trung đoàn 36 đã sử dụng chiến thuật đánh lấn: dùng hỏa lực chế áp địch cho xung kích đào hào, lấn dần vào trung tâm rồi bất ngờ vượt lên xung phong. Bằng cách đánh đó, chỉ sau 30 phút nổ súng (từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút ngày 1-4), quân địch ở cứ điểm 106 đã hoàn toàn bị tiêu diệt và bị bắt. Kinh nghiệm đánh lấn của Trung đoàn 36 lập tức được phổ biến cho toàn mặt trận.

Cùng thời gian này, ở phía đông, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 lần lượt đánh chiếm các vị trí địch trên các ngọn đồi C1, E, D, D2. Nhưng trận đánh đồi A1 lại gặp khó khăn. Được lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận, Đại đoàn 308 lập tức điều Trung đoàn 102 cơ động theo đường hào trục tây sang đông Mường Thanh vào thay thế Trung đoàn 174 đánh đồi A1. Tuy gặp rất nhiều khó khăn vì không có chuẩn bị, nhưng tình hình hết sức khẩn trương nên vừa cơ động tới, Trung đoàn 102 lập tức nổ súng đánh cứ điểm A1.

Đồi A1 là vị trí sống còn đối với địch ở trung tâm Mường Thanh, bọn địch đã tăng cường dựa vào công sự trận địa kiên cố, vì ở đây có Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cátxtơri đặt trong hầm bí mật, có hệ thống công sự kiên cố bao quanh.

Khi Trung đoàn 102 của ta tiến công, tiểu đoàn lê dương được tăng cường cho Sở Chỉ huy đã chống trả quyết liệt dưới sự chi viện của hỏa lực không quân và pháo binh. Trận đánh diễn ra liên tục hai ngày ba đêm (từ 17 giờ ngày 31-3 đến 4 giờ 30 phút ngày 3-4); ta và địch giành đi giật lại từng đoạn hào, từng ụ súng. Mỗi lần ta tiến công chiếm được trận địa, địch lại rút xuống hầm ngầm rồi ném bom, bắn pháo sát thương ta và điều từng tiểu đoàn lính dù có xe tăng hỗ trợ từ Mường Thanh lên phản kích. Hơn 800 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 hy sinh và bị thương trong các trận đánh, nhưng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 102 vẫn anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa ở phía đông A1, tạo thế cho trận đánh tiêu diệt đồi A1 sau này.

Trong trận đánh đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đãu rất anh dũng. Nổi bật là gương của đồng chí Chu Văn Mùi, chiến sĩ thông tin, ba ngày nhịn đói vẫn chiến đấu giữa vòng vây, gọi pháo bắn ngay vào vị trí của mình để diệt bọn địch tới gần. Gương của Trung đoàn trưởng Hùng Sinh vừa trực tiếp lên trận địa chỉ huy bộ đội. vừa cùng các chiến sĩ dùng lựu đạn, tiểu liên diệt địch, bảo vệ trận địa.

Những ngày cuối đợt hai, từ thế trận đã tạo được, quân ta tiếp tục phát triển xây dựng trận địa và đánh chiếm thêm một số cứ đỉểm, thắt chặt vòng vây, chuẩn bị đợt ba tổng công kích.

Từ cứ điểm 106, Đại đoàn 308 đào tiếp chiến hào vào sát cứ điểm 206, sân bay Mường Thanh. Đêm 21 rạng ngày 22-4, Trung đoàn 36 lại dùng cách đánh lấn tiêu diệt gọn cứ điểm 206 trong vòng hai giờ, diệt và bắt một đại đội, tạo thế cho Trung đoàn 88 đào chiến hào vào trung tâm sân bay, xây dựng trận địa, cắt tiếp tế đường không của địch. Địch điên cuồng phản kích ra hướng sân bay để nối lại cầu hàng không.

Ngày 21-4, Tiểu đoàn dù số 6 của địch ba lần phản kích vào trận địa trung tâm sân bay của Trung đoàn 88 nhưng đều bị Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88 đánh bật.

Đêm 22-4, địch dồn sức tổ chức một cuộc phản kích lớn với hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn dù số 6 và Tiểu đoàn lê dương thứ nhất), có sáu xe tăng đi cùng, được máy bay, pháo binh chi viện, mở bốn đợt xung phong hòng đánh bật Trung đoàn 88 ra khỏi khu vực sân bay Mường Thanh. Suốt ba giờ chiến đấu, Trung đoàn 88 đã phối hợp với pháo binh mặt trận đánh bại cả bốn đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa và cuối cùng tổ chức phản kích, đuổi địch tháo chạy về trung tâm Mường Thanh.

Trong cuộc tiến công chiến lược này, Đại đoàn 308 đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Đại đoàn đã đánh nhiều trận, trong đó có hàng chục trận đánh lớn, đã tiêu diệt và bắt sống hơn 4 nghìn tên địch (không kể số địch bị bắt ngày 7-5), thu rất nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng.

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.

Cuối tháng 4, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã rơi vào tình thế vô cùng khốn quẫn. Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định mở đợt tiến công thứ ba đánh chiếm các vị trí còn lại ở phía đông, phía tây, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 1-5, ta mở đợt tiến công thứ ba.
Trong khi các đơn vị bạn tiến công địch ở các mỏm đồi còn lại phía đông, đêm 1-5, Trung đoàn 88 tiến công tiêu diệt cứ điểm 311A ở phía tây, diệt và bắt một đại đội địch. Đêm 3 rạng ngày 4-5, Trung đoàn 36 tiếp tục đánh chiếm cứ điểm 311B (cách Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch 300m), diệt và bắt thêm một đại đội địch.

Ngày 6-5, quân ta trên các hướng cùng đồng loạt nổ súng đánh vào các vị trí còn lại xung quanh trung tâm Mường Thanh. Ở phía đông, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 tiêu diệt các vị trí đồi A1, đồi C2, điểm cao 506. Ở phía tây, Trung đoàn 102 tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở điểm cao 311B (Nà Noọng). Quân địch bị vây chặt giữa trung tâm Mường Thanh, mất hết tinh thần chiến đấu.

Nắm chắc thời cơ, chiều ngày 7-5, Bộ Chỉ huy mặt trận hạ lệnh tổng công kích. Từ các vị trí chiếm được, Đại đoàn 308 cùng các đơn vị bạn xung phong đánh thẳng vào Sở Chỉ huy địch ở Mường Thanh. Gần 1 vạn quân Pháp còn sống sót kéo cờ trắng ra hàng. Tướng Đờ Cátxtơri cùng Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ bị bắt sống, 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Trong cuộc tiến công chiến lược này, Đại đoàn 308 đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Đại đoàn đã đánh nhiều trận, trong đó có hàng chục trận đánh lớn, đã tiêu diệt và bắt sống hơn 4 nghìn tên địch (không kể số địch bị bắt ngày 7-5), thu rất nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng.

Đại đoàn đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao:
- Giải phóng thị xã Lai Châu.
- Mở đường chiến dịch.
- Phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu.
- Tiêu diệt đồi Độc Lập.
- Xây dựng trận địa chiến hào bao vây địch ở phía tây Mường Thanh, tiến công đánh chiếm các cứ điểm 106, 206, 311A, 311B, 301, tham gia đánh đồi A1 và tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhiều nhiệm vụ đại đoàn đã hoàn thành xuất sắc, nổi bật là:
Nhiệm vụ tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu. Đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, nhưng Đại đoàn 308 đã hoàn thành rất tốt. Nhận lệnh gấp, không được chuẩn bị, song với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức rõ tầm quan trọng, đại đoàn đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện mệnh lệnh, hành quân thần tốc từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào. Cuộc tiến quân bất ngờ của đại đoàn chẳng những tiêu diệt được sinh lực địch, phá vỡ phòng tuyến sông Nậm Hu, buộc địch phân tán thêm khối chủ lực, mà còn lập thế nghi binh lừa địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta ở Điện Biên Phủ làm công tác chuẩn bị theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc", tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thực hiện việc vây ép phía tây trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ, đại đoàn đã xây dựng được một hệ thống chiến hào liên hoàn, có chiều sâu phía tây cánh đồng Mường Thanh, làm chỗ dựa để tiến công tiêu diệt nhanh gọn các cứ điểm 106, 206, tiến vào chia cắt sân bay, đánh bại các cuộc phản kích của địch, buộc chúng rơi vào thế bị vây hãm, không thể tiếp tế, chi viện, ứng cứu và bị tiêu diệt khi ta tiến hành tổng công kích.

Item 1 of 3

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm.

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng.

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng.

Trải qua các hoạt động chiến đấu trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 đã đúc rút được một số bài học quý báu:

Trước hết là bài học về tinh thần kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Bài học này được thể hiện rất rõ trong cuộc tiến công bất ngờ của đại đoàn vào phòng tuyến sông Nậm Hu. Tuy nhận lệnh gấp, thời gian làm công tác bảo đảm, chuẩn bị hầu như không có, khó khăn chồng chất, nhưng đại đoàn không hề do dự, đòi hỏi ở trên một điều kiện gì, lập tức dồn sức thực hiện mệnh lệnh. Với tinh thần kỷ luật đó, đại đoàn đã vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáng đòn chiến lược đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu, phá vỡ một phần quan trọng thế trận của địch ở Điện Biên Phủ. Đại đoàn đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận khen ngợi.

Bài học thứ hai là bài học về tinh thần cách mạng, ý chí tiến công, quyết chiến đấu hy sinh đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là bài học có ý nghĩa rất lớn suốt trong quá trình chiến đấu trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã thể hiện tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu cao. Do đó, dù gặp phải tình huống khó khăn, gian khổ ác liệt, chịu hy sinh tổn thất đến đâu, cán bộ chiến sĩ đại đoàn cùng tìm cách khắc phục để giành chiến thắng.

Bài học thứ ba là bài học về tính sáng tạo, linh hoạt, tìm ra cách đánh hiệu quả nhất để tiêu diệt địch. Bài học này đã thể hiện nổi bật ở Trung đoàn 36 trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm 106. Trước một cứ điểm có nhiều hỏa lực mạnh của địch, lại bố trí ở địa hình trống trải, khó tiếp cận, trung đoàn đã tổ chức bộ đội đào chiến hào lấn dần vào sát cứ điểm địch, rồi đào luồn qua hàng rào, bất ngờ vọt lên, đánh thẳng vào trung tâm. Cách đánh này gọi là đánh lấn, đỡ thương vong mà rất hiệu quả, địch bị xung phong bất ngờ, khó chống đỡ.
Từ Trung đoàn 36, cách đánh này đã được Bộ Chỉ huy mặt trận phổ biến tới các đơn vị để áp dụng vây ép địch. Sau này, cách đánh lấn đã được nghiên cứu thành chiến thuật vây lấn đánh cứ điểm địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đối với Đại đoàn 308, những chiến công mà đại đoàn làm nên trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là những trang sử oanh liệt nhất của đại đoàn.

Những chiến công, những bài học kinh nghiệm của đại đoàn cũng như của các đơn vị bạn trên toàn mặt trận được rút ra từ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, sẽ mãi mãi là những tấm gương, những điều chỉ dẫn cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 308 hôm nay và mai sau.

-----------------

Nội dung: Thượng tá Nguyễn Đức Khiển, Phó Sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 308
Trích trong sách: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005. Trước đó, bài đã in trong sách: Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Ngọc Bích