Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở những kinh nghiệm quý báu của ông cha, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật tác chiến chiến lược nói riêng đã có bước kế thừa và phát triển vượt bậc, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật tác chiến chiến lược đã đạt đến trình độ rất cao, dẫn đến đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, đây là chiến thắng oanh liệt nhất, vĩ đại nhất và mang tính thời đại sâu sắc.

Trên cương vị là một thành viên trong Bộ Tổng chỉ huy cuộc tiến công chiến lược, bằng những luận cứ chặt chẽ và sắc sảo, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã tập trung đi sâu nghiên cứu, phân tích làm rõ những nội dung cơ bản về thời cơ cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phát triển thế và lực trong cuộc tổng tiến công, về thực hành tác chiến chiến lược.v.v… nhằm thực hiện thắng lợi trọn vẹn. Những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự được đại tướng đúc kết vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1.Trên cương vị là thành viên trong Bộ Tổng chỉ huy cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, Đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ đạo Tổ nghiên cứu trung tâm thuộc Bộ Tổng Tham mưu nắm thật chắc yêu cầu và nhiệm vụ chiến lược của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng để hình thành nên Bản dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 là phải tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn hơn 1 triệu quân Việt Nam Cộng hòa trong thời gian 2 năm.

Đại tướng cũng gợi ý, ông cha ta có cuộc chiến tranh chỉ có một trận tiêu diệt lớn, nhưng cũng có cuộc phải 2-3 trận. Trong đó có hai trận song song và một trận kế tiếp kết thúc thắng lợi. Muốn vậy, ta phải mở các chiến dịch tiêu diệt lớn, mỗi chiến dịch nhất thiết phải diệt từ 1 đến 2 sư đoàn quân chủ lực địch thì mới hy vọng thực hiện trọn vẹn quyết tâm của cuộc Tổng tiến công. Đại tướng cũng gợi ý cho Tổ trung tâm nghiên cứu lựa chọn mục tiêu chiến lược: tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt lớn ở Buôn Ma Thuột và đây là đòn tiêu diệt chiến lược thứ nhất, tiếp đến là chiến dịch tiêu diệt phần lớn lực lượng của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 của địch, là đòn tiêu diệt lớn thứ hai. Vấn đề ở chỗ là hai đòn tiến công chiến lược này có thể tiến hành song song hoặc có chênh lệch cũng chỉ một thời gian ngắn. Cuối cùng là trận tiêu diệt lớn thứ ba, đập tan lực lượng cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn - Gia Định. Hai chiến dịch tiêu diệt lớn là mở đường cho trận tiêu diệt lớn thứ ba, kết thúc thắng lợi. Như vậy, phương hướng các đòn tiến công tiêu diệt lớn thứ nhất và thứ hai phải trùng hợp với đòn tiến công chiến lược quyết định vào hang ổ cuối cùng của địch. Từ đòn tiến công mở đầu và các đòn tiếp sau phải nằm trong kế hoạch tổng thể chung, đòn trước tạo điều kiện cho đòn sau thắng lợi giòn giã hơn, lớn hơn, chất lượng hơn, tận dụng hết thắng lợi do thời cơ mới tạo ra. Đại tướng nhấn mạnh, mỗi đòn tiến công chiến lược phải tiêu diệt cho được vài ba sư đoàn mạnh của địch thì mới đạt yêu cầu.

Nhận định của Đại tướng Lê Trọng Tấn là căn cứ vào thực tế của thế bố trí chiến lược của ta trong giai đoạn này là khá vững chắc: Ở Mặt trận Tây Nguyên (B3), ta đã bố trí 2 sư đoàn chủ lực, dự kiến sẽ đề nghị Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường 2 sư đoàn bộ binh và khối binh chủng, bảo đảm đòn mở đầu của cuộc Tổng tiến công chiến lược  phải đánh một đòn sấm sét vào tinh thần quân đội và chính quyền Sài Gòn. Ở Tây Thừa Thiên-Huế, ta đã có Quân đoàn 2 đứng chân. Ở miền Đông Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Miền bố trí 5 sư đoàn (trong đó có 3 sư đoàn của Quân đoàn 4; các quân khu, mỗi quân khu mới tổ chức biên chế 1 sư đoàn bộ binh). Để chuẩn bị cho Tổng tiến công, Bộ Tổng Tham mưu tăng cường cho Mặt trận B2 một sư đoàn chủ lực tại chỗ. Với thế bố trí chiến lược rất chủ động, ta đã duy trì và khoét sâu vào nhược điểm bố trí chiến lược của quân đội Sài Gòn là nặng ở 2 đầu, nhẹ ở giữa.

Với thế bố trí chiến lược rất chủ động, ta không chỉ giam chân hai khối chủ lực mạnh của địch ở 2 đầu một thời gian, mà cố gắng giam chặt chúng suốt cuộc Tổng tiến công để ta có điều kiện tập trung tiêu diệt chúng ở hướng trọng điểm. Việc diệt được lực lượng mạnh của hai quân khu-quân đoàn địch trong một thời gian nhất định sẽ đánh một đòn nặng nề vào tinh thần binh lính và chính quyền Sài Gòn. Do đó, mới làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo điều kiện để ta tập trung toàn bộ lực lượng cả nước cho đòn tiến công cuối cùng vào sào huyệt địch.

Phải qua 8 lần thông qua của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh, sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng và được các phân khu, chiến trường, các tổng cục, các học viện đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, bản kế hoạch mới hoàn chỉnh, đầy đủ, chất lượng cao, chỉ đạo toàn quân giành thắng lợi trọn vẹn trong 55 ngày đêm mùa Xuân toàn thắng.

Đại tướng Lê Trọng Tấn khẳng định: Mùa Xuân năm 1975, ta đã thành công trong việc tổ chức các chiến dịch đồng thời và cả các chiến dịch kế tiếp nhau theo một tiến trình định sẵn của quyết tâm chiến lược. Trung tâm của toàn bộ cuộc Tổng tiến công là các chiến dịch chiến lược kế tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Để phối hợp với các chiến dịch đó, có các Chiến dịch Trị-Thiên, Chiến dịch Bắc Khu 5, các chiến dịch miền Đông Nam Bộ và các chiến dịch tổng hợp với quy mô khác nhau của các quân khu, các tỉnh. Ngoài ra, còn có các trận đánh lớn quan trọng.

Các chiến dịch chiến lược đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, chiến dịch trước tạo điều kiện cho chiến dịch sau, chiến dịch sau phát huy thắng lợi của chiến dịch trước, giành thắng lợi dồn dập ngày càng lớn đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Lê Trọng Tấn  và đồng chí Trần Độ tại rừng miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

Đồng chí Lê Trọng Tấn  và đồng chí Trần Độ tại rừng miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền nam (năm 1965).

Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền nam (năm 1965).

Chiến dịch Tây Nguyên ta đã cơ bản loại khỏi vòng chiến đấu một tập đoàn chiến lược quan trọng, là khởi điểm dẫn đến sự tan rã và suy sụp về chiến lược của địch, mở ra thời cơ Tổng tiến công chiến lược và cũng mở ra thời cơ cho Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng.

Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng là các chiến dịch đặc biệt, được tổ chức chuẩn bị trong quá trình phát triển cuộc Tổng tiến công chiến lược từ hai chiến dịch nhỏ của hai quân khu nhằm mục đích diệt địch, giành dân, mở vùng… phát triển thành chiến dịch quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược, tiêu diệt Quân đoàn 1 của địch, và cùng với chiến dịch Tây Nguyên làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm chiến lược của địch, tích cực góp phần tạo điều kiện chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch chiến lược quyết định cuối cùng, tập trung sức mạnh của cả nước đánh trận quyết chiến lược vào sào huyệt đầu não của địch, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là giành toàn thắng cho chiến tranh cách mạng.

Các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đó đã thực hiện được yêu cầu đánh tiêu diệt địch về chiến lược, chỉ trong một thời gian ngắn đã tập trung tiêu diệt từng tập đoàn chiến lược trọng yếu của địch, đánh chiếm những trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế đầu não, những địa bàn chiến lược quan trọng đối với toàn bộ cuộc chiến tranh, từng bước phá thế chiến lược và các biện pháp chiến lược của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch quyết định cuối cùng đánh dứt điểm, hoàn thành việc tiêu diệt địch về chiến lược một cách triệt để, giành thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một tiến trình hành động theo một quy hoạch chiến lược hợp lý, sát thực tế và linh hoạt. Khi ta có ưu thế hơn địch nhưng chưa có ưu thế áp đảo thì ta phải tiến hành các chiến dịch mở đầu nhằm tạo điều kiện và thời cơ rồi mới tiến hành chiến dịch quyết định. Quy hoạch chiến lược ấy còn hợp lý và thực tế ở chỗ chỉ đạo kết hợp “ba đòn” tiến công. Trong khi lực lượng chính trị và vũ trang địa phương còn yếu thì lấy đòn chủ lực “đi trước một bước”, tập trung khả năng, sức lực, tập trung chỉ đạo cho chủ lực thực hiện được đòn chiến lược ở Tây Nguyên để tạo thời cơ. Tính linh động của quy hoạch thể hiện ở chỗ ta nhanh chóng chuyển sang thực hiện phương án giành thắng lợi trong một thời gian ngắn. Từ đó mà ta có Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng và phát triển chiến dịch Tây Nguyên, giành thắng lợi vượt bậc làm cho cục diện chiến tranh trở nên vô cùng thuận cho ta.

2. Về hoạt động của cánh quân Duyên hải và sự hình thành cánh Đông chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, theo đề nghị của Quân khu 5 và của đồng chí Lê Trọng Tấn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập cánh quân Duyên hải gồm Quân đoàn 2 (fBB 324 ở lại bảo vệ Huế) được tăng cường thêm Sư đoàn bộ binh 3 (Quân khu 5), có nhiệm vụ tiến quân theo Quốc lộ 1, vừa hành quân, vừa đánh mở đường vào miền Đông Nam Bộ. Khi tới nơi sẽ phối hợp với Quân đoàn 4 trở thành cánh Đông của chiến dịch do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa làm Chính ủy. Theo đó, Quân đoàn 2 của ta sau khi giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tự tổ chức, biên chế và trang bị lại (bằng chiến lợi phẩm tận thu). Chỉ trong 7 ngày, từ những sư đoàn bộ binh đơn thuần trở thành một binh đoàn bộ binh cơ giới hoàn chỉnh, với những chiến đoàn cơ động có sức đột kích rất mạnh. Cả hai quân đoàn 4 và 2 đảm nhiệm ở hướng Đông Bắc Sài Gòn.

Trên trục Quốc lộ 1 (Đồng Nai - Sài Gòn), Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9 đang ở hướng Long An) được tăng cường Sư đoàn 6 (Quân khu 7)  phối hợp với lực lượng địa phương có nhiệm vụ bao vây chặt Sở chỉ huy Vùng 3 chiến thuật và sân bay Biên Hòa, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu phát triển; lực lượng Quân đoàn 4 từ phía Nam Long Khánh nhanh chóng phát triển đánh chiếm cầu Biên Hòa, có sự phối hợp của Sư đoàn bộ binh 304 của Quân đoàn 2, từ phía đông đánh sang. Sau đó, phải nhanh chóng đánh chiếm cầu Sài Gòn, Tân Cảng, phát triển nhanh vào trung tâm đánh chiếm các mục tiêu chính trị quan trọng, trọng điểm là Dinh Độc Lập, đập tan chính quyền trung ương địch. Từ Biên Hòa đột phá vào trung tâm, đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Nhiệm vụ của Quân đoàn 2 có phần phức tạp hơn: tổ chức tiến công theo đường liên tỉnh Long Khánh-Bà Rịa, đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu chặn không cho địch rút bằng đường biển. Tiếp theo, chiếm căn cứ Nước Trong, Long Thành, phát triển đánh chiếm nhanh Nhơn Trạch - Thành Tuy Hạ, lập trận địa pháo nòng dài bắn phá hoại và khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, đưa pháo binh ra bắn chặn quân địch rút chạy qua sông Lòng Tàu. Khi các hướng tấn công vào nội đô, nhanh chóng vượt sông, đánh chiếm các mục tiêu ở Đông Nam thành phố.

Trên hướng Đông: Quân đoàn 2 nổ súng trước 2 ngày. Ngày 26/4, Sư đoàn bộ binh 3 đánh chiếm Long Thành; ngày 27/4 đánh chiếm Nhơn Trạch-Thành Tuy Hạ. Ngày 28/4 ta bố trí được pháo 130 ly bắn liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời khống chế sông Lòng Tàu. Tuy nhiên, do không có khả năng huy động phương tiện để vượt sông ở Cát Lái nên đại bộ phận được lệnh quay về đội hình Quân đoàn 2 để tiến vào Sài Gòn theo Quốc lộ 1.

Sư đoàn bộ binh cơ giới 304 theo hiệp đồng, đã phát triển nhanh từ Long Thành đến Bắc cầu Biên Hòa từ đêm 28 tháng 4, song chờ mãi chưa bắt liên lạc được với Quân đoàn 4. Quân đoàn 4 trên đường tiến bị địch ở Trảng Bom chống cự quyết liệt, đến sáng 29/4 vẫn tiếp tục chiến đấu ở Hố Nai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Lê Trọng Tấn (phải).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Lê Trọng Tấn (phải).

Trước tình hình đó, Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh cánh Đông, điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch đồng thời điện cho Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị cho Quân đoàn 2 thay Quân đoàn 4 đánh vào khu trung tâm, mục tiêu chủ yếu nhất là Dinh Độc Lập. Khi nhận được điện, vì có liên quan đến ý định lúc đầu của Trung ương Cục nên 1 giờ ngày 29/4 /1975, đồng chí Tổng Tư lệnh cùng Cục trưởng Cục Tác chiến sang thẳng nhà riêng của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn để xin chỉ thị. Đồng chí Lê Duẩn đồng ý với ý kiến đề nghị của đồng chí Lê Trọng Tấn và chỉ thị phải điện trả lời gấp. Lúc đầu, điện chỉ thị ký với danh nghĩa Tổng Tư lệnh nhưng sau khi bàn bạc nhất trí, điện trả lời ký tên cả hai: Ba (bí danh đồng chí Lê Duẩn) và Văn (bí danh đồng chí Võ Nguyên Giáp); điện đồng gửi cho Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và Tư lệnh cánh Đông.

Được lệnh, 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Quân đoàn 2 nổ súng đánh chiếm cầu Biên Hòa. Các chiến đoàn cơ giới của Sư đoàn 304, được tăng cường xe tăng của Quân đoàn tiến nhanh vào Sài Gòn, tiếp sau là đội hình của Quân đoàn. Vì là lực lượng có sức đột kích mạnh, nên dù địch cố gắng tung xe tăng và bộ binh đánh chặn quyết liệt, song đã bị quân ta tiêu diệt nhanh và được sự dẫn đường của biệt động Sài Gòn, Quân đoàn 2 nhanh chóng chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các địch.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn, chúng ta thêm một lần được bày tỏ sự mến mộ đối với một vị tướng tài ba, đức độ, một người cộng sản đã dành trọn đời mình vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, chúng ta cũng thêm một lần được nhắc lại những cống hiến của Đại tướng đối với sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng chuẩn bị lực lượng và triển khai thế trận của chiến tranh nhân dân vẫn là một vấn đề rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng về đường lối và chiến lược. Muốn vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thường xuyên củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù. Quá trình xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại chính là quá trình xây dựng khối chủ lực ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm các quân, binh chủng hiện đại để tạo nên những quả đấm mạnh, tiêu biểu cho sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc…

Bài học về nghệ thuật quân sự tiến công, về tác chiến chiến lược, về kết hợp tiến công quân sự với các mặt tiến công khác vẫn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề là phải biết vận dụng và phát huy phù hợp với tính chất, đặc điểm của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và điều kiện thực tế của đất nước ta, của quân đội ta.

Item 1 of 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" cho Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" cho Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn, chúng ta thêm một lần được bày tỏ sự mến mộ đối với một vị tướng tài ba, đức độ, một người cộng sản đã dành trọn đời mình vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, chúng ta cũng thêm một lần được nhắc lại những cống hiến của Đại tướng đối với sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng chuẩn bị lực lượng và triển khai thế trận của chiến tranh nhân dân vẫn là một vấn đề rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng về đường lối và chiến lược. Muốn vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thường xuyên củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù. Quá trình xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại chính là quá trình xây dựng khối chủ lực ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm các quân, binh chủng hiện đại để tạo nên những quả đấm mạnh, tiêu biểu cho sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc…

Bài học về nghệ thuật quân sự tiến công, về tác chiến chiến lược, về kết hợp tiến công quân sự với các mặt tiến công khác vẫn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề là phải biết vận dụng và phát huy phù hợp với tính chất, đặc điểm của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và điều kiện thực tế của đất nước ta, của quân đội ta.

Nội dung: Trung tướng Trần Đơn,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7

Hội thảo khoa học “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Bộ Quốc phòng tổ chức.

Ngày xuất bản: 25/12/2024
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, QĐND

Đại tướng Lê Trọng Tấn thăm mặt trận trong Chiến tranh Biên giới phía bắc.

Đại tướng Lê Trọng Tấn thăm mặt trận trong Chiến tranh Biên giới phía bắc.