tuổi 91, Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng - vẫn nhớ rõ từng câu chuyện trong hành trình dài ông trực tiếp cầm súng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ trải qua những vị trí công tác từ chiến sĩ liên lạc, tổ trưởng 3 người cho đến cán bộ cấp sư đoàn, quân khu, rồi Tổng Tham mưu trưởng... Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ông đã dành cho Báo Nhân Dân cuộc trò chuyện chung quanh sự kiện lịch sử này.

Đại tướng Phạm Văn Trà chia sẻ: Năm 1949, khi tôi 14 tuổi, chiến tranh đã lan đến quê hương tôi. Giặc Pháp thường xuyên càn quét. Tôi không thể quên một ngày của năm 1952, trong một trận càn cha tôi bị gãy chân, chú tôi bị bắn chết. Một năm sau, giặc lại xông vào nhà, cha tôi gãy chân không thể chạy được, bị giặc bắn chết. Lúc đó, tôi đang là du kích nghe tin chạy về ôm lấy thi thể cha còn ấm nóng. Tôi cố kìm nước mắt, trong lòng trào dâng căm thù. 17 tuổi, vốn thấp bé nhẹ cân, tôi bỏ đá vào quần, khai thêm một tuổi để đủ điều kiện đi bộ đội trả thù nhà nợ nước. Tôi vào bộ đội, tham gia trung đoàn của liên khu Việt Bắc đánh vào vùng địch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Năm 1963, chúng tôi được cấp trên gọi vào miền nam. Sau 7 tháng hành quân, chúng tôi đến miền Tây Nam Bộ. Tôi trở thành một trong những người chỉ huy của lực lượng đầu tiên tiếp viện cho chiến trường U Minh, bắt đầu quá trình bám trụ chiến đấu ở vùng sông nước miền Tây đầy gian khó, nguy hiểm.

Ngày 30/4/1975, khi nhận tin chiến thắng cảm xúc vỡ òa, tôi lúc ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh vui mừng đến phát khóc, nghẹn ngào không thốt nên lời. Trung đoàn chúng tôi, chủ yếu là anh em từ miền bắc, những người lính xa quê mười mấy năm, luôn mang trong tim nỗi khát khao cháy bỏng: Hòa bình, đoàn tụ, bắc-nam sum họp một nhà.

Nhưng chiến thắng nào cũng phải trả giá. Ngày chúng tôi lên đường vào nam, đơn vị có 160 người, đến ngày 30/4 chỉ còn lại 16 người. Sự mất mát quá lớn, những đồng đội đã ngã xuống mãi mãi không thể trở về.

Giây phút đó, tôi thấm thía hơn bao giờ hết câu thơ của Bác Hồ, vừa mang tầm nhìn chiến lược, vừa là lời hịch non sông: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Chúng ta đã đi đến thắng lợi bằng sự kiên trì, bằng quyết tâm nắm bắt thời cơ, bằng những quyết định táo bạo nhưng chính xác. Và trên hết, là nhờ sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội nhân dân Việt Nam - một đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu.

LO CHO DÂN LÀ LO CHO QUỐC PHÒNG

Theo ông, với tư cách là người lính trực tiếp chiến đấu và từng là Bộ trưởng Quốc phòng, đâu là cội nguồn của sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội nhân dân Việt Nam?

Trung đoàn của chúng tôi là một đơn vị đặc biệt - đánh đâu thắng đó. Chính vì thế mà kẻ thù nghe đến tên đã khiếp sợ, còn nhân dân thì yêu mến, tin tưởng. Sức mạnh của chúng tôi không chỉ đến từ vũ khí hay chiến thuật, mà còn từ sự che chở, đùm bọc của đồng bào. Nếu không có dân, trung đoàn không thể tồn tại, càng không thể chiến đấu và giành chiến thắng.

Bản thân tôi đã 9 lần bị thương, có những lần tưởng chừng không thể sống sót nếu không có nhân dân cứu giúp.

Tháng 11/1966, khi còn là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh, trong một trận tập kích, một mảnh pháo găm vào chân. May mắn thay tôi được hai mẹ con chị Sáu phát hiện đưa về nhà chăm sóc. Họ sống ngay gần đồn địch, nhưng vẫn tìm cách che giấu tôi an toàn. Khi vết thương khá hơn, chị lại tìm cách đưa tôi vượt qua các trạm gác về vùng du kích Long Mỹ an toàn để trở lại đơn vị, tiếp tục chiến đấu. Sau chiến tranh tôi cũng may mắn có cơ hội gặp lại và giúp đỡ mẹ con chị - ân nhân năm xưa.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tình hình chiến trường miền Tây Nam Bộ vô cùng ác liệt. Nhiều cơ sở bị càn quét, địch lập thêm đồn bốt, siết chặt vòng vây, cắt đứt đường tiếp tế. Chúng tôi đứng giữa muôn trùng khó khăn. Nhưng giữa lúc cam go nhất, nhân dân vẫn tìm mọi cách tiếp tế, che chở, để trung đoàn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Chính những ngày tháng ấy, chúng tôi mới thấm thía thế nào là tình quân dân, nghĩa đồng bào. Càng hiểu sâu sắc lời Bác Hồ dạy: Có dân là có tất cả, “Không có dân thì không có bộ đội”. Sức mạnh của quân đội chính là nhân dân. Chỉ khi dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt, chúng ta mới có thể đi đến chiến thắng.

Khối sĩ quan phòng không-không quân tham gia hợp luyện chiều 13/3, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khối sĩ quan phòng không-không quân tham gia hợp luyện chiều 13/3, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khối nữ sĩ quan quân y trong buổi hợp luyện chiều 13/3, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khối nữ sĩ quan quân y trong buổi hợp luyện chiều 13/3, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Ngày 30/4/1975, khi nhận tin chiến thắng cảm xúc vỡ òa, tôi lúc ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh vui mừng đến phát khóc, nghẹn ngào không thốt nên lời.

Hợp luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ảnh: THÀNH ĐẠT

Hợp luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Ảnh: THÀNH ĐẠT

Từ cội nguồn sức mạnh đó, ông nghĩ gì về chính sách quốc phòng và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay?

Thời bình mà dân vẫn nghèo khó thì quân đội cũng không thể lớn mạnh. Lo cho dân chính là lo cho quốc phòng.

Thời Lý-Trần, sau mỗi cuộc chiến, triều đình thực hiện chính sách “ngự binh ư nông” - cho binh sĩ luân phiên về quê làm ruộng khi đất nước thái bình, khi có giặc thì huy động toàn quân. Chính nhờ chính sách này, nhờ dựa vào dân, lo cho dân mà nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới khi đó.

Khi tôi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng dặn dò phải lo cho dân, quân ít nhưng lo cho dân thì dân đủ sức giữ lấy nước. Với tinh thần đó, dưới sự tham mưu của Đại tướng Lê Đức Anh, vào những năm 1991-1992, Đảng và Nhà nước quyết định tinh giản quân số theo phương châm “xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Tôi từng xem một vở kịch về Hồ Quý Ly - vị vua chỉ tập trung vào quân sự. Khi quân Minh xâm lược, chống đỡ không nổi, Hồ Quý Ly chạy về thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, quỳ xuống than trời: “Tại sao ta phù đất nước như vậy mà trời đất không phù hộ?”. Hồ Nguyên Trừng - con trai ông - đáp một câu mà tôi nhớ mãi: “Bệ hạ chỉ lo cho quốc phòng mà không lo cho người cầm vũ khí. Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”.

Hơn 13 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia tổng hợp luyện cho Đại lễ 30/4 trong buổi tổng hợp luyện 36 khối lực lượng vũ trang tham gia diễu binh trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), ngày 16/4/2025.

Hơn 13 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham gia tổng hợp luyện cho Đại lễ 30/4 trong buổi tổng hợp luyện 36 khối lực lượng vũ trang tham gia diễu binh trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), ngày 16/4/2025.

Người cầm súng chính là dân. Vì vậy, Bác Hồ mới có tư tưởng xây dựng quân đội rất đúng đắn: “Người trước, súng sau”. Từ xa xưa, những bậc anh hùng dân tộc đã thấu hiểu chân lý ấy. Trước khi mất, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn căn dặn Vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi, khi viết Bình Ngô đại cáo, đã khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Khi được Vua Lê Thái Tông giao soạn lễ nhạc cung đình, Nguyễn Trãi tâu: “Xin hãy lo cho dân trước, sao cho khắp thôn cùng, xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu, đó mới là cái gốc của lễ nhạc”.

Mới đây, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông - một chính sách nhân văn, cũng chính là khoan thư sức dân. Nếu trong tương lai, chúng ta tiếp tục nỗ lực để miễn phí khám, chữa bệnh, thì đó sẽ là niềm vui lớn cho nhân dân. Bởi vì nếu dân không giàu, nước không thể mạnh. Nếu dân không vững, quốc gia không thể trường tồn. Chính nhân dân quyết định số phận của đất nước.

MUỐN ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU PHẢI CÓ TƯ DUY ĐỔI MỚI

Các khối tham gia hợp luyện gồm: Khối cờ Đảng - cờ Tổ quốc, khối nữ quân nhạc, khối sĩ quan lục quân, khối sĩ quan hải quân, khối sĩ quan phòng không-không quân... trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chiều 13/3/2025, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội).

Các khối tham gia hợp luyện gồm: Khối cờ Đảng - cờ Tổ quốc, khối nữ quân nhạc, khối sĩ quan lục quân, khối sĩ quan hải quân, khối sĩ quan phòng không-không quân... trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chiều 13/3/2025, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội).

Màn xếp hình nghệ thuật với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chiều 13/3/2025, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội).

Màn xếp hình nghệ thuật với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” trong buổi kiểm tra hợp luyện các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chiều 13/3/2025, tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội).

Hiện nay, tình hình an ninh và địa chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông, trong bối cảnh này, chúng ta cần làm gì để giữ được nền hòa bình bền vững?

Tôi cho rằng, để có một nền hòa bình bền vững thì người đứng đầu và đường lối đối ngoại rất quan trọng. Nếu đường lối đối ngoại khôn khéo thì chúng ta thêm bạn, bớt thù. Vì thế, Bộ Ngoại giao có vai trò to lớn. Bên cạnh đó vẫn phải có quân đội mạnh, nhưng cần cân đối hợp lý để có nguồn lực lo cho dân. Bộ đội thời bình, làm sao công tác dân vận thật tốt, lo cho dân, gắn với dân, đặc biệt ở những vùng phên dậu của Tổ quốc.

Chúng ta đã có chính sách hòa giải, hòa hợp đoàn kết dân tộc. Để thực hiện điều đó, phải mang công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người. Độc lập rồi mà không có dân chủ, không có công bằng thì không ý nghĩa.

Ngay cả cựu thù như nước Mỹ, giờ đây chúng ta đã trở thành bạn, thành đối tác chiến lược toàn diện. Khi tôi làm Trung đoàn trưởng, trong một trận phục kích bắt được 2 Tiểu đoàn trưởng người Mỹ, trong bối cảnh chung quanh toàn đồn địch, tôi đã tha cho họ. Sau này, họ có thông tin về tôi, viết thư mời tôi sang Mỹ. Con gái một trong hai người nói: “Bố cháu nhớ ơn bác, nếu hồi đó bác bắt được mà không tha mạng thì không có chúng cháu bây giờ”. Mới đây hai người Mỹ từng là tù binh của tôi ngày nào, một ở tuổi 93, một ở tuổi 92 đưa ông già Việt Nam là tôi, ở tuổi 91 đi du lịch khắp nước Mỹ.

Tương lai đất nước bây giờ thuộc về thế hệ trẻ, làm sao giữ lấy hòa bình, không để xảy ra chiến tranh. Muốn vậy, trước hết phải hiểu và biết quý giá những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh. Tôi đã xây dựng đền thờ liệt sĩ của Trung đoàn tôi. Trung đoàn 3 lần anh hùng nhưng hy sinh rất nhiều, vì vùng Tây Nam Bộ đồng nước, không có công sự, nên khi trực thăng địch càn quét, rất khó ẩn nấp. Một trung đoàn mà 13 cán bộ trung đoàn, 49 cán bộ tiểu đoàn, hơn 100 cán bộ đại đội hy sinh. Tôi cũng đang chuẩn bị làm đền thờ liệt sĩ quân Thủ đô. Có khoảng 200 nghìn người Hà Nội tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh khoảng 85 nghìn người, trong đó có hàng vạn sinh viên. Từ khi về hưu đến nay, tôi đã chủ trì xây dựng được 27 công trình lịch sử, tâm linh ý nghĩa.

Trung đoàn của chúng tôi là một đơn vị đặc biệt - đánh đâu thắng đó. Chính vì thế mà kẻ thù nghe đến tên đã khiếp sợ, còn nhân dân thì yêu mến, tin tưởng. Sức mạnh của chúng tôi không chỉ đến từ vũ khí hay chiến thuật, mà còn từ sự che chở, đùm bọc của đồng bào. Nếu không có dân, trung đoàn không thể tồn tại, càng không thể chiến đấu và giành chiến thắng.

Đại tướng Phạm Văn Trà
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng

Cuộc đời ông đã trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước, từ chiến tranh đến hòa bình, từ thời bao cấp đến công cuộc đổi mới. Theo ông, liệu Việt Nam đã hội đủ điều kiện để vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Tôi tin rằng, Việt Nam đã có đủ điều kiện để vươn mình mạnh mẽ. Trước đây, bộ máy cồng kềnh, tỉnh nhỏ, quản lý yếu, trình độ cán bộ chưa cao. Giao thông hạn chế, thông tin liên lạc khó khăn, việc triển khai chính sách nhiều khi chậm chạp, rời rạc. Nhưng bây giờ thời thế thay đổi, điều kiện cũng thay đổi. Chúng ta đang tinh gọn bộ máy: Bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh, tinh giản biên chế để tập trung nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển.

Muốn phát triển, trước hết phải ổn định. Mà muốn ổn định, không có cách nào khác ngoài việc được dân ủng hộ. Khi người dân đồng lòng, không gì là không thể!

Muốn đất nước vươn lên, người đứng đầu phải có tư duy đổi mới. Lần này, đại hội đảng các cấp phải chọn được những người giỏi, dám nghĩ, dám làm vào cấp ủy thì đất nước mới có cơ hội bứt phá. Đồng thời, cũng cần có một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thực chất hơn. Tôi nghĩ, đã là cán bộ, trước hết phải làm gương.

Tôi nhớ khi mới vào Tây Nam Bộ, dù là Tham mưu trưởng kiêm Phó tiểu đoàn trưởng, theo cơ cấu đáng lẽ tôi sẽ vào cấp ủy tiểu đoàn. Trong cuộc họp Đảng, Tiểu đoàn trưởng đề cử tôi vào danh sách bầu cử. Nhưng lúc đó, một đồng chí Đại đội trưởng người Nam Bộ đứng lên nói thẳng: “Tôi đề nghị chưa bầu anh Ba Trà, vì anh mới vào, chưa từng chiến đấu. Để anh chiến đấu vài ba trận rồi bổ sung sau”. Các đại đội trưởng khác cũng đồng tình. Tôi không phản bác, chỉ âm thầm chứng minh mình xứng đáng. Khi xung trận, tôi luôn xung phong đi đầu, chiến đấu hết mình. Sau vài trận, anh em thấy phẩm chất, tin tưởng bầu tôi vào cấp ủy.

Vậy nên, đừng thành kiến với những người phản đối mình. Phản biện là điều vô cùng quan trọng. Không có phản biện, làm sao có đổi mới?

Xin trân trọng cảm ơn Đại tướng!

Nội dung: Phùng Nguyên
Trình bày:
Nam Đông - Phùng Trang
Ảnh:
Thành Đạt; Sơn Tùng; Tuấn Huy