CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
BƯỚC TRƯỞNG THÀNH TRONG TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG CỦA ĐẠI ĐOÀN 316
Được thành lập ngày 1/5/1951, Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316) là một trong 4 đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đảm nhiệm tiến công tiêu diệt những cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng ngự kiên cố của quân Pháp. Vượt qua nhiều khó khăn, tổn thất, cán bộ chiến sĩ Đại đoàn đã tiêu diệt nhiều vị trí quân địch, trong đó đáng kể nhất là các cứ điểm A1, C1, C2, hoàn thành nhiệm vụ Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao phó, góp phần vào thắng lợi chung của toàn bộ chiến dịch. Trong hoạt động tác chiến của Đại đoàn đã thể hiện rõ bước trưởng thành trong hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng binh chủng của chiến dịch như Pháo binh, Cao xạ, Công binh, Thông tin liên lạc…, trong đó thể hiện rõ nét, hiệu quả nhất là trong phối hợp, hiệp đồng với lực lượng pháo binh và công binh chiến dịch.
Tại Điện Biên Phủ, các vị trí A1, C1, C2 là những cứ điểm quan trọng và rất kiên cố án ngữ những vị trí trọng yếu trong hệ thống tập đoàn cứ điểm. Đây cũng chính là những mục tiêu mà Đại đoàn 316 được Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ tiêu diệt.
Đây là lần đầu tiên Đại đoàn (Trung đoàn 98 và Trung đoàn 174) tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành của chiến dịch lớn, mục tiêu tiến công lại là những cứ điểm mạnh, kiên cố của địch. Do tính chất quan trọng của nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã phối thuộc cho Đại đoàn 316 các đại đội 752, 755 và 757 sơn pháo, hai đại đội súng cối 120 và hai đại đội cối 82. Tuy nhiên, số lượng đạn pháo có hạn, Bộ Chỉ huy Chiến dịch phân chia cụ thể cho các đơn vị số lượng đạn rất kỹ lưỡng. Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Chiến dịch, trong ngày báo cáo kế hoạch chiến đấu, các đồng chí chỉ huy Đại đoàn 316 và Trung đoàn 98, 174 đều đề nghị tăng cường thêm hỏa lực pháo binh cho đơn vị. Trước đề nghị đó, căn cứ vào “độ cứng” của các mục tiêu mà Đại đoàn đảm nhận, Đại tướng đã nhất trí cấp thêm, nâng tổng số đạn pháo 105 cho 174 đánh A1 là 105 quả và cho Trung đoàn 98 hai khẩu 75mm đi cùng và 30 phút hỏa lực 105 yểm hộ[1]. Đây thực sự là sự chi viện hỏa lực quý giá mà Bộ Chỉ huy Chiến dịch chi viện cho Đại đoàn. Muốn phát huy hiệu quả hỏa lực này, Đại đoàn đặc biệt chú ý phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa đơn vị với hỏa lực pháo binh của trên.
Quá trình chiến đấu trong chiến dịch, sự phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng pháo binh chiến dịch, pháo binh của Đại đoàn và các đơn vị bộ binh khá chặt chẽ. Khi bộ binh tiến công cứ điểm địch, pháo binh chi viện cho bộ binh mở cửa đánh chiếm đầu cầu, chế áp các phương tiện hỏa lực và súng cối của địch khi bộ binh bắt đầu xung phong đột phá tiền duyên. Khi bộ binh phòng ngự, chốt giữ cứ điểm đã chiếm được, pháo binh kiềm chế, chế áp pháo binh địch, chi viện trực tiếp cho bộ binh giữ điểm tựa phòng ngự.
Diễn biến các trận đánh của Đại đoàn đã thể hiện rõ sự hiệp đồng chặt chẽ đó, tiêu biểu là trận tiến công cứ điểm C1 của Trung đoàn 98. 17 giờ 16 phút ngày 30/3/1954, pháo binh chiến dịch dồn dập bắn phá vào khu trung tâm Mường Thanh, trận địa pháo, khu tập trung quân cơ động và các điểm cao khu Đông của địch. Ngay từ phút đầu, trận địa pháo của Đại đội 752 đặt ở Đồi D bắn sang C1, tiêu diệt trận địa đại liên của địch bố trí ở giữa đỉnh đồi. Cùng lúc đó hỏa lực của Trung đoàn 98 nã vào C1. Hỏa lực ta phát huy rất tốt, hỏa lực địch bị tê liệt, sau 5 phút, pháo chuyển làn, Tiểu đoàn 215 dọn xong cửa mở, rồi tổ chức xung phong và nhanh chóng đánh chiếm được các lô cốt của địch. Tới 18 giờ, Trung đoàn 98 đã kết thúc trận đánh làm chủ cứ điểm C1. Với thắng lợi này, Trung đoàn 98 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi và thưởng đơn vị Huân chương Quân công hạng Ba “vì đã hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh gọn nhất trong toàn mặt trận”[1].
Sau khi làm chủ C1, Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98) lại lệnh Đại đội 35 tổ chức tiến công cứ điểm C2 và cho Đại đội 38 lui về phía sau làm lực lượng dự bị, bỏ lỡ thời cơ diệt địch. Việc triển khai chiến đấu của Đại đội 35 gặp nhiều trở ngại do quân ta ùn tắc khá đông trên Đồi C1 vốn rất hẹp, lại bị pháo binh địch dồn dập bắn vào. Đến 21 giờ ngày 30/3 đại đội mới nổ súng tiến công C2. Địch chống trả quyết liệt và huy động lực lượng lớn ra phản kích, Tiểu đoàn 215 tổ chức nhiều đợt tiến công nhưng không chiếm được C2.
7 giờ sáng 3/3, địch chia làm 2 mũi từ C2 và Đồi Mâm Xôi ồ ạt tiến công chiếm lại C1. Các đại đội 35 và 273 chiến đấu anh dũng, đẩy lùi từng đợt xung phong của địch nhưng sau đó gặp nhiều khó khăn do địch đánh phá ác liệt, hầm hào sụt lở, liên lạc với trung đoàn nhiều lúc bị đứt. Đến trưa, bộ đội ta phải lùi xuống nửa đồi phía Đông Nam, địch chiếm lại lô cốt trên cao rồi liên tục xả súng, ném lựu đạn xuống trận địa ta. Pháo binh, súng cối của chúng liên tục bắn sang. Trước tình hình đó, chỉ huy Đại đoàn một mặt đề nghị pháo binh chiến dịch tiếp tục bắn kiềm chế pháo địch, mặt khác chỉ thị cho Trung đoàn 98 dùng hỏa lực chế áp địch ở C2, C1, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 215 xung phong chiếm lại trận địa.
Lúc này, trên đồi C1 ta và địch cách nhau vài chục mét. Đường dây liên lạc nối giữa trung đoàn và tiểu đoàn liên tục bị đứt. Tiểu đoàn 215 không hiệu chỉnh cho pháo được, anh em nghĩ ra cách buộc những mảnh dù trắng vào gậy cắm lên mép chiến hào làm chuẩn cho các chiến sĩ pháo binh quan sát[1]. Những ngày sau đó, các chiến sĩ Trung đoàn 98 đã kiên cường bám trụ, chiến đấu với địch giành lại cứ điểm này. Đây là một trong những vị trí diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt của Đại đoàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “đồi C1… nơi Trung đoàn 98… đã giành giật suốt một tháng ròng với những đơn vị quân dù trong những trận đánh sinh tử, hầu như ngày nào cũng được nhắc tới trong các báo cáo chiến sự”[2].
“Từ sau đợt tiến công khu đông, A1 đã trở thành nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch”.
Nhờ có pháo binh chiến dịch và bộ đội phòng không kiềm chế pháo binh và đánh trả không quân địch, hỏa lực của Trung đoàn 98 đã dồn dập trút chính xác lên trận địa chính của địch. Bộ đội ta tràn lên chiếm lại trận địa làm chủ cứ điểm. Quân địch buộc phải rút chạy về C2. Sau nửa ngày chiến đấu, với sự chi viện đắc lực của các đơn vị pháo binh, cao xạ, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 98 đã làm chủ, kiên cường bám chắc trận địa, chiến đấu đẩy lùi 12 đợt phản công của hai tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 đại đội, diệt và làm bị thương 314 tên, bắt 7 tên địch. Trong trận đánh này, pháo binh và cao xạ chuẩn bị, chi viện bộ binh mở cửa đánh chiếm đầu cầu, phát triển tiến công làm chủ căn cứ, kiềm chế hỏa lực pháo binh địch, ngăn chặn địch xung phong, hỗ trợ bộ binh phòng ngự rồi phát triển tiến công đẩy lui quân địch, giành lại trận địa. Về phần mình, hợp đồng chặt chẽ với pháo binh, khi có hỏa lực chi viện, bộ binh phát triển chiến đấu chiếm giữ cứ điểm và khi pháo binh gặp khó khăn đã có biện pháp sáng tạo giúp pháo binh bắn chính xác.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với phối hợp, hiệp đồng binh chủng hiệu quả với pháo binh, cao xạ, Đại đoàn 316 cũng đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và đặc biệt hiệu quả với lực lượng công binh chiến dịch. Sự phối hợp, hiệp đồng đó thể hiện rõ trong các đợt tiến công cứ điểm A1. Sự phối hợp, hiệp đồng này một yếu tố quan trọng không những góp phần vào thắng lợi của Đại đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt cứ điểm A1, mà còn có tác động tới thắng lợi của đợt 3 cũng như thắng lợi chung của cả Chiến dịch Điện Biên Phủ.
A1 là vị trí có tầm quan trọng bậc nhất, là điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía Đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Làm chủ được A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù, tiến tới triệt hẳn việc tiếp tế đường không của địch. A1 còn là bàn đạp để đánh vào khu trung tâm Mường Thanh.
Trên đồi A1 có nhiều tuyến chiến hào giao thông liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp dày chịu được đạn pháo và cối. Toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở A1 hình thành 3 tuyến theo địa thế tự nhiên của quả đồi. Ngoài cùng là tuyến đề kháng chủ yếu đặt gần sát chân đồi. Tuyến thứ hai ở lưng chừng đồi, công sự kiên cố không bằng tuyến ngoài, có đặt trận địa hỏa lực. Tuyến thứ 3 trong cùng ở mỏm đồi cao nhất, là tuyến cố thủ, đặt trận địa hỏa lực và khu vực chỉ huy. Tuyến này có công sự tương đối vững chắc, là tuyến cố thủ cuối cùng và cũng là bàn đạp cho các lực lượng cơ động của địch từ trung tâm tiến ra thực hành phản kích khi ta đột nhập. Phía ngoài có 5 lớp rào dày trên 100m, xen kẽ có các bãi mìn bộ binh. Ngoài ra A1 còn được sự chi viện trực tiếp của hỏa lực mạnh và lực lượng cơ động trong tập đoàn cứ điểm.
Nhiệm vụ tiến công cứ điểm A1 được giao cho Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316). 17 giờ ngày 30/3, Trung đoàn 174 chiếm lĩnh trận địa xong nhưng do đường dây thông tin giữa Trung đoàn với Đại đoàn bị pháo địch bắn đứt, không liên lạc được để nhận lệnh. Đến 17 giờ 30 phút, thấy pháo binh ta bắn nhiều vào khu trung tâm Mường Thanh, phán đoán lệnh tiến công khu Đông đã bắt đầu, Trung đoàn 174 dùng hỏa lực của đơn vị bắn theo kế hoạch và bộ binh tiến vào vị trí xuất phát xung phong. So với toàn mặt trận, Trung đoàn 174 nổ súng chậm 30 phút, do vậy quân địch đã có thời gian chuẩn bị đối phó. Sau khi nắm tình hình, Bộ Chỉ huy Đại đoàn đề nghị và được Bộ Chỉ huy Chiến dịch cho tạm dừng cuộc tiến công để củng cố lực lượng, tiếp tục chiến đấu. Theo lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đêm ngày 31/3, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) thay thế Trung đoàn 174 làm nhiệm vụ chủ yếu tiến công A1. Trung đoàn 102 sử dụng 4 đại đội đánh theo cửa mở của Tiểu đoàn 249. Trung đoàn 174 sử dụng 2 đại đội đánh theo cửa mở của Tiểu đoàn 251. Ban Chỉ huy Trung đoàn 102 đảm nhiệm chỉ huy chung trận đánh.
Từ đêm ngày 1/4 đến sáng ngày 3/4, trên đồi A1 diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt, địch dựa vào một hầm cố thủ chống trả quyết liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định dừng tiến công. Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tổ chức phòng ngự, kiên quyết giữ vững những vị trí đã chiếm được và chuẩn bị tốt mọi mặt để tiếp tục tiến công khi có lệnh.
“Từ sau đợt tiến công khu đông, A1 đã trở thành nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch”[1]. Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái cùng xuống trinh sát A1 với trinh sát Đại đoàn. Do vị trí trọng yếu của A1 nên Bộ Chỉ huy Chiến dịch đánh giá “Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này - tức đợt 3 chiến dịch - là tiêu diệt cho được A1”[2].
Thực hiện quyết tâm đó, Đại đoàn 316 tổ chức đào 3 đường hào. Ngoài các đường hào từ Đông và Đông Bắc vào A1, Trung đoàn 174 đào thêm một đường hào từ phía Tây Nam lượn theo đồi E cách A1 về phía Đông Nam khoảng 200m, lợi dụng khe suối cạn, theo Đường 41 rồi quặt lên phía Tây Nam A1. Đường hào này sẽ tạo điều kiện cho bộ đội ta áp sát A1, hình thành vòng vây từ 3 phía: Đông, Đông Nam và Tây Nam. Lực lượng ta thọc sâu vào A3 ở phía Tây Nam A1 sẽ cắt hoàn toàn con đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên các cứ điểm A3 và A1, đồng thời sẽ là quả đấm mạnh vào sau lưng A1, bịt hẳn đường rút chạy của địch.
Để tiêu diệt hầm cố thủ của địch ở A1, Đại đoàn trình bày với Bộ Chỉ huy Chiến dịch kế hoạch đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ gần 1.000 kg đánh sập hầm. Công binh đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong 14 ngày và bảo đảm đúng hướng. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đồng ý và cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng đơn vị giải quyết những khó khăn về chuyên môn. Cơ quan tham mưu của Chiến dịch theo dõi thật kỹ việc cắt rời A1 với A3, chỉ khi nào hoàn thành đường hào mới cho Trung đoàn 174 tiến công.
Từ tối ngày 20/4/1954, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba trực tiếp chỉ đạo đào đường hầm và nghe báo cáo hàng ngày. Để tranh thủ thời gian, lúc đầu công binh của Đại đoàn do đồng chí Cao Chu Khang chỉ huy, đã tổ chức moi đào ở mũi diện. Đất đồi A1 cực kỳ rắn. Khó khăn nhất là khu vực mở cửa đường hầm chỉ cách địch hơn 10 mét[1]. Ta thi công được vài đêm thì địch phát hiện thấy tiếng động trong lòng đất, chúng nghi ngờ và cho máy bay, đại bác bắn phá liên tục xuống trận địa của ta. Ban đêm, bộ binh địch bò ra chiến hào ném lựu đạn, xả súng bắn xuống phía đường hầm ta đào. Đường hầm ở A1 vì thế đào chậm hơn dự kiến. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân thù, trong tầm kiểm soát của lựu đạn.
Tổ công binh của Bộ sau khi nghiên cứu ở hai hướng mũi diện và mũi điểm, thấy mở đường hầm ở mũi điểm có lợi hơn vì quãng đường phải đào ngắn hơn, đào được nhanh hơn, giảm được khối lượng đất phải chuyển ra ngoài... Hai bộ phận công binh của Bộ và của Đại đoàn thống nhất làm việc dưới sự chỉ huy của Trung đoàn 174, do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm chỉ huy trưởng[1].
Đường hào đào vào càng sâu, ta càng gặp khó khăn về kỹ thuật, do thiếu ánh sáng và không khí. Việc giữ cho đúng hướng và độ chênh, rồi vấn đề chuyển đất ra ngoài… đều là những vấn đề nan giải. Đất đào được phải để vào túi vải dù đem đổ ra xa, phải dùng đèn pin đã che bớt ánh sáng buộc lên đầu cọc ở cửa đường hầm để ngắm hướng, dùng cây hương cháy đỏ làm vật chuẩn, dùng ống thuốc tiêm làm thước thăng bằng. Mặt cắt đường hầm rộng và cao khoảng 0,90m. Khi chui sâu vào trong, thiếu không khí, một số chiến sĩ bị ngất, phải đưa ra ngoài. Để không khí trong hầm bớt ngột ngạt, bộ đội ta nằm tiếp nối nhau, dùng quạt nan để quạt không khí ở bên ngoài vào trong đường hầm cho có thêm dưỡng khí. Bằng cố gắng và nỗ lực rất cao, đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Hoàn thành đường hầm, tổ công binh Chiến dịch và công binh Đại đoàn lại chia nhau đi tìm bom địch chưa nổ, thu thập được gần 500kg thuốc nổ, cùng 500kg thuốc nổ Bộ Chỉ huy Chiến dịch bảo đảm thành khối bộc phá gần 1 tấn.
Như vậy, để thực hành trận đánh đồi A1, lực lượng công binh Chiến dịch phối hợp với lực lượng công binh của Đại đoàn 316 đã đào 27km chiến hào và giao thông hào. Trong 16 ngày đêm, bộ đội ta đã đào sâu vào lòng đồi A1 một đường hầm dài 49m, đặt 50 gói bộc phá và hơn 400 kíp nổ (cứ hơn 2kg thuốc nổ có 1 kíp), phải đào 200 m giao thông hào cách địch khoảng 200m, ngay dưới làn hỏa lực của địch.
“Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này - tức đợt 3 chiến dịch - là tiêu diệt cho được A1”
Mở đầu đợt 3 chiến dịch, Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tiến công toàn bộ đồi C1, đồng thời dùng một lực lượng nhỏ phối hợp đánh ở phía A1, nhằm phân tán sự đối phó của địch, tranh thủ mở rộng bàn đạp tiến công. Tại Đồi A1, đêm đầu tiên chiến đấu của đợt 3, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt được một số vị trí địch. Đến đêm ngày 3/5, Đại đoàn 308 diệt cứ điểm 311B ở phía Tây. Từ đây quân ta từ hai phía Đông và Tây Mường Thanh tạo thành hai gọng kìm kẹp chặt khu trung tâm.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị “sẵn sàng nắm thời cơ, khi có điều kiện chuyển sang tổng công kích ngay và phải bao vây chặt không cho địch rút chạy”. Thời gian nổ súng của toàn mặt trận được ấn định là 20 giờ 30 phút ngày 6/5, lấy tiếng nổ của bộc phá gần 1.000kg trên Đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công. Các phương pháp gây nổ đã được dự tính, tình huống xấu nhất là khối bộc phá có thể không nổ khi công binh điểm hỏa bằng dây cháy chậm. Nếu bộc phá không nổ thì có thể hàng trăm chiến sĩ sẽ phải hy sinh và thương vong khi tiến công lên Đồi A1.
Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5, tại Đồi A1, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba ra lệnh nổ bộc phá. Một chớp lửa và một tiếng ục nặng nề, trên Đồi A1 có nhiều cột khói bốc lên. Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An nhận định là bộc phá đã nổ và ra lệnh nổ súng, đồng thời báo cáo về Đại đoàn. Quân địch chống cự quyết liệt, các đơn vị ta vừa chiến đấu vừa chấn chỉnh lực lượng, chia làm nhiều hướng tiếp tục xung phong. Đến 4 giờ 30 sáng ngày 7/5, Trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ A1, đồng thời tích cực chi viện cho Trung đoàn 98 tiến công A3; sẵn sàng đánh địch phản kích ở A1, phối hợp với Tiểu đoàn 439 đập tan kế hoạch tăng viện của địch cho C2. Chiến thắng ở đồi A1, C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm. 15 giờ ngày 7/5 ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 Tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng, Đại đoàn 316 đã góp phần xứng đáng cùng với các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 cũng đã tham gia một số chiến dịch, có phối hợp, hiệp đồng với các binh chủng khác, song đây là lần đầu tiên, Đại đoàn tác chiến cùng các đơn vị binh chủng trong một chiến dịch chiến lược, với quy mô lớn; các mục tiêu tiến công đều là những cứ điểm kiên cố, trong điều kiện địch có ưu thế về nhiều mặt cả về hỏa lực lẫn công sự trận địa. Qua Chiến dịch, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của Đại đoàn đã phát triển lên một bước mới.
Những thành tựu và cả hạn chế trong tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ sở để Sư đoàn 316 kế thừa và phát huy trong kháng chiến chống Mỹ (hiệp đồng với đặc công và tăng-thiết giáp trong chiến dịch Tây Nguyên; hiệp đồng quân binh chủng gồm không quân, pháo binh, tăng-thiết giáp… trong chiến dịch Hồ Chí Minh), trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Là một Sư đoàn chủ lực của Quân khu 2, với nhiệm vụ chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, những bài học kinh nghiệm về tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là một nội dung quan trọng trong giáo dục truyền thống của đơn vị. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị - nhất là những sĩ quan trẻ, học tập, kế thừa được những tri thức quân sự, kinh nghiệm tác chiến mà trải qua nhiều trận chiến đấu, nhiều tổn thất, hy sinh mới đúc kết được. Cùng với đó là bài học về tăng cường mối đoàn kết gắn bó, phối hợp, hiệp đồng với tất cả các đơn vị, lực lượng liên quan trong quá trình công tác ở tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn. Bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn phải giữ vững mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, gắn bó với nhau và với các cơ quan, đơn vị có quan hệ công tác. Đây thực sự là một trong những cơ sở quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Sư đoàn.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân Dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; mài sắc ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; không ngừng phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng tiến công và truyền thống vẻ vang của Sư đoàn Anh hùng. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, quyết thắng”, xây dựng Đảng bộ Sư đoàn vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu. Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, thực sự là một trong những Sư đoàn chủ lực mạnh của Bộ và Quân khu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
[1] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, Hà Nội, 2000, tr.272-273.
[1] Bộ Tư lệnh Quân khu 2- Sư đoàn 316, Lịch sử Trung đoàn bộ binh 98 (1946 - 2016), Nxb QĐND, Hà Nội, 2016, tr.94.
[2] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, Hà Nội, 2000, tr.400.
[1] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, Hà Nội, 2000, tr.275.
[1] Bộ Tư lệnh Công binh, Lịch sử công binh Việt Nam (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội,1991, tr.125.
[1] Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Lịch sử Trung đoàn 174 (Cao-Bắc-Lạng) 1949-1999, Nxb QĐND, Hà Nội,1999, tr.171.
Bài tham luận của Thượng tá Nguyễn Quốc Triệu - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 - Quân khu 2 tại Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, quankhu2.vn